Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1987

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (1987) 
của Quốc hội Việt Nam
Loại Số Ngày ban hành Ngày hiệu lực Thay thế/Sửa đổi cho Sửa đổi bởi Bản mới hơn Hiệu lực
Luật 5-HĐNN8 29/12/1987 1/2/1988 Luật 1991 Hết

Để tăng cường quản lý các hoạt động xuất, nhập khẩu, góp phần tích cực vào việc mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại của Nhà nước, hình thành cơ cấu xuất, nhập khẩu hợp lý, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng trong nước, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước;

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Luật này quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.

Chương I: Đối tượng chịu thuế và các tổ chức nộp thuế[sửa]

Điều 1[sửa]

Tất cả hàng hoá mua bán, trao đổi với nước ngoài, khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu qua biên giới Việt Nam đều là đối tượng chịu thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu.

Điều 2[sửa]

Tất cả những tổ chức kinh tế được phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dưới đây gọi là tổ chức xuất, nhập khẩu, khi có hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu qua biên giới Việt Nam đều phải nộp thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu.

Điều 3[sửa]

Đối với những hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu mà có sự thoả thuận riêng về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giữa Chính phủ Việt Nam với nước ngoài, thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo sự thoả thuận đó.

Đối với hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu thuộc các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng theo quy định của Luật này.

Chương II: Căn cứ tính thuế[sửa]

Điều 4[sửa]

Căn cứ để tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu :

1- Số lượng từng mặt hàng ghi trong tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu ;

2- Giá tính thuế bằng đồng Việt Nam ;

3- Thuế suất nhóm hàng, mặt hàng ghi trong Biểu thuế.

Điều 5[sửa]

Cơ sở để định giá tính thuế :

1- Đối với hàng hoá xuất khẩu là giá bán tại cửa khẩu đi, theo hợp đồng ;

2- Đối với hàng hoá nhập khẩu là giá mua tại cửa khẩu đến, kể cả phí vận tải, phí bảo hiểm, theo hợp đồng.

Trong trường hợp mua hoặc bán theo các phương thức khác thì căn cứ vào giá ghi trên các chứng từ hợp lệ.

Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với tiền nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Chương III: Biểu thuế[sửa]

Điều 6[sửa]

Căn cứ vào chính sách khuyến khích xuất, nhập khẩu đối với khu vực và đối với nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu, Nhà nước quy định nhóm hàng, mặt hàng chịu thuế và thuế suất đối với từng nhóm hàng, mặt hàng.

Danh mục nhóm hàng, mặt hàng chịu thuế, thuế suất đối với từng nhóm hàng, mặt hàng do Hội đồng Nhà nước quy định trong Biểu thuế kèm theo Luật này.

Điều 7[sửa]

Thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gồm hai mức : thuế suất tối thiểu và thuế suất phổ thông.

1- Thuế suất tối thiểu áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu với các nước có ký kết điều khoản ưu đãi trong quan hệ buôn bán với Việt Nam và những trường hợp khác do Hội đồng bộ trưởng quy định ;

2- Thuế suất phổ thông áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu hoặc nhập khẩu với các nước khác, ngoài những nước ghi tại khoản 1 của Điều này.

Chương IV: Giảm thuế, miễn thuế, hoàn lại thuế[sửa]

Điều 8[sửa]

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được giảm hoặc miễn trong những trường hợp sau đây :

1- Được giảm thuế đối với hàng hoá do chuyên chở, bốc xếp bị hư hỏng hoặc bị mất mát mà có lý do xác đáng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng nhận ;

2- Được miễn thuế trong các trường hợp :

a) Hàng hoá nhập dùng cho học tập, nghiên cứu khoa học của các trường, các viện nghiên cứu khoa học ;

b) Hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để dự hội chợ, triển lãm ;

c) Hàng viện trợ có tính chất nhân đạo ;

d) Hàng vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua Việt Nam ;

đ) Hàng là nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu để gia công cho nước ngoài rồi xuất khẩu.

3- Được miễn hoặc giảm thuế theo quyết định của cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài đối với hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong từng trường hợp đặc biệt cần khuyến khích đầu tư.

Đối với hàng hoá đã được giảm thuế hoặc miễn thuế nhưng sau đó lý do miễn, giảm có thay đổi khác so với quy định của Điều này, thì vẫn thu đủ thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu.

Hội đồng bộ trưởng quy định thẩm quyền, thủ tục xét giảm thuế, miễn thuế, thu đủ thuế ghi tại Điều này.

Điều 9[sửa]

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xét hoàn lại cho các tổ chức xuất, nhập khẩu trong những trường hợp sau đây :

1- Hàng nhập khẩu đã nộp thuế mà còn lưu kho, lưu bãi ở cửa khẩu nhưng được phép tái xuất ;

2- Hàng đã nộp thuế xuất khẩu nhưng được phép không xuất, hoặc không được phép xuất nữa ;

3- Hàng đã nộp thuế xuất khẩu theo tờ khai, nhưng thực xuất ít hơn.

Chương V: Tổ chức thực hiện[sửa]

Điều 10[sửa]

Hội đồng bộ trưởng tổ chức thực hiện công tác thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.

Điều 11[sửa]

Tổ chức xuất, nhập khẩu mỗi lần có hàng hoá được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu phải lập tờ khai và nộp thuế.

Cơ quan thu thuế có trách nhiệm kiểm tra, làm thủ tục và thu thuế.

Điều 12[sửa]

Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là ngày đăng ký tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu.

Trong thời hạn 8 giờ kể từ khi đăng ký tờ khai hàng hoá xuất, nhập khẩu, cơ quan thu thuế thông báo chính thức cho tổ chức nộp thuế số thuế phải nộp.

Trong thời hạn 72 giờ kể từ khi nhận được thông báo chính thức, tổ chức nộp thuế phải nộp xong thuế.

Trong trường hợp tổ chức nộp thuế không đồng ý với số thuế đã thông báo chính thức thì vẫn phải nộp đủ số thuế đó, đồng thời có quyền khiếu nại lên cơ quan thu thuế trung ương giải quyết ; nếu vẫn không đồng ý thì khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ tài chính. Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính là quyết định cuối cùng.

Chương VI: Xử lý các vi phạm[sửa]

Điều 13[sửa]

1- Tổ chức nộp thuế nào chậm nộp thuế thì mỗi ngày nộp chậm bị phạt 5 phần nghìn (0,5%) số thuế nộp chậm.

2- Tổ chức nộp thuế nào có hành vi gian lận trong việc nộp thuế thì bị xử phạt theo một hoặc nhiều hình thức sau đây :

a) Cảnh cáo ;

b) Phạt tiền từ 2 đến 5 lần số thuế gian lận.

Cơ quan thu thuế được quyền áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này.

Trong trường hợp tổ chức nộp thuế không đồng ý với quyết định của cơ quan thu thuế thì vẫn phải chấp hành biện pháp xử lý đó, đồng thời có quyền khiếu nại lên cơ quan thu thuế trung ương. Quyết định của cơ quan thu thuế trung ương là quyết định cuối cùng.

3- Cá nhân nào có hành vi vi phạm các quy định về tính thuế, thu thuế hoặc nộp thuế thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị xử phạt theo Bộ luật hình sự.

Chương VII: Điều khoản cuối cùng[sửa]

Điều 14[sửa]

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 2 năm 1988.

Điều 15[sửa]

Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.

Điều 16[sửa]

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật này.


Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 2, thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987.

Biểu thuế thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch đã được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 9 tháng 1 năm 1988 kèm theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987[sửa]

Số hiệu nhóm hàng, mặt hàng Tên nhóm hàng, mặt hàng Thuế suất Ghi chú
Thuế xuất khẩu % trên giá tính thuế Thuế nhập khẩu % trên giá tính thuế
Phổ thông Tối thiểu Phổ thông Tối thiểu
1 2 3 4 5 6 7
Chương I: Máy móc thiết bị và phương tiện vận tải
Máy móc thiết bị các loại 0 0 0 0
19 Phương tiện vận tải và các thiết bị phụ trợ
195 Xe ôtô con - xe du lịch 0 0 50 0
Phương tiện vận tải và các thiết bị phụ trợ khác 0 0 0 0
Chương II: Nhiên liệu, nguyên liệu khoáng sản, kim loại
20 Nhiên liệu rắn
200 Than đá các loại 10 0 0 0
Nhiên liệu rắn khác 0 0 0 0
21 Dầu thô 10 0 0 0
22 Sản phẩm dầu lửa và nhiên liệu lỏng tổng hợp 0 0 5 0
23 Điện năng, khí đốt, hơi và nước 10 0 0 0
24 Quặng và tinh quặng kim loại 5 0 0 0
25 Khoáng sản không phải quặng đất, đá 5 0 0 0
26 Kim loại đen 10 0 0 0
26200 Phế liệu kim loại đen 30 20 0 0
27 Kim loại màu 10 0 0 0
27100 Phế liệu kim loại màu 50 40 0 0
Chương III: Sản phẩm hoá chất, phân bón hoá học
30 Sản phẩm hoá học 0 0 5 0
304 Chất dẻo và vật liệu để sản xuất chất dẻo 0 0 10 0
31 Thuốc nhuộm, sơn, vật liệu thuộc da
310 Thuốc nhuộm các loại 0 0 5 0
31103 Sơn các loại 0 0 10 0
3110309 Sơn chống rỉ 0 0 0 0
312 Vật liệu thuộc da và thực vật nhuộm màu 0 0 5 0
313 Các chiết xuất tự nhiên và nhân tạo 0 0 5 0
32 Chất nổ và phụ kiện 0 0 0 0
33 Phim ảnh và vật liệu phim ảnh 0 0 15 5
331091 Phim chiếu bóng, băng ghi hình 0 0 40 20
320205 Phim y tế 0 0 0 0
34 Phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ 0 0 0 0
35 Cao su, sản phẩm bằng cao su
350 Cao su nguyên liệu 10 0 10 5
359 Sản phẩm bằng cao su 5 0 10 5
36 Chất đồng vị phóng xạ 0 0 0 0
Chương IV: Vật liệu xây dựng và phụ kiện
40001 Xi măng 0 0 20 10
40002 Thạch cao 0 0 0 0
400091 Vật liệu xây dựng khác 0 0 10 5
Chương V: Nguyên liệu và sản phẩm ngoài các nguyên liệu đã có ở chương trên (trừ hàng thực phẩm)
50 Lâm sản và sản phẩm giấy - xenluylô
50612 Giấy cuốn thuốc lá 0 0 30 20
506121 Đầu lọc thuốc lá 0 0 40 30
Lâm sản và sản phẩm giấy khác 0 0 10 5
51 Nguyên liệu cho ngành dệt và bán thành phẩm
51001 Bông tự nhiên 10 5 0 0
51003 Đay và cây có sợi khác 0 0 5 0
511 Len, lông thú 0 0 5 0
512 Tơ tằm các loại 0 0 10 5
513 Nguyên liệu sợi qua chế biến công nghiệp 0 0 10 5
514 Bán thành phẩm từ nguyên liệu tơ sợi 0 0 10 5
52 Lông, nguyên liệu lông tơ (ngoài sản phẩm gia công hoàn chỉnh)
52101 Lông vịt các loại 10 0 20 10
Lông, nguyên liệu lông tơ khác 0 0 20 10
531 Da sơ chế 10 5 0 0
532 Da thuộc 0 0 20 10
55 Hạt và quả (để làm giống) 10 0 0 0
56 Tinh dầu, hương liệu, dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc chữa bệnh
56301 Quế các loại 10 0 0 0
56303 Hoa hồi 10 0 0 0
56309 Trầm hương, kỳ nam 30 0 0 0
Tinh dầu, hương liệu, dược liệu khác 5 0 0 0
57 Dầu, mỡ công nghiệp 0 0 0 0
58 Thức ăn gia súc tổng hợp và tự nhiên 0 0 5 0
59 Nguyên liệu khác
591 Da, lông nhân tạo và các loại nguyên liệu nhân tạo 0 0 30 20
Các loại khác 0 0 10 5
Chương VI: Động vật sống (trừ động vật giết thịt) 0 0 0 0
Chương VI: Nguyên liệu để sản xuất thực phẩm
70 Hạt ngũ cốc (kể cả tấm) 10 0 0 0
71 Động vật sống để giết thịt 5 0 10 5
72 Hạt và quả có dầu, thuốc lá lá, nguyên liệu dùng trong công nghiệp thực phẩm
72001 Lạc vỏ 10 0 30 20
72002 Lạc nhân 10 0 30 20
72003 Đào lộn hột 10 0 30 20
721 Cà phê, ca cao, chè 10 0 30 20
726 Thuốc lá lá 10 0 30 20
72901 Malt 0 0 30 20
72903 "Houblon" các loại 0 0 30 20
Các loại nguyên liệu khác 0 0 10 5
Chương VIII: Hàng thực phẩm
80 Sản phẩm thịt, sữa, mỡ động vật, trứng
800 Thịt và sản phẩm từ thịt 0 0 20 10
801 Mỡ động vật dùng để ăn 0 0 20 10
802 Sữa và sản phẩm từ sữa
80201 Sữa đặc (đóng hộp) 0 0 5 0
80202 Sữa bột 0 0 5 0
80203 Bơ nhạt 0 0 10 5
80204 Pho mat 0 0 20 10
80205 Bột làm sữa 0 0 0 0
80206 Nguyên liệu làm sữa 0 0 0 0
80209 Sản phẩm khác từ sữa 0 0 20 10
803 Trứng và sản phẩm từ trứng 0 0 0 0
81 Cá, hải sản và sản phẩm chế biến từ cá, hải sản
8150101 Tôm đông lạnh 15 0 20 10
8150201 Tôm đóng hộp 15 0 20 10
81804 Mực khô 11 0 20 10
81810 Tôm khô 15 0 20 10
81811 Tôm hùm 15 0 20 10
Các loại cá, hải sản và sản phẩm chế biến từ cá, hải sản khác 5 0 20 10
82 Các loại bột ngũ cốc và sản phẩm chế biến từ bột ngũ cốt khác 0 0 20 10
83 Các loại rau quả 0 0 20 10
84 Đường tinh chế, dầu thức vật, gia vị
8401 Bánh, mứt, kẹo 0 0 30 20
8490 Mỳ chính 0 0 10 5
Các loại khác 0 0 20 10
85 Đồ uống, thuốc lá điếu, xì gà các loại
85005 Các loại nước khoáng 0 0 20 10
Các loại khác 0 0 60 40
Chương IX: Hàng công nghiệp tiêu dùng
90 Vải bông, len, dạ, các loại vải khác
900 Vải bông và pha bông 0 0 30 10
901 Vải len và pha len 0 0 30 20
902 Lụa các loại 0 0 30 20
903 Lanh và vải lanh 0 0 30 10
904 Dạ và sản phẩm từ dạ 0 0 30 20
905 Các loại sản phẩm dệt khác 0 0 30 10
907 Vải mảnh các loại 0 0 30 10
909 Các loại vải khác 0 0 30 10
91 Quần áo may sẵn và vải trải giường
911 Quần áo bằng da và giả da 0 0 50 40
912 Quần áo bằng da có lông 0 0 50 40
Các loại khác 0 0 40 25
92 Hàng bách hoá
925 Dụng cụ bảo hộ lao động 0 0 0 0
926 Kính quang học 0 0 0 0
92702 Kính cận 0 0 0 0
92703 Kính viễn 0 0 0 0
Hàng bách hoá khác 0 0 20 10
93 Giầy dép các loại 0 0 40 25
94 Dụng cụ gia đình 0 0 20 10
95 Đồ gỗ 0 0 30 20
96 Dược phẩm, dụng cụ y tế, mỹ phẩm
963 Dụng cụ y tế 0 0 5 0
965 Mỹ phẩm kể cả xà phòng thơm 0 0 50 40
Các loại khác 0 0 10 5
97 Văn hoá phẩm và hàng tiêu dùng
97005 Máy giặt 0 0 40 30
97006 Ấm đun nước bằng điện 0 0 40 30
97007 Nồi nấu cơm bằng điện 0 0 40 30
97008 Máy xay hoa quả chạy điện 0 0 40 30
97009 Tủ lạnh 0 0 40 30
97011 Xe máy 0 0 50 40
97013 Máy thu thanh các loại
970131 Rađiô cát sét các loại 0 0 40 30
Các loại máy thu thanh khác 0 0 30 20
97014 Máy thu hình
970141 Máy thu hình đen trắng 0 0 40 25
970142 Máy thu hình màu 0 0 45 30
9701405 Viđêô cát sét 0 0 50 40
97015 Máy chữ các loại 0 0 10 5
97016 Máy tính các loại 0 0 10 5
972 Phụ tùng linh kiện máy dân dụng
972201 Linh kiện điện tử rời (IKD) 0 0 10 5
972202 Cụm chi tiết điện tử hoàn chỉnh (SKD, CKD) 0 0 30 20
97500 Nhạc cụ và phụ tùng 0 0 15 5
97600 Dụng cụ thể thao
976091 Súng săn 0 0 30 20
Dụng cụ thể thao khác 0 0 10 5
97716 Đồ chơi trẻ em 0 0 15 5
Văn hoá phẩm và hàng tiêu dùng khác 0 0 30 20
98000 Học cụ giảng dạy, đồ dùng cho vẽ kỹ thuật 0 0 0 0

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".