Đời cách mạng Phan Bội Châu/Ra đời giữa lúc mất Nam kỳ đã 6 năm!

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

RA DỜI GIỮA LÚC MẤT NAM-KỲ DÃ 6 NĂM!

TRIỀU vua Tự-Đức thứ 15, năm Nhâm-tuất (Tây–lịch 1862), binh Pháp chiếm lĩnh đất Nam kỳ ta.

Nam-kỳ là kho tàng thiên nhiên của nước ta; cửa biển Saigon thật là cuống họng ta, nay đã vào tay người Pháp rồi, ta chưa mất hết cả nước, chỉ là chuyện thời gian sớm muộn đó thôi. Chén vàng đã ụp, nhà lớn sắp tiêu, thương thay cho ta, lại nhè giữa lúc ấy mà sinh ra đời. Thiệt ta sinh ra đời giữa năm Đinh-mảo, niên hiệu Tự-Đức thứ 20, nghĩa là lúc Nam-kỳ đã mất 6 năm rồi. Đầu xanh nào đã biết gì, con thơ chưa lìa bọc mẹ, thế mà tấn kịch biển khóc non gào, sửa soạn đem mi mà liệng vào giữa tấm màn thảm đạm ấy. Lồng lộng trời xanh, kẻ ấy là ai đó tá?

Lúc đầu thế-kỷ 18, ngọn sóng mới của Âu-học, vọt lên cao muôn trượng; những tiếng dội phú-cường, hầu như vang động tràn lan cả hoàn cầu. Phải chi ta sớm được đầu thai ở giữa khoảng đó, có lẽ ta không đến đỗi mù mù mịt mịt như ta ngày hôm nay. Nhưng tiếc thay, ta chẳng may sinh ra ở nước Nam ta.

Nước ta từ xưa phụ thuộc vào nước Tầu, địa-lý, lịch-sử, gốc tích, trải mấy ngàn năm nay, như hai nước anh em đã lâu đời lắm vậy. Bởi đó, nước ta chỉ biết tôn sùng Hán-học như thần thánh, mà Hán-học xem trọng, chỉ có khoa-cử văn-từ.

Tôi từ nhỏ tới lớn, vốn có tư-chất thông-minh, công-phu đèn sách dùi mài cũng không bê-trễ, nhưng kể đến sự kết quả, chẳng qua chỉ là sự học khoa-cử mà thôi.

Vì lúc bấy giờ, lối học khoa-cử của nhà Thanh, đang sôi nổi như gió cuốn mây bay, người nước mình bắt bỏng theo chân, chỉ sợ không giống y người Tầu. Bà con ta muốn cỡi mây lướt gió, không thể nào không mượn con đường khoa-cử, dầu ai có muốn chẳng theo thời đi nữa, cũng không có đường học nào khác hơn mà đi. Than ôi! chổi cùn trong nhà, tự mình xem là của quý, sự ưa thích lâu đời đã thành thói quen thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời-trang trói buộc, đến đỗi tiêu hao ngày tháng về nghiệp khoa cữ gần hết nửa đời người. Đó là một vết nhơ rất lớn trong đời tôi vậy.