Bước tới nội dung

Nho giáo/Quyển III/Thiên IV-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HÀN DŨ

Hàn Dũ 韓 愈, tự là Thoái-chi 退 之, người đất Nam-dương, thuộc tỉnh Hồ-bắc ngày nay. Ông sinh vào năm Đại-lịch thứ ba (768) đời vua Đại-tôn nhà Đường. Thủa ông lên 8 đã đọc được các sách, đến khi lớn lên thông hiểu hết các Kinh Truyện và bách-gia. Năm Trinh-nguyên thứ 8 (792) đời vua Đức-tôn nhà Đường, ông mới có 25 tuổi đã thi đỗ tiến-sĩ, ra làm chức Giám-sát ngự-sử.

Ông là người phẩm hạnh kiên-chính, nói thẳng không sợ ai, cho nên làm quan thường hay bị giáng-truất. Sau ông làm đến chức Lại-bộ Thị-lang thì mất. Thọ được 58 tuổi.

TÍNH VÀ TÌNH. — Hàn Dũ là một nhà văn-chương trác-tuyệt, chứ không phải là kẻ học-giả tinh-thâm. Văn của ông làm rất nhiều, rất hay và làm theo lối cổ-văn, không hề có đạo-tập tiền-nhân câu nào. Ông nhân làm văn mà thấy đạo, rồi lấy nghĩa câu: « Triêu văn đạo tịch tử khả hỹ » làm chỗ sở đắc của mình.

Cái học của ông rút lại là chỉ bàn về tính và tình, cùng là nói về cái đạo thực-hành của Nho-giáo. Ông nói ở thiên Nguyên-tính 原 性 rằng: « Tính là cùng với sự sinh mà có, tình là tiếp với vật mà có. Tính có ba phẩm là: thượng, trung, hạ. Thượng phẩm là chỉ thiện mà thôi; trung phẩm là có thể đem đến thượng phẩm hay là hạ phẩm được; hạ phẩm là chỉ có ác mà thôi. Tính chia ra làm năm là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đối với năm tính ấy, bậc thượng phẩm chủ ở một tính mà thi-hành ra cả bốn tính; bậc trung phẩm thì thiếu mất một tính, mà cái thiếu ấy thiếu lây đến cả bốn tính; bậc hạ phẩm thì phản lại với một tính mà trái cả với bốn tính. « Tình cũng có ba phẩm là thượng, trung, hạ, và chia ra làm bảy tình, là: Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Đối với bảy tình ấy, bậc thượng phẩm, hễ động thì lấy đạo trung làm cốt; bậc trung phẩm có cái thậm quá, có cái không có, song vẫn phải cầu cho hợp với đạo trung; bậc hạ phẩm thì có cả cái không có và cái thậm quá, rồi cứ thế mà hành-động.

« Mạnh-tử nói tính rằng: tính của người là thiện; Tuân-tử nói tính rằng: tính của người là ác; Dương-tử nói tính rằng: tính của người thiện ác lẫn-lộn. Phàm trước thiện, mà sau làm ác, hoặc trước ác mà sau làm thiện, hoặc trước thiện ác lẫn-lộn mà sau làm thiện làm ác, đều lấy bậc trung mà bỏ bậc thượng bậc hạ, được một mà mất hai vậy ».

Hàn Dũ lấy lịch-sử mà làm chứng rằng: « Có người mới sinh ra đã có tính ác hiển-hiện ra ở tướng-mạo, hay ở tiếng kêu, tiếng khóc, như thế thì tính của người ta có quả là thiện đâu. Có người mới sinh ra điều gì cũng thiện cả, như thế thì tính của người ta có quả là ác đâu. Có người sinh ra, nuôi ở chỗ chí thiện, mà sau hóa ra ác, hoặc nuôi ở chỗ chí ác mà sau hóa ra thiện, như thế thì tính của người ta có quả là thiện ác lẫn-lộn đâu ». Ông kết-luận rằng: « Mạnh-tử, Tuân-tử, và Dương-tử bàn về tính đều lấy bậc trung mà bỏ bậc thượng và bậc hạ, được một mà bỏ mất hai ».

Vậy thì bậc thượng, bậc hạ, của tính có biến đổi đi được không? Hàn Dũ cho là: « Cái tính bậc thượng càng học càng sáng thêm, cái tính bậc hạ có thể làm cho sợ uy mà ít phạm tội được. Cho nên bậc thượng thì có thể học thêm, bậc hạ thì có thể tài-chế được. Còn như cái phẩm của những bậc thượng, trung, hạ, đã sinh ra thế nào thì cứ thế, cho nên Khổng-tử bảo là bất di ». Đó là cái ý-kiến của ông đối với cái thuyết nói về tính tình. Song ông cũng nói qua như thế mà thôi, chứ không bàn cho hết lý.

Bài Phật Lão, tôn Nho-giáo. — Hàn Dũ thâm mộ Mạnh-tử, cho cái công bài-xích họ Dương, họ Mặc, không kém gì cái công trị thủy của vua Hạ Vũ, cho nên ông có chí nối Mạnh-tử mà công-kích Phật-học và Lão-học, để làm cho sáng đạo Nho.

Đối với Phật-giáo thì ông tỏ ra là người chưa hiểu rõ cái nghĩa tinh-vi của đạo Phật, cho nên những điều ông công kích chỉ quan-hệ cái hình-thức bề ngoài mà thôi. Ông thường nói rằng: « Vua không ra lệnh, thì mất cái sở dĩ làm ông vua; tôi không thi-hành cái lệnh của vua, mà đạt cho đến dân, thì mất cái sở dĩ làm người tôi; dân không làm ra thóc gạo và các đồ dùng, không thông những tài-hóa để thờ bề trên, thì phải giết. Nay cái phép của Phật là phải bỏ cái nghĩa vua tôi, bỏ cái tình cha con, cấm cái đạo tương sinh tương dưỡng, để cầu lấy cái gọi là thanh tĩnh tịch diệt ». Ông cho như thế là trái với cái đạo luân-thường. Sau nhân vua Hiến-tôn nhà Đường (806-820) rước cái xương Phật về thờ trong cung ba ngày, rồi đưa ra để thờ ở một cái chùa. Những vương công và sĩ dân đua nhau đến cúng lễ tấp-nập. Ông lấy làm ghét, dâng tờ biểu đại lược nói rằng: « Tự Hoàng-đế cho đến vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Vũ đều hưởng thọ lâu dài, trăm họ yên vui, mà thủa ấy chưa có Phật vậy. Đến đời vua Minh-đế nhà Hán mới có Phật-pháp, về sau cứ loạn-lạc mãi, các vua trị vì chẳng được bao lâu. Nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương, nhà Trần, cùng nhà Nguyên-Ngụy, thờ Phật càng ngày càng thêm kính-cẩn, thế mà niên-đại rất chóng. Duy có vua Vũ-đế nhà Lương ở ngôi được 48 năm, ba kỳ xả thân đi làm tăng, sau bị giặc Hầu-Cảnh bức phải chết đói. Thờ Phật cầu phúc mà lại phải vạ. Lấy đó mà xem, thờ Phật không nên tin, cũng khả biết vậy. Phật là người cõi ngoài, không biết cái nghĩa vua tôi, cái ân cha con. Giả như còn sống, Bệ-hạ dung-nạp tiếp-kiến ở điện Tuyên-chính, chẳng qua bày ra một tiệc khách lễ, ban cho một bộ áo, rồi mới về phương tây, đừng để làm mê-hoặc nhân-chúng. Huống chi cái xương khô ấy há nên để trong cung-cấm. Xin đem cái xương ấy giao cho hữu-ti, ném xuống chỗ nước lửa để đoạn-tuyệt cái lòng mê-hoặc của người đời sau. Nếu Phật có thiêng, phàm những điều họa ương, xin để một mình tôi chịu ».

Vua Hiến-tôn được tờ biểu ấy, giận lắm, toan bắt Hàn Dũ đem giết đi, sau nhờ có các quan can ngăn, mới đày ông ra làm thứ-sử ở đất Triều-châu, thuộc tỉnh Quảng-đông ngày nay.

Đối với Lão-giáo thì ông cho Lão-tử nói bỏ nhân và nghĩa là lời nói riêng của một người, chứ không phải là lời nói công của thiên-hạ. Vì cái sở kiến của Lão-tử nhỏ cho nên mới cho nhân và nghĩa là nhỏ. Cũng như người ngồi dưới giếng trông lên trời, bảo trời là nhỏ vậy.

Hàn Dũ là một nhà văn-sĩ thiên trọng về đường đạo-đức, chứ không phải một nhà có tư-tưởng cao-siêu, đạt tới lý-tưởng hình-nhi-thượng, cho nên những lời ông phê-bình Phật-học và Lão-học vẫn là thô-thiển. Cho đến Nho-học, ông cũng chỉ chú-trọng ở phần hình-nhi-hạ mà thôi, chứ không đạt tới chỗ uyên-thâm của Khổng-giáo. Ông làm thiên Nguyên-đạo 原 道 nói rằng: « Rộng lòng yêu gọi là nhân, làm mà phải gọi là nghĩa, noi con đường ấy mà đi gọi là đạo, đủ ở trong mình, không đợi ở ngoài, gọi là đức. Ta xưa nay gọi là đạo-đức, là hợp nhân với nghĩa mà nói vậy. Bậc đế và bậc vương danh hiệu có khác nhau, nhưng làm bậc thánh thì cũng như nhau. Mùa hạ mặc áo cát, mùa đông mặc áo cừu, khát thì uống, đói thì ăn, sự tuy khác nhau, nhưng làm cái chí thì như nhau. Nay kẻ kia lại nói rằng sao chẳng bắt-chước như đời thái-cổ mà làm việc vô-vi, vô-sự. Ấy khác nào trách kẻ mùa đông mặc áo cừu, mà nói rằng sao chẳng mặc áo cát, trách kẻ đói bụng tìm ăn, mà nói rằng sao chẳng uống nước. Sách Đại-học nói rằng: đời xưa muốn sáng cái đức sáng với thiên-hạ, thì trước hết phải trị nước; muốn trị nước, thì trước hết phải tề gia; muốn tu thân thì trước hết phải chính tâm; muốn chính tâm thì trước hết phải thành ý. Thế thì đời xưa bảo chính tâm, thành ý đó, có phải là vô vi đâu, là toan để hữu vi vậy. Nay kẻ kia muốn trị cái tâm, mà lại để cái tâm ra ngoài sự thiên-hạ quốc-gia, làm tuyệt-diệt mất cái đạo của Trời, làm con mà chẳng coi cha là cha, làm tôi mà chẳng coi vua là vua, làm chồng mà chẳng coi vợ là vợ, làm vợ mà chẳng coi chồng là chồng, làm học-trò mà chẳng coi thầy là thầy, làm bạn mà chẳng coi bạn là bạn, làm dân mà chẳng coi việc sĩ, nông, công, cổ, là việc mình, thì mấy nỗi mà chẳng hóa ra rợ mọi vậy. Ôi! nói rằng giáo-hóa của tiên-vương là thế nào? Về văn-chương thì kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Xuân-thu; về phép-tắc thì lễ nhạc và hình chính; về việc dân thì sĩ, nông, công, cổ; về trật-tự thì quân thần, phụ tử, sư sinh, bằng hữu, tân chủ, huynh đệ, phu phụ; về đồ mặc thì tơ gai; về chỗ ở thì nhà cửa; về đồ ăn thì thóc gạo, rau quả, cá thịt. Cái đạo ấy dễ hiểu, cái giáo ấy dễ làm. Cho nên lấy đó để sửa mình thì thuận và rõ, lấy đó để giúp người thì thiện mà công, lấy đó để trị cái tâm thì hòa mà bình, lấy đó để làm việc thiên-hạ quốc-gia thì đối với điều gì mà chẳng xứng đáng. Cho nên sống thì vui được cái tình thực, chết thì hết được lẽ thường. Tế Giao thì Trời và thần chứng, tế nhà miếu thì tổ-tiên hưởng. Đạo ấy là gì? Là đạo xưa nay ta gọi là đạo, chứ không phải là đạo kẻ viển-vông kia gọi là đạo vậy.

« Vua Nghiêu lấy đạo ấy truyền cho vua Thuấn; vua Thuấn lấy đạo ấy truyền cho vua Vũ; vua Vũ lấy đạo ấy truyền cho vua Thang; vua Thang lấy đạo ấy truyền cho vua Văn, vua Vũ và Chu-công; vua Văn vua Vũ và Chu-công lấy đạo ấy truyền cho Khổng-tử; Khổng-tử lấy đạo ấy truyền cho Mạnh Kha; Mạnh Kha chết rồi thì đạo ấy mất truyền. Tuân Huống, Dương Hùng học đạo mà chẳng tinh, nói đạo mà chẳng tường. Tự Chu-công trở lên, đạo ở kẻ làm vua làm tướng, cho nên sự nghiệp hiện hành; từ Chu-công trở xuống, đạo ở kẻ sĩ, cho nên cái thuyết nói nhiều lời. Thế thì nên làm thế nào? Rằng cứ phát-minh cái đạo của tiên-vương để dạy đời, ngõ hầu có thành-công vậy ».

Chủ ý của Hàn Dũ nói ở thiên Nguyên-đạo này là bác cái học Lão-giáo và bày cái đạo thực-hành của Nho-giáo ra. Và xem cái ý nói ở đoạn cuối cùng, thì ông muốn lấy việc truyền đạo-thống của Khổng Mạnh làm trách-nhiệm của mình. Song xét ra ông chỉ là một nhà làm văn giỏi mà thôi, chứ không phải là nhà học-giả tìm đến chỗ sâu xa huyền-bí của Nho-giáo, cho nên lời nghị-luận của ông, tuy có vẻ rất bóng-bảy về đường hình-thức, nhưng về đường nghĩa-lý vẫn không đủ. Tuy nhiên, cái công của ông đối với Nho-giáo không nhỏ, là ông cố sức đem cái thực học mà chữa cái học hư-văn của người đương-thời, và nhờ có ông mà cái nền văn-chương đời Đường bỏ bớt được cái lối nịch-nhược của Lục-Triều. Ấy cũng đủ làm một nhà đại danh trong Nho-giáo vậy.

Tóm lại mà nói, Nho-giáo đời Tùy và đời Đường tuy có cái phản-động-lực đối với cái học đời Tam Quốc, Lục Triều, nhưng cái học phong vẫn không ra ngoài cái phạm-vi từ-chương. Đời nhà Tùy có Vương Thông muốn vãn-hồi cái thực-dụng của Nho-giáo, song các môn-đệ không ai nối được cái chí, thành thử cái học ấy cũng không phát-đạt được. Qua sang đời nhà Đường, Nho-giáo có phần chấn-hưng hơn trước, nhưng chỉ thịnh về đường văn-chương, chứ về đường đạo-lý vẫn không phát-minh ra được. Xem như người đại-biểu Nho-giáo trứ-danh hơn cả là Hàn Dũ mà cái học cũng không được tinh-thâm, thì đủ rõ cái tinh-thần của Nho-giáo đã suy kém lắm vậy.

Đến khi nhà Đường thất chính, đời Ngũ-Quí binh liên họa kết, cái đức-giáo càng ngày càng kém, kẻ sĩ-phu không có mấy người nghĩ đến sự liêm-sỉ, ai cũng chỉ xu danh trục lợi. Thậm chí những người như Phùng Đạo 馮 道 đời Hậu-Đường và Hậu-Tấn làm quan mấy đời triều, mà sau đem thân thờ Khiết-đan, thế mà sĩ-phu còn có người ca-tụng công-đức, thì biết cái hoc khí-tiết mất hết cả.

Về đường hình thức, thì vào quãng cuối đời nhà Đường, sách vở mới bắt đầu in ra, rồi đến đời Ngũ-Quí lại khoáng-trương thêm hơn lên. Năm Trường-hưng thứ hai (931) đời vua Minh-tôn nhà Hậu-Đường, Phùng Đạo làm tể-tướng, tâu xin sai Quốc-tử-giám hiệu-chính chín Kinh, để in ra bán. Các sách vở nhờ đó mà truyền-bá ra chỗ dân-gian. Mối văn-học phổ biến khắp thiên-hạ là bởi cơ-hội ấy vậy.