Nếu Ý – Á đánh nhau Anh và Nhật sẽ bị lôi kéo vào mà gây nên cuộc thế giới đại chiến

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nếu Ý – Á đánh nhau Anh và Nhật sẽ bị lôi kéo vào mà gây nên cuộc thế giới đại chiến  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 55 (6 Septembre 1935), trang 1.

Mấy năm nay nhân nhiều lần có hai nước gây sự với nhau, như Nhật với Nga hay Hoa với Nhật, mà người ta tưởng rằng cái trận thế giới đại chiến thứ hai đã phải đến. Không ngờ, may mà những lần ấy đều nhờ điều đình được ổn thỏa, rồi cứ chất chứa cái điều lo sợ lại trong lòng người ta cho đến lần này.

Lần này Ý – Á[1] xung đột nhau, ban đầu cũng tưởng chỉ giày xéo với nhau ở một mảnh đất Phi châu, dè đâu càng ngày càng thấy cái tình thế nó càng lan rộng ra và càng nghiêm trọng, có thể lôi kéo một vài cường quốc ở Âu châu và Á châu vào chiến cuộc.

Hễ một vài cường quốc ở Âu châu và Á châu dự vào chiến cuộc ở Phi châu, tức là cái ngày trận thế giới đại chiến lần thứ hai đã đến.

Từ hôm tam quốc hội nghị không có hiệu quả gì về cuộc hòa giải hai nước, rồi Ý và Á mỗi một đằng đều cực lực lo sắm sửa việc binh bị của mình, thế là không chóng thì chầy, hai bên cũng sẽ giải quyết vấn đề bằng binh lực, đánh.

Đánh. Nhưng mà chỉ nội hai nước Ý – Á mà thôi, hay còn có nước nào nữa? Đó là một câu hỏi mà nhiều người muốn được ngay câu trả lời, vì sống ở ngày nay, nhiều người đã thấy rõ chỗ liên đới quan hệ về quốc tế.

Theo sự dự trắc của mấy tờ báo lớn trong thế giới thì cuộc chiến tranh Ý – Á sắp tới đây, ở Âu châu quan hệ nhất là nước Anh, ở Á châu quan hệ nhất là nước Nhật, hai nước ấy thế nào cũng bị lôi kéo vào chiến cuộc trước tiên rồi mới đến nước khác.

Từ hồi Mussolini[2] tỏ ý muốn chinh phục nước Á đến nay, duy có nước Anh là đứng ra phản đối việc ấy rất nghiêm trọng. Ấy là bởi nước Anh có quyền lợi ở Abyssini lớn lắm, không tiện để cho người Ý đụng chạm đến. Thứ nhất là ở Bắc bộ Abyssini có cái hồ Sát-na, cái hồ dào nước lắm mà là nguồn của sông Ni-la ở Ai-cập. Nếu một mai nước Á ở dưới quyền người Ý, thì hồ Sát-na cho đến sông Ni-la tất nhiên cũng ở trong tay người Ý mà thôi. Như thế, Sô-đan và Ai-cập,[3] hai chỗ đất trồng bông của nước Anh xưa nay sẽ vì đó mà chịu ảnh hưởng xấu. Mà trái lại, bấy giờ người Ý sẽ lợi dụng đất Á và nước hồ Sát-na để trồng bông và trở cạnh tranh với bông của Ai-cập và Sô-đan. Đó là một điều lợi hại sống chết cho Anh, làm họ không thể nào để Ý chiếm lấy Á được vậy. Lại nước Á nếu về tay người Ý thì chẳng những hai xứ Sô-đan và Ai-cập của Anh bị uy hiếp mà cho đến đường chạy tàu từ bổn quốc Anh sang Ấn Độ cũng bị uy hiếp nữa.

Hai điều trên đó là nước Anh lo cho mình trong khi hai bên đánh nhau mà mà nếu Abyssini thua trận. Nhưng nếu Abyssini thắng trận thì người Anh lại càng lo hơn. Vì sau khi họ thấy một cường quốc Âu châu (Ý) mà thất bại, chắc các dân tộc ở dưới quyền Anh chung quanh đó, như Ai-cập, Sô-đan, A-lạp-ba, Ấn Độ, sẽ hè nhau đứng dậy chống lại chánh phủ Anh để mưu đồ giải phóng.

Đó, nước Anh có quan hệ rất lớn trong việc này như thế, cho nên lâu nay đã hết sức ngăn cản Mussolini cho khỏi dấy cuộc binh đao. Một mai ngăn đản không được, nước Anh tất phải lăn mình vào trong cuộc khói lửa để binh vực lấy quốc quyền, là sự không thể tránh được vậy.

Còn Nhật Bản, trong khi phản đối người Ý về việc xâm lược này cũng hô lên rằng mình có lợi ích về kinh tế ở nước Á rất lớn. Nhưng thực ra thì người Nhật ở đó chỉ có lợi ích về sự buôn bán mà thôi, đâu có những vấn đề sống chết như nước Anh? Người Nhật mà cũng lăm le đặt mình vào cuộc chiến tranh này lại bởi cái lý do khác, chẳng phải như người Anh là bởi bất đắc dĩ.

Cái quốc lực của Nhật bản ngày nay đã sung túc lắm, chỉ mong có cơ hội để phát tiết ra. Ta coi mấy lúc gần đây nước ấy thường hay tìm dịp gây sự ở miền Bắc Trung Hoa thì đủ biết. Hôm nay ở Phi châu nếu có cuộc chiến tranh, thật cũng là một cái cơ hội tốt cho người Nhật.

Chẳng thế mà trong mấy tháng nay họ đứng ra can thiệp nhiều lần? Khi thì họ chỉ trích cuộc dụng võ của Mussolini là bất đáng; khi thì họ căn cứ ở điều ước chín nước để cản trở cuộc chiến tranh. Người Nhật lại còn tán dương vua nước Á, cổ lệ quốc dân nước Á, bảo rằng kháng cự với cường quyền như thế là một việc rất nên làm.

Người ta thấy ra chính phủ Nhật chẳng qua bề ngoài làm bộ trở chỉ[4] cuộc chiến tranh này chớ bề trong thì lại muốn cho có. Vì mới đây các báo Nhật có đồng thanh hô lên một cái khẩu hiệu: Vì giống người da trắng áp bách các giống người da có màu, thì các giống người da có màu phải họp sức lại chống với người da trắng. Câu khẩu hiệu đó thật đủ tỏ ra cái dã tâm của người Nhật là muốn gây ra cơ hội để phát tiết cái quốc lực của mình.

Vì đó mà ít lúc nay nước Ý ngờ cho nước Nhật làm chủ chốt cho nước Á. Họ nói người Á sở dĩ cường ngạnh đối với nước Ý là tại có nước Nhật ở trong màn làm quân sư cho.

Thấy thời cơ như thế, chúng ta làm sao cho khỏi có điều lo. Sợ một ngày kia Ý với Á đánh nhau tức là có Anh và Nhật xen vào, mà rồi nước Pháp của chúng ta cũng không khỏi bị lôi vào cuộc nữa. Quả thế thì trận đại chiến thứ hai gần với chúng ta lắm, mà trận này hẳn là còn dữ gấp bao nhiêu lần trận trước![5]

T. A.

   




Chú thích

  1. Ý: nước Italia, quốc gia ở châu Âu; Á: nước Abyssinie, tức Ethiopia, quốc gia ở phía đông châu Phi.
  2. Benito Mussolini (1883 – 1945), người Italia, nhà hoạt động chính trị, thủ lĩnh đảng phát-xít, nhà độc tài, đứng đầu nhà nước Italia từ 1922 đến 1943.
  3. Sô-đan: nước Sudan.
  4. trở chỉ: ngăn cản.
  5. Bài này ký tên tòa soạn Tràng an, vậy hẳn là do chủ bút Phan Khôi viết.