Nói về cái thơ viện của Thương Vụ ấn thơ quán ở Thượng Hải đã bị cháy

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nói về cái thơ viện của Thương Vụ ấn thơ quán ở Thượng Hải đã bị cháy  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6674 (7. 3. 1932)

Hỡi ôi văn hóa Trung Hoa!

Theo ý nhiều người trong đám trí thức Trung Hoa thì một trận Nhựt Hoa chiến tranh nầy, bên Tàu dầu có mất đất bao nhiêu chỗ, chết người bao nhiêu mạng, các cơ quan công thương kỹ nghệ bị phá hoại mấy mặc dầu, họ cũng không lấy làm đau xót cho bằng cái thơ viện của nhà in Thương Vụ ở Thượng Hải  bị cháy. Ở đó có không biết bao nhiêu là thứ sách quý, mà bây giờ mất rồi thì không thể kiếm đâu ra, bởi vì nó chỉ có một bổn, hễ mất đi là mất biến. Như vậy, người Tàu nếu còn biết trọng văn hóa nước mình thì còn lòng dạ nào mà nhìn đặng cái họa như thế ư?

Cái thơ viện ấy đặt tên là Đông phương đồ thơ quán, riêng của nhà in Thương Vụ.

Người ta truy nguyên ra, nhà in ấy bắt đầu lập cái đồ thơ quán đó từ năm 1897, trước Dân quốc 15 năm. Hồi đầu là nhà mướn ở đường Giang Tây tại Thượng Hải. Đến năm 1904 trước Dân quốc 8 năm, họ mới bắt đầu mua nhà tại con đường Bửu Sơn; đem nhà in về đó mà thơ viện cũng ở đó.

Khi ấy có ông Trương Nguyên Tế trù tính lập ra một nơi kêu là "Hàm phân lâu", thâu góp các thứ đồ tịch hữu dụng từ xưa chí nay, càng ngày càng chứa được nhiều sách lắm. Những sách ấy chẳng những để cho những tay biên dịch trứ thuật trong nhà in tra cứu mà thôi, người ngoài ai muốn coi muốn đọc cũng tự do vào đó được hết.

Hồi đầu lập ra chỉ có như vậy, đến năm Dân quốc 13, mới thật là khỏi công gầy dựng cái nhà Đông phương đồ thơ quán nầy. Một sở nhà ấy choán đến 500 trượng vuông đất, cất cao đến 5 tầng, bằng xi măng bao cốt sắt; kể tốn kém đến hơn mười vạn đồng. Khởi công hai năm mới lạc thành, qua năm Dân quốc 15 mới bắt đầu mở cửa.

Trong cái Đồ thơ quán đó chia ra nhiều bộ phận lắm: một gian sách phổ thông; một gian sách quý; một gian chứa bản gỗ; một gian đóng sách; một gian ngồi biên chép; một gian cho độc giả, lại có chỗ làm việc, có chỗ tiếp khách hẳn hòi, cách sắp đặt cũng khá cho là trọn vẹn. Lại có dự sẵn một món tiền bốn vạn đồng mỗi năm để mua thêm sách và chi tiêu mọi việc trong đó.

Qua năm Dân quốc 17, họ lại mở một lớp học tại đó, dạy chuyên về khoa học Đồ thơ quán, học viên đến hơn 200 người. Sau khi tốt nghiệp rồi, nhiều người làm việc ngay tại đó, và cũng có nhiều người đi giúp việc cho các trường Đại học và các thơ viện trong khắp nước.

Vào một thơ viện lớn như vậy mà kiếm cho được pho sách mình muốn coi, thật là khổ lắm; ở thơ viện các nước, người ta cũng lấy điều đó làm khó khăn, cho nên có bày ra cách xếp đặt mục lục, để cho tiện sự tra kiếm. Thì ở đây cũng vậy, do ông Vương Văn Ngũ bày ra cách phân loại rồi làm mục lục lại hết, kể ra đến hơn ba chục vạn tờ mục lục thì đủ biết sách ở đó nhiều là dường nào! Thế nhưng nhờ sắp đặt có phép lắm, nên dầu nhiều mấy thì nhiều, hễ kiếm là được liền.

Đến mùa xuân năm Dân quốc 18, sở Đồ thơ quán ấy lại muốn làm tiện lợi cho người xem hơn nữa, bèn đặt thêm bộ "lưu thông" mua thêm hai vạn pho sách nữa, và bắt đầu cho người ngoài mượn sách đem về nhà mà đọc. Từ đó mỗi năm tốn thêm hơn 20 ngàn đồng nữa về việc chi dụng trong thơ viện; còn người ngoài vì được mượn sách đem về đọc thì ai nấy rất hoan nghinh.

Trong hai năm Dân quốc 18 và 19, người ta có làm thống kế, tính những người vào đó mà đọc sách như sau nầy:

Năm 18: 28999 người ; Năm 19: 30600 người.

Còn những người mượn sách về nhà thì chưa có thống kế nên không biết số là bao nhiêu. Mà sở dĩ chưa có thống kế về mục đó là vì cái chế độ đó mới đặt ra chưa lâu vậy.

Vậy mà cái cơ sở đồ sộ ấy mới rồi bị mấy hòn tạc đạn làm cho thiêu huỷ ra tro! Cái nhà bằng xi măng cốt sắt 5 tầng cho đến những tủ kiếng, những sách phổ thông, thì còn có phương sắm lại được. Nhưng ngặt có một gian sách quý (sau càng kiếm nhiều thêm, lại để riêng một từng lầu), một từng lầu sách quý ấy mà nay cháy mất rồi thì duy có ô hô mà thôi vậy!

Người nào đang tay làm cái việc ấy, trong tiếng An Nam mình mà cho đến chữ nho nữa cũng chẳng có chữ gì để chỉ nghĩa. Duy có ở tiếng Tây thì người ta kêu bằng "vandale"[1].

T. R.

   




Chú thích

  1. vandale: kẻ phá hoại văn vật.