Bước tới nội dung

Luật Nghĩa vụ quân sự nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1960 (sửa đổi, bổ sung 1965)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Luật Nghĩa vụ quân sự nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Loại Từ Ngày hiệu lực Thay thế cho Sửa đổi bởi Bản mới hơn Hiệu lực
Hợp nhất Luật 1960
Sửa đổi 1962
Sửa đổi 1965
25/4/1965 Hợp nhất 1962 - Luật 1981 Hết

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, nay quy định những điều sửa đổi và bổ sung sau đây về Luật nghĩa vụ quân sự ngày 15 tháng 4 năm 1960 đã được sửa đổi và bổ sung lần thứ nhất bằng Luật ngày 26 tháng 10 năm 1962.

Chương I: Nguyên tắc chung

[sửa]

Điều 1

[sửa]

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đối với Tổ quốc.

Những công dân nam giới từ mưới tám đến bốn mươi lăm tuổi, không phân biệt dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội và trình độ văn hoá, đều có nghĩa vụ quân sự.

Điều 2

[sửa]

Không được làm nghĩa vụ quân sự:

  • Những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền công dân;
  • Những người đang ở trong thời gian bị giam giữ hoặc bị quản chế.

Điều 3

[sửa]

Nghĩa vụ quân sự chia làm hai ngạch: tại ngũ và dự bị. Làm nghĩa vụ quân sự là tham gia quân đội thường trực hoặc tham gia quân dự bị.

Điều 4

[sửa]

Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị gồm có sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ.

Hạ sĩ quan và binh sĩ gồm các cấp bậc sau đây:

  • Hạ sĩ quan: thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ.
  • Binh sĩ: binh nhất, binh nhì.

Điều 5

[sửa]

Hạ sĩ quan và binh sĩ chuyển sang ngạch dự bị vẫn được giữ cấp bậc cũ.

Điều 6

[sửa]

Hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ trong ngạch dự bị đến hết bốn mươi lăm tuổi thì hết hạn làm nghĩa vụ quân sự.

Thời hạn phục vụ của sĩ quan theo như quy định trong luật về chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 4 năm 1958.

Điều 7

[sửa]

Lứa tuổi tuyển vào quân đội thường trực trong thời bình là từ mười tám đến hai mươi nhăm tuổi, trong thời chiến là từ mười tám đến bốn nhăm tuổi.

Việc lần lượt gọi các lứa tuổi ra phục vụ tại ngũ trong thời chiến do Hội đồng quốc phòng định.

Điều 8

[sửa]

Những quân nhân đang phục vụ theo chế độ tình nguyện sẽ dần dần được phục viên và chuyển sang dự bị, hoặc giải ngạch nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu đặc biệt về xây dựng quân đội và tác chiến, Bộ quốc phòng được phép thực hiện chế độ tình nguyện đối với một số hạ sĩ quan và binh sĩ.

Chương II: Chế độ phục vụ của quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị

[sửa]

Điều 9

[sửa]

Sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị phục vụ theo chế độ quy định trong luật về chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 4 năm 1958, và những điều khoản có liên quan đến sĩ quan trong Luật này.

Điều 10

[sửa]

Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ trong bộ đội lục quân là 4 năm.

Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ trong bộ đội phòng không - không quân, của hạ sĩ quan và binh sĩ trong bộ đội hải quân, của hạ sĩ quan kỹ thuật và binh sĩ kỹ thuật trong bộ đội lục quân là 5 năm.

Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc các binh chủng kỹ thuật trong Công an nhân dân vũ trang theo như thời hạn phục vụ tại ngũ của các binh chủng, quân chủng trong Quân đội nhân dân.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Bộ trưởng Bộ công an có thể kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân thuộc quyền mình; mỗi lần kéo dài thời hạn phục vụ không được quá 1 năm.

Điều 11

[sửa]

Hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ có thể được điều động từ quân chủng, binh chủng này sang quân chủng, binh chủng khác; sang quân chủng, binh chủng nào thì theo thời hạn phục vụ ở quân chủng, binh chủng ấy. Thời gian đã phục vụ ở quân chủng, binh chủng, trước được tính vào thời hạn phục vụ ở quân chủng, binh chủng sau.

Điều 12

[sửa]

Hạ sĩ quan và binh sĩ đã hết hạn tại ngũ có thể tình nguyện đăng lại một thời hạn ít nhất là một năm.

Điều 13

[sửa]

Ngạch dự bị của hạ sĩ quan và binh sĩ chia làm hai hạng: dự bị hạng một và dự bị hạng hai.

Hạ sĩ quan và binh sĩ hết hạn phục vụ tại ngũ được xếp vào dự bị hạng một. Những công dân khác trong lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự được xếp vào dự bị hạng hai.

Điều 14

[sửa]

Hạ sĩ quan và binh sĩ tại ngũ bị bệnh, bị thương, bị tàn phế phế, không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục phục vụ trong quân đội, sau khi được thủ trưởng đơn vị bộ đội có thẩm quyền chuẩn y, thì được thoái ngũ.

Điều 15

[sửa]

Những quân nhân dự bị hết hạn tuổi làm nghĩa vụ quân sự, hoặc bị bệnh, bị thương, bị tàn phế, không còn đủ sức khoẻ để làm nghĩa vụ quân sự, sau khi được cơ quan quân sự có thẩm quyền chuẩn y, thì được giải ngạch nghĩa vụ quân sự.

Chương III: Đang ký nghĩa vụ quân sự, thống kê và quản lý quân nhân dự bị

[sửa]

Điều 16

[sửa]

Hàng năm vào khoảng năm ngày đầu tháng giêng dương lịch, những công dân nam giới đủ mười tám tuổi tính đến ngày mồng 1 tháng giêng dương lịch, phải đến Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố nơi mình ở để được kiểm tra sơ bộ thân thể và đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 17

[sửa]

Phụ nữ từ mười tám đến bốn mươi lăm tuổi có kỹ thuật chuyên môn cần cho quân đội cũng đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Điều 18

[sửa]

Quân nhân phục viên khi về đến nơi ở hoặc nơi công tác phải đến cơ quan quân sự địa phương để đăng ký vào ngạch dự bị.

Điều 19

[sửa]

Quân nhân dự bị là công nhân, viên chức trong thời gian đi đăng ký nghĩa vụ quân sự vẫn được hưởng lương.

Điều 20

[sửa]

Những quân nhân dự bị khi hết hạn tuổi làm nghĩa vụ quân sự, khi không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục làm nghĩa vụ quân sự, khi thay đổi trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đơn vị công tác, chỗ ở, phải đến báo cáo với Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố nơi mình ở xin giải ngạch nghĩa vụ quân sự hoặc thay đổi đăng ký.

Điều 21

[sửa]

Bộ Quốc phòng lãnh đạo việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị trong toàn quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính, cơ quan quân sự địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê và quản lý quân nhân dự bị trong địa phương mình.

Thủ trưởng các cơ quan, trường học, xí nghiệp, nông trường, công trường có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê quân nhân dự bị thuộc đơn vị mình theo sự hướng dẫn của các cơ quan quân sự địa phương.

Chương IV: Tuyển binh

[sửa]

Điều 22

[sửa]

Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tình hình của các địa phương, Chính phủ ấn định tổng số người cần tuyển vào quân đội thường trực và quyết định những biện pháp cần thiết để tiến hành việc tuyển binh.

Điều 23

[sửa]

Hàng năm tiến hành tuyển binh một lần vào khoảng thời gian từ mồng 1 tháng 12 năm trước đến ngày 28 tháng 2 năm sau. Trong trường hợp cần thiết Chính phủ có thể quyết định thay đổi thời gian tuyển binh.

Điều 24

[sửa]

Kể từ ngày công bố lệnh tuyển binh, những người trong lứa tuổi tuyển vào quân đội thường trực muốn thay đổi chỗ ở sang địa phương khác phải được Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố mình đang ở đồng ý.

Điều 25

[sửa]

Việc kiểm tra thân thể để tuyển binh do Bộ Y tế phụ trách theo tiêu chuẩn do Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế quy định.

Điều 26

[sửa]

Những người trong lứa tuổi tuyển binh đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu bị đau yếu không thể đến trạm tuyển binh được và được Uỷ ban hành chính xã, thị xã, thị trấn, khu phố chứng nhận, thì có thể được hoãn đến kỳ tuyển binh năm sau.

Điều 27

[sửa]

Những người trong lứa tuổi tuyển binh đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu là người lao động duy nhất của gia đình, hoặc là con một, thì có thể được Uỷ ban hành chính huyện, thị xã, châu thuộc khu tự trị, quận và khu phố ở các thành phố trực thuộc Trung ương xét và cho miễn phục vụ tại ngũ.

Những trường hợp khác cần miễn hoặc hoãn gọi ra phục vụ tại ngũ sẽ do Chính phủ quy định.

Điều 27b

[sửa]

Bộ trưởng Bộ quốc phòng lãnh đạo công tác tuyển binh trong toàn quốc.

Uỷ ban hành chính các cấp lãnh đạo cơ quan quân sự địa phương và các ngành có liên quan ở địa phương tổ chức thực hiện việc tuyển binh trong địa phương mình.

Thủ trưởng các cơ quan, trường học, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các tổ chức khác có nhiệm vụ bảo đảm cho công tác tuyển binh trong tổ chức của mình tiến hành được tốt.

Chương V: Huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị

[sửa]

Điều 28

[sửa]

Sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị hàng năm phải tham gia huấn luyện quân sự theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan kỹ thuật dự bị, binh sĩ kỹ thuật dự bị và những người được chọn để đào tạo thành sĩ quan dự bị mỗi năm phải tham gia huấn luyện quân sự hai mươi nhăm ngày.

Hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị bộ binh mỗi năm phải tham gia huấn luyện quân sự mười lăm ngày.

Trong trường hợp thật cần thiết, Hội đồng Chính phủ quyết định việc tổ chức huấn luyện quân sự tập trung cho quân nhân dự bị trong một thời gian không quá tám tháng.

Điều 29

[sửa]

Đối với quân nhân dự bị là công nhân, viên chức, Chính phủ sẽ quy định việc trả lương trong thời gian tham gia huấn luyện quân sự.

Đối với quân nhân dự bị không ở trong trường hợp nói trên, khi cần thoát ly sản xuất để tham gia huấn luyện quân sự tập trung, Chính phủ sẽ quy định việc giúp đỡ.

Điều 30

[sửa]

Đối với sinh viên, học sinh các trường đại học, các trường chuyên nghiệp trung cấp thì việc huấn luyện quân sự thuộc chương trình giáo dục do Chính phủ quy định.

Điều 31

[sửa]

Bộ Quốc phòng lãnh đạo việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị trong toàn quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính, cơ quan quân sự địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị trong địa phương mình.

Thủ trưởng các cơ quan, trường học, xí nghiệp, nông trường, công trường có nhiệm vụ tổ chức việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị thuộc đơn vị mình theo sự hướng dẫn của các cơ quan quân sự địa phương.

Chương VI: Động viên thời chiến

[sửa]

Điều 32

[sửa]

Sau khi Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà công bố lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng ra các mệnh lệnh cần thiết để thực hiện.

Uỷ ban hành chính các cấp có nhiệm vụ thi hành mệnh lệnh động viên của Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Thủ trưởng các cơ quan, trường học, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các tổ chức khác có nhiệm vụ bảo đảm cho quân nhân dự bị thuộc tổ chức của mình chấp hành lệnh động viên được nhanh chóng.

Điều 32b

[sửa]

Việc gọi quân nhân dự bị ra phục vụ tại ngũ trong thời chiến quy định như sau:

Thủ tướng Chính phủ ra lệnh gọi sĩ quan dự bị cấp tướng;

Bộ trưởng Bộ quốc phòng ra lệnh gọi quân nhân dự bị từ cấp tá trở xuống;

Theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra lệnh gọi quân nhân dự bị từ cấp uý trở xuống;

Theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, khu phố ra lệnh gọi hạ sĩ quan và binh sĩ dự bị.

Điều 33

[sửa]

Sau khi lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ được công bố:

  • Tất cả những quân nhân dù sắp hết hạn tại ngũ đều phải ở lại quân đội cho đến khi có mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng cho thoái ngũ.
  • Tất cả quân nhân dự bị khi nhận được mệnh lệnh gọi ra phục vụ tại ngũ phải có mặt đúng ngày, đúng giờ, ở địa điểm đã định.

Điều 34

[sửa]

Việc hoãn gọi ra phục vụ tại ngũ trong thời chiến do Hội đồng quốc phòng quyết định.

Điều 34b

[sửa]

Trong thời bình, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng tổ chức động viên thực tập cho các địa phương, cơ quan, đơn vị sản xuất và các tổ chức khác. Những người có nghĩa vụ quân sự có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh các mệnh lệnh về động viên thực tập của Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Chủ tịch Uỷ ban hành chính địa phương.

Điều 34c

[sửa]

Trong thời bình, khi có tình hình khẩn trương nhưng chưa cần ra lệnh động viên, để kịp thời tăng cường các lực lượng vũ trang và bảo đảm cho các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng được quyền gọi một số quân nhân đã xuất ngũ, một số cán bộ và nam nữ công nhân, nhân viên kỹ thuật ra phục vụ tại ngũ.

Chương VII: Quyền lợi và nghĩa vụ của quân nhân tại ngũ và quân dân dự bị

[sửa]

Điều 35

[sửa]

Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị có tất cả mọi quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân quy định trong Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Quân nhân còn có những quyền lợi và nghĩa vụ khác quy định trong luật này và trong các điều lệnh và chế độ của quân đội.

Điều 36

[sửa]

Quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị và dân quân, tự vệ lập được công trạng sẽ được tặng thưởng huân chương, danh hiệu vinh dự, huy chương, bằng khen.

Điều 37

[sửa]

Những sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị có nhiều thành tích trong huấn luyện quân sự, hoặc trong công tác bảo vệ an ninh, củng cố quốc phòng, có thể được thăng, thưởng.

Điều 38

[sửa]

Quân nhân tại ngũ bị tàn phế, bị bệnh chết, hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ ưu đãi do Chính phủ định.

Điều 39

[sửa]

Quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự thì bản thân hoặc gia đình được hưởng một khoản trợ cấp do Chính phủ định.

Chương VIII:Điều khoản thi hành

[sửa]

Điều 40

[sửa]

Những hành vi vi phạm các điều khoản trong luật này và những hành vi làm cản trở hoặc phá hoại việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự sẽ tuỳ từng trường hợp mà bị trừng trị theo pháp luật.

Điều 41

[sửa]

Những điều khoản trong các luật lệ ban hành trước đây trái với luật này đều bãi bỏ.

Điều 42

[sửa]

Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này.


Luật này đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá III, kỳ họp thứ 2, thông qua ngày 10 tháng 4 năm 1965.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".