Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Triết-học bình-luận/Triết-học là gì ?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TRIẾT-HỌC LÀ GÌ ?

Nói triết-học thì ai cũng nghĩ đến một môn học nghiêm-trang, cao-kỳ, huyền-bí, bàn những sự cao-xa, xét những nhẽ thâm-thúy, người thường không thể hiểu được. Lắm người chỉ nghe đến tên triết-học mà sợ, tưởng như cái yêu-thuật của một bọn hư-tưởng dùng để huyễn-diệu người đời. Bởi nhiều người tưởng nhầm về triết-học như thế, nên triết-học đã hầu coi như một món không có quan-thiết gì đến sự thực, đến việc đời, mà nhà triết-học, nhà thuyết-ký đã thành danh là những người sống trong mộng vậy. Nhưng mấy người hiểu rõ cái mục-đích của triết-học là gì, cái phương pháp của triết-học thế nào, cùng bởi sao mà triết-học là một sự học ích-lợi thiết-yếu cho người ta. Vậy trước khi bàn đến những vấn-đề về triết-học, tưởng nên giải-nghĩa triết-học là gì. Đó là cái mục-đích của bài này.

Các nhà triết-học từ xưa đến này đã giải nghĩa chữ triết-học ra nhiều cách lắm, nếu thuật lại cả thì một quyển sách cũng không hết được. Nhưng trong bấy nhiêu nghĩa tất có một cái gốc chung ; ta nên tìm mà biểu cái gốc chung ấy ra, tức cũng đủ tạm giải được triết-học là gì.

Phàm nói triết-học là nghĩ ngay đến một sự học chung, chủ cái đại-thể, đại-khái. Vậy xét một từng thứ nhất thì có thể giải triết-hc là sự nghiên-cứu những nhẽ chung, những sự đại-khái.

Nhưng mà những nhẽ chung, những sự đại-khái ấy khng có rõ cho ta trông thấy ngay được. Thường nó lại phản-trái hẳn với cái hiện-tượng bề ngoài.

Vậy phàm học triết-học là phải nghiên-cứu cho sâu, mới phát-minh được những nhẽ chung, những sự đại-khái ấy.

Như học lịch-sử : lấy cái thiển-kiến mà xét thì lịch-sử bất quá là một mớ lộn-nhộn những công-việc riêng của từng người. Nhưng lấy cái nhỡn-tuyến nhà triết-học mà xét, thì biết những công-việc của người đời trước cũng chưa đủ, phải coi mỗi việc như một cái máy mà tháo nó ra từng mảnh, tìm xem cái cơ-quan nó thế nào, cách nó vận-động làm sao, cái tâm-lý của người chủ-động, cái tình-thế lúc khởi-hành. Nhà triết-học lấy những hiện-tượng bề ngoài là cái biểu-diện của những phép-tắc sâu-xa, nên thường phải nhìn qua cái hiện-tượng ở ngoài mới thấu được cái phép-tắc ở trong. Bởi vậy mà ông Platon ngày xưa nói triết-học là sự học cái vô-hình, ông Aristote thì giải triết-học là sự nghiên-cứu những « cứu-cánh-nguyên-lý » cùng những « tối-hậu-nguyên-nhân » (recherche des premiers principes et des dernières causes).

Những sự của triết-học học đã là siêu-việt ra ngoài hiện-tượng trông thấy, thì không có thể tự-nhiên mà biết được. Phải có suy-nghĩ mới lý-hội được. Nên xưa nay sự suy-nghĩ vẫn cho là cái phương-pháp tất-yếu của triết-học, mà cả triết-học cũng thường giải là một sự suy-nghĩ về sự-vật vậy.

Vậy thì học triết-học là phải khái-niệm để gồm lấy những sự đại-khái, nghiên-cứu để tỏ ra những nhẽ sâu-xa, suy-nghĩ để hội lấy những mối siêu-việt. Nhưng cớ sao mà phải khái-niệm, nghiên-cứu, suy-nghĩ như thế ? Là bởi loài người ta có một cái bản-tính khởi-điểm tự các giống cao-đẳng-động-vật, cái bản-tính ấy là tính hiếu biết vậy. Người ta đứng trước cảnh-vật không chịu giữ cái địa-vị khách-quan. Phàm trông thấy cái gì, cũng muốn giải nghĩa nó thế nào. Nhìn không chưa đủ : muốn hiểu xem cớ sao mà mình nhìn nó ra như thế. Vậy thì cái cứu-cánh mục-đích của sự triết-học là muốn thuyết-minh về sự-vật.

Khái-niệm, nghiên-cứu, suy-nghĩ, thuyết-minh. đó là bốn điều chính của sự triết-học. Nhưng mà xét kỹ ra bốn điều ấy cũng còn chưa được phân-minh lắm. Càc nhà triết-học Âu-châu đời xưa đã nói rằng : Phàm muốn định-nghĩa một sự một vật cho hoàn-toàn thì thứ nhất là phải định được khắp cái nghĩa của sự ấy vật ấy, thứ nhì là phải cho cái nghĩa định ấy chỉ hợp với cái sự cái vật mình định-nghĩa mà thôi. Thế thì như ta định-nghĩa chữ triết-học trên kia mới là trúng được một phần thứ nhất, mà còn chưa đúng với phần thứ nhì. Vì không một là triết-học, phàm khoa-học gì chẳng là phải suy-nghĩ, chẳng là phải khái-niệm, chẳng là phải thuyết-minh mà chẳng là phải nghiên-cứu ? Hay là triết-học với khoa-học cũng giống nhau ? Hay là cái định-nghĩa của ta rộng quá ?

Ở Âu-châu, kể từ đời cổ-đại cho đến cuối thế-kỷ thứ 15, triết-học với khoa-học vẫn thường gồm làm một. Về đời Hi-lạp cùng về đời Trung-cổ, triết-học với khoa-học không có phân-biệt nhau bao giờ. Tự đời Cổ-học-phục-hưng (Renaissance), [1] nhất là từ ông Descartes, [2] thì triết-học tức là khoa-học ngày nay, cái mục-đích, cái tôn-chỉ, cái phương-pháp cũng thế. Cái phương-pháp của ông Descartes cũng như cái thực-nghiệm phương-pháp ngày nay, chủ sự hỗn-hợp cả khoa-học cùng triết-học.

Dù vậy mà nếu xét kỹ ra thì từ khi triết-học Hi-lạp mới khởi-điểm, trong tư-tưởng-giới Âu-châu đã thấy phát-hiện ra hai cái phương-hướng khác nhau.

Một bên thì thấy những môn học chỉ chủ xét một cái vấn-đề riêng, mà muốn xét cho khắp, tìm cho hết nhẽ, dùng đủ mọi phương-pháp mà giải cho cực đúng. Chắc rằng cái vấn-đề nào dù đặc-biệt đến đâu, cũng tất-nhiên là phải có một cái kết-luận, mà cái kết-luận ấy tất-nhiên cũng là một cái kết-luận chung. Vì giải-quyết được một cái vấn-đề nào tức là có thể suy-loại mà giải-quyết được cả những vấn-đề cùng một họ với nó. Nhưng cả cái họ ấy nữa cũng mới chỉ là một bộ-phận nho-nhỏ trong toàn-thể những sự những vật nó khêu-giục cái lòng ham biết của người ta. Cả cái bọ ấy cũng làm chìm-đắm trong cảnh-vật mênh-mông, gồm không biết hằng-hà sa-số nào là những họ khác nữa.

Bởi thế mà một bên nữa lại thấy những nhà học-vấn quay về một phương-hương khác, như con bướm bay về nơi ánh-sách thấu suốt cả toàn-thể sự-vật. Không muốn nghiên-cứu riêng một vấn-đề như trên kia, mà muốn lý-hội, muốn giải-nghĩa được cả toàn-thể của Vũ-trụ ; không muốn xét một sự, một vật, một thể-cách riêng của sự-vật, mà muốn gồm hết-thẩy các sự-vật, giải được cái bản-thể của cả vạn vật.

Cái phương-diện trên là cái phương-diện của khoa-học, mà khoa-học đối với sự-thực thì ví như người thợ mỏ cuốc đống quặng rắn, làm khó nhọc mà chỉ được từng mảnh con con. Cái phương-diện dưới là cái phương-diện của triết-học, mà ví như nhà kỹ-sư đứng ngắm hình-thể một trái núi để đoán-dịnh cái mạch mỏ cùng lượng biết cái giá-trị của nó. Hai phương-diện rộng hẹp thực là khác nhau vậy.

Người Hi-lạp ngày xưa cũng đã phân-biệt rõ-ràng hai phương-diện ấy rồi. Ngày nay sự phân-biệt ấy lại hiển-nhiên hơn nữa. Cái phạm-vi của khoa-học là cái phạm-vi những sự thực-nghiệm ; cái phạm-vi của triết-học là cái phạm-vi những sự lý-tưởng, siêu-việt vô-hình ; hai cái bờ-cõi thật là phân-minh mà không thể lẫn lộn được. Một bên thì là những sự kết-quả nhỏ-nhặt, bao giờ cũng có kiểm-điểm kỹ-càng, những sự nghiên-cứu có phép-tắc mà đúng mực, nhất là có liên-tiếp với nhau, cái gì thử đã chắc rồi mới gữi mà dùng như hòn đá nền để lại sây hòn khác lên trên. Một bên thì dùng sự suy-ức, sự tưởng-tượng để muốn bước nhanh hơn những sự nghiên-cứu tỉ-mỉ, mà xướng được ngay nhời kết-luận về cái nguyên-nhân, cái cứu-cánh của vạn-vật.

Vậy thì nói tóm cả từ đầu có thể giải nghĩa triết-học đối với khoa-học là nghiên-cứu những sự đại-khái rất siêu-việt, những cái đại-nghĩa rất cao-thâm, rất xa-cách với những hiện-tượng bề ngoài. Hay là giải-nghĩa thế này nữa, vừa giản-dị hơn mà lại vừa không sợ hoặc rộng quá hoặc hẹp quá, là nói rằng : triết-học đối với khoa-học, cái tỉ-lệ cũng tức như là khoa-học đối với sự tri-thức tầm-thường vậy.

Nếu khoa-học là nghiên-cứu cái nghĩa chung, thì triết-học là nghiên-cứu cái nghĩa chung hơn hết cả. Nếu khoa-học là nghiên-cứu cái hiện-tượng bề ngoài, thì triếí-học lá nghiên-cứu cái chân-tướng ở trong. Nếu khoa-học là lấy sự suy-nghĩ mà thay vào sự tự-nhiên, thì triết-học là lấy sự suy-nghĩ mà suy-nghĩ cái suy-nghĩ của khoa-học. Nếu khoa-học là muốn giải-nghĩa sự-vật, thì triết-học lại muốn giải-nghĩa cao hơn, mà giải-nghĩa cả khoa-học nữa. Chắc rằng thích-nghĩa chữ triết-học như thế cũng chưa được là rất mực đích-sác, chưa được là cực-điểm phân-minh, như hai với hai là bốn vậy. Nhưng thiết-tưởng cũng đã định được cái phạm-vi của triết-học đối với khoa-học, khu-biệt được phần nào là phần thuộc về triết-học, phần nào là phần thuộc về khoa-học. không sợ nhận nhầm ; như thế thì cũng là tạm đủ vậy.

Nói tổng-kết lại thì phàm sự học không muốn khu vào trong một vòng những sự thực nhất-định, cách biệt cái nọ với cái kia, mà mun thuyết-minh về toàn-thể của sự vật, hoặc là về một bộ-phận nữa nhưng cũng là chủ lấy cái toàn-thể làm mục-đích, phàm sự học như thế là thuộc về triết-học cả.

Đương buổi cái phong-trào chuyên-môn của các khoa-học thịnh-hành như ngày nay, triết-học lại rất là cần lắm. Mỗi người chuyên một môn học, vụ lấy học cho cực sâu, cái đó cũng có hay mà cũng có dở. Hay là vì ngày nay các khoa-học mỗi ngày một nhiều, một đời người không thể học được xuốt, tất phải chia ra thì học mới thành nghề mà sự học mới tiến-bộ được. Dở là vì các nhà chuyên-môn tất chỉ tinh một môn học của mình, trí-thức như hạn-chế trong một cái phạm-vi nhất-định, phàm quan-sát sự vật hay lấy cài phương-diện riêng của môn học mình làm chuẩn, sự học tuy có sâu mà không được rộng. Vậy cần phải có một sự học chủ cai-quát cả các môn học riêng mà trừu lấy cái đại-nghĩa chung, thu cả các nhẽ nhỏ mà họp lại một cái quan-niệm nhớn về thế-giới về loài người : sự học ấy là triết-học vậy.

Thế-giới ví như một cái cảnh nhớn, có núi có nước, có cây có rừng, có hang-hốc, có suối-khe, có chim kêu vượn hót, có gió thổi nước bay, trăm nghìn vẻ kỳ-kỳ lạ-lạ. Đi len-lỏi vào những nơi rừng rậm hang sâu để xét từng hòn đá ngắm từng cái cây, ấy là nhà khoa-học chuyên-môn. Chèo chót-vót lên trên đỉnh núi cao, ngửng lên cúi xuống, ngắm nghía bốn bể, để thu lấy cái đại thế một mảnh giang-sơn trong giời đất, ấy là nhà triết-học vậy. Chắc đứng cao mà trông thì tường sao được bằng người bước đến tận nơi mà nhìn, nhưng cái nhỡn-giới mênh-mông biết chừng nào ! Phàm người cao-thượng khao-khát những sự tuyết-đích thì cảnh-tượng ấy không phải là không có một cái thú lạ.

Phạm Quỳnh.


   




Chú thích

  1. « Cổ-học-phục-hưng » là một thời-kỳ trong lịch-sử Âu-châu, gồm hai thế-kỷ thứ 15 và 16, các nước Âu-châu bấy giờ hết đời Phong-kiến (Féodalité) lại giở về học-thuật của Hi-lạp La-mã.
  2. Tàu dịch là 笛 卡 兒 Ông là tổ triết-lạp nước Pháp (1596-1950), xem bài sau.