Luật an toàn thông tin mạng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương II
BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG

Mục 1
BẢO VỆ THÔNG TIN MẠNG

Điều 9. Phân loại thông tin

1. Cơ quan, tổ chức sở hữu thông tin phân loại thông tin theo thuộc tính bí mật để có biện pháp bảo vệ phù hợp.

2. Thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được phân loại và bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Cơ quan, tổ chức sử dụng thông tin đã phân loại và chưa phân loại trong hoạt động thuộc lĩnh vực của mình phải có trách nhiệm xây dựng quy định, thủ tục để xử lý thông tin; xác định nội dung và phương pháp ghi truy nhập được phép vào thông tin đã được phân loại.

Điều 10. Quản lý gửi thông tin

1. Việc gửi thông tin trên mạng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không giả mạo nguồn gốc gửi thông tin;

b) Tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối, trừ trường hợp người tiếp nhận có nghĩa vụ phải tiếp nhận thông tin theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin gửi thông tin có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về lưu trữ thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng của tổ chức, cá nhân;

b) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý khi nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân về việc gửi thông tin vi phạm quy định của pháp luật;

c) Có phương thức để người tiếp nhận thông tin có khả năng từ chối việc tiếp nhận thông tin;

d) Cung cấp điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn thông tin mạng khi có yêu cầu.

Điều 11. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn phần mềm độc hại theo hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia triển khai hệ thống kỹ thuật nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời phần mềm độc hại.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử, truyền đưa, lưu trữ thông tin phải có hệ thống lọc phần mềm độc hại trong quá trình gửi, nhận, lưu trữ thông tin trên hệ thống của mình và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có biện pháp quản lý, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn phát tán phần mềm độc hại và xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan tổ chức phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý phần mềm độc hại gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Điều 12. Bảo đảm an toàn tài nguyên viễn thông

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên viễn thông có trách nhiệm sau đây:

a) Áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật để ngăn chặn mất an toàn thông tin mạng xuất phát từ tần số, kho số, tên miền và địa chỉ Internet của mình;

b) Phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến an toàn tài nguyên viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên Internet có trách nhiệm quản lý, phối hợp ngăn chặn mất an toàn thông tin mạng xuất phát từ tài nguyên Internet, từ khách hàng của mình; cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phối hợp kết nối, định tuyến để bảo đảm hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam.

Điều 13. Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

1. Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động nhằm xử lý, khắc phục sự cố gây mất an toàn thông tin mạng.

2. Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đồng bộ và hiệu quả;

b) Tuân thủ quy định của pháp luật về điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng;

c) Có sự phối hợp giữa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp viễn thông, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải thành lập hoặc chỉ định bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc; quy định chi tiết về điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Điều 14. Ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia

1. Ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia là hoạt động ứng cứu sự cố trong tình huống thảm họa hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.

2. Ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Tổ chức thực hiện theo phân cấp;

b) Thực hiện tại chỗ, nhanh chóng, nghiêm ngặt, phối hợp chặt chẽ;

c) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả, khả thi.

3. Hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia gồm:

a) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

b) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

c) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của địa phương;

d) Phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng của doanh nghiệp viễn thông.

4. Trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì điều phối công tác ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

c) Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia;

d) Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thực hiện biện pháp ứng cứu khẩn cấp, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan để bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thông tin mạng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trên mạng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc bộ phận chuyên trách ứng cứu sự cố khi phát hiện các hành vi phá hoại hoặc sự cố an toàn thông tin mạng.

Mục 2
BẢO VỆ THÔNG TIN CÁ NHÂN

Điều 16. Nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng

1. Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý.

3. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải xây dựng và công bố công khai biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân mình.

4. Việc bảo vệ thông tin cá nhân thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Việc xử lý thông tin cá nhân phục vụ mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc không nhằm mục đích thương mại được thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 17. Thu thập và sử dụng thông tin cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm sau đây:

a) Tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

b) Chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

c) Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân do mình thu thập.

3. Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ.

Điều 18. Cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân

1. Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba.

2. Ngay khi nhận được yêu cầu của chủ thể thông tin cá nhân về việc cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân hoặc đề nghị ngừng cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện yêu cầu và thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân hoặc cung cấp cho chủ thể thông tin cá nhân quyền tiếp cận để tự cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình;

b) Áp dụng biện pháp phù hợp để bảo vệ thông tin cá nhân; thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân đó trong trường hợp chưa thực hiện được yêu cầu do yếu tố kỹ thuật hoặc yếu tố khác.

3. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải hủy bỏ thông tin cá nhân đã được lưu trữ khi đã hoàn thành mục đích sử dụng hoặc hết thời hạn lưu trữ và thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 19. Bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng

1. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp để bảo vệ thông tin cá nhân do mình thu thập, lưu trữ; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn thông tin mạng.

2. Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cần áp dụng biện pháp khắc phục, ngăn chặn trong thời gian sớm nhất.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng

1. Thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.

2. Định kỳ hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân; tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết.

Mục 3
BẢO VỆ HỆ THỐNG THÔNG TIN

Điều 21. Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin

1. Phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin là việc xác định cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin theo cấp độ tăng dần từ 1 đến 5 để áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm bảo vệ hệ thống thông tin phù hợp theo cấp độ.

2. Hệ thống thông tin được phân loại theo cấp độ an toàn như sau:

a) Cấp độ 1 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng không làm tổn hại tới lợi ích công cộng, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;

b) Cấp độ 2 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc làm tổn hại tới lợi ích công cộng nhưng không làm tổn hại tới trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia;

c) Cấp độ 3 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới sản xuất, lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội hoặc làm tổn hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia;

d) Cấp độ 4 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội hoặc làm tổn hại nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia;

đ) Cấp độ 5 là cấp độ mà khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại đặc biệt nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh quốc gia.

3. Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ.

Điều 22. Nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thông tin

1. Xác định cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin.

2. Đánh giá và quản lý rủi ro an toàn hệ thống thông tin.

3. Đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ hệ thống thông tin.

4. Tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin.

5. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

6. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng.

Điều 23. Biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin

1. Ban hành quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng, nâng cấp, hủy bỏ hệ thống thông tin.

2. Áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng để phòng, chống nguy cơ, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng.

3. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định và đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý và kỹ thuật được áp dụng.

4. Giám sát an toàn hệ thống thông tin.

Điều 24. Giám sát an toàn hệ thống thông tin

1. Giám sát an toàn hệ thống thông tin là hoạt động lựa chọn đối tượng giám sát, thu thập, phân tích trạng thái thông tin của đối tượng giám sát nhằm xác định những nhân tố ảnh hưởng đến an toàn hệ thống thông tin; báo cáo, cảnh báo hành vi xâm phạm an toàn thông tin mạng hoặc hành vi có khả năng gây ra sự cố an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin; tiến hành phân tích yếu tố then chốt ảnh hưởng tới trạng thái an toàn thông tin mạng; đề xuất thay đổi biện pháp kỹ thuật.

2. Đối tượng giám sát an toàn hệ thống thông tin gồm tường lửa, kiểm soát truy nhập, tuyến thông tin chủ yếu, máy chủ quan trọng, thiết bị quan trọng hoặc thiết bị đầu cuối quan trọng.

3. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng có trách nhiệm phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin trong việc giám sát an toàn hệ thống thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 25. Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin

1. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm thực hiện bảo vệ hệ thống thông tin theo quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Luật này.

2. Chủ quản hệ thống thông tin sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này và có trách nhiệm sau đây:

a) Có phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định khi thiết lập, mở rộng hoặc nâng cấp hệ thống thông tin;

b) Chỉ định cá nhân, bộ phận phụ trách về an toàn thông tin mạng.

Điều 26. Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia

1. Khi thiết lập, mở rộng và nâng cấp hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải thực hiện kiểm định an toàn thông tin trước khi đưa vào vận hành, khai thác.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ, ngành có liên quan xây dựng Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 27. Trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia

1. Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật này;

b) Định kỳ đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng. Việc đánh giá rủi ro an toàn thông tin mạng phải do tổ chức chuyên môn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định thực hiện;

c) Triển khai biện pháp dự phòng cho hệ thống thông tin;

d) Lập kế hoạch bảo vệ, lập phương án và diễn tập phương án bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, Bộ Công an và bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, trừ hệ thống thông tin quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng tham gia tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

3. Bộ Công an chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia do Bộ Công an quản lý; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan trong việc bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Bộ Quốc phòng chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia do Bộ Quốc phòng quản lý.

5. Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì tổ chức triển khai giải pháp dùng mật mã để bảo vệ thông tin trong hệ thống thông tin quan trọng quốc gia của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp với chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong việc giám sát an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật.

Mục 4
NGĂN CHẶN XUNG ĐỘT THÔNG TIN TRÊN MẠNG

Điều 28. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng

1. Tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Ngăn chặn thông tin phá hoại xuất phát từ hệ thống thông tin của mình; hợp tác xác định nguồn, đẩy lùi, khắc phục hậu quả tấn công mạng được thực hiện thông qua hệ thống thông tin của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

b) Ngăn chặn hành động của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có mục đích phá hoại tính nguyên vẹn của mạng;

c) Loại trừ việc tổ chức thực hiện hoạt động trái pháp luật trên mạng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

2. Chính phủ quy định chi tiết về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.

Điều 29. Ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố

1. Các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố gồm:

a) Vô hiệu hóa nguồn Internet sử dụng để thực hiện hành vi khủng bố;

b) Ngăn chặn việc thiết lập và mở rộng trao đổi thông tin về các tín hiệu, nhân tố, phương pháp và cách sử dụng Internet để thực hiện hành vi khủng bố, về mục tiêu và hoạt động của các tổ chức khủng bố trên mạng;

c) Trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn kiểm soát các nguồn Internet, tìm và kiểm soát nội dung của trang tin điện tử có mục đích khủng bố.

2. Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm thực hiện và các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố quy định tại khoản 1 Điều này.