Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017
Chương III. TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Chương III
TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Điều 21. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Xây dựng dự toán ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Ban hành theo thẩm quyền chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Thực hiện vai trò điều phối, xác định mục tiêu, đối tượng, trọng tâm hỗ trợ để xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi toàn quốc; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ bố trí nguồn vốn chi đầu tư phát triển để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ và cơ quan ngang Bộ khác xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Hướng dẫn về thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; việc thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ bố trí nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Công bố thông tin về việc chấp hành pháp luật về thuế, hải quan và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 24. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

c) Tổ chức việc thống kê và công bố thông tin về doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;

đ) Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 25. Trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh

1. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11, khoản 4 Điều 18 của Luật này;

b) Ban hành chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; quyết định dự toán ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Giám sát việc tuân theo pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và tổ chức triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh;

b) Kiểm tra, đánh giá công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tôn vinh doanh nghiệp nhỏ và vừa có thành tích, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều 26. Trách nhiệm của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

4. Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 27. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các điều kiện, cam kết với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ các thủ tục hành chính.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, đầy đủ và chính xác cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để chứng minh, xác nhận việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp theo hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư thành lập, quản lý và vận hành tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hình thức đối tác công tư hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Cung cấp thông tin, tài liệu về doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp.

2. Tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

3. Thực hiện đúng cam kết với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Bố trí nguồn lực đối ứng để tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ.

Điều 29. Công khai thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện công khai nội dung, chương trình, kết quả thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các thông tin khác có liên quan.

2. Việc công khai thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Niêm yết công khai tại cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Việc công khai thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nội dung, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại khoản 1 Điều này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 30. Kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân tài trợ kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm:

a) Việc lựa chọn đối tượng hỗ trợ; việc thực hiện trình tự, thủ tục và nội dung hỗ trợ;

b) Việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ, tài trợ;

c) Việc thực hiện công khai thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 29 của Luật này.

Điều 31. Đánh giá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện nội dung, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, tác động dự kiến đối với đối tượng hỗ trợ và công khai kết quả đánh giá theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ tổ chức đánh giá độc lập tác động của nội dung, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 32. Xử lý vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Quyết định xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện hỗ trợ và Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.