Bước tới nội dung

Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Luận-thuyết/Một bài diễn-thuyết của quan Toàn-quyền Sarraut

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một bài diễn-thuyết của quan Toàn-quyền Sarraut  (1917)  của Phạm Quỳnh
Luận-thuyết

MỘT BÀI DIỄN-THUYẾT CỦA QUAN TOÀN-QUYỀN SARRAUT.

Quan Toàn-quyền Đông-dương Albert Sarraut đại-nhân, ngày 2 tháng chạp năm 1916, có diễn-thuyết tại Paris, ở trường nữ-học-đại-học hiệu « Université des Annales », nói về đất Đông-dương. Trong bài diễn-thuyết ấy có mấy đoạn tán các văn-minh cũ của nước Nam cùng khen người dân xứ này, nhời-nhẽ rất là hùng-hồn mà cảm-động, xem đấy thì biết cái trí cao dạ cả của quan đại-thần hiện giữ trọng trách làm chúa-tể đất ta. Vậy xin dịch mấy đoạn ấy ra sau này, cho đồng-hào ta cùng xem, trước là cảm cái bụng quan Toàn-quyền quyến-cố đến dân hèn này, sau là để cho người nước ta biết chân-giá cái văn-hóa cũ của ông cha, kẻo đã vội đem lòng phụ-bạc...

Sarraut đại-nhân trước kể cái phong-cảnh những chốn lăng-tẩm nơi đế-đô, rồi nhân đấy cảm-khái đến cái văn-minh cũ của nước Nam. Ngài nói rằng :

« Muốn giải được cái tâm-hồn của người An-nam, muốn biết sức-mạnh của cái cựu-truyền trong nước lấy việc phụng-sự tổ-tiên làm gốc, muốn hiểu được cái tôn-chỉ cao-thượng của cái tư-tưởng người An-nam, muốn hình-dung được những cuộc vinh-hoa trong lịch-sử văn-minh dân ấy, thì tất phải đã hằng giờ đi dạo chơi thơ-thẩn trong mấy chốn bồng-lai tiên-cảnh, là những nơi lăng-tẩm của các vị đế-vương nước ấy đời xưa, như lăng vua Gia-long, Minh-mạnh, Thiệu-trị, Tự-đức.

« Các ông chớ nghe nói lăng-mộ mà nghĩ đến những cảnh u-sầu thảm-đạm. Chắc là trong cái phong-cảnh sầm-uất mênh-mông, làm nơi nhà mồ cho những bực vua chúa, trong đám cây-cối cỏ-hoa ùm-tum rậm-rạp, có phảng-phất một cái gì buồn lạ, khiến cho cái tư-tưởng ta nghĩ đến những sự tôn-nghiêm cẩn-trọng ; nhưng mà cái buồn ấy là cái buồn đặc-biệt, nó là một cái cảm-tình thuộc về mĩ-thuật, nó có cái khí-vị êm-đềm, dễ gây nên cái lòng tưởng-nhớ, dễ bầy ra cái cảnh trang-nghiêm. Các vua-chúa nước Nam lúc sinh-thời đã chọn sẵn lấy một nơi cảnh-chí cao-thượng, một chốn tạo-vật đã phô bầy để vẻ tốt đẹp, để làm nơi ngủ giấc ngủ sau cùng. Cảnh thiên-nhiên đã có vẻ uy-nghiêm, lại thêm cái nhân-công kỳ-sảo mà gây nên những chốn như chốn « lạc-viên » : vườn rộng bóng cây che rợp, rừng cao cổ-thụ ùm-tum, ao lấp-loáng sắc vàng mầu biếc, hồ ngổn-ngang sen trắng sen hồng ; nào miếu nào điện, nào tượng nào bia, nào đồng-trụ, nào bài-phường, nào đình, nào tạ, nào gác, nào lầu ; đá hoa trong như ngọc, gỗ báu bóng như ngà, sứ men trắng, đồng nước đen ; bốn bề những vườn rộng tịch-mịch mà u-sầm. Trong cảnh lồng-lộng có cái khí-vị bình-tĩnh vô cùng. Chốn này là chốn tôn-nghiêm, người thường không hề được bước chân vào. Ai được vào thăm chốn này đã có người đưa đường kỉnh-trọng. không dám cất tiếng nói lên, sợ ngang mất cái tiếng đàn thầm rất cảm-động của cảnh-vật, đồng-vọng xa đưa vào tận trong lòng kẻ vãn cảnh. Song không phải là những chốn này không có người ở đâu. Vì việc cúng-tế vong-linh đứng tiên-hoàng nằm đấy, hồn người còn như phảng-phất ở trên cái bài-vị sơn son thếp vàng kia, cần phải có thường-trực ở đấy những người đầy-tớ cũ cùng những người đàn-bà thủa sinh thời sung chức thị-nữ cung-phi mà nay tình-nguyện thủ-tiết để phụng-sự tôn-linh người. Trong chính-điện, cạnh cái khám bầy bài-vị, có cheo các áo ngự, cùng để những đồ lúc bình-sinh người thường dùng đến. Mỗi ngày trên bàn đá đã có những tay kỉnh-trọng đến thay giầu nước hương hoa. Trong đền u-uất thường trông thấy bóng người thấp- thoáng trong đám cột nhấp-nhánh những vẻ vàng son : ấy là các bà vợ hầu đứng tiên-hoàng, người đầu bạc, kẻ hoa dâm, có người vẫn còn giữ trinh-tiết đến nay, vì khi xưa tuy có sung chức cung-phi nhưng dễ chưa hề được tiếp mặt quân-vương bao giờ, nay ngày ngày một lòng tôn-kính cúi đầu thắp hương trước linh-vị, bên cạnh còn cái hốt ngọc, là biểu-hiệu cái oai-quyền của đứng tiên-hoàng khi xưa. Còn Ngài thì Ngài ngủ giấc thiên-niên ở một nơi nào không ai biết, vì quốc-tục là phải giấu chỗ chôn vua, phòng khi có kẻ gian-phi đến sâm- phạm. Vậy những đền-đài miếu-điện rải-rác khắp mọi nơi là vừa để biểu cái ý tôn-nghiêm, vừa để lạc mọi sự tìm-tòi. Nay cái quan-tài đựng di-hài vua gửi chốn nào không ai biết, cái tư-tưởng cuối cùng của vua cũng không ai hay, hai cái đều bí-mật như nhau, thiên-vạn-cổ không ai tìm thấy được, thiên-vạn-cổ không ai sâm-phạm đến !

« Các ngài tất tự nghĩ rằng một dân đã sáng-nghĩ, đã thực-hành được những sự như thế, đã biết lấy một cái mĩ-thuật, một cái triết-học như thế mà tô-điểm cho cuộc lịch-sử của mình, thì cái dân ấy thực là đáng ta quyến-cố đến một cách đặc-biệt, chớ không phải là chỉ luyện cho thành cái đồ-dùng làm việc nô-lệ ở trong trường lao-động của loài người này. Cái văn-minh nước Nam ấy là bởi Khổng-giáo nước Tầu đào-luyện mà thành ra ; trong văn-minh ấy gồm hai cái chế-độ tưởng là phải-trái nhau mà thực không phản-trái nhau, là cai quân-quyền chuyên-chế với cái dân-quyền bình-đẳng. Như thế thì dân An-nam lại càng đáng cái lòng quyến-cố của ta lắm nữa. Tự khi ta mới sang xứ ấy, ta chưa từng thâm-hiểu tâm-tính người dân, thâm-hiểu thế-lực của cái cựu-truyền trong nước, không biết rằng trong nước ấy tuy ông vua sưng là chịu mệnh tự giời, xưa kia còn có quyền làm chết người nào dám nhìn mặt mình, nhưng ngoài vua, hết thẩy quốc-dân, bất-cứ là người nào, hễ có công học-vấn là có thể chiếm được chức-cao quyền-trọng, hưởng cuộc phú-quí vinh-hoa. Trong xứ ấy, phàm gốc sự danh-dự, dù công dù tư, đều ở cái công-phu học-vấn của mỗi người. Cái học-vấn ấy là cái thìa-khóa của mọi sự, là cái thang tất-nhiên của mọi sự tiến-đạt. Bởi thế mà có cái điều rất đáng khen này : là khắp trong dân, dù nhà làm thợ rất ti-tiện, dù người làm ruộng rất nghèo-hèn, nửa năm chôn minh đến ngang bụng trong đám ruộng bùn, nếu có con cho đi học biết chăm-chỉ siêng-năng, thi đậu các khóa thi trong nước, tự trường sơ-học trong làng tiến được lên bực giải-nguyên các khoa thi cống-sĩ, thì cái người con xuất-thân hèn như thế có thể tuần-tự mà bước lên những ngôi quyền-trọng chức-cao, làm khanh-tướng, quốc-trụ, làm quan đại-thần phụ-chính, ngồi cạnh vua trong khi triều-đình hội-nghị. Lại có một điều rất đáng khen nữa, xét đấy thì biết rằng người nước Nam trọng sự học là nhường nào : là khi ông quan nhớn, ông thượng-thư phụ-chính ấy, đến tuổi già bỏ chức trọng mà hồi-hưu, vai đã gánh nặng những công-danh tước-lộc của nhà vua, thì bấy giờ lại về chốn quê hương cũ, bỏ đồ phẩm- phục một nơi, khoác cái áo vải thâm thường, mở trường học ở nhà, chính mình lại dạy học cho bọn con trẻ mới nhớn lên... »

Ấy nhời quan Toàn-Quyền khen công-đức bọn thượng-lưu trong nước ta ngày xưa là bọn nho như thế, ai nghe thấy mà chẳng cảm-động trong lòng. Ngày đã thâm-hiểu cái địa-vị của bọn nho trong xã-hội cùng lịch-sử nước ta. Bọn ấy đã sáng-nghĩ ra những đền-đài lăng-tẩm đẹp như thế kia, lại bồi-dưỡng cho cái quốc-hồn mạnh như thế ấy, xét đó cũng đủ chứng rằng bọn ấy thực đã không phụ lòng quốc-dân tôn-trọng vậy. Cái văn-minh cũ của nước Nam thực là cái công-nghiệp của bọn ấy, người nước ta dù có quên đã có tiếng kèn đồng gióng-giả của quan toàn-quyền Sarraut nhắc lại cho...

Nhưng không những là bọn thượng-lưu trong nước ta mà đáng khen, người thường-dân cũng có lắm cái tính-cách tốt, khiến cho giống Nam-việt không đến nỗi là một giống yếu-hèn cho lắm, còn có cái cơ tiến-hóa lên được nhiều. Quan Toàn-quyền cũng có mấy câu khen cả dân An-nam, rồi kết mà cổ-võ cho người Pháp quen biết cùng quyến-cố đến đất Đông-dương này, để giúp cho bản-xứ được thịnh-vượng mãi lên.

Ngài nói : « Tôi nói về xứ Đông-dương mà chưa kịp nói đến cái phần quí hóa nhất trong xứ ấy, là người dân bản-xứ vậy. Người dân bản-xứ thường chăm làm, dễ bảo, có thể cung-cấp được một cái « nhân-công » không, khéo, dễ dùng, biết am-hiểu, biết lợi-dụng các máy-móc ngày nay, từ khi chiến-tranh đã gửi sang Mẫu-quốc được hàng vạn người thợ. Đó là cái của báu vô-tận vô-giá của xứ này. Những người thợ ấy hoặc đã chuyên-môn rồi, trước làm thợ ở xưởng thủy-quân-chế-tạo Sài-gòn, hoặc trước là học-trò các trường công-nghệ của ta đặt ra, hay hoặc là những người thôn-dân chất-phác hôm trước mới ở chốn nhà quê ra, hiện nay dùng ở các xưởng thủy-quân, các xưởng đạn-dược, các xưởng tầu bay, làm việc giỏi rang, chỉ hiềm các nhà công-nghệ nước Pháp ta chưa mấy người biết đến. Những người ấy sau này sẽ là những tay giúp việc rất có ích cho ta trong sự khai-hóa về đường kinh-tế ta sắp khởi-hành ở xứ ấy. Vì ngoài những tính tốt bản-nhiên của giống người An-nam, cái văn-minh ta mỗi ngày lại thêm vào những tính tốt cùng tư-cách mới nữa. Như thế thì ta vừa là người bảo-hộ, vừa là người ân-nhân của dân An-nam vậy. Xưa kia, khi mới sang xứ ấy, ta dẫu có phạm nhiều điều nhầm-lỗi, hoặc vì không quen biết, hoặc vì vội-vàng khinh-xuất, nay phải nên tránh cho khỏi những điều nhầm ấy, song nước Pháp vẫn được cái danh-dự thiên-nhiên đã quyến-cố đến một dân vì yến-hèn nên từ xưa đến nay phải chịu lao-lung, mà lấy đạo huynh-trưởng đưa rắt vào đường tự-do tiến-bộ.

« Hiện nay còn phải gắng sức to mới mở rộng được cho xứ này cái tiền-đồ thịnh-vượng. Ngoài những ruộng đất phì-nhiễu, còn phải khai khẩn thêm những nơi rừng rậm mênh-mông. Ngoài cái số 2 vạn cây-lô-mét đường đã làm xong, còn phải làm thêm mấy nghìn cây-lô-mét nữa. Hiện nay đường thiết-lộ đã chạy được hơn 5 trăm dậm tây, còn phải kéo dài thêm cái rải sắt ấy ra nhiều nữa ; hỏa-thuyền chạy trên các sông được 3 nghìn cây-lô-mét, phải tăng thêm cái số ấy lên nhiều nữa. Lại phải lập những công-nghệ mới, dựng nhà chế tạo, xưởng làm công, để lợi-dụng lấy cái nguyên-liệu trong xứ rất là rồi-rào phong-phú. Phải sắp sẵn cho mẫu-quốc ta cái phần tài-sản thế-lực mà đất thuộc-địa Ă-đông này phải giúp mẫu-quốc. Trong khi chiến-tranh xứ Đông-dương đã gửi tiền, người, hóa-vật, sang Pháp rất nhiều. Hiện chỉ mong được giúp ân-quốc nhiều hơn nữa, nay giúp cho việc quốc-phòng, mai giúp cho cuộc thịnh-trị. Đối lạ với cái lòng thành ấy thì chỉ xin có một điều : là mẫu-quốc yêu mến, quyến-cố đến, chớ để vì cái nhẽ rằng ở xa không năng đi lại được mà phải chịu cái khổ trong nhời ngạn-ngữ nói : « Xa mắt thì lòng cũng xa ! »

« Bởi thế mà tôi xin với các bà nước Đại-Pháp ngồi đây, với các cô con gái thành Ba-lê đương nghe tôi nói đây, khi về nhà thường tưởng nhớ đến bọn con nuôi em nuôi ở phương xa kia, là bọn thiếu-nữ nước An-nam, tuy tính-tình điện-mạo có khác có lạ cho tai mắt bọn ta, nhưng trong người thực là mang một tấm lòng rất trung thành với Đại-Pháp mẫu-quốc, nay oanh-liệt như thế này, mai hiển-hách biết bao nhiêu ! »

Ôi ! các cô con gái nước Nam, ôi ! cả quốc-dân An-nam trong ba cõi, hãy lẳng-lặng mà nghe nhời trân-trọng của quan Toàn-quyền, nên ghi-tạc trong tâm-khảm, chớ bao giờ quên.

Nếu cái văn-minh cũ nước Nam quả là tốt đẹp như thế, nếu quốc-dân An-nam quả có tính-cách hay như thế, nếu quan Toàn-quyền không phải vì quá thương lũ ta mà tặng ta cái giá-trị quá-đáng, thì ta cũng nên mừng thay cái hậu-vận đất Việt-Nam cố-quốc này !

Phạm Quỳnh