Một cái vũ trụ quan còn mờ tối và yếu đuối: Khổng Tử chẳng duy vật mà cũng chẳng duy tâm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một cái vũ trụ quan còn mờ tối và yếu đuối: Khổng Tử chẳng duy vật mà cũng chẳng duy tâm  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tao đàn, Hà Nội, số 12 (16 Septembre 1939), trang 961 – 967.

Gần đây trên báo Tao đàn, số 3 và số 8, luận về vũ trụ quan của Khổng Tử, hai người phản đối nhau: Ông Ngô Văn Triện bảo Khổng Tử là duy vật, ông Bùi Công Trừng bảo Khổng Tử là duy tâm.

Về vấn đề duy vật và duy tâm, nhiều lần tôi đã nói là một vụ kiện không khi nào kết liễu được, cho nên tôi không muốn can thiệp đến, trừ ra cái trường hợp nào có sự cực chẳng đã. Nhưng đến muốn phán đoán Khổng Tử là duy tâm hay duy vật thì có lẽ không khó lắm như cả cái vấn đề ấy; bởi vậy hôm nay tôi xin phép bạn đọc cho tôi cũng được bàn xen vào.

Cố nhiên tôi không đồng ý với ông Ngô Văn Triện, nhưng cũng không phải tôi đứng hẳn về một phía với ông Bùi Công Trừng. Nghĩa là: tôi không thể nào nhận là Khổng Tử có cái vũ trụ quan duy vật được; còn trái lại, nhận là duy tâm, thì tôi cũng lại ngại vì chứng cứ không đủ.

Thế thì thế nào?

Cho được đáp câu hỏi ấy, tôi nói cái sở kiến của tôi ra đây, chắc có nhiều người sửng sốt, lè lưỡi, lắc đầu, họ sẽ nói họ không ngờ đâu tôi hỗn láo đến như vậy! Nhưng mà được, không hại gì, tôi cứ nói!

Tôi nói, đang thì đại của Khổng Tử, tư tưởng của loài người còn cạn và thấp lắm. Khổng Tử tuy có tri thức hơn thì nhân nhưng chẳng phải đã tiến bộ được như học giả đời sau đâu. Vì sự hạn chế của thì đại ấy, nên cái vũ trụ quan của Khổng Tử còn mờ tối và yếu đuối, không ngã hẳn về duy vật hay duy tâm được. Một cái chứng cứ chắc chắn là bấy giờ chưa hề có những cái danh từ ấy hay là những cái danh từ nào giống chúng nó. Như vậy, trong cái vũ trụ quan của Khổng Tử vốn chưa từng có sự phân biệt tương phản là duy tâm và duy vật, mà bây giờ ông Triện và ông Trừng lại cãi nhau để phân biệt Khổng Tử là duy tâm hay duy vật, có phải hai ông ấy đã làm một việc mất công toi không?

Những vấn đề triết học hay làm mệt não người ta lắm, nhiều người không thích xem. Vì nghĩ thế, bài này của tôi, tôi để cái kết luận ra đằng trước, hầu cho bạn đọc đọc đến đoạn này cũng đã thấy muốn nói những gì rồi; rồi ai có hứng thú hãy đọc nốt đoạn dưới.

*

* *

Ông Ngô Văn Triện lấy độc một câu trong Kinh Dịch là câu “Dịch hữu thái cực v.v...” để chứng rằng Khổng Tử có cái vũ trụ quan duy vật. Sao lại dễ dàng như thế được? Chứ không phải một người có quan niệm duy tâm hay duy vật là phải gom góp lại bao nhiêu những tư tưởng những quan niệm rời rạc của người ấy mà quán xuyến lại mới thấy ra được sao?

Huống chi hai chữ “thái cực”, chúng ta dám hiểu chắc nó là cái gì, nó có quả là một thứ vật chất không, mà dám nói Khổng Tử chủ trương rằng vũ trụ dựng nên bởi vật chất, rồi cứ đó phán đoán là ngài duy vật? Ông Ngô Văn Triện còn thêm một chữ “lý” trên nó nữa, và giải thái cực ra thế nọ thế kia; ấy, chẳng qua là theo thuyết Tống Nho, họ lấy “lý” làm bản thể để lập nền “lý học” của họ thì họ nói như thế, chứ đâu phải là bản ý của Khổng Tử? Đang nói trời đất muôn vật sanh ra bởi lý thái cực, ông Ngô bỗng lại quay sang nói bởi “khí thái nhất” nữa, thế thì “lý” và “khí” là hai hay là một, thái cực và thái nhất là một hay là hai, nên nghe theo đằng nào? Sau nữa, cái lý, theo ông Ngô, là cái phép tắc tuần hoàn sinh diệt biến hóa của vạn vật, chỉ là cái vô hình mà thôi. Vậy thì cái vô hình là lý không thể nào sinh ra cái hữu hình là trời đất muôn vật được. Mà đã thế, thì cũng không gọi là duy vật được.

Về vũ trụ, Khổng Tử ít hay nói về nguyên lý mà thỉnh thoảng chỉ có nói về hiện tượng. Tức như trong Luận ngữ có hai chỗ. Một chỗ, khi ngài ở trên sông, thấy nước chảy mà than rằng “cái sự qua đi dường ấy ư, chẳng nghỉ ngày đêm!” Lại một chỗ, ngài bảo “Trời có hề nói gì đâu, mà bốn mùa cứ đi, muôn vật cứ sống!” Chúng ta xem cách giải thích hiện tượng đó, thấy Khổng Tử như có khuynh hướng về chủ nghĩa tự nhiên[1] nhưng trong câu dẫn thứ nhì có chữ “Trời”, đủ thấy bao giờ ngài cũng nhận Trời là đấng chủ trương nhất thiết: Một nhà triết học duy vật không có khi nào chủ trương như thế!

Ông Ngô Văn Triện chỉ lấy một câu sách để cãi cho Khổng Tử là một nhà duy vật, và hình như hễ Khổng Tử được là một nhà duy vật là ông ấy mãn nguyện rồi. Sự ấy mới đáng buồn cười cho!

Không đâu! Phải thế nào, thế nào mới là một nhà duy vật; và duy vật rồi, còn phải thế nào, thế nào nữa, chứ không phải duy vật là hết.

Tôi nói thế, nghĩa là tôi muốn người ta xem đến hết thảy các phương diện của Khổng Tử ngoài phương diện vũ trụ quan của ngài. Các phương diện ấy có quan hệ với nhau, liên lạc với nhau. Hễ là duy vật, thì duy vật tất cả. Vậy về phương diện khác, như nhân sinh quan chẳng hạn, Khổng Tử có duy vật không, mà bảo Khổng Tử duy vật về phương diện vũ trụ quan.

Nhà duy vật luận cho rằng muôn vật tự nó phát hiện, tự nó tồn tại, chứ không thể có một cái quyền lực nào sáng tạo được nó, chi phối được nó. Cho nên đã là nhà duy vật luận thì đồng thì cũng là nhà vô thần luận. Thế mà Khổng Tử ngài nhận có Trời, ngài dạy người ta phải “sợ mệnh Trời”, ngài cũng nhận có quỷ thần nữa, ngài cũng có cúng tế nữa: thế sao là duy vật?

Hễ theo duy vật luận mà đi trên đường luân lý thì tự nhiên cũng khuynh hướng về chủ nghĩa công lợi nữa. Bởi vì duy vật luận đã phủ nhận cái mục đích của đời người: không có gì là thiện ác, không có gì là tà chính; mà chỉ lo cải thiện sinh hoạt, tăng tiến hạnh phúc và tiêu trừ khổ thống cho loài người mà thôi. Luân lý của Khổng Tử có như thế không? Cứ xem cái luân lý của ngài ở trong những điều nhân, nghĩa, lễ, tín, có khi trọng hơn sinh mệnh mà khinh thường công lợi chừng kể ra chi, là đủ biết Khổng Tử không phải duy vật rồi.

Thế thì Khổng Tử là duy tâm? Cũng không phải thế.

Người ta đã công nhận rằng hết thảy các sách nói về đạo Nho không sách nào đáng tin bằng sách Luận ngữ. Đọc trong sách ấy, chúng ta thấy nhiều chỗ có chứng cứ là duy tâm lắm. Nhưng những cái giống như duy tâm ấy chỉ thấy ra trong thái độ sinh hoạt là cùng; Khổng Tử không có khi nào luận tới nguyên lý của vũ trụ mà ngã về duy tâm, cho nên cũng không gọi là duy tâm được vậy. Như vậy, ông Bùi Công Trừng liệt Khổng Tử về phái duy tâm, cũng hơi miễn cưỡng.

*

* *

Cái kết luận như tôi đã nêu trước lên trên rồi, Khổng Tử chẳng duy vật mà cũng chẳng duy tâm, cái quan niệm về vũ trụ của ngài còn lù mù và yếu đuối, chẳng phân mình gì cả. Ấy là bởi cái thì đại của ngài nó hạn chế ngài: Ở thì đại ấy, cái trình độ triết học chỉ đến thế là cùng.

Tôi nói thế không phải vu vơ đâu, tôi dựa vào lẽ tiến hóa và nhất là dựa vào cái trình tự phát triển của triết học Âu châu mà nói.

Ở Âu châu, duy vật luận bắt đầu có từ ông Démocritus ở Hy Lạp, bởi cái nguyên tử luận (atomisme) của ông. Còn bao nhiêu nhà triết học từ Démocritus về trước, tuy có giải thích vũ trụ theo như chủ nghĩa tự nhiên, nhưng chưa hề phân biệt rõ ràng mình là duy vật luận hay duy tâm luận. Ông Démocritus là người thứ nhất phản đối ông Platon, ông nói muôn vật cấu thành đều bởi nguyên tử, khi ấy duy vật luận và duy tâm luận (của phái Platon) mới đối lập nhau và cãi cọ nhau mãi cho đến bây giờ. Thế thì ở bên Tàu, từ Khổng Tử giở về trước cũng như các triết nhân Hy Lạp từ Démocritus giở về trước họ chưa hề biết phân biệt duy vật và duy tâm, thì ngày nay, chúng ta căn cứ vào đâu mà phân biệt họ được?

Thật vậy, ở triết học giới Trung Hoa, từ đời Hán về trước cái vấn đề bản thể tức là vấn đề về nguyên lý của vũ trụ vạn vật − hình như còn chưa thành ra vấn đề. Hoặc giả phái Lão Trang còn có đả động hơi hám đến vấn đề ấy, chứ phái Nho thì tôi dám bảo tuyệt nhiên không có. Ông Mạnh Tử hiếu biện là thế, mà cả sách ông không có nói đến vấn đề ấy một lời nào. Vương Sung, một nhà triết học hoài nghi ở đời Hán, có nghiên cứu các vấn đề hiện tượng như mưa, gió, sấm, sét v.v... mà cũng mần ngơ trước vấn đề bản thể. Cho đến Tấn, Lục triều về sau vấn đề bản thể ở triết học giới Trung Hoa mới phát sinh ra. Ấy là nhờ học giới bên Tàu lúc ấy cái thuyết Lão Trang rất thịnh hành và có chịu ảnh hưởng của Phật giáo nữa.

Thuở nhà Tấn, người ta hay cãi nhau nhất về vấn đề “hữu” và “vô”. Nghĩa là: “Hữu” là nguyên lý của vũ trụ vạn vật hay “vô” là nguyên lý của vũ trụ vạn vật? Người nói “hữu”, giống như phái duy vật; người nói “vô”, giống như phái duy tâm. Ấy là bước đầu của sự phân rẽ vật và tâm.

Đến Lục Triều, người ta cãi nhau về vấn đề “hình” và “thần”. – Ngày nay chúng ta hay nói hình thứctinh thần là gốc ra từ đó. – Phạm Chẩn chủ trương rằng hễ hình diệt thì thần diệt, cho nên có làm bài “Thần diệt luận” để phát biểu tư tưởng của mình. Bên kia Thẩm Ước và một bọn năm chục người phản đối lại, chủ trương rằng hình tuy diệt nhưng thần vẫn còn, thì mỗi người đều làm một bài “Thần bất diệt luận” để công kích bên kia. Cuộc bút chiến này về sau cũng không có kết quả như mọi cuộc bút chiến khác, nhưng trong bài của Phạm Chẩn có một câu đinh thép nhất vẫn còn truyền tụng đến ngày nay là câu này: “Thần ở trong hình ví cũng như cái sự “bén” ở trong dao: chưa hề nghe con dao mất rồi mà sự bén vẫn còn mãi!” Đó, các bạn nghe có phải mất rồi mà sự bén vẫn còn mất!” Đó, các bạn nghe có phải duy vật đặc không? Nói về triết học giới bên Tàu, tôi muốn bảo cái ông Phạm Chẩn ấy mới là nhà duy vật thứ nhất vậy.

Từ Khổng Tử xuống đến Phạm Chẩn, vào khoảng gần một ngàn năm. Nếu có ai bảo: Thế thì ra triết học bên Tàu phát đạt chậm kém bên Tây sao? Tôi xin trả lời: Cái ấy cố nhiên!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Naturalisme. Đây là nói chủ nghĩa tự nhiên về triết học. Chủ nghĩa ấy cho rằng mọi hiện tượng đều bởi tự nhiên mà có, hơi giống với duy vật luận. (nguyên chú)