Luật Giao thông đường bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2001/Chương V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Giao thông đường bộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2001  (2001) 
của Quốc hội Việt Nam
Chương V: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Điều 53. Điều kiện của người lái xe cơ giới tham gia giao thông[sửa]

  1. Người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
  2. Người lái xe phải bảo đảm độ tuổi, sức khoẻ theo quy định của Luật này.
  3. Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

Điều 54. Giấy phép lái xe[sửa]

  1. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.
  2. Giấy phép lái xe không thời hạn gồm các hạng:
    a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
    b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép hạng A1;
    c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép hạng A1 và các xe tương tự.
  3. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng:
    a) Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1000 kg;
    b) Hạng B1 cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3500 kg;
    c) Hạng B2 cấp cho người lái xe chuyên nghiệp, lái các xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3500 kg;
    d) Hạng C cấp cho người lái các xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép hạng B1, B2;
    e) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép hạng B1, B2, C;
    f) Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép hạng B1, B2, C, D;
    g) Giấy phép lái xe hạng FB2, FC, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép hạng này khi kéo rơ moóc.
  4. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước.
  5. Giấy phép lái xe bị thu hồi có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn theo quy định của Chính phủ.

Điều 55. Tuổi và sức khoẻ của người lái xe[sửa]

  1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau :
    a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3;
    b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
    c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3500 kg trở lên; taxi khách; xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi;
    d) Người đủ 25 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;
    e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
  2. Người lái xe phải có sức khoẻ phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe và quy định việc khám sức khoẻ định kỳ đối với người lái xe ô tô.

Điều 56. Đào tạo lái xe, sát hạch để cấp giấy phép lái xe[sửa]

  1. Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe.
  2. Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo.
  3. Việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện cho những trường hợp sau đây:
    a) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B1 lên hạng B2;
    b) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B2 lên hạng C hoặc lên hạng D;
    c) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D hoặc lên hạng E;
    d) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D lên hạng E;
    e) Nâng hạng giấy phép lái xe từ các hạng B2, C, D, E lên các hạng giấy phép lái các xe tương ứng có kéo rơ moóc.
  4. Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe ngoài việc phải bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này còn phải có đủ thời gian và số cây số lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.
  5. Việc đào tạo lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên và lái xe kéo rơ moóc chỉ được thực hiện bằng hình thức đào tạo nâng hạng với các điều kiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
  6. Cơ sở đào tạo lái xe phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được cấp phép theo quy định.
  7. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe ô tô phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe. Các trung tâm sát hạch lái xe phải được xây dựng theo quy hoạch, có đủ cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo quy định.
  8. Người sát hạch lái xe phải có thẻ sát hạch viên theo quy định và phải chịu trách nhiệm về kết quả sát hạch của mình.

Người đã qua đào tạo và đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển.

Trường hợp giấy phép lái xe có thời hạn, trước khi hết thời hạn sử dụng người lái xe phải khám sức khoẻ và làm các thủ tục theo quy định để được đổi giấy phép lái xe.

  1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về nội dung, chương trình đào tạo; sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc tổ chức đào tạo; sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Điều 57. Điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông[sửa]

  1. Phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ, có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng do cơ sở đào tạo người điều khiển xe máy chuyên dùng cấp.
  2. Có độ tuổi và sức khoẻ phù hợp với ngành nghề lao động.

Điều 58. Điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông[sửa]

  1. Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.
  2. Có sức khoẻ bảo đảm điều khiển xe an toàn.