Luật Tố cáo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Tố cáo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018
Chương IV. GIẢI QUYẾT TỐ CÁO ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÁC LĨNH VỰC

Chương IV
GIẢI QUYẾT TỐ CÁO ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÁC LĨNH VỰC

Điều 41. Nguyên tắc xác định thẩm quyền

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

2. Tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.

3. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.

Điều 42. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo

1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xác minh, kết luận nội dung tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện theo quy định tại các điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 và 40 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 43 của Luật này.

Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thì việc xử lý hành vi vi phạm đó còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Trường hợp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có quy định về thời hạn giải quyết khác với quy định tại Điều 30 của Luật này thì thời hạn giải quyết tố cáo không được vượt quá thời hạn xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 43. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay

1. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Người có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo;

b) Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực mà mình quản lý, người giải quyết tố cáo tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật; việc xác minh, kiểm tra thông tin về người tố cáo được thực hiện trong trường hợp người giải quyết tố cáo thấy cần thiết cho quá trình xử lý hành vi bị tố cáo;

c) Người giải quyết tố cáo ra quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo được lập chung cùng hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.