Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Tiểu-thuyết/Bộ tiểu-thuyết « Cái vinh cái nhục của nhà quân »

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bộ tiểu-thuyết « Cái vinh cái nhục của nhà quân »  (1917)  của Phạm Quỳnh
Tiểu-thuyết

TIỂU-THUYẾT


BỘ TIỂU-THUYẾT « CÁI VINH CÁI NHỤC CỦA NHÀ QUÂN »

Trong xã-hội có một hạng người khi vẻ vang thì cực vẻ vang, mà lúc khổ-nhục, thì thậm khổ-nhục, gặp những buổi quốc-gia nguy-biến thì cầm tính-mệnh một dân ở trong tay, ở vào thời trong nước thái-bình thì không ai hề đoái-hỏi đến. Hạng người ấy là ai ? Hạng người ấy là bọn nhà quân vậy. Ai đã từng trải qua cái cảnh cực vinh cực nhục ấy, mới được biết hết mùi bùi ngọt chua cay. Nhưng mà cái bùi ngọt thì ít có, mà vị chua cay là cái vị thường của con nhà vác súng đeo gươm ! Tả được cái cảnh vinh nhục ấy, không những là cái vinh-hoa nồng-nàn những bưổi thành đổ nước nghiêng. mà lại nhất là cái nhẫn-nhục thảm-đạm nhwuxng ngày thái-bình vô-sự, để biểu dương cái nghĩa cao-thượng nó ngụ không những là ở cái cảnh vinh-hoa kia mà lại nhất là ở trong cái lòng nhẫn-nhục này, các nhà văn-sĩ từ xưa đến nay, mấy người đã làm trọng được cái công-trình ấy ? Vì không phải là có tài văn-chương mà đủ làm được, tất đã phải thân bước vào cái cảnh ấy, sống ở trong cái cảnh ấy, mà không bị các khí-vị khi nhạt khi nồng trong cảnh ấy nó mờ-ám mất cái nhỡn-lực của mình, tựa hồ như đứng trong bọn nhà quân mà mình vừa là chủ vừa là khách ; phải có thế thì mới thuộc được cái tâm-lý một người xưa nay kẻ chê cũng lắm, người khen cũng nhiều. De Vigny tiên-sinh thực đã gồm đủ tư-cách ấy, lại thêm cái tài văn-chương cao-nhã, nên sách « Cái vinh cái nhục [1] của nhà quân » (Grandeur et servitude militaires) của tiên-sinh đã lưu-danh trong văn-học nước Pháp như một bức tranh truyền-thần của cái tâm-hồn thân-thể bọn quân-gia vậy.

Sách này gồm mấy truyện nhỏ của tiên-sinh hoặc đã từng-trải, hoặc được nghe biết, cái phần sự thực với phần tưởng-tượng cũng ngang nhau. Chia ra làm hai mục : mục « Nhục » cùng mục « Vinh », để cho biết cái vinh với cái nhục ở đây cũng cao-thượng bằng nhau, mà cả cái thân-thể của con nhà quân cũng chỉ tóm lại trong một chữ : là chữ nghĩa-vụ vậy.

Ôi ! cái Nghĩa-vụ là một cái sức thiêng-liêng, nó khiến cho người ta đã đem lòng vào thờ nó thì không còn biết phân-biệt nhục-vinh gì nữa, chỉ biết chỉ đâu đi đấy mà thôi. Bởi thế mà cái lòng thờ nghĩa-vụ ấy, lắm lúc nó đưa người ta vào nhưng cảnh-ngợ rất bi-thảm, như trong mấy truyện sau này.

Ngày nay một nửa phần trong nhân-loại đương làm hi-sinh cho cái thần chí-nghiêm là thần nghĩa-vụ ấy, tưởng không sách gì độc hợp thời bằng sách « Cái vinh cái nhục của nhà quân » này. Người mình có thể nhân đấy mà hiểu được cái tâm-hồn những người chiến-sĩ đương xông-pha ở nơi chiến-trường Âu-châu, cùng cái cách họ thờ cái Nghĩa-vụ nhiệt-thành thâm-thiết là chừng nào.

Bởi thế dịch sách này ra quốc-văn.

Ph. Q.

   




Chú thích

  1. Nhục đây nghĩa là nhẫn-nhục, không phải là đê-nhục.