Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển
của Chính phủ Thụy Điển, do Cục Bản quyền tác giả dịch
Chương I: Đối tượng và phạm vi bảo hộ

Điều 1.[sửa]

Bất kỳ người nào sáng tạo ra tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật đều có quyền tác giả đối với tác phẩm đó, bất kể đó là:

1.Sự thể hiện mang tính hư cấu hoặc miêu tả trong bài viết hoặc bài nói;

2.Chương trình máy tính;

3.Tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm kịch;

4.Tác phẩm điện ảnh;

5.Tác phẩm nhiếp ảnh hoặc các tác phẩm mỹ thuật khác;

6.Tác phẩm kiến trúc hoặc tác phẩm mỹ thuật ứng dụng;

7.Tác phẩm được thể hiện dưới hình thức khác.

Bản đồ và những loại tác phẩm thiết kế mang tính mô tả khác như bản vẽ, trạm trổ, hoặc hình thức không gian ba chiều cũng được coi là tác phẩm văn học.

Những điều được quy định trong luật này liên quan đến chương trình máy tính sẽ được áp dụng với những sửa đổi thích hợp cho những tài liệu dự phòng của chương trình máy tính.

Điều 2.[sửa]

Với những giới hạn được nêu dưới đây, quyền tác giả bao gồm quyền độc quyền kiểm soát việc sao chép và cung cấp bản gốc hoặc bản sửa đổi của tác phẩm tới công chúng, việc dịch và cải biên chuyển thể tác phẩm sang loại hình văn học hoặc nghệ thuật khác, hoặc bằng các phương tiện kỹ thuật khác.

Cũng được coi là một bản sao khi những bản ghi tác phẩm được làm bằng các vật liệu có thể sao chép được.

Tác phẩm được cung cấp tới công chúng bằng hình thức biểu diễn công cộng, bán, cho thuê, cho mượn bản sao tác phẩm hoặc phân phối dưới các hình thức khác hoặc trưng bày công cộng. Buổi biểu diễn được thực hiện trong khuôn khổ của các hoạt động thương mại phục vụ cho một nhóm người tương đối rộng có quan hệ thân thiết cũng được coi là biểu diễn công cộng.

Điều 3.[sửa]

Khi tác phẩm được sao chép hoặc được cung cấp tới công chúng thì phải nêu tên tác giả của tác phẩm theo phạm vi và cách thức thông thường.

Không được thay đổi tác phẩm làm ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín cá nhân của tác giả, và cũng không được cung cấp tới công chúng theo cách thức nêu trên.

Tác giả có thể từ bỏ quyền của mình theo Điều này chỉ khi liên quan đến việc sử dụng được giới hạn cũng như tới tính chất và phạm vi của chúng.

Điều 4.[sửa]

Người thực hiện việc dịch hoặc phóng tác một tác phẩm hoặc thay đổi tác phẩm đó sang một loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật khác sẽ có quyền tác giả đối với tác phẩm ở loại hình mới đó, nhưng quyền kiểm soát của người này đối với tác phẩm mới phụ thuộc vào quyền tác giả tác phẩm gốc.

Nếu một người, không bị ràng buộc với tác phẩm khác, tạo ra một tác phẩm mới và độc lập, quyền tác giả của họ sẽ độc lập với quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Điều 5.[sửa]

Một người, bằng cách phối hợp các tác phẩm hoặc các phần tác phẩm, sáng tạo ra một tác phẩm văn học nghệ thuật hợp tuyển sẽ có quyền tác giả đối với tác phẩm đó, nhưng quyền của người này sẽ không được làm ảnh hưởng đến các quyền của các tác phẩm cấu thành.

Điều 6.[sửa]

Nếu một tác phẩm có hai hoặc nhiều tác giả, phần đóng góp của họ không tạo thành các tác phẩm độc lập, quyền tác giả thuộc về các đồng tác giả. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ đều có quyền kiện việc vi phạm bản quyền tác phẩm.

Điều 7.[sửa]

Người có tên, bút danh thông thường hoặc chữ ký xuất hiện trên bản sao của tác phẩm hoặc khi tác phẩm được cung cấp tới công chúng, nếu không có bằng chứng ngược lại, thì được coi là tác giả của tác phẩm đó.

Nếu tác phẩm được công bố mà không có tên của tác giả xuất hiện theo như cách nêu tại đoạn 1, thì người phụ trách xuất bản hoặc nhà xuất bản nếu có tên ghi trên tác phẩm, sẽ đại diện cho tác giả cho tới khi tên của tác giả được nêu trong một xuất bản phẩm mới hoặc trong một thông báo gửi tới Bộ Tư Pháp.

Điều 8.[sửa]

Tác phẩm được coi là đã cung cấp tới công chúng khi nó đã sẵn sàng cung cấp tới công chúng một cách hợp pháp.

Tác phẩm được coi là đã công bố khi bản sao của tác phẩm, với sự đồng ý của tác giả, được đưa ra bán hoặc phân phối tới công chúng dưới các hình thức khác.

Điều 9.[sửa]

Quyền tác giả không áp dụng đối với:

1.Luật và các quy định khác;

2.Các quyết định của cơ quan công quyền;

3.Các báo cáo của cơ quan công quyền Thuỵ Điển;

4.Bản dịch chính thức của các văn bản đã nêu tại khoản 1 đến 3.

Tuy nhiên, quyền tác giả áp dụng đối với các tác phẩm thuộc các thể loại sau đây khi nó là một phần của các tài liệu được nêu trong Đoạn 1:

1.Bản đồ;

2.Tác phẩm đồ hoạ, hội hoạ, trạm trổ;

3.Tác phẩm âm nhạc; hoặc

4.Tác phẩm thơ ca;

Quyền tác giả cũng áp dụng đối với những tác phẩm tạo nên một phần trong phụ lục của quyết định của cơ quan công quyền, nếu quyết định này liên quan đến quyền truy cập tài liệu công cộng khi mà tác phẩm tạo nên phần đó.

Điều 10.[sửa]

Quyền tác giả tồn tại đối với tác phẩm thậm chí nó đã được đăng ký dưới dạng kiểu dáng.

Quyền tác giả không tồn tại đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp. Các quy định đặc biệt áp dụng cho các quyền đối với các thiết kế này.