Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Khoa-học bình-luận/Tầu ngầm tầu lặn
III
Nay ta đã biết cơ-thể cái tầu-ngầm thế nào cùng cách nó cử-động làm sao, vậy ta kể qua cái nghề tầu-ngầm hiện bây giờ phát-đạt chừng nào.
Ngày nay các thủy-quân đều đua nhau mà chế tầu ngầm. Muốn đo cái bước đường đã tiến được trong mấy năm, thì nên biết rằng đầu năm 1901, cái số tầu ngầm ở các nước mới có thế này :
Nước Pháp, 5 tầu ngầm, 1 tầu lặn đã chế xong. 4 tầu ngầm, 4 tầu lặn con đương chế. |
Cộng 14 chiếc. | |
Nước Mĩ, 1 tầu ngầm đã chế xong. 7 tầu ngầm còn đương chế. |
Cộng 8 chiếc. | |
Nước Anh, 6 tầu ngầm còn đương chế. | ||
Nước Ý, 2 tầu ngầm đã chế xong. |
Ngoài mấy nước ấy, những nước khác bấy giờ chưa có một chiếc tầu ngầm nào.
Đến giữa năm 1902, nước Pháp vẫn còn đứng bậc nhất. Nguyên trước đã có 14 chiếc, năm ấy lại thêm 25 chiếc nữa đương chế chưa xong. Nước Anh thì năm ấy mới có được 9 chiếc cả thẩy, nước Mĩ thì 8 chiếc. Nước Pháp được nhanh hơn các nước nhiều như thế, tưởng còn được phần hơn lâu nữa. Nhưng từ đấy các liệt-cường khác, nhất là nước Đức trước chưa có một chiếc nào, bèn gắng sức chế ra thực nhiều cho kịp, mà nước Pháp thì trung-gian nhãng bỏ nghề tàu mất một độ. Đến khoảng năm 1905-1906 nước Pháp mới lại chế thêm thì các nước khác đã có gần khắp cả rồi. Vả nước Pháp xướng ra nghề tầu ngầm trước nhất, những kiểu chế lúc ban đầu, mấy năm sau thành ra cũ cả mà phải loại. Các nước khác chậm hơn, được bắt chước những kiểu tốt nhất về sau, không phải mất mấy. Cho hay cái lệ thường những người đi tiên-phong vẫn phải chịu sự thiệt-thòi, mà cái phường học lỏm vẫn khéo cướp lấy phần hơn vậy !
Đến đầu năm 1941, mấy tháng trước sự chiến-tranh, thì cứ theo sổ tổng kế của Thủy-quân-bộ nước Anh, số tầu ngầm của các nước như sau này :
TÊN NƯỚC |
SỐ TẦU NGẦM |
CỘNG | |
đã chế | đương chế | ||
Anh | 69 | 29 | 98 |
Pháp | 50 | 26 | 76 |
Mĩ | 29 | 25 | 54 |
Nga | 25 | 18 | 43 |
Đức | 24 | 14 | 38 |
Ý | 18 | 2 | 20 |
Nhật | 13 | 2 | 15 |
Áo | 6 | 5 | 11 |
Đan-mạch (Danemark) | 6 | 4 | 10 |
Thụy-điển (Suède) | 5 | 3 | 8 |
Hà-lan (Hollande) | 5 | 3 | 8 |
Na-uy (Norvêge) | 3 | 2 | 5 |
Hi-lạp (Grèce) | 2 | 2 | 4 |
Ba-tây (Brésil) | 3 | 0 | 3 |
Chi-lợi (Chili) | 0 | 2 | 2 |
Bồ-đào (Portugal) | 1 | 0 | 1 |
Như thế thì phàm nước nào có thủy-quân nhớn là chế tầu-ngầm nhiều. Chắc một thứ tầu mạnh, tiện mà rẻ như cái tầu-ngầm, thì nước nào dù nhớn dù nhỏ, dùng cũng là có lợi. Nhưng xưa nay các nước vẫn mê-tin những chiến-hạm 2, 3 vạn tấn, tưởng rằng trong cuộc thủy-chiến chỉ có những giống kềnh-nghê đời thượng-cổ ấy mới là có hiệu-lực, còn những giống cá con thì không được việc gì. Có người chê tầu-ngầm gọi là « bụi bể ». Việc chiến-tranh ngày nay thực đã mở mắt cho những người mê-tin như thế. Từ ngày khai-chiến đến giờ, trừ ra một vài lần có mấy chiếc chiến-hạm nhớn của nước Anh cùng nước Đức giao-chiến với nhau, cũng chưa gọi là những trận hải-chiến nhớn được, còn thì chỉ rặt tầu-ngầm đánh nhau mà thôi. Xem như thế thì biết cái nhiệm-vụ của tầu ngầm trong việc chiến-tranh không phải là nhỏ vậy. Chắc rằng chưa bao giờ thay hẳn những tầu nhớn được, nhưng cái thế-lực rồi mỗi ngày một to mãi lên. Cuộc chiến-tranh ngày nay rồi gây nên một sự cách-mệnh nhớn trong nghề thủy-quân ; cái kết-quả sự cách-mệnh ấy là giảm bớt quyền áp-chế của những vua chúa trong các hạm-đội là những giống thiết-hạm to nhớn lạ lùng vậy.
Hiện nay thì các nước nhỏ không thể chế được những hạng « vô-úy-hạm » (dreadnoughts) cùng « siêu vô-úy-hạm » (superdreadnoughts) 2, 3 vạn tấn, tất đã hiểu rằng cái tầu-ngầm là rất cần cho mình, vì nó là cái khí-giới tuyệt-diệu để giữ thế thủ.
Những thủy-quân đứng vào hạng nhì, như nước Hà-lan, Thụy-điển, Tây ban-nha, Bồ-đào-nha, Hi-lạp, Thổ-nhĩ-kỳ, Lỗ-mã-ni, Bảo-gia-lợi, cùng những nước cộng-hòa ở Nam-Mĩ, đã không thể chế được những chiến-hạm nhớn kinh-phí đến 50, 70 triệu phật-lăng một cái, mà cứ chế mãi những thiết-hạm nhỏ, tự 2500 tấn đến 7000 tấn, thì thực là phí-tiền vô-ích. Vì những tầu ấy kém những tầu nhớn lắm lắm, khi chiến-tranh với một nước nhớn thì không được hiệu-lực gì cả.
Như nước Hà-lan hiện chỉ có những thiết-hạm hiệu Tromp 4500 tấn. Giả thử có việc khởi-hấn với nước Nhật-bản thì những cái thiết-hạm tí-ti ấy giữ làm sao nổi những thuộc-địa Hà-lan ở quần-đảo Mã-lai, đối với những thiết-hạm nhớn của Nhật hiệu Kashima ? Một tầu Katori của Nhật cũng đánh đắm được nửa tá tầu Tromp.
Thử lấy một cái thí-dụ như sau này thì minh-chứng được điều ấy : Như năm 1807, một hạm-đội của nước Anh đến đánh kinh-đô nước Đan-mạch. phá-hoại thủy-quân của nước ấy để báo thù vì đã về bè với vua Nã-phá-luân.
Giả-thiết ngày nay nước Anh cũng lại muốn đánh nước Đan như thế nữa, thì nước Đan chống lại thế nào ?
Hiện bây giờ nước Đan chỉ có 7 cái thiết-hạm nhỏ tự 2500 tấn đến 5500 tấn, cả thẩy có độ 15 chiếc đại-bác. Nước Anh thì có đến 50 cái đại chiến-hạm từ 1 vạn dưởi đến 2, 3 vạn tấn, chỉ lấy ra 5, 6 cái cũng đủ phá-tan được cái thủy-quân ti-tị của nước Đan vậy.
Nhưng nếu nước Đan mà có được 10, 12 cái tầu lặn, 10, 12 cái tầu ngầm, thì có thể lấy tầu lặn mà ngăn những đường khe bể gần vào nước mình, chiến-hạm của địch-quốc đến thì đánh đắm được, còn tầu ngầm thì dùng mà giữ những bờ bể cùng của bể của mình, cái tầu địch nào vào lọt được đến đấy thì đánh đắm nốt. Như thế thì nước Anh đến đánh được, cũng khó vậy.
Cứ tính giá 7 chiếc thiết-hạm nhỏ của nước Đan-mạch thì ước là 50 triệu, 12 cái tầu-lặn với 12 cái tầu-ngầm cả thẩy mới đến độ 20 triệu mà thôi. Một cái thiết-hạm nhớn theo kiểu bây giờ mà nặng 2 vạn 3 nghìn tấn thì giá đến hơn 70 triệu. Cứ so-sánh bấy nhiêu số tiền thì biết cái lợi ở đâu, cái bất lợi ở đâu.
Tự năm 1899, ông Goschen đã nói ở Hạ Nghị-viện nước Anh rằng : « Cái tầu-ngầm là cái khí-giới của những nước nghèo, những nước yếu. » Từ bấy đến nay, các nước nghèo nước yêu chưa chịu cho nhời ấy là phải. Sau cuộc chiến-tranh này tất mới hiểu rõ hơn.
Ông Laubeuf ở hội « Thủy quân kiến-chúc » ở thành Bordeaux năm 1907 có nói rằng :
« Nhân-loại ta tiến-hóa còn chậm lắm, phải nên phát-đạt lấy những cách phòng-bị hơn là những cách công-kích. Cái đó cũng là một cái độ đường thứ nhất để tiến đến cái thời-đại có thể bỏ hẳn được sự chiến-tranh.
« Cứ tinh-hình của thế-giới văn-minh ngày nay, thì bàn sự bãi binh để mong được hòa-bình, thực là một cái hư-tưởng hại.
« Muốn bảo-hộ cho cuộc hòa-bình thì chỉ nên tìm cái cách cho nước nào cũng có thể giữ mình được.
« Tầu-ngầm đã được cái danh-dự to gọi tên là cái khí-giới của nước nghèo, cái khí-giới của nước yếu. Nên mong rằng các thủy-quân bực nhì chóng có những hạm-đội nhỏ tầu ngầm.
« Thiết-tưởng nhân-loại sẽ nhớ ơn những nhà chế-tạo đã giúp cho những nước nhỏ, nước yếu có cách giữ minh được đối với những nước nhớn, nước mạnh, thường hay lạm dùng cái sức mạnh của mình. »
Nếu được như thế thì còn gì quí-báu bằng ! Nhưng hiện nay các nước nhỏ chưa có đủ tầu ngầm để giữ mình mà những nước nhớn cường bạo như nước Đức đã chế ra thực nhiều, thả giông dưới bể, để đánh đắm những thương-thuyền vô-tội, mà ngăn-trở sự giao-thông trong thế-giới. Những nhà chế-tạo như ông Laubeuf lúc sáng-nghĩ ra cái tầu ngầm ngờ đâu rằng ngày nay những nước không nên dùng tầu ngầ mà lạm dụng tầu ngầm đến thế. Tiếc thay !
IV
Nước Đức mới khởi đầu chế tầu-ngầm tự năm 1905, kém nước Pháp 6, 7 năm.
Tầu ngầm của Đức đặt hiệu bằng chữ U bên cạnh có chữ số thứ tự (U là viết tắt chữ Đức « Unterseeboot », nghĩa là tầu đi ngầm).
Tầu hiệu U-1, là cái tầu lặn thứ nhất của Đức, thả thử ngày 30 tháng 8 năm 1905. Chế theo lối tầu lặn của Pháp kiểu Aigrette (năm 1902). Tầu U-1 có những đặc-tính như sau này : trường 39 thước, 10 phân ; khoát 3 thước 60 phân, cao 2 thước 80, sức truyển nước 185 tấn trên mặt, 240 tấn dưới nước. Có hai cái động-cơ kiểu Kœrting, mỗi cái 200 mã-lực, sức chạy 11 hải-lý một giờ ở trên mặt, 8 hải-lí ở dưới nước. Tầu có một cái ống phóng ngư-lôi, 3 cái ngư-lôi ngang-giữa 450 li.
Tầu U-1 thử được rồi thì đến năm 1906, bộ thủy-quân Đức mới chế thêm 3 chiếc nữa U - 2 đến U - 4, năm 1907, 4 cái nữa, U - 5 đến U - 8.
Từ năm 1907 đến năm 1914 tiền kinh-phí về việc chế tầu ngầm cứ mỗi năm một tăng thêm lên. Xem như cái sổ liệt sau này thì biết :
Năm |
|
triệu | 25 | vạn | ||
» |
|
» | 75 | » | ||
» |
|
» | 50 | » | ||
» |
|
» | 75 | » | ||
» |
|
» | 75 | » | ||
» |
|
» | 75 | » | ||
» |
|
» | 00 | » | ||
» |
|
» | 75 | » |
Nước Đức tự năm 1906 thực đã hiểu rõ tầu ngầm quan-trọng về việc binh là nhường nào, mà hết sức chế cho kịp các nước khác để chuộc lại cái chậm của mình.
Tự năm 1908, nước Đức chế được 24 cái tầu-ngầm U - 9 đến U - 32. Cái kiểu tự U - 12 đến U - 32 thì đã tiến-bộ hơn trước nhiều : trường 65 thước, khoát 6 thước 10, cao 3 thước 60, sức truyển nước 650 tấn trên mặt, 800 tấn dưới nước, sức chạy 16 hải-lí trên mặt, 10 hải-lí dưới nước. Có hai ống phóng ngư-lôi đằng trước, hai ống đằng sau, cùng 8 chiếc ngư-lôi ; hai khẩu đại-bác 88 li ; hai cái động-cơ chạy dầu mỗi cái từ 900 đến 950 mã-lực, hai cái động-cơ chạy điện mỗi cái 400 mã-lực.
Trong năm 1913 chế thêm 6 cái nữa, U - 33 đến U - 38.
Còn trong khi chiến-tranh chế được bao nhiêu cái nữa không được rõ lắm. Chỉ nên nhớ rằng đầu năm 1914, nước Đức mới có 38 cái tầu-ngầm, kể cả những chiếc chưa làm xong.
Nước Đức bắt đầu chế tầu ngầm sau các nước khác thì vừa có lợi vừa có hại. Lợi là vì các nước đã thí-nghiệm trước mình, mình đến sau chỉ việc bắt chước những kiểu tốt. Hại là vì làm chậm không chế được nhiều bằng các nước khác.
Dù cái số ít như thế mà từ khi khai-chiến đến giờ tầu-ngầm của Đức cũng giúp cho quân Đức được nhiều, nhưng cũng làm nên lắm cái thủ-đoạn tàn-ác mà ghê-thảm.
Người Đức dùng tầu-ngầm mà đánh các chiến-thuyền cùng thương-thuyền, thì được nhiều điều tiện-lợi. Vì đánh bằng tầu ngầm khác nào như ăn trộm giữa đường, đứng nấp vào một nơi nào, đợi người ta đi qua vô tình mà chạy sồ ra đánh hoặc cướp. Song cũng có điều nguy-hiểm.
Như tầu ngầm dễ bị thương lắm. Chỉ một vết thủng vào vỏ, như tầu khác thì không việc gì, vào cái tầu ngầm thì không thể chìm xuống được, có chiếc ngư-lôi-đĩnh nào ở đấy thì đến bắt hoặc đánh đắm được ngay. Bởi thế cho nên tầu ngầm thường không giám giao-chiến với những tầu có võ-trang tốt. Vì vậy mà nhiều nhà chủ công-ti tầu đã nghĩ rằng muốn phòng-bị những tầu buôn của mình khỏi tầu ngầm đến đánh, thì chỉ đặt mỗi chiếc hai khẩu đại-bác vừa-vừa cũng đủ. Ở bên nước Anh đã có nhiều tầu buôn làm như thế. Chưa làm được khắp cả là chỉ vì tầu buôn nhiều lắm, phải cần đến nhiều đại-bác, nhiều pháo-thủ mới đặt cho đủ được. Chắc nước Đức tá-khẩu lấy vạn-quốc công-pháp mà nói rằng tầu buôn có súng thì cũng coi như chiến thuyền mà có thể đánh đắm được không trái phép. Nhưng vạn-quốc công-pháp là cốt giữ cho việc giao-thông trên mặt bể được yên-ổn. Chiếc tầu buôn mà đem kèm một vài khẩu đại-bác đi, thì có khác gì người đi đường xa rắt cái súng lục trong người để giữ cho khỏi kẻ trộm cướp côn-đồ nó sâm-phạm vào mình ?
Các nước đồng-minh muốn ngăn-ngữ sự hành-động của tầu-ngầm Đức đã lập thành một đội tầu chinh-sát đi tuần các mặt bể. Thường dùng những ngư-lôi-đĩnh từ 100 đến 1000 tấn. Dùng rất nhiều, để đi lùng ngoài bể luôn ; tuy cũng không thể nào canh giữ được cho khắp, nhưng cũng trở ngại được quân-địch, tầm-nã nó, khu-trục nó, có khi nó rắp khởi-hành cái thủ-đoạn độc-ác gì mình chợt đi đến, can-thiệp vào thì nó phải bỏ chạy. Như thế cũng giảm bớt được những số tầu bị hại. Thường thì dùng đại-bác, dùng ngư-lôi, hoặc sông vào đâm, nhưng lắm khi thì có mình đấy cũng đủ làm cho nó phải nớp sợ. Đi săn tầu ngầm như thế thực là một sự đi săn kỳ lạ ở trên mặt bể mông mênh, con vật thường ẩn nấp ngay bên cạnh mình mà mình không biết, khác nào như con thú nằm trong bụi rậm. đợi người đi rồi thò đầu ra. Mà đi săn như thế cũng lắm lúc chán mà nhọc, vì con vật không có mấy khi gặp, mà lúc nào cũng chăm-chăm chú-ý, ngày cũng vậy, đêm cũng vậy, để nhìn kỹ trên mặt nước xem có cái chấm sáng hoặc cái đám tối nào biết rằng quân địch ở gần đấy.
Đến như cái tầu ngầm thì cái cách « làm ăn » của nó lại còn khổ hơn nữa. Trong một chuyến đi, mươi mười hai ngày, kể cả về, thì thuyền-viên lúc nào cũng phải rình-mò, nghé mắt vào trong ống kính mà nhìn khắp bốn phía, xem có « mồi » nào mình có thể làm hại được, hoặc có cái chiến-hạm nào đi tuần để mình tránh, khi nào đã nhìn kỹ thấy trên mặt bể phẳng-lì cả, không có cái vết gì, thì bấy giờ mới dám nổi lên mặt nước, mở cửa ra cho thoáng hơi ở trong tầu, cùng truyền điện thêm vào các máy chứa điện, để xong rồi lại lặn xuống. Nhưng mà những lúc kinh-hoảng cũng nhiều, bấy giờ thì phải lặn xuống nước cho nhanh. Viên quân-quan Đức coi cái tầu ngầm hiệu U-16 có thuật lại với một nhà làm báo người Mĩ cái tình-cảnh ở trong tầu ngầm như thế này : không-khí nặng-nề, đầy những hơi dầu-hỏa cùng hơi lưu-toan bốc lên. Hai mươi, hai mươi nhăm con người chồng-chất nhau ở trong một cái khoảng chật-hẹp như thế thì những thở ra mà cũng đủ ngạt. Ở trong tầu buồn ngủ không thể dừng được, người như ê-chề, chán-chê, vì không được đi-lại vận-động cho nó khoan-khoái. Ăn thì ăn những đồ ăn lạnh, vì làm bếp thì lại phí mất cái sức điện còn dùng để chạy tầu. Ban đem cũng không thể lên đứng trên mặt nước được, vì những tầu đi tuần đi không có đèn lửa, sợ nó đến nơi mình không chạy kịp. Có đứng trên mặt thì bao giờ cũng phải sắp-sẵn để lúc lâm-nguy lặn xuống được ngay, hoặc muốn cho cẩn-thận thì phải lặn xuống tận đáy bể mới ngủ đêm được yên. Có ngày bể phẳng-lặng quá, không thể làm gì được, vì cái ống kính thò lên trên mặt nước, ở xa cũng trông rõ ; có ngày bể sóng gió nhiều, tầu ngầm những điên cùng đảo, giữ mình chưa yên đánh người sao được. Có khi săn đuổi mất công, chờ đợi vô ích, trông thấy chiếc tầu buôn hay chiếc chiến-hạm đi đằng xa mà nó đi nhanh quá hay xa quá, không thể tới kịp. Lại còn phải e-sợ, những thủy-lôi rắc khắp mọi nơi, thủy-lôi của mình cũng có, của người cũng có, vô-ý đâm vào thì xong đời. Đằng-đẵng mấy ngày giời lao-tâm lao-lực như thế, mà đến lúc về cửa bể nhà không ném được trúng cái ngư-lôi nào, không bắn được trúng phát đại-bác nào, thì sấu hổ biết chừng nào !...
Vì rằng tuy cái cách hành-động có tiện-lợi cho tầu ngầm Đức, tuy những tầu bể đi lại vẫn nhiều mà không sợ, song tầu Đức từ trước đến nay đánh đắm cũng chưa được mấy. Bộ Hải-quân nước Anh mỗi tuần-lễ đem công-bố một cái sổ tổng-kế những tầu xuất-nhập các cửa bể cùng những chiếc bị hại vì tầu ngầm Đức, liệt rõ từng tên từng số một, không ẩn-lậu tí gì, thực là hợp với cái tính-cách chính-trực của người Anh. Cứ xem qua những sổ tổng-kế ấy thì biết số tầu xuất-nhập các cửa bể nước Anh mỗi ngày hơn 220 chiếc ; trong tháng 2 năm 1915 cứ tính trung-bình thì hai ngày mới phải một chiếc bị trúng thủy-lôi hay trúng đại-bác ; tháng 3 thì mỗi ngày một chiếc ; tháng 4 đã thấy kém bớt đi. Trong số những tầu bị hại ấy phải kể cả những tầu đánh cá nhỏ đi men các bờ bể, kể cả tầu buôn các nước trung-lập, như nước Hà-lan, Thụy-điển, Na-uy. Xem như thế thì biết quân Đức muốn dùng tầu ngầm để thi-hành cái « ám-sát sự-nghiệp » trên mặt bể, thực cũng không lấy gì làm công-hiệu lắm.
Chắc rằng người Đức khởi ra cái lối chiến-tranh « giặc bể » ấy, tất là có ngăn-trở sự giao-thông, hại sinh-mịnh cùng tài-sản người ta. Nhưng xưa nay phàm sự chiến-tranh mà quay lại hại buôn bán thì không có lợi cho cái chiến-cục bao giờ. Nước Anh mất răm ba chiếc thương-thuyền thì có thấm vào đâu. Nhưng nước Đức thì nay phải cách-biệt với thế-giới, tầu nhớn không giám thò cổ ra, ủy cho tầu ngầm cả cái nhiệm-vụ của hải quân. Người Đức không biết rằng cái tầu ngầm dù mạnh bạo đến thế nào cũng chỉ là một bộ-phận rất nhỏ trong sức hải-quân của một nước. Cái sức ấy là cốt ở chiến-hạm nhớn, có thiết-giáp tốt, võ-trang tốt. Cứ cái tình-hình bây giờ thì những tầu nhớn của Đồng-minh tuy không ra khỏi cảng mà thực là hám-chế cả trên mặt bể. Thương-thuyền, chiến-thuyền của Đức vẫn khiếp các hạm-đội Anh mà đành phải đứng yên một chỗ. Tuy có dùng tầu ngầm, nhưng có đổi được cái tình-thế hai bên đâu.
Xem như thế thì biết tầu ngầm tầu lặn tuy là những võ-khí mãnh-liệt, nhưng vẫn là những võ-khí bực nhì mà thôi, cái hải-quyền còn ở trong tay các hải-quân nhớn, chưa dễ mà cướp được ngay. Nếu chế nhiều tầu ngầm mà mong đoạt được cái thế-lực trên mặt bể của một nước như nước Anh, thì chẳng hóa ra dễ lắm ru ? Nước Đức mong đợi ở tầu ngầm nhiều quá, rồi có ngày thất-vọng vì tầu ngầm. Ngày ấy cũng không xa đâu.
Phạm Quỳnh.
Chú thích
- ▲ Xem NAM-PHONG số thứ nhất.