Luật Lâm nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017/Chương V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương V
PHÁT TRIỂN RỪNG

Điều 44. Phát triển giống cây lâm nghiệp

1. Thiết lập hệ thống rừng giống quốc gia để lưu giữ nguồn gen, cung ứng nguồn giống chất lượng cao bền vững.

2. Xây dựng, nâng cấp rừng giống, vườn giống, vườn cây đầu dòng; đối với cây trồng chính, chỉ đưa vào sản xuất, kinh doanh giống, nguồn giống, vật liệu giống được công nhận.

3. Nâng cao phẩm chất di truyền, chọn, tạo giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt, đáp ứng yêu cầu kinh doanh lâm sản và thích ứng với biến đổi khí hậu.

4. Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chọn, tạo, nhân giống cây trồng lâm nghiệp cho năng suất, chất lượng cao; tăng cường năng lực quản lý, điều hành sản xuất, cung ứng giống; nâng cao nhận thức về giống cây lâm nghiệp cho người dân và cơ quan, tổ chức.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục giống cây trồng chính; trình tự, thủ tục công nhận giống, nguồn giống, vật liệu giống.

Điều 45. Biện pháp lâm sinh

1. Biện pháp lâm sinh bao gồm:

a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung;

b) Nuôi dưỡng, làm giàu rừng;

c) Cải tạo rừng tự nhiên;

d) Trồng rừng mới, trồng lại rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 46. Phát triển rừng đặc dụng

1. Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Duy trì cấu trúc rừng tự nhiên, bảo đảm sự phát triển tự nhiên của rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng;

b) Phục hồi cấu trúc rừng tự nhiên; áp dụng biện pháp kết hợp tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng, trồng loài cây bản địa trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng;

c) Cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài sinh vật.

2. Đối với khu bảo vệ cảnh quan, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Duy trì diện tích rừng hiện có;

b) Áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng để nâng cao chất lượng rừng.

3. Đối với khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, thực hiện hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do chủ rừng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

4. Đối với rừng giống quốc gia, thực hiện hoạt động để duy trì và phát triển rừng theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5. Đối với vườn thực vật quốc gia, thực hiện hoạt động sưu tập, chọn lọc, lưu giữ, gây trồng loài cây bản địa gắn với nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, tham quan du lịch.

Điều 47. Phát triển rừng phòng hộ

1. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, duy trì và hình thành cấu trúc rừng bảo đảm chức năng phòng hộ.

2. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Bảo vệ, kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng;

b) Trồng rừng ở nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.

3. Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Thiết lập đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng;

b) Áp dụng biện pháp trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.

Điều 48. Phát triển rừng sản xuất

1. Duy trì diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có; phục hồi rừng tự nhiên ở những diện tích trước đây đã khai thác mà chưa đạt tiêu chí thành rừng; chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi.

2. Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.

3. Khuyến khích trồng rừng hỗn loài, lâm sản ngoài gỗ; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.

Điều 49. Trồng cấy thực vật rừng, gây nuôi phát triển động vật rừng

1. Tổ chức, cá nhân trồng cấy nhân tạo và gây nuôi các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật rừng, động vật rừng thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; động vật rừng thông thường phải bảo đảm điều kiện về nguồn giống hợp pháp, cơ sở nuôi bảo đảm an toàn với người và động vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, không ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn quần thể loài trong môi trường tự nhiên.

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp phép trồng cấy nhân tạo và gây nuôi các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thực vật rừng, động vật rừng thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài động vật rừng thông thường.

Điều 50. Trồng cây phân tán

1. Trồng cây phân tán là trồng cây ngoài diện tích rừng để tăng diện tích cây xanh, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, kết hợp cung cấp gỗ, củi và dịch vụ du lịch.

2. Cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, phát động toàn dân thực hiện phong trào trồng cây phân tán; tổ chức trồng, quản lý, bảo vệ cây phân tán tại đô thị, nông thôn, khu công nghiệp.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây phân tán.

Điều 51. Kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng

1. Hệ thống đường lâm nghiệp bao gồm đường vận xuất, vận chuyển lâm sản, đường tuần tra bảo vệ rừng; kho, bến bãi tập kết lâm sản.

2. Công trình phòng, trừ sinh vật gây hại rừng, cứu hộ, bảo vệ, phát triển động vật rừng, thực vật rừng.

3. Công trình phòng cháy và chữa cháy rừng bao gồm đường ranh cản lửa, chòi canh lửa rừng, trạm quan sát, dự báo lửa rừng; kênh, mương, bể chứa nước, đập, hồ chứa nước phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Trạm bảo vệ rừng; biển báo, biển cảnh báo, cọc mốc ranh giới khu rừng, tiểu khu, khoảnh và lô rừng.

5. Công trình kết cấu hạ tầng cần thiết khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng.