Luật tổ chức chính quyền địa phương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015/Chương III
Chương III
CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở ĐÔ THỊ
Mục 1
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Điều 37. Chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương
Chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Quyết định những vấn đề của thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương ủy quyền.
4. Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn.
5. Chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương, các địa phương thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, thực hiện quy hoạch vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
7. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 39. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương
1. Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thành phố trực thuộc Trung ương bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Thành phố trực thuộc Trung ương có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá chín mươi lăm đại biểu;
b) Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bầu một trăm linh năm đại biểu.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân và Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
3. Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - ngân sách, Ban văn hóa - xã hội, Ban đô thị.
Ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Trưởng ban, không quá hai Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
4. Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Điều 40. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 19 của Luật này.
2. Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, phường trực thuộc.
3. Quyết định quy hoạch về xây dựng và phát triển đô thị trong phạm vi được phân quyền.
4. Quyết định các biện pháp phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong mối liên hệ với các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước theo quy định của pháp luật.
5. Quyết định các biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị; điều chỉnh dân cư theo quy hoạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Điều 41. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương
1. Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có không quá năm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các thành phố khác trực thuộc Trung ương có không quá bốn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm có các sở và cơ quan tương đương sở.
Điều 42. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 21 của Luật này.
2. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này.
3. Thực hiện chủ trương, biện pháp tạo nguồn tài chính, huy động vốn để phát triển đô thị; xây dựng và quản lý thống nhất công trình hạ tầng đô thị theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.
Điều 43. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 22 của Luật này.
2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng các công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Quản lý quỹ đất đô thị; việc sử dụng quỹ đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng đô thị theo quy định của pháp luật.
4. Quản lý nhà đô thị; quản lý việc kinh doanh bất động sản; sử dụng quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước của thành phố để phát triển nhà ở tại đô thị; chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị.
5. Chỉ đạo sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị.
6. Xây dựng kế hoạch và biện pháp giải quyết việc làm; phòng, chống các tệ nạn xã hội ở đô thị.
7. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị.
8. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị; tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Mục 2
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở QUẬN
Điều 44. Chính quyền địa phương ở quận
Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân quận và Ủy ban nhân dân quận.
Điều 45. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở quận
1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn quận.
2. Quyết định những vấn đề của quận trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
4. Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở phường.
5. Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở quận.
6. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn quận.
Điều 46. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân quận
1. Hội đồng nhân dân quận gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở quận bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân quận được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Quận có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;
b) Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở quận có từ ba mươi phường trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng tổng số không quá bốn mươi lăm đại biểu.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân quận gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân quận. Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
3. Hội đồng nhân dân quận thành lập Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân quận gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân quận quyết định. Trưởng ban của Hội đồng nhân dân quận có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân quận là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
4. Các đại biểu Hội đồng nhân dân quận được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân quận quyết định.
Điều 47. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quận
1. Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quận.
2. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân quận; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân quận; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân quận.
3. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm của quận trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
4. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách quận; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn quận trong phạm vi được phân quyền.
5. Quyết định các biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp; quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở quận.
6. Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận.
7. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và văn bản của Hội đồng nhân dân phường.
8. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân quận bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.
9. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân phường.
10. Giải tán Hội đồng nhân dân phường trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân và trình Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương phê chuẩn.
11. Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân quận và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân quận xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Điều 48. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân quận
1. Ủy ban nhân dân quận gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Ủy ban nhân dân quận loại I có không quá ba Phó Chủ tịch; quận loại II và loại III có không quá hai Phó Chủ tịch.
Ủy viên Ủy ban nhân dân quận gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận gồm có các phòng và cơ quan tương đương phòng.
Điều 49. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận
1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân quận quyết định các nội dung quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều 47 của Luật này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận.
2. Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận.
3. Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
5. Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân phường, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận.
Điều 50. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng, giao thông và không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; quản lý dân cư trên địa bàn quận theo phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.
Mục 3
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH, THÀNH PHỐ THUỘC THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Điều 51. Chính quyền địa phương ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
Chính quyền địa phương ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 52. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Quyết định những vấn đề của thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
4. Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã.
5. Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 53. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
1. Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Thị xã có từ bảy mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên bảy mươi nghìn dân thì cứ thêm mười nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;
b) Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ một trăm nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên một trăm nghìn dân thì cứ thêm mười nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu;
c) Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá bốn mươi lăm đại biểu.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
3. Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội. Ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban dân tộc. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban dân tộc quy định tại khoản này.
Ban của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
4. Các đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Số lượng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ trưởng và Tổ phó của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Điều 54. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 26 của Luật này.
2. Quyết định quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; quyết định dự án đầu tư công trình đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
3. Quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, giao thông theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan đô thị trên địa bàn.
Điều 55. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
1. Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại I có không quá ba Phó Chủ tịch; thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương loại II và loại III có không quá hai Phó Chủ tịch.
Ủy viên Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm có các phòng và cơ quan tương đương phòng.
Điều 56. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 28 của Luật này.
2. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương quyết định các nội dung quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 54 của Luật này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, quy hoạch phát triển đô thị theo quy định của pháp luật.
Điều 57. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn.
3. Quản lý quỹ đất đô thị; việc sử dụng quỹ đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng đô thị; quản lý nhà đô thị; quản lý việc kinh doanh nhà ở; sử dụng quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để phát triển nhà ở tại đô thị; chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xây dựng nhà ở tại đô thị.
4. Chỉ đạo sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị.
5. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ, ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Mục 4
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở PHƯỜNG
Điều 58. Chính quyền địa phương ở phường
Chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân phường.
Điều 59. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở phường
1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn phường.
2. Quyết định những vấn đề của phường trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
4. Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương ở quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở phường.
5. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn phường.
Điều 60. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân phường
1. Hội đồng nhân dân phường gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở phường bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân phường được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a) Phường có từ tám nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu;
b) Phường có trên tám nghìn dân thì cứ thêm bốn nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân phường gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
3. Hội đồng nhân dân phường thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân phường gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân phường quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân phường hoạt động kiêm nhiệm.
Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường
1. Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường.
2. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân phường; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân phường.
3. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật.
4. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
5. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân phường bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.
6. Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân phường và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân phường xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
7. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
Điều 62. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường
Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
Ủy ban nhân dân phường loại I có không quá hai Phó Chủ tịch; phường loại II và loại III có một Phó Chủ tịch.
Điều 63. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường
1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân phường quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 61 của Luật này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường.
2. Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
Điều 64. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 36 của Luật này.
2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng, giao thông, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn phường.
3. Quản lý dân cư trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật.
Mục 5
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở THỊ TRẤN
Điều 65. Chính quyền địa phương ở thị trấn
Chính quyền địa phương ở thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân thị trấn và Ủy ban nhân dân thị trấn.
Điều 66. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn
1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn thị trấn.
2. Quyết định những vấn đề của thị trấn trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
4. Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương ở huyện về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn.
5. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thị trấn.
Điều 67. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thị trấn
1. Hội đồng nhân dân thị trấn gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thị trấn bầu ra.
Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân thị trấn gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
3. Hội đồng nhân dân thị trấn thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân thị trấn gồm Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân thị trấn quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân thị trấn hoạt động kiêm nhiệm.
Điều 68. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn
1. Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn.
2. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thị trấn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân thị trấn.
3. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách thị trấn; điều chỉnh dự toán ngân sách thị trấn trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách thị trấn. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
4. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
5. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân thị trấn bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.
6. Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
7. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn.
Điều 69. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thị trấn
Ủy ban nhân dân thị trấn gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
Ủy ban nhân dân thị trấn loại I có không quá hai Phó Chủ tịch; thị trấn loại II và loại III có một Phó Chủ tịch.
Điều 70. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thị trấn
1. Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thị trấn quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 68 của Luật này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn.
2. Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
Điều 71. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 36 của Luật này.
2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng, giao thông, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn thị trấn.
3. Quản lý dân cư trên địa bàn thị trấn theo quy định của pháp luật.