Bước tới nội dung

Nhơn tình ấm lạnh/Hồi 3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thường nghe thiên hạ họ dạy nhau rằng: "Người chân chánh thì đáng yêu, còn kẻ giả dối thì đáng ghét“. Chẳng hiểu vì cớ nào họ đã dạy như vậy, mà ở đời thói giả dối ngày càng tràn lan khắp cả quan dân, còn điều chân chánh coi ngày càng tiêu mất hết. Cha dạy con, ấy là vì sợ con dốt thiên hạ cười, nên cần mẫn đó thôi. Con thương cha, ấy là sợ thất hiếu thiên hạ khinh nên cực chẳng đã phải làm màu cung kính. Chồng yêu vợ, ấy là vì tiền bạc, vợ kính chồng ấy bởi thế thần, bạn bè thân nhau, vì có ý muốn nhờ nhau, kẻ một xóm giúp nhau, ấy là lưu tâm trông người trả. Lòng người giả dối đến nỗi người nầy muốn nói chuyện với người khác, khi mới mở miệng phải nói trước: ”Tôi nói thiệt với anh“, nhưng cũng chưa ắt những lời nói ra đó là những lời nói thiệt.

Quan Phủ Trần Bá Thiện cậy mai tới cầu Tú Phan gả Phi Phụng cho Bá Kỉnh, tuy quan Phủ thấy ông Huyện Hàm với bà Huyện Hàm là người hiền đức muốn kết nghĩa sui gia, nhưng kỳ thật quan Phủ thấy Tú Phan có một đứa con gái mà nhà tốt ruộng nhiều, nên tính kế làm giàu cho con khỏi mệt nhọc. Hội đồng Lâm Yên muốn làm sui với Tú Phan, tuy nói rằng thấy Phi Phụng nết na đằm thắm mà thương, nhưng kỳ thiệt gia thế suy đồi, tính đem bằng cấp tú tài của con đặng phục hồi sự sản. Bá Hộ Siêu cũng vậy muốn làm sui với Tú Phan là ý muốn cho con sau nầy được hưởng hai cái gia tài, mà ngoài môi rộn ràng dường như trọng người hơn trọng của.

Tú Phan là người đã có nghèo trước rồi ngày nay mới được giàu, vốn xuất thân hèn hạ, may gặp thời mà cũng nhờ tiền, nên mới được vinh hiển, nhưng ông ít hay suy thế thái nhân tình, bởi vậy không hiểu thấu lời nói ngoài môi không giống việc tính trong bụng, ông thấy quan Phủ quyền cao chức lớn thì đẹp ý, ông thấy Thủ Hiệp đẹp trai học giỏi ông rất ưng lòng, mà thấy bá hộ Siêu là đệ nhứt phú ông trong tỉnh ông cũng không muốn phụ. Ra giêng rồi, mai mối đến hoài mà Tú Phan cứ nói rằng để thủng thẳng rồi sẽ tính; chẳng phải là Tú Phan chê hết ba chỗ mà dụt dặt, ấy là tại ba chỗ đều xứng đáng nên không biết gả chỗ nào.

Vợ chồng Tú Phan bàn tính nhau hoài đến 3, 4 tháng cũng chưa nhứt định. Còn ba chỗ làm sui trông đợi bao lâu cũng không mỏi trí.

Bữa nọ Tú Phan đi xuống dưới Cái Cùng đặng thăm ruộng. Bà Huyện Hàm ở nhà thừa lúc canh khuya vắng vẻ, lại thêm giọt mưa rả rít quanh thềm bà mới tỏ nhỏ dọ lòng con coi trong ba chỗ ý nó đành chỗ nào. Bà hỏi ba Quận thì nó trề môi, hỏi Bá Kỉnh thì Phi Phụng lắc đầu còn hỏi tới Thủ Hiệp thì làm thinh mà nét mặt lại có vẻ mắc cở. Bà Huyện biết ý con nên không hỏi nữa. Chừng Tú Phan về bà tỏ lại, Tú Phan ngồi một hồi suy nghĩ mà nói rằng: "Tôi cũng muốn gả nó chỗ đó, chỉ sợ quan Phủ ngài hờn“.

Bước qua đầu tháng 5 vợ chồng Tú Phan cũng chưa xác định việc hôn nhơn cho con. Bữa nọ Tú Phan đi xuống ruộng, khi trở về gặp một đám mưa to lớn giữa đường. Về đến nhà Tú Phan cảm mạo nằm mê man, trán nóng hầm, chân lạnh ngắt. Bà Huyện Hàm lo sợ nên rước thầy chạy thuốc lăng xăng. Thầy thuốc Phùng chẩn mạch rồi nói rằng: "Ông Huyện cảm nặng nhưng chẳng có chi đáng sợ để thầy hốt vài thang ông sẽ trổi dậy ăn cơm. Bà Huyện nghe nói vậy có bụng mừng. Thiệt quả ông Hàm uống hai thang thuốc rồi tỉnh táo, bớt nóng, ngồi dậy nói chuyện được, lại biết đói đòi ăn cháo nào dè uống thang thứ ba bịnh trở nặng, lại nóng mê sảng không biết chi hết. Bà Huyện với Phi Phụng lo sợ nên vừa tảng sáng sai gia dịch đem xe hơi đi rước ông thầy thuốc.

Ông thầy thuốc đầu bịt khăn nhiễu đen mặc áo xuyến dài, chân đi giày hàm ếch, mắt đeo kiếng trắng, râu le the không mấy sợi, đầu bạc hoa râm, xe tới cửa bước xuống thủng thẳng đi vô nhà, dường như đi chơi chớ không phải đi cứu người bịnh nặng. Vô nhà rồi ông ngồi tại ghế giữa lấy thuốc lá vấn hút, chừng thấy Bà Huyện ra chào, ông mới hỏi hưỡn đãi:

- Thưa bà, nghe bầy trẻ nó nói quan Huyện mê sảng nữa hay sao?

Bà Huyện đáp:

- Thưa phải, không biết tại sao uống thang thuốc đêm nay nóng vùi, nằm mê man không biết chi hết. Vậy xin thầy hút thuốc rồi lên lầu tuần mạch lại đặng hốt thang khác thử coi.

Ông thầy gặc gật đầu, song cũng ngồi hút thuốc như thường không lật đật chi hết, bà Huyện thấy vậy bỏ vô buồng, cách một hồi lâu sai Phi Phụng ra mời ông ra coi mạch một lần nữa, chừng ấy ông mới chịu đứng dậy theo Phi Phụng chớ không ông cũng còn ngồi đó hoài, làm cho người ta tưởng đâu ông ngồi được bàn tốt ghế êm nên ông không đành bỏ chỗ. Coi mạch rồi ông thầy trở xuống cũng ngồi chỗ đó mà nói:

- Tôi đã nói ông đã cảm nặng, tuy vậy mà không hại gì, xin bà với cô hai đừng lo, để thủng thẳng tôi trị. Tôi có gặp nhiều người bịnh nặng hơn nữa, mà tôi cứu sống như chơi, bịnh của quan Huyện có chi khó lắm đâu mà sợ.

Bà Huyện hối gia dịch đem xe ra đưa ông thầy thuốc về rồi đợi lấy thuốc luôn một thể. Uống thang thứ tư vô tưởng là nhẹ được, chẳng dè bịnh cũng như cũ, ông Huyện Hàm cũng nằm mê man hoài. Ðêm ấy bà Huyện xẩn bẩn một bên chồng, không dám ngủ, còn Phi Phụng cũng ngồi tại ghế dựa trên giường, mặt mày buồn nghiến cặp mắt ướt dầm. Canh khuya gió thổi ngoài sân nghe vùn vụt, ngọn đèn trên án chớp nhoáng, khi tỏ rạng khi lờ mờ. Phi Phụng bước ra ngoài rồi mở cửa sổ sau ngó xuống bếp, gia dịch đều ngủ hết, trên trời mây giăng mù mịt, không thấy một ngôi sao lại lúc chớp, lúc gầm làm cho người buồn lại càng thêm tủi. Phi Phụng khép cửa sổ trở vào phòng, vừa bước tới cửa, bỗng nghe tiếng con chim kêu trên nóc nhà làm cho cô giựt mình, đứng ngó mẹ rồi mẹ con nhìn nhau sửng sốt.

Phi Phụng muốn kiếm chuyện nói cho quên phức cái điềm chẳng lành vừa mới nghe đó nên thưa mẹ:

- Thôi, mẹ đi nghỉ một chút đi, để con ngồi đây với ba.

Bà Huyện lắc đầu đáp:

- Để má thức, con đi nghỉ vài giờ rồi thức dậy thay cho má đi nghỉ.

Phi Phụng vâng lời rồi trở về phòng mình ngang đó. Cô ta thấy cha bịnh nặng lo sợ quá nên nằm gát tay qua trán thao thức trằn trọc hoài. Cô lo gần rồi tính xa việc nầy chưa xong kế qua lo việc nọ. Cô đương ảo nảo thì bỗng nhớ tới Duy Linh, cô mới nghĩ rằng hồi nhỏ hễ có việc chi buồn mình nói cho Duy Linh thì Duy Linh lo cho hết. Nay việc buồn của mình lớn quá mà Duy Linh không có mặt, nghĩ thiệt rủi không biết chừng nào. Không biết bây giờ ảnh ở đâu! Họ nói ảnh bị con quan Phủ khinh bỉ rồi lại bị ông Phán Tàu hiếp đáp ảnh tức chí nên mới bỏ xứ mà đi. Họ lại nói hôm tháng ba ảnh sai thằng ở về chở đồ thờ nhưng ảnh dặn nó, nên nó không chịu nói ảnh ở xứ nào. Có tội gì mà phải sợ dữ như vậy? Mà ví dầu ảnh có giận họ nên ảnh không muốn cho biết chỗ ở, còn nhà mình ảnh giận hờn điều chi sao lúc ảnh đi, ảnh không cho hay, rồi mấy tháng chẳng có thơ từ chi của ảnh? Hay mình có làm điều chi chẳng phải ảnh giận luôn tới mình? Phải rồi, chắc ảnh phiền cha mẹ mình giàu có mà không giúp đở cho ảnh làm ăn, để ảnh nghèo nàn nên mới bị kẻ khinh bỉ, người hiếp đáp. Bậy quá, mấy năm nay mình không nghĩ tới việc đó. Chớ chi mình nói với cha mẹ mình hoặc giúp vốn cho ảnh làm ăn buôn bán, hoặc giao ruộng cho ảnh cai quản chắc ảnh có đi đâu làm chi. Mà nếu ảnh ở gần lúc nầy chắc hẳn ảnh giúp ích cho nhà mình biết chừng nào.

Phi Phụng vừa suy nghĩ tới đó, bỗng nghe tiếng mẹ nói nhỏ bên kia rồi lại nghe tiếng giày, nên lật đật ngồi dậy chạy qua, thấy mẹ đương bưng nước cho cha uống. Phi Phụng lấy tay rờ trán cha rồi hỏi: "Ba bớt không ba?" Tú Phan gật đầu rồi nằm xuống đắp mền lại. Phi Phụng không chịu đi ngủ nữa, cứ ngồi đó với mẹ cho tới sáng.

Những người quen biết nghe nói ông Huyện Hàm đau cũng đều đến thăm viếng nhứt là quan Phủ Thiện với hội đồng Yên đến thăm ngày một. Quan Phủ nói với bà Huyện Hàm để cho ngài rước thầy thuốc Tây ra cho coi mạch rồi trị bịnh cho ông Huyện, bởi vì ngài sợ thầy thuốc Việt Nam không thông mạch lạc, rủi phạm thuốc rồi gỡ không ra. Bà Huyện không bằng lòng nên đáp: "Bẩm quan lớn, ông thầy thuốc Việt Nam nầy giỏi lắm, để ổng trị thêm ít bữa nữa coi“. Quan Phủ muốn cãi nhưng nghĩ mình muốn cầu thân không nên trái ý bà chủ nhà; bởi vậy ngài lặng thinh, không đốc rước thầy thuốc Tây nữa. Hội đồng Yên đến thăm lại chỉ thầy ba Hớn dưới Cái Hưu và thầy Hương Sư Phi bên Phú Lộc nói rằng hai người ấy có danh và hỏi bà Huyện nếu bà bằng lòng thầy sẽ cho xe rước. Bà Huyện cũng không chịu cứ theo uống thuốc của thầy Phùng mà thôi.

Chẳng phải thuốc của thầy Phùng thiệt hay, hay là bịnh của ông Huyện không phải là bịnh nặng, mà đau trót mười bữa rồi, ông Huyện thủng thẳng bớt lần, miệng hôi cơm nên chưa ăn đặng song đã hết nóng lạnh nên trổi dậy rồi đi trong nhà như thường. Quan Phủ Thiện, hội đồng Lâm Yên, và bá hộ Siêu nghe nói ông Huyện bịnh giảm áp tới thăm nữa. Duy bá hộ Siêu thấy ông Huyện chưa thiệt mạnh nên không dám nói việc hôn nhơn, còn hai người kia lanh lợi nhắc khéo ông Huyện. Ông Huyện cũng chưa nhứt định, nên ông phải thừa cái bịnh của ông mà khuyên hai người kia hoãn hoãn, đợi chừng ông thiệt mạnh hẳn hay.

Con người làm việc nhiều coi chơn chánh lắm, nhưng kỳ trung sảo trá vô cùng. Có lẽ ông trời thấy vậy nên dối người chơi, nên có nhiều khi đương vui lại khiến cho người ta buồn, vừa mừng lại khiến cho sợ. Ông Huyện Hàm bịnh giảm cả nhà đều mừng, nào dè ông ra vô được có năm bảy bữa rồi ổng nằm lại, lần nầy coi bịnh nặng hơn lần trước nữa. Ông thầy Phùng hốt thuốc, nhưng uống thuốc cũng như không, bịnh chẳng giảm chút nào, lại ông Huyện hễ thấy mặt vợ con ông lắc đầu hoài rồi rưng rưng nước mắt, làm cho vợ con lo sợ không biết chừng nào.

Một đêm nọ bịnh ổng nặng quá, ổng biết không thể sống được nữa, nên ổng kêu vợ con lại đứng một bên rồi ổng gắng gượng mà trối: „Ông trời biểu tôi phải theo ông theo bà thì phải chịu... Vậy nếu tôi chẳng may nhắm mắt rồi thì mẹ nó đừng có buồn lắm, phải làm khuây khỏa mà coi sóc việc nhà, nhứt là phải lo cho con, kẻo sau nó cực khổ tội nghiệp“. Ông Huyện mới nói mấy lới mệt quá nói không được nữa, nên ổng phải nghỉ một hồi rồi mới nói tiếp: "Tôi đã tính gả con Phi Phụng cho Thủ Hiệp, chẳng dè trời khiến tôi chết không kịp thấy con có chồng. Vậy hễ tôi chết rồi mẹ nó cứ gả cho Thủ Hiệp chẳng cần phải đợi mãn tang, bởi để trì hoãn sợ quan Phủ ngài oán, rồi khổ cho mẹ nó. Song phải đợi chôn cất tôi rồi mới nói chuyện đó, chớ không nên nói trước. Nếu quan Phủ có trách cứ đổ thừa cho tôi, nói rằng tôi trối như vậy nên không dám cãi. Thủ Hiệp tôi coi nó xứng với con mình lắm, bởi vậy thế nào mẹ nó cũng phải gả cho Thủ Hiệp, chớ đừng có gả cho người khác. Thôi hai mẹ con đi nghỉ đi. Để cho tôi nghỉ một chút“.

Bà Huyện với Phi Phụng nước mắt chảy dầm dề, mẹ nắm tay con khóc rấm rứt, không nói chi được hết. Đến 5 giờ sáng ông Huyện Hàm mệt quá, bà Huyện phải choàng tay qua cổ đở ông ngồi dốc dốc, còn Phi Phụng đứng quạt. Cách chẳng bao lâu ông Huyện Hàm tắt thở trên tay bà, mẹ con than khóc om sòm, tôi tớ trong nhà đều chạy vô, đứa nào xem thấy cũng đều rơi lụy.

Bà Huyện Hàm lo đám tang cho chồng thật là trọng thể. Bà xin phép để quan tài trong nhà 8 bữa đặng cho thợ xuống Cái Cùng đắp nền bông, xây kim tĩnh rồi cư tang chồng trong đất của mình. Bà sai người nhà đi Sài Gòn mua đồ đạc về lo cho đám tang chẳng thua đám nào hết. Hai vợ chồng quan Phủ ra thị sự luôn luôn, cũng như đám tang của người trong thân. Thầy hội đồng Lâm Yên cũng dắt con lên coi sóc dùm, duy có Bá hộ Siêu đến thăm rồi về lo cổ bàn đi phúng điếu. Bà Huyện thấy vợ chồng quan Phủ đoái tưởng làm cho đám tang rất rỡ ràng, bà ái ngại vô cùng, nên bà không dám nói đến lời di chúc. Chừng tống táng xong ít ngày rồi bà sẽ mời quan Phủ với thầy hội đồng đến một lượt đặng bà thuật di ngôn của quan Huyện cho rõ ràng, để khỏi mích lòng. Bà tính như vậy là bà thật tình, song bà sợ cũng chẳng khỏi quan Phủ phiền trách nên do dự hoài.

Ở đời có nhiều vận hội lạ lùng có khi việc đã nên thấy trước rồi lại hóa ra hư, việc quấy đã bày ra tỏ tường mà ai cũng cho là phải. Mà việc quấy thiên hạ cho là phải, ấy là tại bụng người ta dua bợ chẳng luận làm gì, chí ư việc gần mà hóa nên hư, nghĩ thiệt không biết làm sao mà liệu trước. Phi Phụng là gái dung nhan tuấn tú, lại thêm phú qúy phi phong nếu cha mẹ tính gả chồng có lẽ nào lại gặp chồng không xứng đáng? Khiến chi có Thủ Hiệp là trai học giỏi, khôi ngô, rồi lại thêm có Bá Kỉnh là con nhà quyền qúy nữa làm cho vợ chồng Tú Phan do dự không biết gả cho người nào. Bữa Tú Phan tắt hơi, ông có trối gả Phi Phụng cho Thủ Hiệp, lời người chết nỡ lòng nào dám trái, mối tơ điều đã buột Phi Phụng với Thủ Hiệp rồi, còn ai bứt nữa được. Rủi khiến Tú Phan tuy thương con, song cũng trọng thân mình, muốn cho con có chồng xứng tài, lại muốn cho đám tang mình được trọng thể, nên dặn vợ phải gả con cho Thủ Hiệp, nhưng lại biểu đợi chôn cất xong rồi thì hãy nói, làm cho quan Phủ có dịp ra ơn, rồi bà Huyện Hàm khó mà mở miệng.

Bà Huyện Hàm đợi đến đám cúng tuần 21 ngày, bà mới mời vợ chồng quan Phủ với hội đồng Lâm Yên đến. Bà dọn cơm đãi khách xong rồi dở chuyện chồng di ngôn phải gả Phi Phụng cho Thủ Hiệp nói lại cho khách nghe. Hội đồng Lâm Yên nghe nói mừng thầm, nên ngồi nghiêm cẩn[1] còn miệng chum chím mà nói rằng:

- Hồi quan Huyện còn sanh tiền tôi có xin làm sui, nay dầu chẳng may quan Huyện mất rồi, tôi chẳng dám quên lời. Vậy bà tính thế nào tôi cũng xin vâng, chớ tôi đâu dám cãi!

Quan Phủ ngồi dựa trên ghế giữa, mặt giận coi tái xanh, không thèm nói chi hết. Bà Phủ ngồi trên ván ăn trầu, tay mặt xĩa thuốc sống, đưa bộ cà rá hột xoàn ra chiếu màu xanh đỏ, bà tằng hắng nói:

- Bà Huyện nói chơi hay sao, chớ có lẽ nào ông Huyện trối như vậy, mà hổm nay không nghe ai nói hết. Lấy cái lý ra mà nói, vợ chồng tôi cậy mai đến trước, vậy bà phải làm sui với chồng tôi mới phải chớ. Hay là bà chê vợ chồng tôi không xứng đáng nên bà đặt chuyện gả chỗ khác cho dễ?

Bà Huyện Hàm là người ít nói, nghe mấy lời gay gắt bà khó chịu không biết nói sao được. Cách một hồi bà mới đáp:

- Bẩm bà lớn, tôi đâu dám chê quan lớn với bà lớn. Tôi sợ phận tôi nhỏ nhoi không dám làm sui với bà lớn chớ, nếu bà lớn thương tôi đội ơn biết chừng nào. Ngặt ông Huyện ổng trối như vậy nếu tôi cãi lời thì tội lỗi lắm.

Bà Huyện vừa nói dứt lời bà Phủ muốn đáp, bỗng nghe có tiếng xe hơi ngừng ngoài ngõ, rồi lại thấy có một người trai bước xuống xe, bước vô cửa ngõ xăm xăm đi riết vào nhà, tay lại cầm cái khăn chấm hai con mắt. Ai thấy người lạ cũng đều ngó. người trai ấy trạc chừng 24 hoặc 25 tuổi, nước da trắng, gương mặt tròn, đầu cúp tóc[2], lại bịt khăn tang, mình mặc áo xuyến đen, bận quần bố trắng mà sổ lai, chân đi đôi giày Tây đen, gió thổi bay ống quần thấy lòi đôi vớ trắng. Người ấy bước vô cửa, thấy hội đồng Lâm Yên ngồi đó bèn chắp tay xá rồi hỏi:

- Bẩm ông, không biết nhà nầy của ông Huyện Hàm Huỳnh Tú Phan hay chăng?

Lâm Yên nghe bà Huyện Hàm thuật lời Tú Phan trối phải gả Phi Phụng cho con của mình trong bụng vui mừng không xiết kể; đến chừng bà Phủ nói gay có ý lỏng tay nghe coi bà Huyện đối đáp như thế nào, lại đương tính thầm trong bụng đặng chừng nào bà Phủ nói động tới mình có sẵn lời đáp lại.

Bởi đương lo liệu nên có người lạ bước vô hỏi như vậy, không vui mà trả lời; song không lẽ người ta hỏi mà làm thinh, nên liếc ngó người trai ấy rồi đáp:

- Phải, nhà ông Huyện Hàm là nhà nầy, thầy ở đâu xa hay sao mà hỏi vậy?

Người trai gật đầu đáp:

- Thưa phải, tôi ở xa, trên Chợ Lớn.

Người trai ấy ngước mắt ngó vô trong thấy bà Phủ với bà Huyện Hàm đương ngồi trên bộ ván dựa cửa sổ, liền cúi đầu hỏi nhỏ Lâm Yên rằng:

- Bẩm ông, hai bà ngồi đó bà nào là dì Huyện của tôi đâu, xin ông làm ơn chỉ giùm.

Lâm Yên chúm chím cười, ngó vô trong nhà một cái rồi mới day lại hỏi:

- Thầy không biết hay sao? bà Huyện ngồi phía trong mặc quần đen áo trắng đó.

Người trai đó nghe nói liền bước vô; đi ngang quan Phủ không biết ai, song cúi đầu xá ngài một cái, rồi mới đi ngay lại bộ ván xá hai bà. Bà Huyện Hàm thấy người lạ, không biết là ai nên ngồi ngó xửng; bà vừa muốn hỏi thì người trai ấy thưa rằng:

- Thưa dì, cha tôi đau bịnh gì mà mất, mà cha tôi mất hôm nào, sao dì không đánh dây thép cho tôi hay làm cho tôi không thấy mặt cha tôi như vậy, nghĩ thật là tức tủi quá.

Người trai ấy nói mấy lời rồi đứng khóc rống lên nghe rất thảm thiết.

Cả nhà ai nấy đều chưng hửng, mà người chưng hửng nhiều hơn hết là bà Huyện Hàm, bởi vì vợ chồng ăn ở với nhau trót 22 năm trời, biết rằng hồi trước chồng mình có người vợ trên Chợ Lớn, nhân vì người vợ ấy trắc nết, nên chồng mình giận bỏ xứ đi xuống Cái Cùng làm ruộng rồi sau mới gặp mình, song không nghe nói ở với người vợ đó có con, mà sao bây giờ tên trai nầy lại đến nói như vậy? Bà Huyện ngồi suy nghĩ không biết nói sao được. Quan Phủ bà Phủ và hội đồng Lâm Yên đều chong mắt ngó bà, có ý đợi bà trả lời đặng cho biết người trai ấy là ai.

Cách một hồi người trai ấy mới bớt khóc, bà Huyện mới hỏi rằng:

- Thầy là ai ở đâu, thuở nay tôi không biết mà sao thầy lại đến đây mà chuyện gì lạ dữ vậy?

Người trai ấy vòng tay đáp:

- Thưa dì, tôi tên là Huỳnh Tú Cẩm, trưởng nam của cha tôi, dì không biết mặt mà dì cũng không nghe cha tôi nói nữa sao?

- Không mà, ổng cưới tôi đã 22 năm nay, có một đứa con gái mà thôi chớ ổng có con tư con riêng nào ở đâu.

- Thưa dì, tôi là con dòng chánh, má tôi là Lưu Mỹ Lệ. Sanh tôi rồi cha mẹ tôi cắn đắn với nhau, cha tôi buồn rầu rồi mới giao tôi cho ông ngoại và bà ngoại tôi nuôi, đặng rảnh chân rảnh tay đi làm ăn, vậy thuở nay cha tôi không nói cho dì biết hay sao?

- Không. Tôi biết ổng có một người vợ trước, nhưng mà người vợ đó không có con mà.

- Thưa có chớ! Con là tôi đây.

Bà Huyện ngồi ngẩn ngơ, liếc ngó bà Phủ rồi ngó quan Phủ với hội đồng Lâm Yên có ý muốn hỏi coi phải làm sao mà phân giải. Bà Phủ chúm chím cười rồi têm trầu ăn, không nói chi hết. Quan Phủ thì nhịp giày dưới gạch, day mặt ngó ngoài sân, gục gặt đầu, coi bộ không muốn can dự tới. Còn Lâm Yên ngó Huỳnh Tú Cẩm trân trân ý muốn bà Huyện đuổi phức đi cho rồi song không biết kế chi mà bày cho được. Tú Cẩm lấy khăn lau nước mắt rồi bệu bạo nói:

- Cha tôi không muốn cho tôi về ở chung một nhà, hồi tôi còn nhỏ biểu tôi phải ở trên Chợ Lớn đặng học, chừng tôi khôn lớn rồi lại biểu tôi ở trển làm việc đừng có xuống dưới nầy muỗi mòng cực khổ. Lần nào về Sài Gòn cũng cho tiền, năm ngoái lại mua đất rồi cất nhà cho tôi ở. Phải tôi dè cha tôi mạng vắn như vầy, thì cha đâu con đó, đặng chết sống thấy mặt nhau chớ tôi có chịu ở tư ở riêng làm chi đâu.

Tú Cẩm nói rồi lại khóc rống lên nữa. Bà Huyện ngồi lặng thinh, mà sắc mặt coi lo lắm. Hai vợ chồng quan Phủ đứng dậy cáo từ ra về. Khi ra tới cửa bà Phủ day lại nói với Bà Huyện:

- Chuyện bầy trẻ nhỏ đó, bà Huyện phải liệu lại, chớ nói như vậy tôi không nghe đa.

Bà Huyện đáp rằng:

- Thưa bà lớn, tại ổng trối như vậy, bây giờ tôi cãi lời sao được.

Bà Phủ nói vói:

- Không biết bà liệu sao thì liệu lấy.

Bà Huyện trở vô nhà, khi đi ngang qua bàn giữa hội đồng Lâm Yên đứng dậy thưa:

- Thưa chị, tôi với quan Huyện thuở nay anh em thương nhau lắm, vì biết tâm trí của nhau nên quan Huyện trối như vậy. Chị nghĩ đó mà coi, phận tôi đâu dám sánh với quan Phủ, vì quan Huyện thương tôi nên phú thác việc nhà cho tôi. Hồi nãy chị cũng đã thấy, vợ chồng quan Phủ giận lắm. Nhưng chị đừng ngại chi hết. Việc nhà có chi uất trắc, chị chịu khó kêu trẻ kêu tôi lên tôi tính cho, không sao đâu mà sợ. Quan Huyện đã trối như vậy mà bà Phủ hăm dọa nỗi gì. Cha chả, có lẽ nào phải ép chị vị lòng quan Phủ mà quên lời trối của quan Huyện được hay sao?

Bà Huyện gật đầu đáp:

- Việc đó rảnh rang để vài bữa tôi sẽ tính. Vợ chồng quan Phủ có giận thì giận chớ tôi đâu dám cãi lời chồng tôi.

Lâm Yên nghe nói rất mừng nên cáo từ rồi cũng lên xe hơi ra về.

Bà Huyện vừa muốn xây lưng lại muốn trở vô buồng Tú Cẩm bước tới đón mà hỏi:

- Thưa dì, dì thờ cha tôi chỗ nào đâu, xin dì cho phép tôi đến trước bàn thờ tôi lạy cha tôi?

Bà Huyện nghe nói đứng khựng, không biết sao trả lời nên bỏ lại ván ngồi ăn trầu không nói chi hết, một lát liếc ngó Tú Cẩm một cái nhưng sắc mặt lo lắng lắm.

Tú Cẩm thấy vậy bèn kéo ghế ra ngồi, rồi nói bệu bạo rằng:

- Sớm mai hôm qua người quen ở Sóc Trăng đi Sài Gòn gặp tôi họ nói cha tôi mất rồi tôi mới hay. Tôi nghe tin chẳng khác nào sét đánh bên tai. Tôi khóc gần hết nước mắt, lật đật về nấu cơm cúng rồi xé khăn tang bịt. Tôi nóng nảy quá, tưởng là mới mất, dì còn quàng để một đôi tháng nên đêm hồi hôm tôi mướn xe hơi đi riết xuống đây. Tôi không dè dì chôn gấp quá, thiệt tôi nghĩ chừng nào tôi càng thêm tủi chừng ấy.

Tú Cẩm nói tới đó rồi khóc tấm tức tấm tửi, Phi Phụng ở trong buồng lén dòm thấy khách về hết nhưng sao lại thấy có một người trai lạ ngồi khóc, không hiểu người ấy là ai nên đứng dựa vào cửa buồng đứng lóng tai nghe.

Cách một hồi bà Huyện mới tằng hắng rồi nói:

- Thầy nói nghe kỳ quá, tôi không biết sao mà nói với thầy. Tôi biết ông Huyện của tôi hồi sanh tiền không có con riêng nào hết. Vợ chồng ở với nhau đã 20 năm trường lẽ nào ổng có con riêng mà tôi không biết. Thầy nói sao chớ!

Tú Cẩm đáp rằng:

- Thưa dì, trong ý dì tưởng tôi giả mạo đến đây đặng tranh gia tài hay sao?... Thưa dì, đời nầy luật pháp hẳn hòi, nếu ai có quyền hưởng gia tài thì mới hưởng được, chớ dễ gì mà giả mạo. Tôi là con, có khai sanh, rành rẽ chớ tôi đâu có giả mạo.

Tú Cẩm nói tới đó rồi liếc ngó bà Huyện, có ý muốn xem coi sắc mặt bà thế nào, bà Huyện nghe nói có khai sanh rành rẽ, thì bà biến sắc trong trí lo sợ không biết Tú Cẩm đến đây là để tranh gia tài, hay là đến có ý khác. Vã lại không biết Tú Cẩm có quyền tranh gia tài hay không, nên bà ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi bà mới nói:

- Không được, thuở nay tôi không biết thầy là ai, bây giờ ông Huyện mất rồi thầy đến nói như vậy tôi tin sao được.

- Thưa dì, tôi là con ở xa, nghe cha chết lật đật xin phép dì đặng tôi lạy cha tôi, mà dì không cho thiệt dì hẹp quá.

- Tôi không biết mà sao cho thầy lạy cho được.

- Thưa dì, rất đổi là người dưng nghe cha tôi chết đến điếu bái dì còn cho lạy thay, huống chi tôi là con trong nhà?

- Phải, họ là người dưng nhưng tôi biết họ, chớ thầy tôi không biết mà lại xưng là con tôi khó liệu quá.

- Nếu dì không cho tôi lạy cha tôi cũng không dám trách dì. Nhưng xin dì thương phận tôi, chớ dì làm như vậy cũng tội nghiệp cho phận tôi lắm chớ.

- Nếu thầy thiệt là con thầy phải làm sao cho ra thiệt lẽ chớ thầy nói ngang như vậy không được.

- Thưa dì, tôi cũng biết xét phận tôi. Dầu dì không thương dì đuổi tôi về chớ đâu tôi dám kiện thưa dì.

- Như thầy thật là con, thầy có thương thầy để bụng, chớ tôi đâu có biết thầy là ai đâu mà nhìn thầy.

- Thôi, dì không cho tôi lạy cha thì thôi. Song dì làm phước chỉ dùm mộ của cha tôi đặng tôi đến đó thăm một chút cũng được.

Bà Huyện ngồi suy nghĩ một hồi rồi mới đáp:

- Tôi tang ổng ở dưới ruộng; thầy biết ở đâu mà chỉ cho thầy.

- Xin dì cho người nhà dắt tôi đi.

- Không được. Dưới Cái Cùng xa lắm, chớ phải ở gần đây hay sao?

- Nếu vậy ra dì đã không cho tôi lạy cha tôi, rồi dì cũng không muốn cho tôi biết mồ mả nữa hay sao?

- Không phải là tôi không cho. Tôi không biết thầy là ai, tôi làm sao dám chỉ mồ mã cho thầy.

Tú Cẩm xụ mặt coi sắc giận dữ lắm, vùng đứng dậy nói:

- Thôi, nếu muốn biết rồi sẽ biết. Thưa dì tôi về.

Tú Cẩm xá bà Huyện rồi bước ra về. Ra tới cửa anh ta đứng suy nghĩ rồi lại trở vô nói:

- Thưa dì, con em tôi nó có ở nhà hay không. Xin dì cho tôi thấy mặt nó một chút, kẻo xưa nay nghe cha tôi nói hoài song tôi không được biết mặt nó.

Bà Huyện nói rằng:

- Nó đi khỏi.

Tú Cẩm mới xá nữa rồi ra đi. Bà Huyện dòm theo cho đến chừng Tú Cẩm lên xe hơi chạy đi rồi bà mới ngồi khoanh tay thở dài. Phi Phụng ở trong buồng bước ra hỏi thăm coi ai lạ mặt mà xưng con như vậy, bà Huyện đem hết tình hình thuật lại cho Phi Phụng nghe. Phi Phụng ngồi suy nghĩ giây lâu rồi mới hỏi mẹ rằng:

- Mà thiệt má có nghe ba nói có con riêng hay không?

- Không.

- Nếu không có, chắc thầy nầy thầy giả mạo chớ gì.

- Má cũng nghi lắm, nên má không cho thầy lạy và cũng không chỉ mộ.

- Họ thấy nhà mình giàu, họ mạo xưng con cháu đặng xin tiền chớ gì? Má đừng có tin.

- Con tưởng má dại lắm sao?

- Nầy, mà người đó xưng là con của ba vậy má coi gương mặt có giống ba chút nào hay không?

- Má coi kỹ lắm, ba con mặt dài, còn thầy nầy mặt tròn như vậy giống nỗi gì, chân tóc, cánh tay, chân mày, bàn tay không có chỗ nào giống hết và tướng đi giọng nói cũng khác nữa.

- Má nhìn thiệt kỹ hay không?

- Kỹ lắm chớ.

- Nếu không giống mà xưng con nỗi gì!

Bà Huyện cười xong trong trí cũng không được yên nên đứng dậy đi vô buồng nằm liền.

   




Chú thích

  1. Trang nghiêm, cẩn thận
  2. (couper), cắt, hớt tóc