Bước tới nội dung

Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dự toán ngân sách nhà nước năm 1988 (1988)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dự toán ngân sách nhà nước năm 1988  (1988) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1988.

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 83 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về dự toán ngân sách nhà nước năm 1988 và thuyết trình của Uỷ ban kinh tế - kế hoạch và ngân sách của Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

1. Thông qua báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 1988 và giao cho Hội đồng Bộ trưởng điều hành theo hướng tích cực tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giảm dần các khoản chi bù lỗ có tính bao cấp, phấn đấu để tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 1988 giảm thấp hơn tỷ lệ bội chi năm 1987.

2. Hội đồng Bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện ngay một số biện pháp sau đây:

- Tăng nguồn thu cho ngân sách, thu đúng, thu đủ theo chính sách. Khẩn trương sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trong tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, nâng tỷ lệ động viên từ khu vực kinh tế quốc doanh vào ngân sách nhà nước cao hơn so với năm 1987; nâng mức và tỷ lệ động viên thu cho ngân sách từ các khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trên cơ sở khuyến khích và phát huy mạnh mẽ tiềm năng của các thành phần kinh tế, khắc phục tình trạng thất thu quá lớn trong khu vực này. Trong năm 1988, thanh toán sòng phẳng các khoản nợ thuế, nợ hợp đồng hai chiều.

Sớm xây dựng và đề nghị ban hành các văn bản pháp luật mới về các loại thuế; bổ sung, sửa đổi những bất hợp lý trong các chính sách thuế hiện hành nhằm bảo vệ và khuyến khích sản xuất phát triển và thực hiện công bằng xã hội.

- Thực hiện các biện pháp chống tham ô, lãng phí trong sản xuất, xây dựng và tiêu dùng. Tích cực tinh giản bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, bộ máy gián tiếp ở các đơn vị sản xuất kinh doanh. Nghiêm cấm những khoản chi bất hợp pháp, bất hợp lý. Kiểm tra chặt chẽ các khoản chi, áp dụng chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt trong các ngành, các cấp, kể cả quốc phòng và an ninh, nhất là các khoản chi không có hiệu quả thiết thực, các khoản chi có tính chất bao cấp trong sản xuất và đời sống.

Xem xét và điều chỉnh lại chi xây dựng cơ bản nhằm tập trung hơn nữa cho 3 chương trình kinh tế lớn, đặc biệt là chương trình sản xuất lương thực và thực phẩm. Đình hoãn ngay những công trình xây dựng chưa đem lại hiệu quả thiết thực.

Kiên quyết cắt giảm các khoản chi bù lỗ không hợp lý ở tất cả các lĩnh vực; giảm và tiến tới chấm dứt bù lỗ cho lương thực và xuất khẩu. Thực hiện các biện pháp đồng bộ và thích hợp nhằm chủ động ngăn ngừa và khắc phục tình hình đột biến về giá cả làm đảo lộn dự án ngân sách và tăng thêm tốc độ lạm phát.

- Khẩn trương giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các ngành, các địa phương. Trong điều hành kế hoạch ngân sách, phải bám sát tình hình biến động của giá cả, chống đầu cơ nâng giá; thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh kế toán và thống kê, tăng cường kỷ luật tài chính - kế toán trong tất cả các thành phần kinh tế. Chỉ đạo tập trung các đợt thanh tra tài chính, vật tư, tiền mặt, giá cả, tiền lương; xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương Nhà nước về các vấn đề này.

Sửa đổi, bổ sung chế độ phân cấp quản lý ngân sách cho các địa phương, chú trọng xây dựng ngân sách xã, phường theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4.

Các đồng chí đại biểu Quốc hội, trên cương vị công tác của mình, cần tăng cường công tác giám sát, phối hợp với các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng tuyên truyền, giải thích và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện có kết quả các biện pháp nêu trên.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1988 và sẽ được kiểm điểm trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".