Bước tới nội dung

Luật Thỏa thuận quốc tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2020/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật về dân sự; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

2. Bên ký kết Việt Nam bao gồm:

a) Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ;

b) Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (sau đây gọi chung là cơ quan của Quốc hội), Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước;

c) Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

đ) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước cấp tỉnh);

e) Tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;

g) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

h) Ủy ban nhân dân cấp huyện;

i) Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới;

k) Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức); cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).

3. Cơ quan nhà nước ở trung ương bao gồm các cơ quan quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này.

4. Bên ký kết nước ngoài là Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài.

5. Ký kết là hành vi do người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện, bao gồm ký, thông qua thỏa thuận quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành thỏa thuận quốc tế.

6. là hành vi của người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền dùng chữ ký của mình để chấp nhận sự giao kết của cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế.

7. Chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế là hành vi do bên ký kết Việt Nam thực hiện để từ bỏ hiệu lực của thỏa thuận quốc tế.

8. Rút khỏi thỏa thuận quốc tế là hành vi do bên ký kết Việt Nam thực hiện để từ bỏ việc chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế.

9. Tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế là hành vi do bên ký kết Việt Nam thực hiện để tạm ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần thỏa thuận quốc tế.

Điều 3. Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế

1. Phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.

2. Việc ký kết thỏa thuận quốc tế không được làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế; không được ký kết thỏa thuận quốc tế về các vấn đề phải thực hiện thông qua việc ký kết điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật.

3. Bảo đảm yêu cầu về đối ngoại và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế được ký kết, trong phạm vi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được giao hoặc tự chủ theo quy định của pháp luật.

4. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế và tuân thủ trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Luật này.

5. Việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 2 của Luật này không được ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế đó.

6. Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

7. Bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận quốc tế được ký kết, đồng thời có quyền yêu cầu bên ký kết nước ngoài cũng phải thực hiện thỏa thuận quốc tế đó trên tinh thần hữu nghị, hợp tác.

Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thỏa thuận quốc tế.

2. Bảo đảm việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật.

3. Phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thi hành pháp luật về thỏa thuận quốc tế.

4. Tổ chức thống kê, lưu trữ thỏa thuận quốc tế.

5. Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về thỏa thuận quốc tế.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế.

2. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình và tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan mình, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.

Điều 6. Tên gọi của thỏa thuận quốc tế

Thỏa thuận quốc tế được ký kết với tên gọi là thỏa thuận, thông cáo, tuyên bố, ý định thư, bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế bao gồm công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định.

Điều 7. Ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế

Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ có văn bản bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

Văn bản bằng tiếng Việt phải bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế.