Bước tới nội dung

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương VI
KINH PHÍ BỒI THƯỜNG VÀ THỦ TỤC CHI TRẢ

Điều 60. Kinh phí bồi thường

1. Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm:

a) Tiền chi trả cho người bị thiệt hại;

b) Chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.

2. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.

3. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.

4. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.

Điều 61. Lập dự toán kinh phí bồi thường

1. Hàng năm, căn cứ thực tế số tiền bồi thường, chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại đã cấp phát của năm trước, Bộ Tài chính lập dự toán kinh phí bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Hàng năm, căn cứ thực tế số tiền bồi thường, chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại đã cấp phát của năm trước, Sở Tài chính lập dự toán kinh phí bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 62. Cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền.

2. Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ thông tin về người bị thiệt hại, căn cứ để xác định các khoản tiền bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể, số tiền đã tạm ứng (nếu có) và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc chi trả tiền bồi thường;

b) Bản sao văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

c) Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết yêu cầu bồi thường.

3. Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường trong trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 55 của Luật này bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ thông tin về người bị thiệt hại, căn cứ để xác định các khoản tiền bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc chi trả tiền bồi thường;

b) Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan tài chính phải hoàn thành việc cấp phát kinh phí bồi thường cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Trường hợp có căn cứ rõ ràng cho rằng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này hoặc mức bồi thường không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường để hoàn thiện hồ sơ, cấp phát kinh phí bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường.

Trường hợp có căn cứ rõ ràng cho rằng mức bồi thường trong bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết bồi thường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 hoặc tại Điều 55 của Luật này không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan tài chính kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng.

5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường về việc chi trả tiền bồi thường. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người yêu cầu bồi thường nhận được thông báo, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải tiến hành chi trả tiền bồi thường.

6. Hết thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại khoản 5 Điều này mà người yêu cầu bồi thường không nhận tiền bồi thường thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại làm thủ tục sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật. Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự không tính vào thời hạn quy định tại khoản này.

Điều 63. Quyết toán kinh phí bồi thường

1. Sau khi chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc chi trả tiền bồi thường cho cơ quan tài chính đã cấp phát kinh phí để quyết toán theo quy định của pháp luật. 2. Kết thúc năm ngân sách, Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm quyết toán kinh phí bồi thường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.