Nghề hát bội của ta và nghề diễn kịch của người Âu-châu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghề hát bội của ta và nghề diễn kịch của người Âu-châu
của Nguyễn Văn Vĩnh

Xuất bản trong Đông Dương tạp chí, lớp mới, số 18.

Vốn nghề hát bội của An-nam ta, thì là một thể mượn sự trang hoàng, mượn điệu ca-nhạc, mượn lối tỏ mừng, mà ôn lại những việc cũ, hoặc để phô những gương trung nghĩa cho người bắt chước, hoặc để bêu những đứa gian ác cho người ta sỉ nhuốc mà đừng bắt chước. Thể ôn lại ấy là một ước thể, nghĩa là chỉ dùng những cách phác diễn ra cho người ta biết việc thế nào mà thôi, chớ không cần phải tả cho in sự thực. Như núi thì bày cái bàn cái ghế, sông thì trả cái mền mà cầm hai đầu rũ; trận đánh nhau thì hai người cầm hai cái giáo gỗ múa-may, lũ trẻ cầm cờ vừa chạy vừa la, v.v. là đủ hiểu. Chớ nên thấy cách người ta thế kia, thấy cách nhà mình thế ấy mà khinh. Đó cũng là một lối tả, nhưng khác cái tinh-lý mà thôi. Trong lối ấy cũng có cái hay, cái thú riêng. Cũng có khéo, có vụng; có lệ, có phép. Trong tiếng trống oi tai nhức óc người không hiểu, cũng có cái cao-thú động lòng. Giơ thẳng cánh điểm hai tiếng tùng tùng vào giữa chỗ xuống giọng hay cũng sướng bằng cái lay mũi giày của người Đại-Pháp đứng nghe kèn.

Đến như nghề diễn-kịch của người Âu-châu thì khác lắm. Trước hết nên cắt nghĩa cho rõ chữ một nghề (art) theo lý-tưởng Âu-châu là thế nào. Nghề đây là mỹ-nghệ (beaux arts). Mỹ-nghệ là tổng cả những chước thuật mà người ta dùng để khêu gợi sự cảm giác và cảm tình, nhất là cảm tình vì điều đẹp. Lấy mục-đích, thì mỹ-nghệ là tỏ cái đẹp ra; lấy phương-thuật thì mỹ-thuật là sự thông-ngôn cho Tạo-hóa. Mỗi người ngắm các sự vật các cảnh tượng trong Tạo-hóa có một cách thấy thấy đẹp, đem cái đẹp ấy tỏ ra cho người khác cũng cảm giác như mình, vị chi là mỹ-nghệ. Cho nên mỹ-nghệ lại có người cắt nghĩa là cách lấy tính của mình (tempérament) mà làm kính cho thiên-hạ soi Tạo-hóa (La nature vue à travers un tempérament). Nghĩa là tuy mỹ-nghệ là thực-tả, nhưng mỗi người thực tả cái cách mình trông thấy đẹp mà thôi, chớ không thực tả được hết cả cái đẹp. Mắt mình trông to hơn sự thực thì mình tả cũng to; mắt mình trông nhỏ thì mình tả cũng nhỏ, quí-hồ có thành-thực (nghĩa là mắt trông thấy thế nào là đẹp thì tả như thế, mình hiểu cảnh thế nào thì làm thông-ngôn cho Tạo-hóa mà đạt như thế) thì nghệ được thiện.

Diễn-kịch cũng là một mỹ-nghệ. Mục-đích cũng là để tỏ cái đẹp trong tính-tình người ta, trong cách người ta cư-xử với nhau trong đoàn thể. Mà phương thuật thì cũng dùng cách làm thông-ngôn cho Tạo-hóa, nghĩa là mắt người làm kịch trông ở trong nhân-tình thế-cố thấy điều gì đẹp, điều gì kỳ-khôi, thì cũng diễn ra cho người khác được trông thấy mà cảm-động như mình. Nghề diễn-kịch mượn nhiều nghề thực-tả khác mà diễn ra cho người ta trông thấy, nghe thấy, cho người ta cảm-giác một cái quang cảnh bịa đặt ra, đã y như là sự thật vậy. Nào dùng văn-chương để mà thuật lại những lời người ta nói với nhau; lại dùng âm-nhạc nhảy-múa để tả cái thể và cái nhịp-thước cảm tình của người ta; lại dùng đến nghề họa, nghề điêu khắc để bày biện, để tô điểm chỗ sàn hát khiến cho người xem tưởng-tượng như có sự thực trước mắt.