Luật Thủy sản nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương VI
KIỂM NGƯ

Điều 87. Chức năng của Kiểm ngư

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Điều 88. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư

1. Kiểm ngư có nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản;

c) Điều động lực lượng phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật; tham gia công tác phòng, chống thiên tai;

d) Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển theo quy định của pháp luật;

đ) Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm ngư;

e) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư;

g) Phối hợp với cơ quan khác có liên quan trong hoạt động kiểm ngư.

2. Kiểm ngư có quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

b) Quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Truy đuổi, bắt, giữ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy.

Điều 89. Tổ chức Kiểm ngư

1. Tổ chức Kiểm ngư bao gồm:

a) Kiểm ngư trung ương;

b) Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.

2. Chính phủ quy định chi tiết tổ chức Kiểm ngư, quản lý nhà nước, chế độ, chính sách đối với Kiểm ngư.

Điều 90. Kiểm ngư viên

1. Kiểm ngư viên là công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên.

2. Kiểm ngư viên được cấp thẻ kiểm ngư, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu kiểm ngư và trang thiết bị chuyên dụng.

3. Kiểm ngư viên có quyền hạn, trách nhiệm sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

b) Xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

c) Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật;

d) Khi thi hành công vụ phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu kiểm ngư theo quy định;

đ) Phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 91. Thuyền viên tàu kiểm ngư

1. Thuyền viên tàu kiểm ngư bao gồm:

a) Công chức được bổ nhiệm vào ngạch Thuyền viên tàu kiểm ngư;

b) Viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm trên tàu kiểm ngư;

c) Người làm việc theo hợp đồng lao động trên tàu kiểm ngư.

2. Thuyền viên tàu kiểm ngư khi thi hành công vụ phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu kiểm ngư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thuyền viên tàu kiểm ngư và định biên thuyền viên tàu kiểm ngư.

Điều 92. Cộng tác viên kiểm ngư

1. Cộng tác viên kiểm ngư là công dân Việt Nam cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động của Kiểm ngư.

2. Cộng tác viên kiểm ngư được cơ quan Kiểm ngư thanh toán chi phí hoạt động và hưởng chế độ về cung cấp tin báo theo quy định của pháp luật; được bảo đảm bí mật về nguồn tin cung cấp; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Điều 93. Phương tiện, trang thiết bị, trang phục của Kiểm ngư

1. Kiểm ngư được trang bị tàu kiểm ngư, phương tiện thông tin liên lạc chuyên dùng, thiết bị đặc thù, vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.

2. Công chức, viên chức và người lao động theo hợp đồng làm việc trong cơ quan Kiểm ngư có trang phục thống nhất.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trang phục của Kiểm ngư; màu sơn, số hiệu, định mức hoạt động của tàu kiểm ngư; đăng ký, đăng kiểm tàu kiểm ngư.

Điều 94. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động kiểm ngư

1. Kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động của Kiểm ngư được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư được nộp vào ngân sách nhà nước. Cơ quan Kiểm ngư được cấp lại một phần kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho hoạt động kiểm ngư.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 95. Điều động, huy động lực lượng, phương tiện trong hoạt động kiểm ngư

1. Trong trường hợp khẩn cấp, việc điều động, huy động lực lượng, phương tiện trong hoạt động kiểm ngư được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý; đề nghị Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan huy động lực lượng, phương tiện;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lệnh điều động, huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

2. Tổ chức, cá nhân được huy động lực lượng, phương tiện phải chấp hành lệnh điều động của người có thẩm quyền.

3. Cơ quan điều động, huy động phải thanh toán chi phí cho tổ chức, cá nhân được điều động, huy động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; tổ chức, cá nhân khi thực hiện lệnh điều động, huy động mà bị thiệt hại thì được đền bù; cá nhân hy sinh, bị thương thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.