Bước tới nội dung

Ngô Tử binh pháp/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

II

Liệu địch


Vũ hầu bảo Ngô Khởi rằng: Nay nước Tần hiếp đằng phía tây nước ta, nước Sở đèo đằng phía nam nước ta, nước Triệu chèn ở phía bắc nước ta, nước Tề hiếp ở phía đông nước ta, nước Yên chặn đằng sau ta, nước Hàn đóng phía trước ta, quân sáu nước giữ cả bốn bề, thế rất không tiện, ta lo ngại lắm. Không biết làm thế nào? Khởi thưa rằng: Này cái đạo giữ yên nước nhà, trước phải răn sự tham của báu, nay nhà vua đã biết răn sự ấy, thì tai vạ tất phải lánh xa. Thần xin bàn về cái tục của sáu nước. Kìa nước Tề trận nặng mà không bền, nước Tần trận tan mà đánh lộn, nước Sở trận chững mà không lâu, nước Yên trận giữ mà không chạy. Tam Tấn trận gọn mà không dùng. Người Tề tính cương, trong nước giầu có, vua tôi kiêu xa mà không để ý đến dân chúng, chính trị thì khoan mà bổng lộc không đều, một trận hai lòng, trước nặng sau nhẹ, cho nên nặng mà không bền. Cách đánh quân ấy, tất phải chia ra làm ba, săn dồn tả hữu, bắt phải theo, có thể làm cho trận phải nát. Người Tần tính cường, cõi đất hiểm trở, chính trị nghiêm mà thưởng phạt đúng, người không nhường nhịn, đều có cái lòng tranh chọi, cho nên tan mà tự đánh lộn. Cách đánh quân ấy, tất trước phải phô cái mối lợi để dẫn nhử đi, quân tham lợi mà rời bỏ tướng, thừa dịp tan rã mà săn dồn, đặt quân mai phục mà chụp đánh, có thể bắt được tướng họ. Người Sở tính yếu, đất thì rộng rãi, chính thì tao nhiễu, dân thì mỏi mệt, cho nên chững mà không được lâu. Cách đánh quân ấy, nên đánh úp để làm cho loạn đồn trại, trước đoạt lấy cái khí của họ, tiến gấp lui mau, làm cho họ phải nhọc mệt, chứ đừng cùng tranh chiến với họ, rồi quân họ sẽ phải bại. Người Yên tính thật thà, dân hay cẩn thận, thích hăng hái theo việc nghĩa, ít những mưu mô dối trá, cho nên giữ yên mà không chuyển dịch. Cách đánh quân ấy nên húc vào mà bức bách, lấn vào làm cho họ xa nhau, đuổi mà theo dõi ở đằng sau, như vậy sẽ khiến họ trên ngờ dưới sợ, cần giữ lấy xe ngựa của ta, trên con đường tất phải tranh, sẽ có thể bắt được tướng họ. Tam Tấn là đất Trung-quốc tính ôn hòa, chính bằng phẳng, dân mỏi về chiến-tranh, quen nghề binh lính, tướng thì coi khinh, lộc thì đơn bạc, quân không có chí liều chết, cho nên trận tuy có chỉnh trị mà không dùng được. Cách đánh quân ấy nên cản trở trận họ để mà áp bách, họ đến thì cự, họ đi thì đuổi, để làm cho quân họ mỏi mệt. Ấy là cái thế nên như vậy. Vậy thì trong một đạo quân, tất có những kẻ sĩ hùng hổ, sức cất được vạc. chân nhanh như ngựa, giật cờ chém tướng, sẵn có tài năng. Như hạng người ấy, nên kén lựa mà phân biệt, mà tỏ sự yêu quý, ấy gọi là quân mệnh. Đến như những người có thể dùng vào trong năm hạng binh, tài sức nhanh mạnh, có chí nuốt giặc, nên gia thăng tước vị cho họ, có thể quyết thắng; hậu đãi cho cha mẹ vợ con, khuyến khích bằng sự thưởng răn dọa bằng sự phạt đối với những người bền gan ở trận, có thể cùng họ giữ lâu được. Nếu biết liệu rõ như thế thì có thể đánh được cái quân đông gấp bội mình. Vũ-hầu khen phải.

Ngô-Tử nói: Phàm sự liệu địch, có 8 điều không cần phải bói cứ việc mà đánh: một là trời lạnh gió bấc, dậy sớm đi khuya, rẽ băng qua sông, không hề khó nhọc; hai là trời hè bức sốt, dậy trưa lật đật, ruổi giong đói khát, cốt đi lấy xa; ba là quân đóng đã lâu, lương thực không có, trăm họ oán giận, điềm gở thường sinh, vua chúa không làm tắt được; bốn là quân dụng đã hết, củi cỏ còn ít, giời mưa dầm dề, muốn cướp không chỗ; năm là quân sĩ không nhiều, nước đất không lợi, người ngựa đau ốm, bốn láng giềng không nước nào đến; sáu là đường xa trơi tối, quân sĩ mệt sợ, mỏi nhọc chưa ăn, cổi giáp ngồi nghỉ: bẩy là tướng mọn binh đơn, hàng ngũ không vững, ba quân ngơ ngác, sức giúp không có; tám là trận bầy chưa ổn, trại đóng chưa xong, vượt hiểm qua đèo, nửa ẩn nửa hiện. Thấy bên địch có những tình hình như thế thì cứ việc đánh, không còn phải ngờ gì. Lại có sáu điều không cần phải bói cứ việc tránh: một là đất cát rộng lớn, nhân dân giầu thịnh; hai là trên yêu người dưới, ân huệ rộng lan; ba là thưởng phạt đúng mực, ban ra phải thời; bốn là người có công trận, đều ở chức vị, kẻ hiền người tài đều được cất dùng; năm là binh lính đông đúc, khí giời bền tốt; sáu là láng giềng giúp đỡ, nước lớn viện trợ. Phàm những điều ấy không bằng bên địch, nên tránh đi không còn phải ngờ. Như vậy tức là thấy nên thì tiến, biết khó thì lui đó.

Vũ-hầu hỏi rằng: Tôi muốn xem bên ngoài của địch để biết bên trong, xét sự tiến để biết sự ngừng, để định sự thua được, vậy có thể được nghe chăng? Khởi thưa rằng: Bên địch kéo đến, nhơn nhơn không lo, cờ phướn rối loạn, người ngựa trông nhau, một khá đánh mười, khiến không kịp giở. Chư hầu chưa họp, vua tôi chưa hòa, ngòi lũy chưa thành, cấm lệnh chưa ra, ba quân ong óng, muốn tiến không được, muốn đi không dám, lấy nửa đánh bội, trăm trận không nguy.

Vũ-hầu hỏi: kẻ địch thế nào thì nên đánh? Khởi thưa rằng: Dùng binh tất phải biết rõ sự hư hực của bên địch mà xấn vào chỗ nguy của họ. Bên địch từ xa mới đến, hàng ngũ chưa định, nên đánh, vừa ăn xong chưa đặt phòng bị nên đánh, chạy chọt nên đánh, vất vả nên đánh, chưa được địa lợi nên đánh, lỡ thời không theo, nên đánh, đi đường dài, đến sau chưa nghỉ, nên đánh, qua sông giữa chừng, nên đánh, đường hiểm lối hẹp nên đánh, cờ phướn loạn động nên đánh, tướng lìa quân lính, nên đánh, lòng kia sợ sệt nên đánh. Phàm thấy như thế, tuyển quân tinh nhuệ mà xông vào, chia binh mà kế tiếp, đánh gấp không phải ngờ gì cả.