Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật của Thụy Điển
của Chính phủ Thụy Điển, do Cục Bản quyền tác giả dịch
Chương VI: Những quy định đặc biệt

Điều 50.[sửa]

Một tác phẩm văn học nghệ thuật không thể cung cấp tới công chúng dưới tên, bút danh hoặc chữ ký mà tác phẩm hoặc tác giả của tác phẩm này có thể dễ bị nhầm lẫn với tác phẩm đã cung cấp tới công chúng trước đây hoặc nhầm với tác giả của tác phẩm đó.

Điều 51.[sửa]

Nếu tác phẩm văn học nghệ thuật được biểu diễn hoặc sao chép theo một cách thức mà vi phạm đến lợi ích văn hoá, thì toà án trên cơ sở đề nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể ban hành lệnh cấm việc sử dụng này, phạt tiền. Quy định này không áp dụng trong suốt cuộc đời tác giả.

Điều 52.[sửa]

Liên quan tới hình phạt, Toà án có thể ban hành các biện pháp hợp lý nhằm ngăn chặn sự lạm dụng các bản sao là đối tượng cấm theo Điều 51 và các thiết bị chuyên được dùng để làm các bản sao này. Biện pháp này có thể là buộc tiêu huỷ hoặc thay đổi tính năng của các thiết bị đó theo các cách thức cụ thể.

Những quy định của Điều này không áp dụng đối với người có được tài sản hoặc quyền đối với thiết bị đó một cách hợp pháp.

Thiết bị nêu tại đoạn 1 có thể bị thu giữ để thực hiện các biện pháp đề cập tại Điều này; các quy định chung về giam giữ tội phạm cũng được áp dụng.

Điều 52a.[sửa]

Bất kỳ người nào muốn tiến hành việc truyền lại bằng hữu tuyến tác phẩm là một phần của buổi phát thanh, truyền hình vô tuyến và là người đề nghị một thoả thuận với tổ chức đại diện cho các chủ sở hữu quyền Thuỵ Điển hoặc với tổ chức phát thanh, truyền hình thực hiện việc phát sóng trong phạm vi Cộng đồng Châu Âu nhưng bị từ chối thoả thuận này về những điều khoản đã đề nghị, sẽ được quyền đàm phán với các tổ chức hoặc tổ chức phát thanh, truyền hình với những đề nghị tương ứng.

Bên có nhiệm vụ tham gia vào các cuộc đàm phán này, đích thân hoặc thông qua người đại diện tham dự các cuộc đàm phán này và, nếu việc này là cần thiết, đưa ra đề xuất thuyết phục cho việc giải quyết vấn đề đang đàm phán. Các bên có thể thống nhất một hình thức đám phán nào đó khác với hình thức một cuộc họp.

Bất kỳ người nào không tuân theo những quy định của đoạn 2 sẽ phải trả khoản tiền bồi thường cho những thiệt hại gây ra. Khi xem xét mức độ thiệt hại của một người nào đó thì ngoài lợi ích của họ theo quy định còn phải tính đến các trường hợp khác ngoài vấn đề kinh tế thuần tuý.