Một bộ sách xưa hai ngàn năm đến nay vẫn còn có giá trị trên thế giới: Sử ký của Tư Mã Thiên
I
Các nhà văn học chuyên môn thế gian đã đánh giá các sách xưa của người Tàu để lại mà có giá trị về văn học, được đứng ngang hàng với các sách xưa khác có danh trên thế giới, đâu chừng có năm bộ mà thôi. Trong năm bộ đó, bộ Sử ký của Tư Mã Thiên là một.
Bởi vậy, bộ sách ấy đã được dịch ra hầu đủ các thứ tiếng, là các thứ tiếng văn chương đứng vào bậc nhứt bậc nhì trên thế giới, như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức...
Người Việt Nam ta thuở trước vẫn đọc nhão sử Tàu, nhưng chẳng mấy ai biết mặt mũi bộ Sử ký của Tư Mã Thiên ra sao. Điều đó, lỗi tại cái học khoa cử: ai nấy chỉ theo đuổi một bộ sử “quan Hành”[1] cũng đủ lấy được cử nhân, tiến sĩ, không cần tìm đến các sách gốc làm chi. Cũng có lỗi tại buổi trước, sự giao thông khó khăn, lại đồng tiền ít ỏi, nếu chẳng phải nhà giàu sang thì những sách quý ấy khó lòng mà mua được.
Cái nền sử học bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta sau nầy nếu được vững vàng rực rỡ thì bộ Sử ký của Tư Mã Thiên bề nào cũng sẽ được dịch ra. Không có lẽ người Pháp, người Anh, họ ở tận bên kia trời, chẳng có dính dấp một tí nào với văn hóa Trung Hoa mà họ lại cần phải dịch sách ấy ra chữ họ; còn ta, hàng mấy ngàn năm chịu ảnh hưởng của cái văn hóa ấy, mà đối với bộ sách có giá trị đặc biệt ấy, trong đó chứa không biết bao nhiêu là cái đáng biết, ta lại chịu làm như những người mù? ‒ Nhưng hiện bây giờ, thì dù ai cũng phải nhìn nhận rằng công việc biên dịch lớn lao ấy ta chưa có thể làm được.
Ta chưa có thể làm được công việc lớn lao ấy thì cái việc đem bộ sách Sử ký Tư Mã Thiên ra mà giới thiệu sơ qua cho ai nấy được biết, tưởng là việc nên làm lắm, nên làm hơn những việc thuật lại một tác phẩm nào hay một học thuyết nào của học giả bên Âu, bên Mỹ mà chẳng hề có ảnh hưởng gì đến xã hội chúng ta.
*
* *
Họ Tư Mã, theo lời Tư Mã Thiên kể lai lịch trong bài "tự tự" để cuối sách Sử ký thì là một họ từ thuở nhà Châu đã đời đời nối nhau giữ việc quốc sử. Giữa chừng gặp buổi loạn, con cháu phân tán ra ở các nơi và nghiệp nhà không còn giữ được nữa. Đến đời nhà Hán, triều vua Võ Đế, Tư Mã Đàm mới lại làm chức Thái sử công. Đàm sinh ra Thiên. Thiên làm Thái sử lệnh. Cha con đều được nối dõi nghề nghiệp của tiên tổ.
Thiên đẻ ra tại đất Long Môn. Thuở nhỏ, từng phải chăn trâu cầm cày. Nhưng hồi mười tuổi đã có học qua các sách cổ. Hai mươi tuổi thì được dịp đi du lịch hầu khắp, theo như Thiên kể: "Phía nam, chơi sông Giang, sông Hoài, lên núi Cối Kê, thăm Vũ Huyệt, dòm núi Cửu Nghi, trôi nổi trên sông Ngoan, sông Tương; phía bắc, lội qua sông Vấn, sông Tứ, giảng học ở kinh đô Tề, Lỗ, xem dấu sót của Khổng Tử, tập bắn ở núi Dịch huyện Trâu, bị khổn ách ở các nơi Phồn, Tiết và Bành Thành, rồi mới đi qua Lương, Sở mà trở về". Bởi thế, người đời sau mỗi khi nhắc đến Tư Mã Thiên, đều không quên nhắc đến cuộc du lịch ấy, vì cho rằng những non nước mà người đã trải qua có ảnh hưởng với văn chương của người nhiều lắm vậy.
Bộ Sử ký ngày nay còn truyền lại, đứng tên Tư Mã Thiên, nhưng có lẽ khởi thảo từ cha người, Tư Mã Đàm, làm chưa xong mà Thiên làm nốt. Trong bài "tự tự", Thiên có nhắc lại lúc cha mình sắp chết, cầm tay con mà trối rằng: "Ta chết, mầy sẽ làm Thái sử; làm Thái sử, mầy chớ quên những điều ta muốn luận bàn!". Thiên cúi đầu khóc mà thưa rằng: "Con dù hư hèn, xin chép hết thảy những chuyện cũ mà cha đã dàn xếp, không dám để thiếu sót!".
Cha con họ Tư Mã tuy nối nhau giữ chức Thái sử nhưng sự biên tập sách Sử ký là lấy độc lực của cá nhân mà làm; chứ không phải như các sử đời sau bởi các sử thần ở sử quán họp nhiều người lại, vâng mạng vua mà biên tập. Bởi vậy, sách Sử ký có cái tính chất "tư thơ" (sách của nhà riêng) chứ không là "quan thơ" (sách của nhà vua). Cũng vì nó không phải quan thơ cho nên trong đó có chép nhiều chuyện thực ở triều đình mà lẽ ra, nếu là quan thư thì phải kị húy; vả lại, sự khen chê cũng do ý kiến tự do của tác giả, khỏi phải tranh ghé gì.
Theo lời Thiên nói, Đàm chết ba năm rồi Thiên mới nối làm Thái sử; sách Sử ký biên tập được mười năm thì Thiên gặp "cái họa Lý Lăng". Việc này là việc rất quan hệ của đời Thiên, và ta có thể nói rằng bao nhiêu cái luận điệu hăng hái, tức bực và rắn rỏi trong sách Sử ký đều là chịu ảnh hưởng việc ấy.
*
* *
Số là, Lý Lăng, một thanh niên con nhà tướng ‒ cháu nội Lý Quảng ‒ bình nhật được Thiên coi trọng, cho là kỳ sĩ. Bấy giờ, Lăng đã làm một tiểu tướng, đem non năm ngàn binh đi đánh Hung Nô. Vào sâu trong đất quân địch mà lương cạn, tên hết, viện binh không đến, cực chẳng đã Lăng phải hàng. Tin về, vua Võ Đế nổi giận. Đình thần đều hạch tội Lăng. Vua hỏi đến Thiên. Thiên nói bô bô lên rằng: "Lăng là người hiếu với thân, tin với bạn, liều mình theo việc nước, nên trang quốc sĩ; nay gặp việc chẳng may, những kẻ bề tôi ở nhà giữ lấy vợ con lại theo mà mũi nhọt, nghĩ cũng đau đớn thật!...". Theo ý Thiên thì Lăng chịu nhục mà không chết là để kiếm dịp báo đáp về sau. Nghe thấy thế, vua cho là Thiên vì Lăng du thuyết, bèn ghép Thiên vào tội hủ hình.
Hủ hình tức là cái hình cắt dương vật. Thân làm sĩ phu mà bị cái hình ấy, Thiên cho là nhục nhã lắm, chết đi mới phải. Nhưng, trong bức thư gởi cho Nhiệm An, Thiên nói rằng: "Tôi sở dĩ ẩn nhẫn lây lấc sống là vì giận lòng riêng có chỗ chưa hết và hổ chết rồi mà văn thái chẳng bày tỏ ở đời sau... Sách của tôi một trăm ba chục thiên mới thảo sáng chưa xong thì vừa gặp họa, tiếc cho nó bị bỏ dở mà tôi đành chịu cực hình, không có sắc buồn. Tôi mà đã làm xong pho sách nầy, đem giấu nó vào chốn danh sơn, truyền cho người nào là người biết nó ở các nơi đô hội lớn, thì tôi đã đền được cái nhục trước rồi, dù muôn lần bị giết tôi cũng chẳng ăn năn!...". Coi đó thì biết Tư Mã Thiên đã để cả sự nghiệp một đời vào cái tác phẩm của mình và có lòng tự tin ở nó rất là vững chãi.
Sự Thiên bị án, Thiên lấy làm uất lắm. Về chỗ đó, trong bức thư trả lời cho Nhiệm An, còn có những câu nầy nữa: "Chút lòng trung của tôi rốt cục không sao bày tỏ được, bị vu hãm, Bề trên nghe theo mà y án. Nhà nghèo, của không đủ mà chuộc tội; bạn bè chẳng có ai cứu; kẻ thân cận tả hữu không nói đỡ cho một lời. Thân nầy chẳng phải gỗ đá, một mình làm quen với ngục lại, bị nhốt trong khám kín mít, còn biết cáo tố cùng ai!...". Trải qua cơn hoạn nạn, làm cho Thiên thấy rõ thế cố nhân tình, thành thử trong sách Thiên, có lắm đoạn văn bi phẫn. Những cái giọng cay đời dễ cho người đọc có đồng cảm; mà nhất là người đọc nào có đồng một tâm sự với người viết thì cái cảm lại mạnh lắm, cách hai ngàn năm mà như mới hôm qua!
Bài nầy, tôi mới giới thiệu con người Tư Mã Thiên cho bạn đọc; chúng ta phải để ý mà hiểu con người ấy rồi mới hiểu được sách của người. Bài kế đây, tôi sẽ đưa bạn đọc đi xem cái sử giới nước Tàu từ xưa cho đến đời Tư Mã Thiên là thế nào; xem xong, khi nghe tôi hô lên rằng Tư Mã Thiên là nhà cách mạng của sử giới Trung Hoa, bạn đọc sẽ không lấy làm lạ. [HẾT KỲ 1]
II
Các học giả Trung Hoa gần nay, như Lương Khải Siêu cùng nhiều người khác, đều khâm phục cái sử tài của Tư Mã Thiên hết sức, họ tôn cho ông là một nhà cách mạng của sử giới nước Tàu.
Vì sao mà người ta dâng cho Tư Mã Thiên cái huy hiệu ấy? Chúng ta nếu đã biết qua cái thể tài chép sử của người Tàu trước họ Tư Mã, rồi cũng phải đồng thanh công nhận sự suy tôn ấy là chẳng quá đáng tý nào.
Trước Tư Mã Thiên vào khoảng hai ngàn năm, người Tàu đã có sử rồi. Còn truyền lại đến bây giờ là những Ngu thơ, Hạ thơ, Thương thơ, Châu thơ, sách chép chuyện các vua về các đời Đường, Ngu, Tam đại. Các sách ấy ban đầu vốn là sử, về sau trải qua một lần san thuật của Khổng Tử thì nó đã thành ra kinh mà không phải sử nữa.
Từ đời Khổng Tử về sau, sự trứ thuật về sử mới thịnh hành. Thuở đó là thời đại phong kiến, mỗi nước chư hầu đều có sử. Theo lời Mạnh Tử đã kể lại: nước Tấn thì có sách Thặng, nước Sở thì có sách Đào Ngột, nước Lỗ thì có sách Xuân Thu, đều là sử cả. Xuân Thu vốn là sử của nước Lỗ, bởi đức Khổng dọn lại cũng thành ra kinh, nhưng cái bản chất sử của nó vẫn không giảm kém chút nào. Chẳng những thế thôi, nhờ cái danh vọng và cái oai quyền của đức Khổng, sách Xuân Thu về sau trở nên mẫu mực của sử, mặc dù nó là kinh.
Phụ theo Xuân Thu là sách Tả truyện và Quốc ngữ, cũng là thể sử. Ngoài ra còn có các sách như Trúc thơ kỷ niên, Thế bổn, Chiến quốc sách, Sở Hán xuân thu, đều là sử cả, chính Tư Mã Thiên đã lấy tài liệu ở đó làm ra Sử ký, nhưng đến bây giờ đã thất lạc hầu hết.
Tóm lại, các sử ở trước Tư Mã Thiên, phải lấy Xuân Thu của Khổng Tử làm đại biểu, vì sách nào cũng do một khuôn ấy đúc ra. Thế thì cái thể tài của Xuân Thu thế nào?
Xuân Thu là sách "biên niên". Cứ mỗi năm bắt đầu chép số năm theo hoàng hiệu, rồi ở dưới thì chép chuyện. Cái thể tài ấy có lẽ trước đức Khổng đã có rồi, nhưng vì sách Xuân Thu lấy cái thể tài ấy, thành ra người ta coi như đức Khổng đặt ra nó. Nó có thế lực lớn lắm, cai trị sử giới nước Tàu hơn hai ngàn năm cho đến cận đại đây mới hết.
Nó cũng cai trị lan đến sử giới nước ta nữa: các sử ta từ trước đều theo thể biên niên tất cả, chỉ từ hai sử gia gần đây là Trương Vĩnh Ký và Trần Trọng Kim mới bỏ đi mà theo lối sử của người Tây.
Sử mà làm theo thể biên niên, thật là vụng về, cổ lỗ không gì bằng. Có người đã ví nó với cuốn sổ tay của người đàn bà khéo việc tề gia nội trợ. Hôm nay, ngày mồng một, mua ba quan tiền gạo; ngày mai, mồng hai, mua một quan tiền củi; ngày mốt, mồng ba, đi đám cưới mất sáu quan... Cứ thế mà biên mãi cho đến hết tháng hay hết năm là xong một cuốn sổ. Sử mà biên niên thì cũng thế.
Nhưng, sổ biên như thế thì được, chứ sử biên như thế thì không được. Vì sử là cái gương phản chiếu của một thời đại, nên mỗi việc tất phải xâu suốt với nhau cho có đầu có đuôi, thì mới tiện cho người xem. Chỗ đáng chỉ trích nhất của thể biên niên là làm cho mỗi việc rời rạc ra. Người xem phải lật ra tìm từng năm cho hết cả một bộ sử rồi mới biết được đầu cuối của một việc, như thế là bất tiện lắm.
Sự vụng về bất tiện ấy trước mà cho đến sau Tư Mã Thiên cũng ít có người cảm thấy, chứ đừng nói tới thấy mà dám chỉ trích. Bởi trong học giới Tàu từ khi có Khổng Tử rồi, ai nấy đều coi ngài như mặt trời mặt trăng, không dám có một lời dị nghị. Mọi khuôn phép của ngài đặt ra về sự học, chỉ có tuân phụng mà thôi, chứ không có phê bình.
Tư Mã Thiên cũng không hề phê bình Khổng Tử. Chẳng những thế, người làm ra sách Sử ký, có tuyên ngôn rằng bắt chước theo sách Xuân Thu. Nhưng, nói để che miệng thế gian đó thôi, chứ kỳ thật, Sử ký của Tư Mã Thiên là đã nổi loạn nghịch cùng Xuân Thu, vì sách trên không chịu ở trong thế lực phạm vi của sách dưới.
Sử ký lập ra một thể tài riêng, người đời sau gọi là thể "kỷ truyện". Thế là từ đó, trong sử giới Trung Hoa, Tư Mã Thiên biệt ra một phái mà làm lấy thủy tổ, cũng như Khổng Tử đã làm thủy tổ của phái kia.
Tư Mã Thiên có một cái óc hiệp với cái óc của người Âu châu đời nay, là trọng cái việc của sử, chứ không trọng cái chính thống của nhà vua. Cái ý sau nầy là cái ý chính của Khổng Tử, tức như ngài chép Xuân Thu, nổi đầu biên là "Xuân Vương chánh nguyệt". Tư Mã Thiên đã làm phản cái ý ấy, nên trong sách người chẳng thèm có một câu nào đụng chạm đến sự đó.
Bởi trọng cái việc của sử cho nên cứ mỗi một việc là người chép riêng ra một thiên. Cùng một việc, năm nào xảy ra thế nào, người biết lấy năm mà lồng vào trong việc, cho nên về thời gian cũng phân minh, không rộn và không sót. Theo con mắt nhà sử học đời nay mà xét, thì, về sự đó, Tư Mã Thiên thật có trí khôn hơn Khổng Tử nhiều.
Mục lục của Sử ký như vầy:
Bản kỷ 12 thiên, chép về các đế vương.
Niên biểu 10 thiên, tức là mười cái niên biểu, để ghi việc từng năm cho dễ thấy (Đây là một sự sáng tạo rất mới của họ Tư Mã, bài sau sẽ nói rõ).
Bát thơ 8 thiên, nói về các chế độ.
Thế gia 30 thiên, chép về các nhân vật có danh tiếng xưa nay.
Liệt truyện 70 thiên, chép về các bầy tôi các đời.
Xem đó, bởi chữ kỷ trong bản kỷ ở đầu mục lục và chữ truyện trong liệt truyện ở cuối mục lục cho nên người đời sau lấy đó đặt tên cái thể sử của Tư Mã Thiên là thể kỷ truyện.
Bài sau tôi sẽ nêu ra những cái đặc sắc của sách Sử ký. [HẾT KỲ 2]
III
NHỮNG CÁI ĐẶC SẮC CỦA SÁCH ẤY
[sửa]Theo sử học ngày nay, sách Sử ký của Tư Mã Thiên cũng còn có một vài chỗ đáng chỉ trích, là như tác giả đã đem lịch pháp và thiên văn vào sử. Vả lịch pháp là phép làm lịch, như những sự tính năm, tháng, bốn mùa, đặt tháng nhuận; thiên văn là phép tính độ số vận hành của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; những sự ấy tuy có tùy tri thức của loài người mà thay đổi chứ vẫn biệt riêng ra ngoài nhân sự, thì làm sao lại cho vào sử được? Vậy mà trong sách Sử ký, ở mục Bát thơ, choán mất hai thiên để chép những chuyện ấy: Lịch thơ nói về lịch pháp, Thiên quan thơ nói về thiên văn.
Nhưng nếu chúng ta biết nghĩ thì sự chỉ trích ấy, phải cho là hà khắc. Chúng ta ở ngày nay là ngày các môn học đã phân khoa độc lập rồi, chúng ta bèn cứ theo đó mà trách cái sự hỗn độn ở hai ngàn năm trước thì sao đang? Huống chi thuở đó, sử với thiên văn, còn thuộc về một chức chưởng, chính cha con họ Tư Mã làm Thái sư mà cũng giữ việc thiên quan nữa (Trong Sử ký có câu: Thái sư công chưởng thiên quan, bất trị dân), thì trong sách của người sao không được nói đến lịch pháp và thiên văn?
Cho ai có thổi lông tìm vết đến mấy đi nữa cũng chỉ bẻ bác được một vài chỗ đó mà thôi, ngoài ra, cả sách Sử ký của Tư Mã Thiên có không biết bao nhiêu là điều đáng phục. Có những cái ngày xưa coi quen mắt, cho là thường, không ai để ý tới, mà từ khi tiếp thọ học thuật Âu châu đến nay, người ta mới thấy ra cái tài, cái thức, cái trí của tác giả thật là cô cao vĩ đại lắm, ở Á châu hai chục thế kỷ trước mà đã có được cái óc học vấn của người Âu châu bây giờ.
Ngay đây tôi hẵng nói về cái “biểu” (tableau), chính Tư Mã Thiên là người sáng tạo ra nó, đầu tiên đem ứng dụng trong sách Sử ký.
Bạn đọc Sông Hương, ông nào làm việc ở sở Hỏa xa, ở sở Thương chánh, còn lạ gì thứ đó. Phải, những cái biểu quen với các ông lắm, các ông gặp việc gì cần đến nó thì các ông tự làm ra nó được ngay, chẳng có khó gì. Nhưng phải biết: cái người đầu tiên phát minh ra những cái biểu, người ấy phải có óc thông minh sách hoạch lắm, tôi cho là ngang hàng với những cái óc phát minh sự dùng điện, dùng hơi nước.
Có người đã cho biểu ‒ cả với đồ (plan) nữa ‒ cũng phải kể là văn học, nhưng là thứ văn học không có cú đậu, nghĩa là đọc không thành câu (phrase). Nói vậy rất có lý.
Bởi vậy, tôi có thể nói một cái biểu là một bài văn không thành câu, do một “ông thánh về văn học” sáng chế ra bởi sự cực chẳng đã, vì nếu đặt thành câu thì nó lủng củng vô vị mà có lẽ đến không sao đọc được. Như thế, tôi lại có thể nói một cái biểu là một bài văn rất hay, rất thần tình, vì đã tránh được sự lủng củng cho lỗ tai mà đem đến sự song suốt cho con mắt.
Không tin thì tôi xin cử ra cho các ông một cái yết thị không thể có của sở Hỏa xa.
Đường xe lửa Hà Nội-Sài Gòn, một ngày chạy mấy chuyến, chuyến nào bắt đầu chạy lúc mấy giờ, rồi giờ nào phút nào đến ga nào, từ Hà Nội đến Sài Gòn có mấy trăm cái ga, phải kể ra cho hết. Ấy là điều mà sở Hỏa xa muốn nêu ra cho công chúng đều xem.
Giá không có ai bày ra cái biểu, người ta sẽ kể những điều ấy trong một bài yết thị bằng văn. Và bài văn ấy sẽ có câu, đọc được, đại khái như thế này:
Chuyến thứ nhất chạy từ ga Hà Nội 6 giờ sáng, 6 giờ 10 phút đến ga Văn Điển, 6 giờ 22 phút đến ga Thường Tín, 6 giờ 30 phút đến ga Lạc Đạo, 6 giờ 43 phút đến ga Vân Sơn... rồi cứ như thế mà kể hàng mấy trăm ga cho đến hết. Nhưng nào phải một chuyến mà thôi đâu, trong ngày ấy còn hai ba chuyến nữa cũng đều phải kể như thế.
Những người Tây ở sở Hỏa xa thật khôn ngoan, họ không chịu làm bài văn mà làm ra cái biểu, tức là cái biểu chỉ giờ xe chạy ta xem thấy ở các ga. Nó tiện lắm, ông muốn biết giờ nào xe đến ga nào, lấy mắt dò xem từng hàng khắc thấy.
Ấy, Tư Mã Thiên ở hai ngàn năm trước cũng đã khôn ngoan như họ. Trong sách Sử ký, gặp những trường hợp nào rắc rối mà dùng văn không thể cai trị nó được thì người dùng biểu. Gọi là “thập biểu”, vì trong sách ấy cả thảy có mười cái. Đây tôi lấy ra cái biểu thứ nhì gọi là “Thập nhị chư hầu niên biểu” để xem qua cho biết. Không lấy cái biểu thứ nhất vì nó có hơi phiền phức. Vả lại, cái biểu thứ nhì này cũng dài lắm, đóng thành một quyển sách, đây chỉ lấy mấy hàng đầu:
Năm Canh Thân | ||
Châu | Cộng hoà nguyên niên | |
Lỗ | Châu công | năm thứ 15 |
Tề | Võ công | năm thứ 10 |
Tấn | Tịnh hầu | năm thứ 18 |
Tần | Tần trọng | năm thứ 4 |
Sở | Hùng dõng | năm thứ 7 |
Tống | Ly công | năm thứ 18 |
Vệ | Ly hầu | năm thứ 14 |
Trần | Tư công | năm thứ 14 |
Thái | Võ hầu | năm thứ 23 |
Tào | Di bá | năm thứ 24 |
Trịnh | ||
Yên | Huệ hầu | năm thứ 24 |
Ngô |
Thuở nhà Châu, theo chế độ phong kiến. Vua nhà Châu là Thiên tử, còn các vua chư hầu kể có mười hai. Họ vẫn theo chánh sóc nhà Châu, nhưng mỗi nước chư hầu đều kể số năm theo vua mình tức vị. Vì đó, mà trong sử có một sự rắc rối là sự kể năm không nhất luật. Cho được giá ngự sự bất nhất ấy, tác giả sách Sử ký lập ra cái biểu này.
Như trên đó là về phần một năm, năm Canh Thân. Theo biểu, năm ấy, ở nhà Chu là Cọng hòa nguyên niên, còn các nước chư hầu thì một nước có hiệu vua và số năm kể từ tức vị như ở dưới.
Nhờ cái biểu ấy, kẻ học đỡ công tìm kiếm rất nhiều. Không có nó, khi người ta muốn biết Cọng hòa nguyên niên thì Lỗ là ông vua gì, năm thứ mấy, Trần là ông vua gì, năm thứ mấy, phải tra trong sách mới biết được. Nhưng có cái biểu, xem qua thì thấy ngay.
Cái trên đây là “niên biểu”, chỉ lấy những năm gióng với nhau, cho nên có bề đơn giản. Đến các biểu khác, như “Lục quốc biểu” kể cả sáu nước, năm nào có việc gì; lại “Tần Sở chi tế nguyệt biểu”, kể đến tháng nào có việc gì, còn phiền phức hơn.
Một sự phát minh có ích như thế mà về sau ít người phỏng theo. Các sử Tàu chỉ có Hán thư của Ban Cố có bắt chước Tư Mã Thiên lập biểu, còn các sử khác không có. Ấy là cũng vì người đời sau chỉ biết chuộng văn mà không để ý đến sự giá ngự những điều rắc rối lôi thôi trong lịch sử. [HẾT KỲ 3]
IV
NHỮNG CÁI ĐẶC SẮC CỦA SÁCH ẤY
[sửa]Tư Mã Thiên có cặp con mắt xem người xem việc khác với thường tình, không lấy thành bại luận người luận việc: nhờ đó làm cho sách Sử ký của ông nảy thêm ra một cái đặc sắc nữa.
Trong sách ấy như đã lập ra những cái lệ: các vị đế vương thì liệt vào bản kỷ; các vua chư hầu cùng các đại thần thì liệt vào thế gia. Điều đó đã có nói trong một bài trước.
Đã lập lệ ra thì phải tuân theo. Nhưng một đôi khi, tác giả thình lình không tuân nữa, làm ra “biến lệ”. Mà mỗi một cái biến lệ là một cái trác thức của tác giả.
Hạng Võ chỉ lập mình làm Tây Sở Bá Vương trong 5 năm, chưa hề làm Hoàng đế cai trị cả nước Tàu; vả Võ lại là người giành thiên hạ với Hán Cao Tổ mà bị thất bại, có thể kể là người thù của nhà Hán, là “bản triều” của tác giả nữa, vậy mà trong Sử ký vẫn liệt Hạng Võ vào bản kỷ, coi như một vị đế vương chánh thức.
Hậu nho có nhiều người bẻ bác Tư Mã Thiên về chỗ đó, bảo Thiên làm như thế là tự trái với lệ của mình. Thật là trẻ con nói chuyện với người lớn!
Thiên hạ chẳng biết làm như thế là trái lệ, nhưng đã cố ý mà làm như thế. Liệt Hạng Võ vào bản kỷ, Thiên có ý bảo cho người đời biết cái ngôi Thiên tử chẳng phải là thần thánh gì, được hay mất là chẳng qua tại may hay rủi. Hạng Võ đã chiếm được một phần đất lớn trong thiên hạ, hiệu lệnh chư hầu trong 5 năm, giá gặp may một tí nữa Võ sao chẳng làm một ông vua sáng nghiệp truyền cho con cháu đời đời, nhưng vì rủi cho nên thất bại đó thôi!
Đó chỉ mới tỏ ra cái trác thức của nhà chép sử. Đến như Thiên làm quan với triều đình nhà Hán, mà dám công nhiên ủng hộ một người nghịch với bản triều như thế, lại tỏ ra là can đảm nữa.
Hạng Võ với Hán Cao Tổ ví cũng như Nguyễn Huệ Tây Sơn với đức Gia Long nhà Nguyễn ta. Sau khi Cao Hoàng nhất thống cả Nam Bắc thì hết thảy các vua chúa Tây Sơn đều phải kể là “ngụy” cả. Trước Trần Trọng Kim, các sử gia nước Nam ở vào triều Tự Đức về trước, có ai dám xưng Nguyễn Huệ là “Thái tổ Võ Hoàng đế” theo như sự thật không? Đã đành rằng luật pháp chuyên chế thuở nhà Hán không nghiêm ngặt bằng nước ta trước đây hơn một trăm năm, nhưng cái lưỡi gươm của nhà vua có bao giờ lại quên lấy đầu những kẻ tán dương người nghịch của mình? Thế mà cái lưỡi gươm ấy đã chẳng dọa nổi Tư Mã Thiên cho khỏi có sự tán dương Hạng Võ, thì Thiên chẳng là bạo dạn lắm!
Chẳng những thế thôi. Xưa nay, có nhiều nhà phê bình đều nói rằng cả sách Sử ký duy có thiên “Hạng Võ bản kỷ” là văn hay hơn hết. Nhất là khúc họ Hạng bị vây ở Cai Hạ cho đến khi thấy thế cùng tự lấy gươm cắt cổ, cách miêu tả từng câu từng chữ rất là khẳng khái lâm ly, cố làm cho nẩy ra cái bản sắc anh hùng. Thế có phải Tư Mã Thiên đã biểu đồng tình với một người thù của nhà Hán, thương hại cho người ấy có tài mà không có vận, chẳng may mà thất bại, là gì! Ai đọc Sử ký mà hiểu sâu đến những chỗ đó, tự nhiên cũng thấy cái ngôi hoàng đế của nhà Hán mất cả vẻ sang trọng tôn nghiêm! Khổng Tử không phải vua chư hầu cũng không phải đại thần mà cũng đem liệt vào thế gia, ấy lại là một cái biến lệ nữa của Sử ký.
“Thế gia” nghĩa là một nhà truyền dõi nhau nhiều đời. Các vua chư hầu thuở xưa cứ cha truyền con nối, các đại thần cũng được tập tước cho con cháu tiếp sau, bởi vậy gọi là thế gia. Đức Khổng tuy chỉ là một kẻ bố y, không có tước vị truyền dõi, nhưng ngài làm một đấng giáo chủ, con cháu vẫn giữ được nghiệp nhà, đến hồi nhà Hán kể mười đời có lẻ. Liệt Khổng Tử vào thế gia, tác giả sách Sử ký muốn nêu ra cái nghĩa “thượng hiền” cũng như “thượng quý”.
Cái lối chép sử do chủ quan như thế hình như sử học ngày nay không chuộng nữa. Nhưng ở vào thời đại phong kiến, xã hội đương sùng thượng những sự quyền quý cao sang, thì một vài cái biến lệ của họ Tư Mã đó thật không phải là không có bổ ích cho thế đạo nhân tâm.
Sau rốt, thiên “Khổng Tử thế gia” có lời tán của Thái sử công rằng: “Các vua chúa trong thiên hạ cho đến người hiền cũng đông lắm. Đương lúc còn sống thì vẻ vang, đến lúc chết rồi thì hết. Duy có Khổng Tử, một kẻ bố y, truyền dõi hơn mười đời, ở Trung Quốc từ thiên tử, vương, hầu giở xuống, hễ nói đến Lục kinh phải đều lấy ngài làm mẫu mực: thật đáng gọi là chí thánh đi thôi!” Mấy lời than khen đó đủ cắt nghĩa tại làm sao mà liệt Khổng Tử vào thế gia vậy.
Đến Trần Thiệp, một tên lính trốn thừa thời khởi loạn, xưng vương chỉ trong vài tháng mà cũng đem liệt vào thế gia. Sự này chắc tác giả dụng ý cũng như sự liệt Hạng Võ vào bản kỷ.
Trong sách Sử ký đã có chỗ nói rõ rằng: “Trần Thiệp tuy thất bại mà chết nhưng bởi các tướng do Thiệp sai đi, về sau làm mất được nhà Tần, thế thì Thiệp cũng có công thủ xướng”. Căn cứ ở lý do đó, sách Sử ký coi Thiệp cũng như một vị vua thành công đắc thắng.
Tóm lại, những cái biến lệ ấy của Sử ký có phải là công bình chăng thì chưa biết, nhưng tôi rất tin một điều là nó sẽ làm cho nhiều kẻ làm việc mà thất bại được hả lòng. Theo Tư Mã Thiên thì những tay anh hùng không cứ thành hay bại đều phải bình đẳng trong sách của người là sách Sử ký. Điều đó cũng đáng gọi là trái với cái nghĩa “định danh phận” trong sách Xuân Thu của Khổng Tử.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Cuối nhà Hậu Lê có ông Bùi Huy Bích, đỗ tiến sĩ làm quan Hành tham, dọn bộ sử Thiếu vi tiết yếu làm 28 cuốn. Từ đó đến sau, người mình học sử Tàu thì học sách ấy, gọi là sách “quan Hành”. (nguyên chú của Phan Khôi)