Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013/Chương III
Chương III
KIỂM DỊCH THỰC VẬT
Điều 25. Quy định về kiểm dịch thực vật
1. Kiểm dịch thực vật được thực hiện đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và kiểm dịch thực vật nội địa theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp được miễn trừ kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các danh mục sau đây:
a) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
b) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;
c) Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật;
d) Danh mục đối tượng phải kiểm soát.
Điều 26. Yêu cầu đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu
1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp;
b) Không có sinh vật gây hại trong danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ;
c) Bao bì đóng gói vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu phải được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
2. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được phép nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cấp;
b) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 27. Phân tích nguy cơ dịch hại
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được phân tích nguy cơ dịch hại.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại trên cơ sở thông tin do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cung cấp và các nguồn thông tin hiện có khác.
3. Căn cứ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cho phép hoặc không cho phép nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu và tổ chức, cá nhân có liên quan biết.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung thông tin cần cung cấp để phân tích nguy cơ dịch hại; quy trình, nội dung phân tích nguy cơ dịch hại.
Điều 28. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;
b) Hợp đồng thương mại;
c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét và cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 29. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu
1. Khi nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, chủ vật thể phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Địa điểm thực hiện kiểm dịch thực vật là cửa khẩu đầu tiên hoặc nơi mà từ đó vật thể được đưa vào Việt Nam, trường hợp đặc biệt thì được thực hiện tại địa điểm khác có đủ điều kiện cách ly do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định.
2. Đối với những vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cửa khẩu nhập khẩu.
3. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mang theo hành lý xách tay hoặc hành lý gửi theo phương tiện chuyên chở phải được khai báo và kiểm tra theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật chỉ được thông quan sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
5. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.
Điều 30. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
1. Giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giống cây trồng, sinh vật có ích sử dụng trong bảo vệ thực vật khi nhập khẩu phải thực hiện các quy định tại Điều 26 của Luật này và phải được kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
2. Giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được gieo trồng ngoài khu cách ly sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận không nhiễm sinh vật gây hại thuộc danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ.
3. Sinh vật có ích chỉ được nhân nuôi, sử dụng sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật sau khi kiểm dịch tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể số lượng mẫu giống cây trồng, sinh vật có ích được phép nhập khẩu theo quy định tại Điều này; điều kiện khu cách ly; trình tự, thủ tục và nội dung kiểm dịch thực vật tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
Điều 31. Kiểm dịch thực vật xuất khẩu
1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu.
3. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Trường hợp đã kiểm dịch tại cơ sở sản xuất hoặc nơi xuất phát hoặc nơi bảo quản ở sâu trong nội địa thì chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi đến cửa khẩu cuối cùng để xuất khẩu.
Điều 32. Kiểm dịch thực vật quá cảnh
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi quá cảnh Việt Nam phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương đồng ý và kiểm dịch tại cửa khẩu đầu tiên nơi vật thể được đưa vào Việt Nam.
2. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.
Điều 33. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
1. Đăng ký kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân trước khi nhập khẩu, quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương để kiểm dịch;
b) Tổ chức, cá nhân trước khi xuất khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nơi gần nhất để kiểm dịch.
2. Việc kiểm dịch vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quyết định và thông báo cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật về địa điểm và thời gian tiến hành kiểm dịch;
b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, nếu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Điều 34. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xử lý trong các trường hợp sau đây:
a) Vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ; vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam;
b) Vật thể phải xử lý để đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu;
c) Vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc.
2. Biện pháp xử lý bao gồm xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các biện pháp khác.
3. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định áp dụng biện pháp xử lý thích hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trừ các biện pháp quy định tại Điều 35 của Luật này.
4. Chi phí xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do chủ vật thể chi trả; chi phí xử lý vật thể quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm.
5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Điều 35. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:
a) Vật thể nhập khẩu được xác định có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập, lây lan và đe dọa sản xuất nông nghiệp trong nước, an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu của Việt Nam;
b) Vật thể xuất khẩu không bảo đảm yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu và có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
2. Khi các nguy cơ quy định tại khoản 1 Điều này đã được khắc phục thì vật thể được tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 36. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải do tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện.
2. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:
a) Xông hơi khử trùng;
b) Xử lý nhiệt;
c) Xử lý hơi nước nóng;
d) Chiếu xạ;
đ) Các hoạt động kỹ thuật khác.
Điều 37. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật bao gồm:
a) Có địa điểm xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, nhà xưởng, kho chứa trang thiết bị, phương tiện phù hợp với quy mô hành nghề;
b) Có đầy đủ trang thiết bị và quy trình kỹ thuật;
c) Có đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện về nhân lực bao gồm:
a) Người trực tiếp quản lý, điều hành của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có trình độ chuyên môn phù hợp từ đại học trở lên; bảo đảm sức khỏe theo quy định;
b) Người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được tập huấn, được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra trình độ chuyên môn, tay nghề và cấp thẻ hành nghề; bảo đảm sức khỏe theo quy định.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Điều 38. Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực bảo đảm điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Điều 37 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định tại Điều 37 của Luật này;
đ) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định như sau:
a) Tổ chức có nhu cầu hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra thực tế điều kiện hành nghề của tổ chức đó; nếu đủ điều kiện thì cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 39. Hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử
lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất, sai sót, hư hỏng;
b) Có sự thay đổi về phạm vi, quy mô hành nghề hoặc thông tin liên quan đến tổ chức đăng ký;
c) Hết hạn theo quy định tại Điều 40 của Luật này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
b) Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất;
c) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn của người quản lý, điều hành, giấy chứng nhận tập huấn về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc Thẻ hành nghề của những người trực tiếp thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 37 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận sức khỏe của người quản lý, điều hành và những người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
đ) Tài liệu về quy trình kỹ thuật; danh mục phương tiện, trang thiết bị hành nghề tại thời điểm đề nghị;
e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.
Điều 40. Hiệu lực của Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.
2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hết hạn, tổ chức hành nghề phải nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trong trường hợp có nhu cầu tiếp tục hành nghề.
Điều 41. Thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;
b) Tổ chức hành nghề vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 03 lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
c) Tổ chức hành nghề có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:
a) Ký kết và thực hiện hợp đồng với chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật;
b) Cấp chứng nhận đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được xử lý;
c) Đề xuất biện pháp kỹ thuật để xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
d) Khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:
a) Chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và duy trì các điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật này trong quá trình hoạt động;
b) Chỉ được thực hiện dịch vụ xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đúng quy định trong Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
c) Thực hiện việc xử lý theo chỉ định và chịu sự giám sát của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ;
d) Bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được xử lý và sức khỏe cộng đồng;
đ) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
e) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;
g) Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Điều 43. Kiểm dịch thực vật nội địa
1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi vận chuyển vật thể từ vùng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đến các vùng khác phải khai báo với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương nơi gần nhất để thực hiện việc kiểm dịch và được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
2. Vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đã được xử lý khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra, giám sát tại địa phương.
3. Nông sản, lâm sản bảo quản trong kho, giống cây trồng nhập khẩu, giống cây trồng mới được đưa về gieo trồng tại địa phương phải được theo dõi tình hình sinh vật gây hại.
4. Sinh vật có ích nhập nội trong quá trình sử dụng phải được theo dõi, đánh giá, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động bất lợi do chúng gây ra.
5. Vùng không nhiễm sinh vật gây hại phải được giám sát thường xuyên để duy trì các điều kiện của vùng này.
6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Điều 44. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong hoạt động kiểm dịch thực vật
1. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu.
2. Kiểm dịch thực vật nội địa.
3. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.
4. Giám sát vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và chuyển vào kho ngoại quan.
5. Quyết định biện pháp xử lý; giám sát, xác nhận việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Quản lý các hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
7. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật.
8. Tổ chức xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vô chủ, không rõ nguồn gốc từ nước ngoài vào Việt Nam.
9. Chỉ định tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xử lý trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ; yêu cầu chủ vật thể thực hiện và chịu chi phí.
10. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu để thực hiện việc kiểm dịch tại nước xuất khẩu hoặc các yêu cầu kiểm dịch theo quy định của nước nhập khẩu tại Việt Nam.
11. Cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật cho các nước có liên quan khi được yêu cầu.
Điều 45. Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức kiểm dịch thực vật
1. Thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Luật này; nghiêm chỉnh chấp hành quy trình nghiệp vụ kiểm dịch thực vật và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Yêu cầu chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, phương tiện, nhân lực cần thiết cho việc kiểm dịch.
3. Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
4. Thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu trong quá trình kiểm dịch theo quy định.
5. Đối với những nơi thuộc bí mật quốc phòng, an ninh và trường hợp đặc biệt khác thì được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật nhưng phải bảo đảm yêu cầu bảo mật.
Điều 46. Quy định trang phục đối với công chức kiểm dịch thực vật
1. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật, công chức kiểm dịch thực vật phải mang trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ công chức kiểm dịch thực vật.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật;
b) Được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hướng dẫn phát hiện, nhận biết sinh vật gây hại, các biện pháp xử lý vật thể bị nhiễm sinh vật gây hại;
c) Yêu cầu cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cung cấp thông tin cho nước nhập khẩu đối với vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại;
d) Khiếu nại về kết quả kiểm dịch thực vật và quyết định của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
2. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện yêu cầu của công chức kiểm dịch thực vật khi thi hành công vụ như mở, đóng phương tiện vận chuyển, kho chứa, kiện hàng, bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ kiểm tra, lấy mẫu vật thể; chịu trách nhiệm bảo quản vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong thời gian thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật và hướng dẫn công chức kiểm dịch vào nơi có vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để kiểm dịch;
b) Cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác kiểm dịch khi cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật yêu cầu;
c) Theo dõi và kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ phải báo ngay cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất;
d) Thực hiện đúng, kịp thời việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quyết định và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
đ) Thực hiện đầy đủ các biện pháp quy định tại Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.