Luật Thuế bảo vệ môi trường nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2010

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Luật Thuế bảo vệ môi trường nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (2010) 
của Quốc hội Việt Nam

Luật này được ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 1 năm 2012.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường.

Chương I:Những quy định chung[sửa]

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh[sửa]

Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.

Điều 2: Giải thích từ ngữ[sửa]

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

2. Mức thuế tuyệt đối là mức thuế được quy định bằng số tiền tính trên một đơn vị hàng hóa chịu thuế.

3. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp.

4. Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh.

Điều 3: Đối tượng chịu thuế[sửa]

1. Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:

a) Xăng, trừ etanol;

b) Nhiên liệu bay;

c) Dầu diezel;

d) Dầu hỏa;

đ) Dầu mazut;

e) Dầu nhờn;

g) Mỡ nhờn.

2. Than đá, bao gồm:

a) Than nâu;

b) Than an-tra-xít (antraxit);

c) Than mỡ;

d) Than đá khác.

3. Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).

4. Túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

5. Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

6. Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

7. Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

8. Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

9. Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 4: Đối tượng không chịu thuế[sửa]

1. Hàng hóa không quy định tại Điều 3 của Luật này không thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

2. Hàng hóa quy định tại Điều 3 của Luật này không chịu thuế bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam; hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc thỏa thuận giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật;

c) Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.

Điều 5: Người nộp thuế[sửa]

1. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này.

2. Người nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

a) Trường hợp ủy thác nhập khẩu hàng hóa thì người nhận ủy thác nhập khẩu là người nộp thuế;

b) Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Chương II:Căn cứ tính thuế[sửa]

Điều 6: Căn cứ tính thuế[sửa]

1. Căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối.

2. Số lượng hàng hóa tính thuế được quy định như sau:

a) Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho;

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.

3. Mức thuế tuyệt đối để tính thuế được quy định tại Điều 8 của Luật này.

Điều 7: Phương pháp tính thuế[sửa]

Số thuế bảo vệ môi trường phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa.

Điều 8: Biểu khung thuế[sửa]

1. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế dưới đây:

Số thứ tự Hàng hóa Đơn vị tính Mức thuế
(đồng/1 đơn vị hàng hóa)
I Xăng, dầu, mỡ nhờn
1 Xăng, trừ etanol lít 1.000-4.000
2 Nhiên liệu bay lít 1.000-3.000
3 Dầu diezel lít 500-2.000
4 Dầu hỏa lít 300-2.000
5 Dầu mazut lít 300-2.000
6 Dầu nhờn lít 300-2.000
7 Mỡ nhờn kg 300-2.000
II Than đá
1 Than nâu tấn 10.000-30.000
2 Than an-tra-xít (antraxit) tấn 20.000-50.000
3 Than mỡ tấn 10.000-30.000
4 Than đá khác tấn 10.000-30.000
III Dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) kg 1.000-5.000
IV Túi ni lông thuộc diện chịu thuế kg 30.000-50.000
V Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng kg 500-2.000
VI Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000-3.000
VII Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000-3.000
VIII Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng kg 1.000-3.000

2. Căn cứ vào Biểu khung thuế quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;

b) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Chương III:Khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế[sửa]

Điều 9: Thời điểm tính thuế[sửa]

1. Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa.

2. Đối với hàng hóa sản xuất đưa vào tiêu dùng nội bộ, thời điểm tính thuế là thời điểm đưa hàng hóa vào sử dụng.

3. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

4. Đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra.

Điều 10: Khai thuế, tính thuế, nộp thuế[sửa]

1. Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho được thực hiện theo tháng và theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

2. Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với khai thuế và nộp thuế nhập khẩu.

3. Thuế bảo vệ môi trường chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

Điều 11: Hoàn thuế[sửa]

Người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:

1. Hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài;

2. Hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật;

3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất.

4. Hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài;

5. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo quy định của pháp luật khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.

Chương IV:Điều khoản thi hành[sửa]

Điều 12: Hiệu lực thi hành[sửa]

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

2. Các quy định về thu phí xăng, dầu tại Pháp lệnh về phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực thi hành từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 13: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành[sửa]

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.


Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2010.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".