Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương IV
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 76. Khiếu nại, tố cáo

1. Công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có quyền khiếu nại; công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và được bảo vệ theo quy định của pháp luật về tố cáo.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về tố cáo.

3. Người có hành vi bao che, cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý khiếu nại, tố cáo, xử lý người vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 77. Khen thưởng'

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích dưới đây thì được khen thưởng:

a) Hoàn thành, hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí được giao;

b) Có giải pháp, sáng kiến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mang lại kết quả cụ thể;

c) Phát hiện, có thông tin phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để lãng phí xảy ra.

2. Nguồn khen thưởng:

a) Nguồn tiền thưởng theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng;

b) Nguồn kinh phí tiết kiệm do áp dụng giải pháp, sáng kiến mang lại;

c) Nguồn kinh phí do ngăn chặn được lãng phí khi được phát hiện và khắc phục kịp thời;

d) Nguồn kinh phí được giao tự chủ của cơ quan, tổ chức.

3. Việc tính toán, xác định và sử dụng các nguồn tiền thưởng quy định tại khoản 2 Điều này do Chính phủ quy định.

Điều 78. Xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại các điều 27, 32, 45, 53 và 58 của Luật này; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật này để xảy ra lãng phí thì bị xử lý như sau:

a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp, cơ quan cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;

b) Bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật;

c) Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì bị xử lý như sau:

a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;

b) Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách và bị xử lý như sau:

a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;

b) Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được xem xét giảm trách nhiệm pháp lý quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi lãng phí; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi lãng phí.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.