Muốn cho việc hành chánh khỏi trật đường rầy Nam triều phải có thêm một cơ quan giám sát

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Muốn cho việc hành chánh khỏi trật đường rầy Nam triều phải có thêm một cơ quan giám sát  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 16 (23 Avril 1935), trang 1.

Sự này muốn như là sự hiển nhiên, hầu hết người nước Nam đều công nhận: Từ triều Thành Thái về sau, mọi việc hành chánh của sáu bộ Nam triều tại kinh đô Huế giống như những bánh xe hỏa trật đường rầy, nghĩa là nó không thi hành theo kỷ cương pháp luật.

Gây nên cái hiện trạng ấy đại khái bởi những người đương đạo kém liêm đức và công tâm mà cũng bởi các kỷ luật triều đình từ xưa đã sa sút, không đủ sức chấn tác lòng người và tiêu trừ mối tệ.

Một ông quan lớn vì ăn hối lộ mà làm trái phép hay là vì muốn tác thành cho con em mà dẫn dụng kẻ bất tài, nếu ông ấy là người có thế lực lớn nữa thì thôi, chẳng còn có ai dám hỏi đến.

Chức Ngự sử ngày xưa không những để can vua mà cũng để đàn hạch các quan. Nhưng 50 năm nay con ve sầu ấy đã như qua trọn một mùa đông, không kêu nữa, có lẽ vì nó tưởng cái thân nó nhỏ nhen quá, có kêu cũng chẳng ai nghe!

Cứ thế rồi từ triều Thành Thái về sau, mọi việc hành chánh của sáu bộ Nam triều giống như những bánh xe hỏa trật đường rầy…

Vài năm nay, từ khi có sự thay đổi mà người ta gọi là “cuộc cải cách” đến giờ, nói cho xác, e chưa có việc gì đúng với cái tên lớn lao ấy, nhưng các mối tệ thì có đỡ. Từ đó đến giờ, ở Huế chưa nghe có vụ hối lộ nào bị đồn đại, chưa thấy có ông đại thần nào dắt díu cậu ấm nào lên. Chẳng có ích lợi về đằng tích cực thì có ích lợi về đằng tiêu cực, chúng tôi đâu nỡ mạt sát đi tất cả mà bảo rằng không ích lợi?

Thế nhưng sự ích lợi về đằng tiêu cực ấy có giữ được bền lâu chăng? Chúng tôi muốn nêu câu ấy lên làm một vấn đề.

Người ta còn chưa chịu tin các vị đại thần hiện nay là thật tốt, mà bảo rằng các ngài đương giữ được cái thái độ liêm và công đó chẳng qua vì hoàn cảnh bắt buộc. Dưới mắt công chúng, họ thấy trong triều ngày nay có phe có cánh, họ cho rằng bởi người trong phe cánh ấy giữ miếng nhau mà không dám làm càn, thành thử mới có cái hiện tượng thanh minh như vài năm nay. Chứ một mai hết phe hết cánh, không còn ai giữ miếng ai nữa, bấy giờ chúng ta sẽ thấy…

Liệu sự như thế, thâm thì thâm mà có hơi quá khắc. Làm sao người ta lại chỉ cứ lấy bụng xấu lường người? Làm sao người ta lại muốn cấm trời này đất này không được có hiền nhân quân tử?

Chúng tôi không khi nào nghĩ như họ. Nhưng về sự ức trắc của họ đó, chúng tôi tưởng có cái gì phòng bị trước cho nó đừng xảy ra là hơn.

Nước ta từ trước, việc chánh trị trong nước, hoàn toàn theo lối “nhân trị”. Từ ngày có Bảo hộ mới có châm chước ít nhiều điều theo lối “pháp trị”, song cũng chưa được là thuần túy pháp trị như các nước văn minh. Ngày nay muốn giữ được triều chánh cho thanh minh mãi mãi, tưởng không gì bằng toàn mô phỏng theo cái tinh thần pháp trị.

Đó là chỗ cái nguyên tắc chúng tôi căn cứ vào mà viết bài này.

Theo chế độ hiện hành bây giờ, sự lập pháp hành chánh của Nam triều có ba cơ quan. Một là Viện Cơ mậtHội đồng Thượng thư, do Hoàng đế cùng quan Khâm chủ tọa, bàn luận và quyết định viêc gì nên làm, việc gì nên bãi. Hai là Ngự tiền văn phòng, chỗ ban bố mạng lệnh của Hoàng đế. Ba là Lục bộ, do các quan Thượng thư làm đầu để thi hành mọi việc.

Như thế, gặp một việc gì, đem bàn tại Hội đồng Thượng thư xong, do Ngự tiền văn phòng giáng chỉ, rồi một hoặc mấy bộ trong sáu bộ tuân chỉ thi hành.

Cách tổ chức cũng là khéo lắm. Ba cái cơ quan giằng co lấy nhau, giữ gìn lấy nhau, không một ai chuyên quyền được, không như hồi triều Thành Thái: quan Thượng thư bộ Lại bổ một viên tri phủ hay quan Thượng thư bộ Hình bác một bổn án có thể tự ý mình. Đó là châm chước theo lối pháp trị đó, nhưng chưa được tuần túy, vì sự giữ gìn còn chưa đủ, vì còn thiếu một cơ quan.

Chúng tôi xin hỏi, một việc gì trải qua Hội đồng Thượng thư quyết định rồi, Ngự tiền văn phòng giáng chỉ rồi, mà một bộ nào đó không đem thi hành hay là thi hành khác đi thì mới sao? Bấy giờ ai đứng ra mà xét nét sự bất lực hay là sự phi pháp của bộ ấy?

Hoặc có kẻ sẽ trả lời cho chúng tôi rằng có viện Đô sát, có quan Ngự sử. Song, như chúng tôi có nói, con ve sầu ấy đã câm lâu rồi. Các quan Ngự sử hàm nhỏ, lâu nay đã ở dưới nách các quan Thượng thư thì sao còn mong họ đàn hạch được các quan Thượng thư?

Thử lấy một vài việc gần đây ra mà nói.

Trong khi bộ Lễ tâu xin giảm sự cúng tế ở các Tôn Miếu, có nói rằng những món tiền vì sự giảm loại ra ấy sẽ dùng vào việc tu bổ các Lăng Miếu và Hoàng thành. Song từ đó đến giờ, những món tiền loại ra được bao nhiêu, và Lăng, Miếu, Hoàng thành đã có tu bổ chỗ nào, chẳng biết rằng có ai biết đến?

Lại như việc đã đăng trong quan báo, có Chỉ chuẩn cho bộ Công triệt hạ ty Cẩn tín, dùng tài liệu sửa sang lại cái nha Tả Tôn Nhân. Vậy thì ty Cẩn tín triệt hạ rồi, mà Tả Tôn Nhân đã sửa sang chưa, lại sửa sang như thế nào, tài liệu thiếu hay thừa, chẳng biết rằng có ai biết đến?

Đó là một vài việc thi hành ở đây, trước mắt mọi người mà còn khó biết thay, huống nữa là những việc thi hành ở mười hai tỉnh.

Chúng tôi quả quyết rằng thế nào cũng phải có thêm một cơ quan giám sát nữa mới được. Cơ quan ấy cốt để kiểm điểm lại công việc các bộ sau khi phụng chỉ thi hành.

Sau khi có cơ quan ấy rồi, mới kể chắc được các ông đại thần là ông nào cũng phụng công thủ pháp, khỏi sợ mang điều với dư luận như đã nói trên kia. Mà đã trọn thu cái ích lợi về tiêu cực ấy rồi mới tiến lên mà mưu đồ cái ích lợi về tích cực được vậy.

Ở Kinh ngày xưa bộ nào lâu lâu cũng có “Thể sát” đến một lần, còn ở ngoại tỉnh thì năm nào cũng có thanh tra về. Hiện nay việc hành chánh của chánh phủ Bảo hộ, sở nào cũng có “Controleur”, chức vụ nào cũng chịu giám đốc dưới quyền các “Inspecteur”[1] cả. Ở bên Tàu, Tôn Văn thêm hai quyền nữa vào hiến pháp, gọi là “ngũ quyền hiến pháp” mà một là giám sát. Những cái sự lệ ấy chứng cho Nam triều ngày nay nên có thêm một cơ quan giám sát, vì sự thực cần phải có mà viện Đô sát đã mất hiệu lực từ lâu.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Controlleur (chữ Pháp): giám sát viên; Inspecteur (chữ Pháp): thanh tra viên.