Bước tới nội dung

Luật Thư viện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2019/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương III
HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN

Điều 24. Nguyên tắc hoạt động thư viện

1. Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân.

2. Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện.

3. Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.

4. Thực hiện liên thông thư viện.

5. Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 25. Xây dựng tài nguyên thông tin

1. Xây dựng tài nguyên thông tin gồm phát triển và thanh lọc tài nguyên thông tin.

2. Phát triển tài nguyên thông tin được quy định như sau:

a) Xác định phương thức và nguồn bổ sung tài nguyên thông tin phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ của thư viện; tiếp nhận xuất bản phẩm, ấn phẩm báo chí theo quy định của pháp luật về xuất bản, báo chí và theo chức năng, nhiệm vụ của thư viện được quy định tại Luật này;

b) Bổ sung, mua tài nguyên thông tin và quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số;

c) Thu thập tài nguyên thông tin mở, tài nguyên thông tin thuộc về công chúng, tài nguyên thông tin trực tuyến có giá trị khác;

d) Liên thông trao đổi tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong nước và nước ngoài; hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số;

đ) Chuyển dạng, số hóa tài nguyên thông tin phục vụ lưu giữ và nghiên cứu theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Tiếp nhận tài nguyên thông tin do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài chuyển giao, tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp.

3. Thanh lọc tài nguyên thông tin được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 26. Xử lý tài nguyên thông tin và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin

1. Xử lý tài nguyên thông tin được quy định như sau:

a) Tài nguyên thông tin sau khi bổ sung vào thư viện phải được xử lý theo quy trình nghiệp vụ; xây dựng hệ thống tra cứu thông tin để phục vụ việc quản lý, tra cứu và sử dụng;

b) Thực hiện biên mục sao chép, áp dụng kết quả xử lý tài nguyên thông tin có vai trò quan trọng để bảo đảm chính xác, thống nhất và tiết kiệm.

2. Tổ chức hệ thống tra cứu thông tin được quy định như sau:

a) Hệ thống tra cứu thông tin phản ánh toàn bộ tài nguyên thông tin bằng các hình thức mục lục, cơ sở dữ liệu; đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của thư viện;

b) Bảo đảm lưu trữ an toàn kết quả xử lý tài nguyên thông tin;

c) Bảo đảm cập nhật, dễ sử dụng;

d) Bảo đảm liên thông trong tra cứu thông tin giữa các thư viện.

Điều 27. Bảo quản tài nguyên thông tin

1. Bảo quản tài nguyên thông tin được quy định như sau:

a) Thực hiện đối với toàn bộ tài nguyên thông tin trong quá trình lưu giữ, phục vụ;

b) Bảo đảm an toàn thông tin phục vụ cho việc quản lý, tra cứu và sử dụng;

c) Thực hiện các hình thức bảo quản dự phòng, phục chế hoặc chuyển dạng tài liệu phù hợp với điều kiện của thư viện;

d) Tài nguyên thông tin số phải được sao lưu định kỳ và có cơ chế khôi phục dữ liệu khi cần thiết; phải được bảo quản bảo đảm tương thích về mặt công nghệ cho định dạng dữ liệu;

đ) Tài nguyên thông tin là di sản văn hóa, tài nguyên thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải được bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết Điều này.

Điều 28. Tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện

1. Tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện được quy định như sau:

a) Bảo đảm khoa học, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện và nhu cầu của người sử dụng thư viện;

b) Bảo đảm sự đa dạng về hình thức, phương thức cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện.

2. Sản phẩm thông tin thư viện bao gồm:

a) Hệ thống tra cứu thông tin, cơ sở dữ liệu thư mục, dữ kiện và toàn văn;

b) Thư mục, thông tin chuyên đề;

c) Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử;

d) Sản phẩm thông tin thư viện khác được hình thành trong quá trình xử lý tài nguyên thông tin của thư viện.

3. Dịch vụ thư viện bao gồm:

a) Cung cấp tài nguyên thông tin tại thư viện, ngoài thư viện gồm dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin hoặc trên không gian mạng;

b) Cung cấp thông tin thư mục, chỉ dẫn thông tin;

c) Tư vấn, bồi dưỡng cho tổ chức, cá nhân về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và hỗ trợ học tập, nghiên cứu;

d) Tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, truyền thông, phổ biến tài nguyên thông tin;

đ) Hỗ trợ các tiện ích khai thác thư viện số;

e) Hình thức dịch vụ thư viện khác.

Điều 29. Liên thông thư viện

1. Liên thông thư viện bao gồm các nội dung sau đây:

a) Hợp tác trong việc bổ sung, mua, thu thập tài nguyên thông tin dùng chung và hợp tác trong xây dựng mục lục liên hợp;

b) Chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin giữa các thư viện; chia sẻ kết quả xử lý tài nguyên thông tin và sản phẩm thông tin thư viện;

c) Liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện.

2. Liên thông thư viện thực hiện theo các phương thức sau đây:

a) Liên thông theo khu vực địa lý;

b) Liên thông theo nhóm thư viện có chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ tương đồng;

c) Liên thông theo lĩnh vực, nội dung tài nguyên thông tin;

d) Liên thông giữa các loại thư viện.

3. Liên thông thư viện thực hiện theo cơ chế sau đây:

a) Thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong xây dựng, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện;

b) Hợp tác trong việc bổ sung, mua quyền truy cập và chia sẻ tài nguyên thông tin nước ngoài, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước và xã hội;

c) Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 30. Phát triển văn hóa đọc

1. Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

2. Phát triển văn hóa đọc thông qua các hoạt động sau đây:

a) Tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước;

b) Hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông;

c) Phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện;

d) Đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.

Điều 31. Phát triển thư viện số

1. Xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện.

2. Xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện.

3. Sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số, thiết kế giao diện thông minh; bảo đảm tính mở, liên thông trong tra cứu, khai thác và chuyển đổi dữ liệu giữa các hệ thống lưu trữ dữ liệu; hỗ trợ cấp quyền truy cập, khai thác tài nguyên thông tin số cho người sử dụng thư viện.

4. Cung cấp quyền truy cập tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

Điều 32. Hiện đại hóa thư viện

1. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại bảo đảm triển khai, vận hành thư viện số và tự động hóa thư viện.

2. Triển khai phòng đọc kho mở, hệ thống cung cấp tài liệu tự động; hệ thống tự mượn, tự trả tài liệu; hệ thống giám sát, an ninh thư viện tiên tiến; không gian sáng tạo cho người sử dụng thư viện; khu vực phục vụ trẻ em, người khuyết tật.

3. Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, hệ thống dữ liệu lớn, điện toán đám mây, truy cập mở, thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại khác phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong hoạt động thư viện.

4. Xây dựng mạng thông tin thư viện tiên tiến, kết nối các thư viện trong nước và nước ngoài.

5. Tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện hiện đại đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thư viện; xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển và khai thác thư viện số; triển khai trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và các dịch vụ thư viện trên không gian mạng.

Điều 33. Truyền thông thư viện

1. Thư viện thực hiện truyền thông các nội dung sau đây:

a) Tài nguyên thông tin;

b) Sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện;

c) Tiện ích thư viện;

d) Nhân lực thư viện;

đ) Nội dung khác liên quan đến thư viện phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Hình thức truyền thông thư viện bao gồm:

a) Trưng bày, triển lãm giới thiệu sách, sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện; giao lưu, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, thuyết trình; tổ chức sự kiện văn hóa, giáo dục liên quan đến thư viện;

b) Xây dựng quan hệ công chúng, hình ảnh của thư viện;

c) Hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 34. Phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức

1. Thư viện phối hợp với cơ quan, tổ chức trong các hoạt động sau đây:

a) Bảo quản tài nguyên thông tin, cơ sở dữ liệu;

b) Khai thác, chia sẻ, phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện và tư liệu, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, tổ chức phối hợp;

c) Tổ chức các hình thức dịch vụ thư viện phục vụ người sử dụng thư viện và công chúng.

2. Thư viện phối hợp với cơ quan, tổ chức về thông tin khoa học và công nghệ, lưu trữ nhằm bảo đảm việc sử dụng và bảo quản hiệu quả tài nguyên thông tin, ngân hàng dữ liệu của Nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác theo chương trình hợp tác, hợp đồng và quy định của pháp luật.

3. Thư viện phối hợp với cơ quan, tổ chức về văn hóa, du lịch và cơ quan, tổ chức khác nhằm đa dạng hình thức phục vụ và dịch vụ thư viện.

Điều 35. Nguồn tài chính của thư viện

1. Nguồn ngân sách nhà nước.

2. Nguồn thu từ dịch vụ thư viện.

3. Nguồn tài trợ, viện trợ, tặng cho, đóng góp từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

4. Nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 36. Hợp tác quốc tế về thư viện

1. Xây dựng và triển khai chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế.

2. Tham gia các tổ chức, hội, diễn đàn nghề nghiệp, liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài.

3. Tham gia xây dựng, thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông lệ quốc tế về thư viện.

4. Nghiên cứu khoa học, trao đổi tài nguyên thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; ứng dụng và chuyển giao công nghệ; quảng bá, xúc tiến, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia, hỗ trợ hoạt động thư viện.

5. Hoạt động hợp tác quốc tế khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 37. Đánh giá hoạt động thư viện

1. Việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với các loại thư viện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thư viện và nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện.

2. Nguyên tắc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện như sau:

a) Khách quan, chính xác, đúng quy định của pháp luật;

b) Trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng;

c) Theo định kỳ hằng năm.

3. Tiêu chí, phương pháp, thủ tục đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia.

4. Tổ chức thực hiện đánh giá hoạt động thư viện bao gồm:

a) Thư viện tự đánh giá;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện đánh giá;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về thư viện đánh giá.

5. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết Điều này.