Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG THỨ V

Các bậc mãnh tướng

29. — Lê-phụng-Hiểu

Lê-phụng-Hiểu người làng Băng-sơn, phủ Thanh-hóa, (tức là xã Dương-sơn, huyện Hoằng-hóa, tỉnh Thanh-hóa bây giờ). Người cao lớn to tát, râu ria xồm xoàm, gân sức khỏe mạnh. Khi đang trạc 20 tuổi, có hai thôn Cổ-bi, Đàm-xá tranh nhau địa giới, đem dân phu ra đánh nhau. Phụng-Hiểu vung cánh tay lên bảo với người làng Cổ-bi rằng:

— Chỉ một mình tôi có thể đánh đổ được muôn người.

Các cụ làng ấy mừng lắm, làm rượu mời Phụng-Hiểu ăn uống. Phụng-Hiểu uống rượu say rồi ăn hết nồi ba mươi cơm mới no. Bấy giờ mới ra khiêu chiến với người làng Đàm-xá. Khi hai xã giáp chiến, Phụng-Hiểu vươn mình lên nhổ một cây to bên vệ đường, cầm ngang trong tay, xông vào đánh dân Đàm-xá. Dân kia rẽ ra mà chạy, không ai dám địch; mà ai địch cũng thua, hoặc chạy không kịp thì chết. Dân ấy sợ hãi, phải nhường trả ruộng làng Cổ-bi.

Bấy giờ vua Thái-tổ nhà Lý, kén người có sức khỏe mạnh, để sung vào quân túc-vệ. Phụng-Hiểu ra ứng mộ, hầu hạ vua đắc dụng lắm, dần dần được nhắc lên làm Võ-vệ tướng-quân.

Khi vua Thái-tổ mất, vua Thái-tôn nối ngôi, có ba vị vương là Dực-thánh vương, Võ-đức vương và Đông-chinh vương mưu làm phản, đem binh phạm vào cửa cung Đại-nội, muốn tranh ngôi vua Thái-tôn.

Vua Thái-tôn lo sợ, vời Phụng-Hiểu mà bảo rằng:

— Việc kíp đến nơi rồi, trẫm không biết nghĩ ra làm sao nữa, cho ngươi được phép tự tiện mà giúp việc cho trẫm.

Phụng-Hiểu vâng mệnh, đem quân túc vệ ra cửa cung, đánh nhau với quân ba phủ kia. Phụng Hiểu trông thấy Võ-đức vương cưỡi ngựa đứng ngoài cửa Quảng-dương trỏ bảo quân sĩ, Phụng-Hiểu hầm hầm nổi giận, cầm gươm xông thẳng đến trước ngựa Võ-đức vương, trỏ vào mặt mà quát mắng rằng:

— Các vương dám dòm nom thần-khí, coi thường thiên-tử, trên thì quên ơn Tiên-đế, dưới thì trái nghĩa tôi con. Tôi là Phụng-Hiểu đây, xin dâng đại-vương một thanh kiếm này!

Nói đoạn, xông thẳng vào chém, các quân chống lại không nổi, chạy giãn ra bốn phía. Võ-đức vương toan quay ngựa, nhưng chạy không kịp, bị chém ngã quay xuống đất.

Quân ba phủ kia thấy vậy, người nào người nấy tìm đường tháo thân, quân túc-vệ thừa thế đánh tràn ra, giết quân ba phủ không còn mống nào, chỉ có hai vị vương kia chạy được thoát.

Vua Thái-tôn thấy Phụng-Hiểu thắng trận, gọi vào an úy rằng:

— Trẫm nay được thừa đương cơ nghiệp của Tiên-đế, và được toàn vẹn cái thân, toàn do tự sức của ngươi cả. Trẫm xem sử nhà Đường, thấy Uất-trì Kính-đức cứu nạn cho vua Đường Thái-tôn, tưởng là các bày tôi đời sau không còn ai trung dũng được như Kính-đức nữa, nay ngươi khỏe mà lại trung với trẫm như thế, thì ra hơn Kính-đức ngày xưa.

Phụng-Hiểu lạy tạ nói rằng:

— Bệ-hạ, đức cảm đến cả giời đất, uy khắp đến cả cõi xa; trong triều, ngoài nội, ai ai cũng phải tuân phép; thế mà chư vương dám manh tâm làm phản, thần thánh trên dưới, cũng có bụng muốn giết, cho nên mới trừ được loạn, chứ như chúng tôi thì có công gì.

Vua phong cho làm Đô-thống thượng tướng-quân. Đến năm Thiên-cảnh-thánh-võ, (1044) vua Thái-tôn vào đánh Xiêm-thành, sai Phụng-Hiểu làm tiên-phong, phá tan quân giặc, tiếng lừng lẫy đến ngoại-quốc. Khi vua thành công trở về, định phong thưởng cho Phụng-Hiểu, nhưng Phụng Hiểu từ không nhận tước thưởng, xin đứng ở trên núi Băng-sơn, ném một thanh đao ra ngoài, hễ rơi xuống chỗ nào, thì xin đất đến đấy để lập nghiệp.

Vua ưng cho như thế. Phụng-Hiểu đứng ở trên đỉnh núi, ném một thanh đao ra ngoài mười dặm, sa xuống cắm vào làng Đa-mỹ. Vua mới ban ruộng thưởng cho đến chỗ cắm đao, tính ra được hơn nghìn mẫu.

Tự đấy ruộng thưởng cho công-thần gọi là ruộng Thác-đao (nghĩa là cắm đao), là do sự tích ấy.

Phụng-Hiểu hết lòng thờ vua, biết điều gì nói điều ấy, mà động đi đánh trận nào cũng được. Đến năm 77 tuổi mới mất. Dân làng ấy lập miếu thờ làm phúc-thần, lịch triều có phong tặng cả.