Bước tới nội dung

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2020

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)  (2020) 
của Quốc hội Việt Nam
Loại Số Ngày ban hành Ngày hiệu lực Thay thế/Sửa đổi cho Sửa đổi bởi Bản mới hơn Hiệu lực
Luật 71/2020/QH14 16/11/2020 1/7/2021 64/2006/QH11 - - Toàn bộ

QUỐC HỘI
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Luật số: 71/2020/QH14

LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS)

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 11 như sau:

“11. Xét nghiệm HIV là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV trong mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể người, bao gồm xét nghiệm sàng lọc HIV và xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 14, khoản 15 và bổ sung khoản 16 vào sau khoản 15 như sau:

“14. Người di biến động là người thường xuyên sống xa gia đình, thay đổi chỗ ở và nơi làm việc.

15. Biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV là giải pháp nhằm giảm tác động có hại của hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đối với cá nhân và cộng đồng.

16. Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV là việc sử dụng thuốc kháng HIV để phòng ngừa, giảm nguy cơ nhiễm HIV.”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 2 Điều 4 như sau:

“b) Thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng với mình;

c) Thực hiện các quy định về điều trị khi tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV;”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 như sau:

“2. Ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng sau đây:

a) Người nhiễm HIV;

b) Người sử dụng ma túy;

c) Người bán dâm;

d) Người có quan hệ tình dục đồng giới;

đ) Người chuyển đổi giới tính;

e) Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này;

g) Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV;

h) Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

i) Người di biến động;

k) Phụ nữ mang thai;

l) Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy;

m) Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

n) Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.”.

4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 12 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 như sau:

“3. Bộ Thông tin và Truyền thông trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thường xuyên thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS với chương trình thông tin, truyền thông khác.

3a. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.”;

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 như sau:

“7. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

Điều 18. Phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác

1. Người đứng đầu cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV ở cơ sở do mình quản lý.

2. Chính phủ quy định việc quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV quy định tại khoản 1 Điều này.”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

Điều 20. Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV/AIDS

1. Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao có quyền tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức tổ chức sinh hoạt khác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.

3. Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Tuyên truyền và tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của Chính phủ;

b) Cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ;

c) Tư vấn và hỗ trợ cho người có hành vi nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV;

d) Hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV;

đ) Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS;

e) Các hoạt động khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.”.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:

Điều 21. Can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV

1. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm:

a) Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su;

b) Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch;

c) Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV;

d) Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

đ) Các biện pháp can thiệp giảm tác hại phù hợp khác.

2. Ưu tiên can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i và l khoản 2 Điều 11 của Luật này.

3. Chính phủ quy định việc tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 27 như sau:

“2. Người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV.

3. Việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó.”.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau:

Điều 29. Xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm khẳng định HIV dương tính

1. Xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm.

2. Xét nghiệm khẳng định HIV dương tính chỉ được thực hiện tại cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính. Người được xét nghiệm muốn nhận kết quả xét nghiệm phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có ảnh, thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng.

3. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính theo quy định của Chính phủ.”.

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:

Điều 30. Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV

1. Người đứng đầu cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này có trách nhiệm thực hiện việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

2. Kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho những người sau đây:

a) Người được xét nghiệm;

b) Vợ hoặc chồng của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Người được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho người được xét nghiệm;

d) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; người được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS;

đ) Người đứng đầu, điều dưỡng viên trưởng của khoa, phòng, đơn vị khác của cơ sở y tế có người nhiễm HIV được điều trị; nhân viên y tế được giao trách nhiệm trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV tại cơ sở y tế;

e) Người đứng đầu, người phụ trách y tế, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác;

g) Người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao trách nhiệm của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

3. Người được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV bao gồm:

a) Người quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

b) Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV;

c) Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ sở y tế khi trực tiếp thực hiện việc thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV;

d) Người được người nhiễm HIV đồng ý cho phép tiếp cận thông tin của chính người nhiễm HIV.

4. Phạm vi tiếp cận thông tin người nhiễm HIV được quy định như sau:

a) Người quy định tại điểm d khoản 2 Điều này được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV có nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc được xét nghiệm HIV trên địa bàn được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS;

b) Người quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế nơi làm việc hoặc được phân công giám định bảo hiểm y tế.

5. Nội dung tiếp cận thông tin người nhiễm HIV bao gồm:

a) Thông tin cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này;

b) Thông tin dịch tễ học HIV/AIDS;

c) Tình trạng điều trị HIV/AIDS.

6. Người quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g khoản 2 và khoản 3 Điều này có trách nhiệm giữ bí mật thông tin người nhiễm HIV.

7. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV quy định tại Điều này.”.

11. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 35 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm như sau:

a) Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho người có thẻ bảo hiểm y tế theo mức hưởng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

b) Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí Quỹ bảo hiểm y tế không chi trả cho đối tượng quy định tại điểm a khoản này và chi trả cho người không có thẻ bảo hiểm y tế theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Phụ nữ nhiễm HIV được tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS trong thời kỳ mang thai và cho con bú.”;

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Chính phủ quy định nguồn ngân sách nhà nước và phương thức chi trả trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai quy định tại khoản 1 Điều này; việc chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.”.

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:

Điều 36. Điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV

1. Người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV được tư vấn, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV. Ưu tiên tiếp cận tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV cho đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 11 của Luật này.

2. Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, rủi ro của kỹ thuật y tế được tư vấn, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV và hưởng chế độ theo quy định của Luật này.”.

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39 như sau:

“2. Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV cho các đối tượng sau đây:

a) Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

b) Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế;

c) Người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn;

d) Phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

đ) Trẻ em dưới 06 tuổi nhiễm HIV;

e) Người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.”.

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 43 như sau:

Điều 43. Nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS

1. Ngân sách nhà nước.

2. Quỹ bảo hiểm y tế.

3. Chi trả của người sử dụng dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS.

4. Nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

5. Các nguồn tài chính hợp pháp khác.”.

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 45 như sau:

Điều 45. Chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV

Người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác được ưu tiên trang bị phương tiện, dụng cụ cần thiết để phòng lây nhiễm HIV, hưởng các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”.

16. Bãi bỏ Điều 42 và Điều 44.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

2. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, toàn bộ tài sản, tài chính của Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV được sử dụng để hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với Quỹ ở trung ương và theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Quỹ ở địa phương.


Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2020.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Thị Kim Ngân

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".