Nhân nguyệt vấn đáp

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nhân nguyệt vấn đáp - 人月問答
của không rõ

Nhân nguyệt vấn đáp nghĩa là người và trăng hỏi và đáp nhau. Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm ghi tác giả là khuyết danh, có tài liệu cho là của Phan Huy Thực (1779-1846), cha của Phan Huy Vịnh.

Tiết thu dạ, thiên quang vân tĩnh[1],
Chốn lữ-đình[2], giấc tỉnh canh khuya.
Tai nghe văng-vẳng bốn bề,
Gương Nga vằng-vặc soi hè quế lan.
5Thấy trăng, thêm động lòng vàng,
Ngâm câu vấn Nguyệt mà than mấy lời.
Hỏi chị Nguyệt mấy lời sau trước :
« Duyên-cớ sao mà lại thảnh thơi ?»
Nguyệt rằng : « Vật đổi sao dời,
10« Thân này trời để cho người soi chung.
« Làm cho mỏi mệt anh hùng.
« Ngàn thu sương tuyết, một lòng thanh-quang ».
Hỏi chị Nguyệt : « Có đường lên tới ?
« Chốn thiềm-cung[3] phỏng độ bao xa ? »
15Nguyệt rằng : « Ta lại biết ta.
« Có cây đan-quế[4] ấy là chị em.
« Anh-hùng thử tới mà xem:
« Kìa gương ngọc-thỏ[5], nọ rèm thủy-tinh ».
Hỏi chị Nguyệt : « Có tình chăng tá ?
20« Chứ xuân-thu phỏng đã nhường bao ? »
Nguyệt rằng : « Yếu liễu tơ đào,
« Càng lên càng tỏ, càng cao càng tròn.
« Mảnh gương vằng-vặc chẳng mòn,
« Bao nhiêu tinh-đẩu là con cái nhà ».
25Hỏi chị Nguyệt : Hằng Nga mấy tuổi ?
« Cứ năm năm đến tối lại ra ? »
Nguyệt rằng : « Ta lại biết ta,
« Minh minh trường dạ[6], ai mà biết ai ?
« Vậy nên mở mặt soi đời,
30« Biết nơi nham-hiểm, biết người tà-gian ».
Nghe Nguyệt nói, lòng càng yêu Nguyệt,
Biết lòng ta có nguyệt hay chăng ?
Muốn lên cho tới cung trăng,
Kết duyên cho được chị Hằng mới tha.
35Một trăng với lại một ta,
Biết nhau chỉ lúc canh ba điểm thùng !
Nguyệt thong-thả ướm lòng lại hỏi :
« Cõi trần-gian là cõi làm sao ?»
Ta rằng : « Thế cuộc chiêm bao,
40« Công-hầu khanh-tướng xôn-xao trong vòng.
« Tranh nhau chỉ vị hơi đồng,
« Giết nhau vì miếng đỉnh chung[7] của trời ».
Nguyệt lại hỏi đến người quân tử.
Buổi vân-lôi[8], hai chữ kinh-luân,
45Ta rằng : « Có đấng thánh-thần.
« Ra tay dẹp loạn, đem công trị bình.
« Còn phường trục lợi tham danh,
« Chẳng qua như chuyện minh-linh, du-phù[9] ».
Nguyệt lại hỏi : « Rừng nho mấy kẻ,
50Rõ ra tay bẻ quế Tràng-an ?»
Ta rằng : « Cá bể, chim ngàn,
« Đời nào chẳng có phượng-hoàng, kình-nghê[10] ».
Ta hỏi Nguyệt ngẩn-ngơ ngơ-ngẩn,
Nguyệt hỏi ta thơ-thẩn thẩn-thơ.
55Chồi hoa trước gió phất-phơ,
Hiu-hiu gió thổi, hương đưa ngạt-ngào.
Canh càng thâm, Nguyệt càng cao,
Nguyệt ta, ta Nguyệt biết bao nhiêu tình !
Mấy câu ngâm chốn lữ-đình,
60Có ai biết Nguyệt biết mình cho chăng ?

   




Chú thích

  1. Thiên quang vân tĩnh 天 光 雲 净 : trời sáng mây tạnh
  2. Lữ đình 旅 亭 (lữ: đất khách; đình: nhà): nhà trọ
  3. Thiềm cung 蟾 宮 : thiềm là con cóc; thiềm cung là cung trăng vì Hằng-Nga, vợ Hậu-Nghệ, sau khi ăn cắp thuốc tiên của chồng trốn lên cung trăng thì hóa ra con cóc
  4. Đan quế 丹 桂 : cây quế đỏ ở cung trăng. Theo tích vua Đường Minh-hoàng lên chơi cung trăng, thấy các nàng tiên múa hát ở dưới bóng cây quế
  5. Ngọc thỏ 玉 兎 : chỉ mặt trăng. Theo tích chép trong Kinh Phật: một con thỏ nhân đức, thấy các con đói bèn nhảy vào đống lửa để làm chả cho đồng loại ăn đỡ đói. Khi các con thỏ kia ăn hết thịt rồi, đức Phật Thích-Ca đem đống xương còn lại để trên cung trăng
  6. Minh minh trường dạ 冥 冥 長 夜 : đêm dài mờ tối
  7. Đỉnh chung 鼎 鐘 : đỉnh là cái vạc ba chân dùng để nấu ăn; chung là cái chuông; hai thứ đồ dùng của nhà phú quí, bày vạc để ăn và lúc ăn thì rung chuông. Nghĩa rộng là giàu sang
  8. Vân lôi 雲 雷 : mây và sấm; nghĩa bóng là loạn-lạc
  9. Minh linh du phù : 螟 蛉 蝣 蜉 minh linh là một thứ sâu sắc xanh, ăn các lá rau, lớn lên hóa ra bướm du-phù, tức là phù-du: con vờ, một thứ côn trùng nhỏ, sinh ở dưới nước, khi hóa, có cánh bay được, chỉ ít lâu thì chết. Người ta chỉ nói con phù-du, không bao giờ nói du-phù ; ở đây tác giả vì túng vần phải đặt như thế
  10. Phượng-hoàng, kình nghê: 鳳 凰 鯨 鯢 : phượng hoàng là một loài linh điểu trong tứ linh ( phượng là con trống, hoàng là con mái ); nghĩa bóng chỉ người tài giỏi. Kình nghê là giống loài thú lớn ở bể tức là cá ông voi ( kình là con đực, nghê là con cái ) : đây chỉ người anh hùng


Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.