Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội  (1988) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 22 tháng 12 năm 1988.

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng bộ trưởng về tình hình và công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội năm 1988, các báo cáo công tác năm 1988 của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

1. Quốc hội nhận thấy, các báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về cơ bản đã phản ánh được thực trạng tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội hiện nay. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khắc phục nhiều khó khăn và với sự tham gia, giúp đõ của nhân dân đã có nhiều cố gắng để giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội vẫn còn phức tạp, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước có nhiều khó khăn, kẻ địch tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt; việc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội còn hạn chế; tình trạng tập trung quan liêu, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân chưa khắc phục được bao nhiêu thì lại xảy ra hiện tượng dân chủ lệch lạc, buông lỏng chuyên chính; công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, pháp luật không được quan tâm đúng mức, công tác văn hóa, văn nghệ chưa được quản lý tốt... Đã tạo sơ hở cho kẻ địch phá hoại, kẻ xấu lợi dụng; tình trạng công bằng xã hội không được bảo đảm, pháp luật không được chấp hành nghiêm chỉnh, ngay ở cả một bộ phận các cơ quan Nhà nước, một số cán bộ ở các cấp thậm chí còn can thiệp một cách sai trái, ngăn cản hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật; các tệ nạn ô dù, bao che, lạm dụng chức quyền, ức hiếp quần chúng, tham ô, hối lộ, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa... Đã làm giảm lòng tin của nhân dân.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật, tuy có nhiều cố gắng, nhưng tổ chức và hoạt động còn yếu kém; việc xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác thiếu kiên quyết, chưa nghiêm minh, còn biểu hiện hữu khuynh, tránh né; trong nhiều trường hợp, chính cán bộ, nhân viên của các cơ quan này lại vi phạm pháp luật.

Công tác xây dựng pháp luật, thể chế hóa các chính sách kinh tế - xã hội mới của Đảng thành các văn bản pháp luật của Nhà nước để cả xã hội tuân theo còn quá chậm, là một trong những trở ngại cho việc thiết lập kỷ cương trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, bảo đảm các quyền và tự do chân chính của công dân.

2. Trước tình hình đó, Hội đồng bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm thực hiện những biện pháp kiên quyết nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân; bảo đảm quyền dân chủ, bảo vệ những người đấu tranh chống những hành vi phạm pháp, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục tinh thần trách nhiệm của công dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm về các vi phạm pháp luật khác, kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương, bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần được tăng cường và củng cố tổ chức thực sự trong sạch, vững mạnh, nghiêm khắc xử lý những cán bộ lạm dụng chức quyền, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đổi mới hoạt động, phối hợp chặt chẽ với nhau, đồng thời dựa vào các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức xã hội và sự tham gia tích cực của công dân để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang, các cán bộ, nhân viên Nhà nước, dù ở cương vi nào đều phải tôn trọng pháp luật và tạo điều kiện giúp đỡ các cơ quan bảo vệ pháp luật làm nhiệm vụ, không được cản trở hoạt động đúng đắn của các cơ quan này.

Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp, bên cạnh việc khắc phục những khuyết điểm trong quản lý kinh tế, phải quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, và phải coi đây là một khâu quan trọng trong hoạt động quản lý của mình, là một điều kiện cần thiết để bảo đảm việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, làm ổn định đời sống của nhân dân; Hội đồng Bộ trưởng khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật, nhất là những văn bản pháp luật về kinh tế, cùng các cơ quan hữu quan trong năm 1989 hoàn thành việc ban hành các văn bản thi hành Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những quy định đã lỗi thời; trình Quốc hội và Hội đòng Nhà nước thông qua những luật, pháp lệnh cần thiết làm cơ sở cho việc lập lạp trật tự, kỷ cương xã hội.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong điều kiện các văn bản pháp luật cũ chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phải chỉ đạo công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật cho phù hợp với yêu cầu đổi mới quản lý kinh tế - xã hội để vừa không bó tay các đơn vị kinh tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm pháp chế thống nhất, chống lợi dụng đổi mới để làm thiêt hại lợi ích chung của Nhà nước và của công dân.

Tòa án nhân dân tối cao phải tăng cường công tác giám đốc xét xử, hướng dẫn tòa án nhân dân các cấp xét xử kịp thời và nghiêm minh những vụ án hình sự nghiêm trọng và những vụ tranh chấp dân sự phức tạp, nhất là những vụ tranh chấp đã kéo dài nhiều năm; để đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay, cần mở các phiên tòa sơ thẩm đồng thời chung thẩm, xét xử những vụ án đặc biệt nghiêm trọng và bảo đảm thi hành án kịp thời.

Hội đồng Nhà nước tăng cường công tác giám sát việc tuân theo pháp luật, hàng quý nghe báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình và công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật tại các ngành và các địa phương; tăng cường việc chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế và xã hội. Hội đồng dân tộc, Uỷ ban pháp luật và các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội đẩy mạnh hoạt động giúp Hội đồng Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường công tác giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần kiến nghị với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương về những biện pháp cụ thể để tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thường xuyên phản ánh với Hội dồng Nhà nước tình hình vi phạm pháp luật ở các cấp, các ngành.

Để thiết lập và giữ vững kỷ cương xã hội, điều rất cơ bản là phải thật sự tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của công dân, thực hiện phương châm lấy dân làm gốc, dựa vào sức mạnh của toàn dân, phát động được phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng kịp thời xem xét và giải quyết các vấn đề về biên chế, phương tiện và kinh phí hoạt động bảo đảm cho các ngành Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và lực lượng Công an nhân dân làm tốt nhiệm vụ được giao.

4. Hội đồng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết: Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp Quốc hội cuối năm1989.

Quốc hội nhiệt liệt biểu dương những tập thể và cá nhân thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như các tổ chức xã hội và công dân đã hăng hái tham gia và có nhiều thành tích trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị phát huy truyền thống đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tích cực tham gia đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, phấn đấu năm 1989 thực sự có bước chuyển biến tốt trong việc lập lại trật tự, kỷ cương xã hội.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1988.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".