Mùa thuế tới, giá bạc cao, nhân dân chịu thiệt hại rất nhiều

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Mùa thuế tới, giá bạc cao, nhân dân chịu thiệt hại rất nhiều  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 20 (7 Mai 1935), trang 1. 

HAI ĐIỀU, CHÚNG TÔI MONG CHÍNH PHỦ LÀM LẤY MỘT

Vừa rồi, anh em song sinh với Tràng An là tờ Gazette de Huê[1] có bài nói về sự lôi thôi của cái chế độ đồng tiền ở Trung Kỳ, kết luận xin cải cách cái chế độ ấy. Ở đây hôm nay chúng tôi cũng bàn về việc đó, khác nhau chỉ ở chỗ lập luận một đằng phiếm, một đằng chuyên.

Ba kỳ cùng nằm trong cõi đất Việt Nam này, cùng theo một chế độ tiền tệ, mà Nam, Bắc Kỳ khỏi có sự rắc rối lôi thôi như Trung Kỳ, chỉ vì xứ này có thêm một thứ tiền nữa gọi là “tiền đồng”.

Bắc Kỳ cũng có thứ tiền trinh Khải Định và Bảo Đại, nhưng nó chẳng qua làm những số lẻ ở dưới đồng xu, trực tiếp lệ thuộc với đồng bạc, thành ra nó chỉ có làm dễ dàng thêm cho sự mua bán chứ không có rắc rối lôi thôi gì hết.

Trung Kỳ đã theo cái chế độ tiền tệ chính phủ Pháp đặt ra như Nam, Bắc Kỳ rồi, còn vẫn lưu hành nhiều hạng tiền đồng: ăn mười, ăn sáu, ăn ba [….] thứ tiền theo chế độ tiền tệ của Nam triều lưu di từ trước; mà cái chế độ ấy lại không được chính phủ Pháp công nhận, cho nên mới sinh ra sự khó khăn giữa cuộc kinh tế xã dân lúc này.

Tiền đồng đã độc lập, không lệ thuộc với đồng bạc như tiền trinh Bắc Kỳ, thành thử nó có quyền tùy thời giá mà khi cao khi hạ. Nhân có sự cao hạ không thường ấy, những nhà buôn bán đầu cơ mới thừa dịp mà kiếm lợi, rồi nhân dân chịu lấy sự thiệt hại rất nhiều.

Sự thiệt hại ấy gây nên, một phần cũng bởi chính phủ Pháp không công nhận cái chế độ tiền tệ Nam triều như trên đã nói. Trong các kho bạc, các nhà băng, các nhà giây thép,…[2] không chịu thu tiền đồng ăn mười, ăn sáu… mà đòi cho được đồng bạc; bởi cớ đó những nhà buôn bán đầu cơ mới lợi dụng được mà bóp thắt dân nghèo.

Hiện trước mắt chúng ta đây, mùa thuế đã tới, đồng bạc đương ở cái giá 6 – 7 quan vọt lên đến 8 quan, là vì cớ đó. Họ biết đến mùa thuế, ai ai cũng phải cần cho có đồng bạc để nạp, các nhà buôn bán đầu cơ bèn tích trữ đồng bạc lại rồi bây giờ bắt giá lên. Mỗi đồng bạc lên giá đến hai quan tiền, thật nó rúc rỉa cái huyết mạch của dân nhà quê chẳng ít vậy.

Có ông quan lớn Nam triều hình như ngài cũng đã thấy đến chỗ thiệt hại ấy mà muốn làm ra một cái chánh sách để cứu dân, nhưng tiếc thay ngài đã làm một trò bỡn!

Đâu đã vài năm nay rồi thì phải, bộ Tài chánh đã ra lệnh ấn định giá đồng bạc là 6 quan 5 tiền, ai vi lệnh thì sẽ phải phạt cho thế này thế khác. Nhưng, ai lại bảo làm như thế mà được! Từ hồi đó đến giờ, khắp Trung Kỳ, có nơi bạc 6 quan 5 theo đúng lệnh, mà cũng có nơi 6 quan [….] 7 quan. Tuy vậy, chưa hề thấy kẻ nào vì sự vi lệnh ấy mà bị phạt bao giờ!

Bộ Tài chánh ta cũng làm theo cái lối định giá đồng bạc của Chánh phủ[3] Đông Pháp đó. Chánh phủ Đông Pháp định giá đồng bạc 10 francs thì bộ Tài chánh ta sợ ai mà chẳng định giá đồng bạc 6 quan 5 tiền? Nhưng khốn nỗi, có ai cầm 10 francs đổi lấy một đồng bạc hay cầm 1 đồng bạc đổi lấy 10 francs thì chánh phủ Đông Pháp có mà đổi tức thì; còn có ai cầm 6 quan 5 đổi lấy 1 đồng bạc hay 1 đồng bạc đổi lấy 6 quan 5 thì bộ Tài chánh ta đưa hai bàn tay trắng ra, chẳng có gì mà đổi; thành thử cái lệnh định giá đồng bạc hầu hết chẳng có người tuân!

Đáng thương hại cho cái tri thức về kinh tế của dân tộc Việt Nam, quan đã như thế mà dân cũng chẳng kém gì! Mới đây chúng tôi vừa tiếp được một bài của một ông dân ở Thanh Hóa, cũng than phiền về sự thiệt hại này mà lại điều trần xin Nam triều phái quan tải bạc ra các tỉnh để bán cho dân nạp thuế, dù bán 7 quan 1 đồng dân cũng còn được gội ơn. Chúng tôi phải cười thầm cho ông dân ấy sao mà lẩn thẩn thế? vả chăng Nam triều thì có bạc đâu mà tải đi bán chứ?

Với quan và dân An Nam ấy, chúng tôi không muốn bàn chuyện đồng tiền; chúng tôi xin nói ngay cùng các ngài bên chánh phủ Bảo hộ là hơn.

Cho được trừ sự thiệt hại hay là đỡ bớt sự thiệt hại của nhân dân như trên đã nói, chúng tôi xin chánh phủ hai điều.

Một là, các ngài thương đồng với Nam triều, đem hai thứ tiền ăn mườiăn sáu cho lệ thuộc ngay dưới đồng bạc (ăn ba gần tiêu hết rồi, không cần nói): cứ ăn mười 4 đồng bằng 1 đồng xu; ăn sáu 8 đồng bằng 1 đồng xu, theo như lối tiền trinh ở Bắc Kỳ. Như thế thì cái chế độ tiền tệ ở Trung Kỳ này sẽ là thống nhất, giá đồng bạc không có khi cao khi hạ bất thường mà nhân dân khỏi bị thiệt hại nữa vậy.

Hai là: Nếu không làm thế mà cứ để tiền đồng của Nam triều độc lập, giá bạc tùy lúc hạ cao, thì phải dùng cách này bổ cứu: vụ thuế nào cũng cho dân nộp xen một ít tiền. Đại để mỗi làng chiếu theo số thuế mình mà được nộp bằng tiền đồng lấy 10% hay 20%. Những tiền đồng ấy chẳng qua choán kho nhà nước và làm bận quan viên một vài tháng, rồi kế đó đem mà phát lương cho quan lại An Nam, tưởng cũng chẳng hại gì.

Hai điều chúng tôi xin đây nếu chánh phủ không làm lấy một, chẳng biết nhân dân xứ này còn chịu thiệt hại đến bao giờ?

Vả lại ở dưới chánh thể văn minh mà còn có cái chế độ tiền tệ “lưỡng trùng” như thế, ai sao chẳng biết, tự chúng tôi rất lấy làm chướng mắt quá!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. La Gazette de Huê là báo chữ Pháp, xuất bản hàng tuần tại Huế, cũng là báo của chủ nhiệm Bùi Huy Tín, được ghi chú là Édition française du Trang An = bản chữ Pháp của báo Tràng An; ra cùng ngày với Tràng An; số 1 ra ngày 1 Mars 1935; số cuối cùng: ra vào năm 1944 hoặc 1945. Soạn giả Nguyễn Thành chỉ dẫn rằng La Gazette de Huê ra số cuối cùng vào 7/6/1936 (Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, H.: Nxb. VHTT, 2001, tr. 216), nhưng đó là thông tin sai; tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội hiện vẫn còn lưu giữ bộ sưu tập La Gazette de Huê các năm 1935, 1936, 1937, 1938, 1939, 1941, 1944.
  2. nhà băng: ngân hàng; nhà giây thép: sở, trạm bưu điện.
  3. Chúng tôi nhận thấy: Phan Khôi dùng đồng thời cả 2 dạng: chánh phủ/chính phủ, tài chính/tài chánh.