Bước tới nội dung

Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Tạp-trở/Hội Hàn-lâm của nước Pháp

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TẠP-TRỞ


HỘI HÀN-LÂM CỦA NƯỚC PHÁP

Nước Pháp là một nước trọng văn học. Người Pháp xưa nay vẫn ưa những câu văn hay, nhời nói khéo. Cùng là một cái tư-tưởng, mỗi nước diễn ra một khác, nhưng bao giờ cái nhời của nước Pháp vẫn là thanh-thoát hơn, có văn-chương, có lý-thú hơn. Người Hi-lạp xưa, nhất là người thành Nhã-điển (Athènes), thậm là hiếu văn-chương, mà cái văn-chương của họ sáng-sủa mát-mẻ như cái khí-giời đất Hi-lạp vậy. Văn-chương nước Pháp ngày nay cũng có cái khí-vị ấy, mà người Pháp thường được gọi là người Nhã-điển đời bây giờ. Thực không phải là quá đáng vậy. Người Pháp lại còn giống người Nhã-điển ngày xưa về cái thói cách phong-nhã nữa, mà cái thói cách phong-nhã-ấy cũng tức là một cái kết-quả của sự văn-học trong nước.

Cả thế-giới không nước nào có một hội những nhà văn-sĩ giống như hội Hàn-lâm của Pháp (Académie francaise). Hội ấy tức như cái trung-tâm của sự sinh-hoạt trong nước về đường văn-học vậy. Hội có bốn mươi viên, toàn là những bậc tai mắt trong văn-học-giới trong nước, những người đã có chước-thuật nhiều, mà có danh-tiếng ai cũng biết. Bốn mươi ông hàn-lâm ấy đã có tên gọi là « bốn mươi ông bất-tử », là có ý chỉ là những người đã làm sách-vở hay, khá lấy lưu-danh được lâu dài. Cái số các ông Hàn-lâm có ít như thế, thì chắc ở ngoài còn nhiều nhà văn-sĩ có tài nữa, nhưng đại-để những người nào đã có chân Hàm-lâm là vào bậc những người chước-danh hơn cả. Vả phàm nhà văn-sĩ trong nước ai cũng lấy đấy làm cái nơi cao-trọng nhất, tựa hồ như cái chốn thành-tựu của cái công văn-chương của mình, mà trong bụng ước-ao được vào đấy. Cho nên bao nhiêu những người đại-tài xưa nay sớm trưa cũng là được nhậm ngôi « bất-tử » cả.

Hội Hàn-lâm của nước Pháp sáng lập ra tự năm 1634. Đại tư-giáo Riche-lieu, làm thượng-thư cho vua Lộ-dịch thứ 13 Louis xiii, nghe thấy có mấy nhà văn-sĩ thời bấy giờ thườn ghọp nhau ở nhà một người tên là Conrart để bàn văn-chương, đọc sách-vở. Đại tư-giáo bè nghĩ ra muốn biến cái hội riêng ấy thành một hội công của nhà nước. Bởi thế mới định lập ra hội Hàn-lâm để họp-tập những người có tài văn-chương trong nước.

Hội có bốn mươi viên. Trong số ấy thì cử ra ba người, một ông hội-chủ, một ông trưởng-ấn với một ông « vĩnh-viễn thư-ký », để trông nom việc hội. Ông hội-trưởng cùng ông trưởng-ấn thì bầu ba tháng một ; ông thư-ký thì sung chức ấy suốt đời, nên gọi là « vĩnh-viễn thư-ký » (secrétaire perpétuel).

Hội họp mật, thiên-hạ không được vào xem. Duy mỗi năm gjoi là « kỳ công-đồng hàng năm » (séance publique annuelle) thì thiên-hạ được vào nghe mấy ông Hàn-lâm diễn-thuyết. Thường có bài diễn-thuyết của ông hội-chủ về việc ban-thưởng cho những người có công-đức, cùng bài báo-cáo của ông thư-ký về việc ban-thưởng cho những nhà làm sách hay. Vì Hàn-lâm có hai cái trách-nhiệm nhớn đối với quốc-dân : một là mỗi năm phải tra-xét trong toàn-quốc, bất-cứ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, nhưng nhất là trong bọn thường dân, lấy những người nào đã làm nên những việc công-đức nhớn nhao, rồi đem ra ngợi khen trước mặt mọi người mà ban thưởng cho, tức là lấy cái thế-lực của văn-chương mà giúp cho sự đạo-đức trong nước vậy ; — hai là sát-hạc những sách của các nhà văn-sĩ đệ lên trình, để ban thưởng cho những quyển nào hay, tức là lấy cái kinh-lịch những bậc lão-thành trong nghề văn-chương mà tưởng-lệ cho những người có tài, chỉ bảo cho những bậc hậu-tiến vậy. [1]

Cái công việc thường của hội Hàn-lâm là phải soạn một bộ « Pháp-văn đại tự-điển », định nghĩa các tiếng rất tinh-tường, để làm cái tiêu-chuẩn chung cho quốc-văn. Việc ấy là một việc to-tát lâu-dài ; cứ xem từ xưa đến nay chưa làm xong được một nửa thì biết vậy.

Trong hội vui nhất là ngày tiếp những ông Hàm-lâm mới. Khi nào trong bốn mươi ông bất-tử có một ông bất-hạnh mất đi, thì hội công-cử lấy một người vào thay. Người nào muốn được vào thì phải ra ứng bầu. Được bầu rồi thì hội bèn định ngày làm lễ tiếp. Lễ ấy trọng-thể lắm. Thực là lúc danh-dự nhất trong một đời người văn-sĩ, chẳng khác gì như bên ta lúc ông tiến-sĩ mới đỗ về vinh-qui vậy. Không gì vẻ vang bằng được « đứng nói dưới nhà tròn » (nhà trong tức là cái gian chính-đườn trong tòa Hàn-lâm). Ông Hàn-lâm mặc phẩm-phục, đeo gươm, đọc một bài diễn-thuyết để cám ơn hội đã bầu mình cùng tán-dương ông Hàn-lâm cũ mình đến thay. Những bài ấy thường dài lắm, mà phải đặt hay, đọc khéo, phô-diễn được hết cái cái tài cái hay của ông trước. Đọc đoạn rồi, ông hội-chủ đứng lên đọc một bài diễn-thuyết mừng, vừa khen ông Hàn-lâm cũ, vừa khen ông Hàn-lâm mới. Những nhời khen ấy cũng khéo lắm. Như ông Emile Faguet năm 1910 tiếp ông René Doumic vào thay ông Gaston Boissier, [2] khởi đầu bài diễn-thuyết như thế này :

« Thưa ngài, cụ giáo-sư Tallemant cũng có chân hội ta đây, ngày xưa có tiếng là người diễn-thuyết ở Hàn-lâm giỏi lắm. Bởi thế đến khi cụ de Boze khen cụ Tallemant có câu nói rằng : « Tiên-sinh tả những người chết trong hội ta khéo cho đến nỗi có lúc mong cho thường có dịp luôn để được nghe tiên-sinh nói. » Cụ de Boze nói câu ấy tự nghĩ mình không dám tự nghĩ mình không có quan-hệ vào đấy. Bỉ-nhân đây không dám tự nghĩ như thế ; nên không dám khen ngài câu ấy. Chỉ xin nói rằng trong bài diễn-thuyết mới rồi ngài đã tả Boissier tiên-sinh như tiên-sinh ước được tả như thế, nhời bình-dị như nhời văn hi-lạp, nghiêm trang như nhời văn la-mã, lại thêm cái bụng tốt con nhà Đại-pháp nữa... »

Ông Doumic bấy giờ mới mất phu-nhân. Phu-nhân là một người thông-minh trí-thức. Trong bài diễn-thuyết ông Faguet nói về phu-nhân mấy nhời rất khéo mà rất cảm-động. Nhời rằng : «... Khi vào học trường Cao-đẳng sư-phạm thì ngài đã định-hôn với một cô con gái con nhà danh-giá... Đến khi ngài tốt-nghiệp ở trường ra thì ngài mới kết-hôn với người tri-kỷ. Phu-nhân thực là một người trí-tuệ thông-minh, sành những điều về tinh-thần, về văn-nghệ, học-thức rộng, tri-giác sâu. Từ bây giờ cho đến cái đại-nạn mới rồi đau-đớn cho ngài mà buồn-bã cho cả chúng tôi, ngài không từng viết một giòng mà không trình cho phu-nhân đọc trước, không từng nghĩ một quyển sách hay là một bài gì mà không hỏi ý phu-nhân, không từng khởi ra một cái tư-tưởng gì mà phu-nhân không được biết, không từng soạn một bài diễn-thuyết nào mà trước khi ra diễn lại không diễn riêng cho phu-nhân nghe đã.

« Trong bấy lâu ngài thật đã được cái hạnh-phúc hoàn-toàn. Ngài được cái hạnh-phúc ấy ở trong chốn gia-đình. Ngài được cái hạnh-phúc ấy vì chính ngài đã mang nó lại ; vì một người nữa cũng cùng mang nó lại với ngài. Ở đời nay chỉ có hạnh-phúc ấy mới là chắc-chắn. Nay ngài đã phải đọc đến câu tuyệt-ngôn của ông Louis Veuillot : « Ôi! Chúa tôi, xin người cất cho tôi cái tuyệt-vọng mà để cho tôi cái bi-ai », [3] thì ngài phải so cái sum-hiệp khi xưa với cái vắng-vẻ ngày nay mà còn nên cảm ơn vì đã được bấy nhiêu sự vui thú ngon lành mà trong sạch, cảm ơn vì cái khổ-nạn này nữa, cái khổ ấy nó vào một người như ngài thì lại càng khiến cho kiên-nghị thêm lên, khiến cho thêm yếu mến những nghĩa cao-thượng. »

Những nhời an-ủi khôn-khéo mà thiết-tha như thế thì người nghe cầm lòng sao được. Thực là những nhời tự trong lòng mà ra, tất cảm sâu đến trong lòng. Văn-chương đã đến bực cảm động ấy thì là văn-chương tuyệt hay vậy. Lại mấy câu kết tả cái khí-tượng riêng của hội Hàn-lâm, cũng khéo lắm. Nhời kết như thế này :

« Thôi, nói rút lại thì xin ngài vui lòng mà vào hội với chúng tôi, chúng tôi đây mong đợi ngài cả. Mời ngài vào trong nhà này là nơi chúng tôi vẫn ước-ao ngài ; ngài không sợ lạ, vì xưa nay tuy ngài chưa ngồi cùng với chúng tôi, nhưng sách vở ngài thay mặt ngài ở đây đã lâu rồi. Ngài vào với chúng tôi rồi ngài sẽ biết rằng cái nhà này cũng dễ chịu, không một là những ngày tiếp khách như ngày hôm nay — cái đó đã cố-nhiên rồi - nhưng ngày bình-thường cũng vậy. Ngài sẽ thấy những biện-sĩ sành nghề hùng-biện đến nỗi biết nói dản-dị như người thường, thuộc cả các khóe nói đến nỗi không biết cái cầu-kỳ là cái gì. Ngài sẽ thấy những nhà bác-học có tài văn-chương đến nỗi nhà làm văn trông thấy phải ghen mà nói : « Cái người này là người nào, họ viết phấn trắng lên trên bảng đen, mà họ lại biết viết mực đen lên trên giấy trắng giỏi hơn mình ? » Ngài sẽ thấy những người lúc thủa trẻ đã vui chơi mà làm qua những chức thượng-thư, rồi từ đấy lưu-tâm về những việc chước-thuật quan-trọng hơn, lấy cái kinh-lịch của mình mà gây được một cái « lạc-quan chủ-nghĩa » để xét đoán việc đời. Ngài sẽ thấy những nhà văn-sĩ làm vẻ-vang cho nước Pháp ta trong thế-giới, những nhà ấy cũng không hẹp gì mà coi bọn « phê-bình » ta vào bực văn-sĩ. Nói rút lại thì cái nhà này dễ chịu lắm. Chúng tôi đãi nhau thường đổi cái nghĩa đồng-liêu làm cái tình bè-bạn, thực như trong triết-học gọi là « dung-hòa hai cái phản-trái » vậy. Cái nhà này có triết-học lắm, ngài ạ. »

Những bài diễn-thuyết như thế thực như văn tây gọi là những « bữa tiệc văn-chương » cho tài, cho trí người ta vậy.

Từ khị có việc chiến-tranh đến giờ, Hàn-lâm không làm lễ tiếp những ông hội-viên mới, muốn để đến ngày chiến-thắng cho lễ được trọng-thể hơn. Nhưng cuộc chiến-tranh diên-man ra mãi, nên năm nay Hàn-lâm đã định bắt đầu làm lễ tiếp những ông mới được bầu. Trong các ông ấy có ba người chước-danh nhất, ai cũng biết, là Lyautey tướng quân, Boutroux cùng Bergson hai tiên-sinh. Tướng-quân trước làm tổng-đốc Ma-lặc-kha, đầu năm nay sung chức lục-quân tổng-trưởng ; mưu-lược giỏi, văn-chương tài. Hai tiên-sinh thì là hai bực triết-học nhất-nhì trong thế-giới, lại thêm là hai bực văn-sĩ tuyệt-luân. Hàn-lâm sắp đãi thiên-hạ mấy « bữa tiệc văn-chương », như xưa nay chưa từng có nhiều lần.

PHẠM QUỲNH



   




Chú thích

  1. Hàn-lâm đã có một cái tư-bản riêng, cùng những tiền của người ta biếu, hoặc nhường, hoặc gửi. Thường có những người giầu có xin với Hàn-lâm đặt ra một cái thưởng riêng mỗi năm là bao nhiêu để thương những sách hay hoặc những người có công-đức.
  2. Ông Emille faguet cùng ông Réne doumic là hai nhà phê-bình văn-chương có tiếng. — Ông Gaston boissier là một nhà sử-học có làm nhiều sách về cổ-sử La-mã.
  3. Mất người yêu là một cái sầu không bao giờ hết được. Cái sầu ấy nên giữ mãi trong lòng như cái kỷ-niệm trăm năm. Nhưng sầu mà đến thất-vọng thì không gì hại bằng. Đạo Thiên-chúa dạy cho người ta càng khổ lại càng nên hi-vọng, cái hi-vọng là thuốc chữa bệnh linh-hồn cho người đời. — Câu này là chỉ một cái buồn không bao giờ nguôi được, không những thế mà lại không nên để cho nó nguôi đi, chỉ nên cầu cho nó khỏi cái thất-vọng mà thôi.