Bước tới nội dung

Luật Thư viện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2019/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương II
THÀNH LẬP THƯ VIỆN

Mục 1
MẠNG LƯỚI THƯ VIỆN

Điều 9. Các loại thư viện

1. Thư viện bao gồm các loại sau đây:

a) Thư viện Quốc gia Việt Nam;

b) Thư viện công cộng;

c) Thư viện chuyên ngành;

d) Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân;

đ) Thư viện cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là thư viện đại học);

e) Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác;

g) Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;

h) Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

2. Thư viện được tổ chức theo các mô hình sau đây:

a) Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan, tổ chức chủ quản;

b) Thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

Điều 10. Thư viện Quốc gia Việt Nam

1. Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước.

2. Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ vĩnh viễn xuất bản phẩm, ấn phẩm báo chí được xuất bản tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; luận án tiến sĩ của công dân Việt Nam bảo vệ ở trong nước và nước ngoài; luận án tiến sĩ của người nước ngoài bảo vệ tại Việt Nam;

b) Bổ sung và phổ biến tài liệu về Việt Nam, tài liệu tiêu biểu của nước ngoài;

c) Xây dựng hệ thống thông tin thư mục quốc gia; chủ trì, phối hợp với thư viện của các Bộ, ngành và thư viện khác trong nước xây dựng Tổng mục lục Việt Nam; công bố, chia sẻ thông tin thư mục quốc gia, tài nguyên thông tin số cho thư viện có nhu cầu, trừ tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, tiếp cận thông tin, lưu trữ;

d) Nghiên cứu khoa học thông tin thư viện;

đ) Thực hiện biên mục tập trung; chủ trì, phối hợp với các thư viện xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu toàn văn, thư viện số;

e) Hợp tác, trao đổi tài nguyên thông tin với thư viện trong nước và nước ngoài; tham gia diễn đàn, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thư viện theo quy định của pháp luật;

g) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thư viện trong cả nước theo phân công và thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao.

Điều 11. Thư viện công cộng

1. Thư viện công cộng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp phục vụ Nhân dân.

2. Thư viện cấp tỉnh là thư viện trung tâm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Thu thập tài liệu cổ, quý hiếm; tài nguyên thông tin về tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số; tài nguyên thông tin của địa phương và về địa phương;

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số về địa phương; phổ biến tài nguyên thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương;

c) Hỗ trợ, hướng dẫn, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin cho người sử dụng thư viện;

d) Tổ chức khu vực đọc phục vụ trẻ em, người khuyết tật;

đ) Tham gia xây dựng thư viện công cộng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là thư viện cấp huyện), thư viện công cộng xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là thư viện cấp xã);

e) Tổ chức thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện;

g) Tổ chức triển lãm và hoạt động khác nhằm phát triển văn hóa đọc;

h) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài;

i) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho thư viện trên địa bàn theo phân công và thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

3. Thư viện cấp huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Tiếp nhận tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện từ thư viện cấp tỉnh;

b) Luân chuyển tài nguyên thông tin đến thư viện trên địa bàn;

c) Tổ chức hoạt động phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân trên địa bàn;

d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

4. Thư viện cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Tiếp nhận tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện từ thư viện cấp tỉnh, thư viện cấp huyện và các nguồn hợp pháp khác;

b) Luân chuyển tài nguyên thông tin đến thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trên địa bàn;

c) Tham gia xây dựng văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc cho Nhân dân trên địa bàn;

d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Điều 12. Thư viện chuyên ngành

1. Thư viện chuyên ngành là thư viện có tài nguyên thông tin chuyên sâu về một ngành, lĩnh vực hoặc nhiều ngành, lĩnh vực phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức chủ quản.

Thư viện chuyên ngành gồm thư viện của cơ quan nhà nước; thư viện của tổ chức khoa học và công nghệ; thư viện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; thư viện của tổ chức kinh tế.

2. Thư viện chuyên ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với chuyên ngành phục vụ; tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác tài nguyên thông tin từ hoạt động nghiên cứu, công bố khoa học, tài liệu hội nghị, hội thảo, báo cáo nghiên cứu, khảo sát của cán bộ nghiên cứu, cơ quan, tổ chức chủ quản và đề án, dự án, tạp chí chuyên ngành của cơ quan, tổ chức chủ quản;

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành nội sinh; bổ sung và mua quyền truy cập tài nguyên thông tin chuyên ngành nước ngoài;

c) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài;

d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan, tổ chức chủ quản giao.

Điều 13. Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân

1. Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân là thư viện của các đơn vị Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, có tài nguyên thông tin tổng hợp, chuyên ngành quốc phòng, an ninh phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn, người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo trong cơ sở giam giữ, trường giáo dưỡng.

2. Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao; tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác tài nguyên thông tin chuyên ngành quốc phòng, an ninh trong nước và nước ngoài; tài liệu hội nghị, hội thảo, báo cáo nghiên cứu, khảo sát và đề án, dự án, tạp chí chuyên ngành của lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định;

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số chuyên ngành nội sinh; bổ sung và mua quyền truy cập tài nguyên thông tin chuyên ngành quốc phòng, an ninh;

c) Thực hiện liên thông giữa các thư viện trong cùng hệ thống, chia sẻ tài nguyên thông tin với thư viện trong nước và nước ngoài;

d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan chủ quản giao.

Điều 14. Thư viện đại học

1. Thư viện đại học là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học.

2. Thư viện đại học thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với mục tiêu, nội dung, chương trình, lĩnh vực, ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cơ sở giáo dục đại học;

b) Tiếp nhận, bổ sung và tổ chức khai thác khóa luận, đồ án, luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học của người học và người dạy trong cơ sở giáo dục đại học; xây dựng tài liệu nội sinh, cơ sở dữ liệu học liệu, tài nguyên học liệu mở;

c) Tổ chức không gian đọc; hướng dẫn sử dụng sản phẩm thư viện và dịch vụ thư viện; hoàn thiện kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; củng cố, mở rộng kiến thức cho người học, người dạy và cán bộ quản lý;

d) Thực hiện liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài;

đ) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục đại học giao.

Điều 15. Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác

1. Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác là thư viện có tài nguyên thông tin phục vụ người học và người dạy trong cơ sở giáo dục.

2. Thư viện cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với độ tuổi, tâm lý của trẻ em mầm non; nhu cầu thông tin, tài liệu của người dạy, cán bộ quản lý và chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục;

b) Tổ chức hoạt động làm quen với sách và hình thành thói quen đọc của trẻ em mầm non; hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin cho người dạy và cán bộ quản lý;

c) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục giao.

3. Thư viện cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học, người dạy, cán bộ quản lý và mục tiêu, nội dung, chương trình học tập, giảng dạy của từng cấp học, chương trình học;

b) Tổ chức hoạt động khuyến đọc, hình thành thói quen, kỹ năng đọc của người học; hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin cho người học, người dạy và cán bộ quản lý;

c) Hỗ trợ việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động giáo dục khác;

d) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục giao.

4. Thư viện cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học, người dạy, cán bộ quản lý và mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục;

b) Tổ chức hoạt động khuyến đọc; hướng dẫn sử dụng thư viện, trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin cho người học, người dạy và cán bộ quản lý;

c) Thực hiện nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục giao.

Điều 16. Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng

1. Thư viện cộng đồng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp do cộng đồng dân cư thành lập tại trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn; điểm bưu điện văn hóa xã; nhà văn hóa thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc; khu chung cư; nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

2. Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp hoặc chuyên ngành do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

3. Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Cung cấp tài nguyên thông tin cho Nhân dân trên địa bàn; tiếp nhận tài nguyên thông tin luân chuyển từ thư viện công cộng các cấp để phục vụ Nhân dân;

b) Tổ chức hoạt động thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Xây dựng và tham gia phát triển văn hóa đọc cho Nhân dân trên địa bàn.

Điều 17. Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam

1. Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp, chuyên ngành do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức hoạt động thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tham gia phát triển văn hóa đọc.

Mục 2
THÀNH LẬP, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ THƯ VIỆN

Điều 18. Điều kiện thành lập thư viện

1. Thư viện được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Mục tiêu, đối tượng phục vụ xác định;

b) Tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện;

c) Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ hoạt động thư viện;

d) Người làm công tác thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với hoạt động thư viện;

đ) Người đại diện theo pháp luật của thư viện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Chính phủ quy định chi tiết các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

Điều 19. Thành lập thư viện công lập

1. Đối với thư viện là đơn vị sự nghiệp công lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập thư viện thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Đối với thư viện không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập thư viện thực hiện theo quy định của pháp luật điều chỉnh việc thành lập cơ quan, tổ chức chủ quản của thư viện.

Điều 20. Thành lập thư viện ngoài công lập

1. Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền thành lập thư viện khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đối với thư viện thành lập theo mô hình doanh nghiệp, việc thành lập thư viện thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 21. Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện

1. Việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện phải có phương án bảo toàn tài nguyên thông tin được Nhà nước đầu tư, tổ chức, cá nhân tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp cho thư viện.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện có quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện theo trình tự, thủ tục của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc pháp luật điều chỉnh cơ quan, tổ chức chủ quản của thư viện.

Điều 22. Đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện

1. Thư viện bị đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thư viện mà không chấm dứt hành vi vi phạm.

2. Thư viện chấm dứt hoạt động trong trường hợp sau đây:

a) Tự chấm dứt hoạt động;

b) Bị buộc chấm dứt hoạt động do hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này mà không khắc phục hành vi vi phạm.

3. Thẩm quyền đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện được quy định như sau:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập thư viện có quyền chấm dứt hoạt động thư viện đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền đình chỉ hoạt động thư viện theo quy định của pháp luật, có quyền buộc chấm dứt hoạt động thư viện đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Quyết định đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện phải nêu rõ lý do và công bố công khai tại trụ sở thư viện. Quyết định đình chỉ hoạt động phải nêu rõ thời hạn đình chỉ. Trong thời hạn bị đình chỉ hoạt động, nếu thư viện khắc phục được vi phạm nêu tại quyết định đình chỉ hoạt động, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đình chỉ hoạt động thư viện quyết định cho phép thư viện hoạt động trở lại.

5. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện.

Điều 23. Thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Hồ sơ thông báo bao gồm:

a) Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này đối với thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

3. Thời hạn thông báo được quy định như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với thư viện công lập;

b) Trước 30 ngày, tính đến ngày thư viện thực hiện việc mở cửa hoạt động, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với thư viện ngoài công lập.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thông báo hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận thông báo, nếu hồ sơ thông báo không đủ tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân bổ sung hoặc điều chỉnh hồ sơ.

5. Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo được quy định như sau:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện chuyên ngành ở trung ương, thư viện cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện chuyên ngành ở cấp tỉnh, thư viện cấp huyện, thư viện đại học, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam có trụ sở trên địa bàn;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cấp xã; thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có trụ sở trên địa bàn;

d) Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.