Mấy lời phân trần về bài "Tục nhuộm răng của người mình" ở Phụ nữ tân văn số 54

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Mấy lời phân trần về bài "Tục nhuộm răng của người mình" ở Phụ nữ tân văn số 54  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 66 (21. 8.1930)

Kính đáp ông Lư Sơn Chơn Tướng

Chúng tôi, ông Trần Quỳ, quản lý bổn báo và tôi, có được làm quen với một vị thanh niên Trung Hoa, người có học thức rộng, năng qua lại xứ ta, hoặc ở Sài Gòn hoặc ở Hà Nội ; thỉnh thoảng có viết bài trong các báo Tàu ở Chợ Lớn, ký biệt hiệu là Lư-Sơn-Chơn-Tướng. Mới rồi ông có ở Hà Nội viết cho tôi một bức thơ bằng chữ Hán mà nhờ tay tôi dịch ra quốc ngữ để đăng vào Phụ nữ tân văn. Cốt ý bức thơ nói về bài văn lai cảo : “Tục nhuộm răng của người mình…” đăng trong tập báo nầy số 54. Trong thơ hết non nửa phần, ông tỏ ý khen tặng tôi về mấy bài nói về học thuật gần đây, vì ông đọc và nói tiếng Việt Nam được, đã từng đọc qua báo Phụ nữ mấy kỳ vừa rồi. Vì cớ đó, tôi dịch trọn bức thơ không tiện, mà chỉ tóm tắt ý ông nói về cái bài trên đó ; thấy ông nói phải nên nhơn đó mà biểu đồng cùng ông. Còn riêng về phần tôi, có lời cảm ơn ông thì đã đành.

Nguyên cái bài “Tục nhuộm răng…” nói trên đó đăng ở Phụ nữ tân văn số 54, ký tên Tú Lan, một đoạn nhập đề như vầy:

Cứ như câu chuyện sau nầy mà tôi đã được nghe các cụ đời xưa truyền lại thì cái tục nhuộm răng nguyên nhơn như vầy :

Mấy ngàn năm về trước, quân Tàu mới khởi sự đến cướp nước Nam, cách của họ cai trị đã làm cho nhơn dân ta phải chịu nhiều điều khổ sở… Họ lại bắt người mình ăn bận theo quốc tục của họ, nghĩa là đầu cũng kết bín, mà quần áo thì y hệt các chú chệt thím xẩm vậy.

Trải qua cái thời kỳ ấy, đến đời vua khác cầm quyền, thì lại thay đổi ý kiến, không muốn người Nam lẫn với người Tàu, vì sợ thành ra bình đẳng thì khó bề cai trị đè nén ; bởi vậy mà họ bắt buộc người Nam phải nhuộm răng cho phân biệt.

Trên đó là tôi chỉ dẫn những lời nào mà ông Lư Sơn cử ra làm cái luận điểm đó thôi. Độc giả ai muốn biết rõ hơn, xin tìm xem lại nguyên văn.

Phàm khảo cứu một việc gì, một cái phong tục nào, phải dẫn chứng cứ trong lịch sử đành rành mới đặng. Những lời trên đây đã không dựa vào lịch sử mà lại hiển nhiên trái với lịch sử nữa, cho nên ông Lư Sơn gởi thơ tới cãi là phải.

Ông Lư Sơn nói rằng :

“Nước chúng tôi (nước Trung Hoa) vài ngàn năm nay, duy chỉ có một trào Mãn Thanh, nguyên giống Hồ vào làm chủ Trung Quốc, mới bắt đầu hạ lịnh cạo đầu dóc bín, hết thảy người trong nước chúng tôi đều lấy làm một sự sỉ nhục lớn, nhiều kẻ đã liều chết không chịu theo, nên mới có những cuộc chém giết rất dữ tợn như ở Gia Định và Dương Châu. Từ hồi Mãn Thanh đó cho đến bây giờ chỉ có vài ba trăm năm mà chớ. Vậy mà tác giả nói rằng “Mấy ngàn năm về trước, quân Tàu bắt người Việt Nam cạo đầu dóc bín”, ấy là một điều quấy.

Tác giả nói rằng người Tàu bắt người Việt Nam ăn bận theo như các chú chệt, các thím xẩm, thì sao ngày nay đây, trải xem ba kỳ, đâu đâu cũng ăn mặc với nhau một lối : áo dài, cửa tay chật, mà không giống Tàu chút nào hết là sao ? Ấy là hai điều quấy.

Tác giả lại nói cái tục nhuộm răng đã do người Tàu bắt làm như vậy để phân biệt Hoa và Di, ấy là cái dấu thâm thù, cái điều sỉ nhục (đây cũng lấy ý nguyên văn), thì lại là lầm lắm. Vì ở bên Tàu chúng tôi, những người nào chưa hề bước chơn qua đất nầy thì chẳng bao giờ ngờ được rằng người An Nam có răng đen. Hoặc giả có người nghe nói tục đó, rồi khi gặp người Hoa kiều nào ở bên nầy về, đến nỗi đem mà hỏi nhau rằng : “Người An Nam đen răng, có phải là trời sanh ra như vậy không ?” Còn như thứ thuốc gì mà nhuộm cho đen răng, thì thật họ tịt mù, chẳng hề ai biết tới. Huống chi người Tàu chúng tôi đã vốn không có tục nhuộm răng, lại cũng không hề biết đến cái tục ấy nữa, mà lại bảo rằng thình lình bày ra một sự kỳ quái như vậy để làm nhục người quý quốc, thì thật là vô lý quá. Ấy là ba điều quấy”.

Những cái cớ ông Lư Sơn viện dẫn ra đó đã đủ đánh đổ cái thuyết của bài kia rồi ; song ông lại còn sợ rằng cái thuyết vô căn ấy có lẽ sẽ làm cho chểnh mảng tấm lòng thân thiện của người Huê và người Việt nên ông lại nói thêm rằng :

“Người Tàu chúng tôi qua kiều ngụ buôn bán ở đất nầy, có nhiều người cưới vợ An Nam, cũng chẳng hề lấy sự đen răng mà khinh dể. Những người ấy đẻ con gái ra, cũng có cho nhuộm răng và ăn mặc như phụ nữ bổn xứ, chớ có hề kỳ thị gì đâu, vì ở nước nào theo tục nước ấy, sự đó cũng là thường”.

Chẳng những vì chỗ cái tình liên lạc Huê Việt mà biện bạch ra như trên đó, ông Lư Sơn lại còn biện ra cái lẽ nhuộm răng đen không phải là sỉ nhục nữa. Ông nói :

“Tôi từng đi đủ Trung-Bắc hai kỳ, tôi thấy những nhà thi lễ, tức là bậc thượng lưu trong xứ, thì đàn bà con gái của họ cũng đen răng, cho như thế là trang nghiêm mỹ lệ ; còn trái lại, răng trắng thì cho là đồ ăn chơi đĩ thỏa. Coi đó thì biết cái tục răng đen của người Nam là từ các đấng tiên dân bày ra và đã lâu đời lắm rồi, chẳng những cho là đẹp mà cũng lấy đó tỏ ra là nề nếp con nhà nữa, vậy mà kêu rằng cái dấu thâm thù, cái điều sỉ nhục, là nghĩa làm sao ? Khắp nước Việt Nam, trừ xứ Nam kỳ ra, thì tôi thấy đâu đâu đàn bà con gái cũng đen răng hết, duy có những hạng vợ tây, vú, bồi, bếp gái ở với Tây thì mới hay để răng trắng mà thôi, thế thì cái tục ấy xấu tốt thế nào cũng đủ biết”.

Đó, tôi dẫn những lời ông Lư Sơn dùng mà cãi cái bài kia như vậy đó, rồi tôi nhận cho lời của ông là phải và xin cải chánh bài kia đi. Nói “cải chánh”, là như vầy : Cái bài nói về “Tục nhuộm răng…” ở số 54 đó là cốt để cổ động bỏ cái tục ấy. Sự cổ động ấy chẳng qua là một cái ý kiến. Cái ý kiến ấy ai có cho là phải thì theo ; còn những lời đoán về cái nguyên nhơn tục ấy mà trái với lịch sử như đã chỉ trên đây, thì xin độc giả bỏ đi, coi như là không có.

Xong rồi, tôi xin có mấy lời nói riêng với ông Lư Sơn.

Trong bức thơ ông trách tôi sao ở trong tòa soạn Phụ nữ tân văn mà không coi ngó, để cho có những bài sai lầm như thế xen vào. Vậy tôi xin nói để ông cùng độc giả liệt vị biết rằng tôi chỉ ở ngoài viết bài mà thôi, chớ tôi không ở trong tòa soạn. Mà chẳng những Phụ nữ tân văn; bây giờ Trung lập, hồi trước Thần chung cũng vậy, tôi chỉ là người ở ngoài viết bài (collaborateur) chớ không phải là ký giả (rédacteur) ở trong tòa soạn đâu[1].

Tôi có đem việc nầy hỏi ông chủ nhiệm và ông chủ bút, thì cái bài lai cảo đó chính tay của một người con gái viết ra, cho nên vội vàng đăng lên, để giục lòng các bạn gái trong sự tập tành viết báo mà không kịp xem xét lại cho cẩn thận. Khi đăng ra rồi, ai nấy đọc lại, ngó nhau mà cười, tính bề trước sau cũng cải chánh, thì vừa tiếp được bức thơ ông.

Sau hết, tôi cũng xin tỏ ý kiến của tôi về cái tục nhuộm răng của ta một ít.

Về những vấn đề nầy tôi đương muốn khảo cứu lắm mà hiềm chưa đủ tài liệu. Tôi chỉ đoán phỏng là cái tục nguyên của ta, nhuộm răng cũng như ăn trầu, là cái tục do phong thổ khí hậu mà tiên dân ta ngày xưa phải bày ra đó thôi.

Trong bài cô Tú Lan nói cái thuyết của cô có lẽ đúng là vì người Tàu hồi xưa đô hộ ta, chỉ chiếm cứ có đất Bắc kỳ và một phần đất Trung kỳ mà thôi, cho nên khắp cả nước, chỉ có dân những miệt đó nhuộm răng, còn ngoài ra thì đều để răng trắng.

Tác giả lấy chỗ đó làm chứng cớ, nhưng cũng lại không theo lịch sử. Hồi người Tàu đô hộ nước ta thì hồi đó xứ Nam kỳ nầy đương còn thuộc về Cao Miên, đã có giống người Việt Nam ta tràn đến đây đâu mà hòng viện dẫn vào ?

Cái nầy là tôi nói ức chừng mà hoặc giả có lẽ trúng. Hồi xưa người Nam kỳ cũng có nhuộm răng, song từ khi ở chung với người Pháp, rồi lần lần bỏ tục ấy đi, chưa biết chừng. Tôi phỏng định rằng đàn bà Nam kỳ bỏ nhuộm răng đâu một lần với sự bỏ mặc yếm ; hiện nay đàn bà Nam kỳ cũng không mặc yếm. Để lúc nào tôi gặp được ông già bà cả mà hỏi lại thử coi.

Có người nói rằng xứ ta nhiều thấp (humide) nhiệt (chaleur), muốn giữ răng cho chắc thì không gì bằng nhuộm. Lại thấy nhiều người thanh niên bây giờ, răng vẫn trắng và mỗi ngày mỗi đánh mỗi chải nữa, song bao kẻ kêu rằng răng mình không được chắc, thì tôi chẳng hiều làm sao. Tôi nói như vậy, không phải tỏ ý muốn người mình nhuộm răng lại đâu – chính tôi cũng không nhuộm – , nhưng tôi nói để cho biết cái tục của người xưa bày ra không phải là vô ý thức. Ai muốn nhuộm thì nhuộm, ai muốn không thì không, sự nầy chẳng có quan hệ gì với sự tấn hóa của một dân tộc lắm, theo ý tôi thì như vậy.

Trong bài cô Tú Lan lại có một chỗ sai nữa, tôi xin chỉ nốt, kẻo để lại có kẻ khác hạch ra. Cũng trong bài đó, tác giả nói rằng :

“Họ (người Tàu) lại có cái tâm địa độc ác vô cùng, là họ tính làm như vậy để mong cho người Nam hóa thành người Tàu hết thảy ; mà đàn ông thì họ lại hành hạ rất là khổ nhục, và đem giết lần đi, cốt ý cho tuyệt chủng ! Ấy, cũng vì cái mưu độc ấy mà người Giao Chỉ phải tiêu mòn đi hết”.

Đoạn nầy tác giả chỉ nói như vậy thôi, mà không có cử ra lấy một chữ gì làm chứng cớ. Như vậy cũng không được. Xét theo lịch sử thì sự người Tàu giết người mình cũng có, nhưng chẳng có chỗ nào tỏ ra là có mưu hiểm độc muốn làm cho tuyệt chủng như lời cô Tú Lan. Trong mấy thời kỳ bị đô hộ, người mình hễ ai nổi lên phản đối thì bị họ giết, chớ chẳng có gì lạ. Còn sự người Giao Chỉ (giống người mà hai ngón cẳng có chẳng ra và giao nhau) tiêu mòn đi, hoặc là vì theo lệ thiên diễn mà đồng hóa với giống khác, thành ra giống người Việt Nam chúng ta bây giờ ; điều đó quan hệ với nhân chủng học, phải là nhà khảo cứu chuyên môn mới đoán định được, chớ không nên nói một cách võ đoán.

Tóm lại, phàm việc gì có cái tánh chất lịch sử thì mình phải tra xét cho phân minh, có chứng cớ đành rành rồi sẽ nói ; trong khi nói, chớ nên pha vào cái ý cổ động mà làm cho thất thiệt. Những sự nói thất thiệt như thế, lần lần mỗi ngày một nhiều ra, rồi làm xáo bậy cả lịch sử, là sự quan hệ chẳng phải nhỏ. Vậy xin độc giả cũng thủ tiêu một đoạn trong bài cô Tú Lan trên đó nữa cho luôn.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Collaporateur : người cộng tác, cộng tác viên ; rédacteur : người biên tập, biên tập viên