Luật thống kê nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015/Chương III
Chương III
THU THẬP THÔNG TIN THỐNG KÊ NHÀ NƯỚC
Mục 1
ĐIỀU TRA THỐNG KÊ
Điều 27. Các loại điều tra thống kê
1. Tổng điều tra thống kê quốc gia và điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia.
2. Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Điều 28. Chương trình điều tra thống kê quốc gia
1. Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, được tiến hành định kỳ nhằm thu thập thông tin chủ yếu để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm tên cuộc điều tra, mục đích, đối tượng, đơn vị, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chương trình điều tra thống kê quốc gia;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện chương trình điều tra thống kê quốc gia.
3. Thẩm quyền quyết định tiến hành điều tra trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được quy định như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành tổng điều tra thống kê quốc gia;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân công trong chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Điều 29. Tổng điều tra thống kê quốc gia
1. Tổng điều tra thống kê quốc gia gồm:
a) Tổng điều tra dân số và nhà ở;
b) Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;
c) Tổng điều tra kinh tế;
d) Tổng điều tra thống kê quốc gia khác.
2. Cơ quan thực hiện tổng điều tra thống kê quốc gia gồm:
a) Cơ quan thống kê trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng điều tra quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
b) Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan thực hiện tổng điều tra quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung tổng điều tra thống kê quốc gia.
Điều 30. Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia
1. Điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm:
a) Điều tra thống kê đột xuất khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp đột xuất khác;
b) Điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của bộ, ngành thuộc lĩnh vực phụ trách, nhưng không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
c) Điều tra thống kê nhằm thu thập thông tin có tính chất đặc thù phục vụ yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Thẩm quyền quyết định điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định chương trình và tổ chức thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chương trình và tổ chức thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 31. Phương án điều tra thống kê
1. Mỗi cuộc điều tra thống kê phải có phương án điều tra thống kê được ban hành kèm theo quyết định điều tra thống kê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phương án điều tra thống kê gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mục đích, yêu cầu điều tra;
b) Phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra;
c) Loại điều tra;
d) Thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra;
đ) Nội dung, phiếu điều tra;
e) Phân loại thống kê sử dụng trong điều tra;
g) Quy trình xử lý và biểu đầu ra của điều tra;
h) Kế hoạch tiến hành điều tra;
i) Tổ chức điều tra;
k) Kinh phí và các điều kiện vật chất cho điều tra.
Điều 32. Thẩm định phương án điều tra thống kê
1. Phương án điều tra thống kê đối với điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia do bộ, ngành thực hiện và điều tra thống kê quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định và bản dự thảo phương án điều tra thống kê.
3. Nội dung thẩm định gồm mục đích, phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra; loại điều tra; thời điểm, thời gian và phương pháp điều tra; nội dung, phiếu điều tra và phân loại thống kê sử dụng trong điều tra.
4. Thời hạn thẩm định là 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định. Trường hợp thẩm định phương án điều tra thống kê quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 của Luật này thì thời hạn thẩm định là 05 ngày làm việc.
5. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình bằng văn bản gửi cơ quan thống kê trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, ban hành phương án điều tra thống kê. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm về phương án điều tra thống kê do mình ban hành.
Điều 33. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê
1. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền sau đây:
a) Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc điều tra;
b) Được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định tại Điều 57 của Luật này;
c) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.
2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
b) Không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê;
c) Chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.
Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của điều tra viên thống kê
1. Điều tra viên thống kê có các quyền sau đây:
a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
b) Được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra thống kê, được trang bị phương tiện phục vụ công việc thu thập thông tin và được trả công;
c) Yêu cầu đối tượng điều tra thống kê cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.
2. Điều tra viên thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện thu thập thông tin theo đúng phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;
b) Giữ bí mật thông tin thu thập từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê;
c) Giao nộp tài liệu, phiếu điều tra theo hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.
Điều 35. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành điều tra thống kê
1. Xây dựng phương án điều tra thống kê.
2. Chỉ đạo, tổ chức, giám sát và kiểm tra việc thực hiện phương án điều tra thống kê.
3. Kiểm tra việc cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.
4. Tổng hợp, phân tích, công bố kết quả điều tra thống kê.
5. Giữ bí mật thông tin thống kê thu thập được.
6. Việc báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thuộc hệ thống tổ chức thống kê tập trung được thực hiện như sau:
a) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 30 của Luật này có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê trung ương;
b) Cơ quan thực hiện điều tra thống kê quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 của Luật này có trách nhiệm báo cáo kết quả điều tra thống kê cho cơ quan thống kê cấp tỉnh.
Mục 2
SỬ DỤNG DỮ LIỆU HÀNH CHÍNH CHO HOẠT ĐỘNG THỐNG KÊ NHÀ NƯỚC
Điều 36. Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước
1. Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước là hình thức thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể từ dữ liệu hành chính. Dữ liệu hành chính sử dụng cho hoạt động thống kê nhà nước là dữ liệu thống kê.
2. Nội dung sử dụng dữ liệu hành chính trong hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Tổng hợp số liệu thống kê, biên soạn các chỉ tiêu thống kê và lập báo cáo theo chế độ báo cáo thống kê;
b) Lập hoặc cập nhật dàn mẫu cho điều tra thống kê;
c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê.
3. Cơ sở dữ liệu hành chính được sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về con người;
b) Cơ sở dữ liệu về đất đai;
c) Cơ sở dữ liệu về cơ sở kinh tế;
d) Cơ sở dữ liệu về thuế;
đ) Cơ sở dữ liệu về hải quan;
e) Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm;
g) Cơ sở dữ liệu hành chính khác.
4. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ yêu cầu quản lý và hoạt động thống kê nhà nước.
Điều 37. Cung cấp dữ liệu trong cơ sở dữ liệu cho hoạt động thống kê nhà nước
1. Nội dung dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này được cung cấp cho hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Danh mục các trường dữ liệu có liên quan và dữ liệu;
b) Định dạng dữ liệu, định nghĩa và các thuộc tính có liên quan của trường dữ liệu;
c) Phương thức, tần suất và thời gian cung cấp dữ liệu.
2. Các điều kiện bảo đảm cho việc cung cấp, tiếp nhận dữ liệu gồm cơ sở hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực và tài chính.
3. Cơ quan thống kê trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hành chính xác định cụ thể các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 38. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hành chính
1. Xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực và hoạt động thống kê nhà nước.
2. Cung cấp dữ liệu, thông tin trong cơ sở dữ liệu đang quản lý cho cơ quan thống kê trung ương theo quy định của Luật này.
3. Từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu, thông tin từ cơ sở dữ liệu đang quản lý nếu trái với quy định của pháp luật.
Điều 39. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thống kê trung ương trong quản lý, sử dụng dữ liệu hành chính
1. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng dữ liệu, thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính do các cơ quan quản lý dữ liệu cung cấp cho hoạt động thống kê nhà nước.
2. Bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 57 của Luật này.
3. Không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu, thông tin từ cơ sở dữ liệu hành chính được cung cấp, trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu đó.
Mục 3
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ
Điều 40. Chế độ báo cáo thống kê
1. Chế độ báo cáo thống kê gồm:
a) Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;
b) Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.
2. Nội dung chế độ báo cáo thống kê gồm mục đích, phạm vi thống kê, đối tượng áp dụng, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, ký hiệu biểu, kỳ báo cáo, thời hạn nhận báo cáo, phương thức gửi báo cáo và các biểu mẫu kèm theo giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê cụ thể.
Điều 41. Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia
1. Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia gồm:
a) Bộ, ngành; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
b) Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.
Điều 42. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành
1. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện và tổng hợp các thông tin thống kê khác phục vụ yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành gồm:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đặt tại địa phương;
b) Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành;
b) Cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành áp dụng đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.
Điều 43. Thẩm định chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành
1. Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
2. Hồ sơ gửi thẩm định gồm văn bản đề nghị thẩm định, dự thảo văn bản ban hành, biểu mẫu và giải thích biểu mẫu báo cáo.
3. Nội dung thẩm định gồm mục đích, đối tượng áp dụng, phạm vi thu thập, tổng hợp, biểu mẫu và giải thích biểu mẫu báo cáo.
4. Thời hạn thẩm định là 20 ngày kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.
5. Bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình bằng văn bản gửi cơ quan thống kê trung ương, trong đó nêu rõ những nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành do mình ban hành.
Điều 44. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê
1. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các quyền sau đây:
a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp thông tin;
b) Được hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện chế độ báo cáo thống kê;
c) Được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan để tổng hợp số liệu thống kê;
d) Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm quy định về chế độ báo cáo thống kê.
2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thu thập, tổng hợp, lập và nộp báo cáo theo quy định của chế độ báo cáo thống kê và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thống kê;
b) Bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo thống kê;
c) Không được từ chối hoặc cản trở việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê;
d) Chịu sự kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan nhận báo cáo;
đ) Chịu sự kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của thanh tra chuyên ngành thống kê.