Nho giáo/Quyển IV/Tổng kết

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TỔNG-KẾT

Nho-giáo như đã xét từ đời Xuân-thu đến hết đời nhà Thanh bên Tàu, kể có hai nghìn rưởi năm. Trong khoảng thời-gian ấy Nho-giáo có lúc thịnh lúc suy, nhưng bao giờ cũng có cái tinh-thần rất mạnh để đối phó với thời-cục mà sinh-tồn, mà phát-đạt. Nhờ có cái tinh-thần ấy cho nên cái học-thuật tuy có biến-thiên nhiều lần, nhưng cái đặc tính của Nho-giáo vẫn không mất, mà lúc nào cũng giữ được cái thái-độ rất tôn-nghiêm đủ làm cho người ta tín phục.

Xét về sự biến-thiên của học-thuật, thì từ đời Hán trở đi, ta có thể chia Nho-giáo ra làm hai cái học: Một là cái học nghĩa-lý, hai là cái học từ-chương.

1• Đối với cái học nghĩa-lý, thì sau đời Khổng-tử rồi, Nho-giáo có hai phái lớn, là: phái Mạnh-tử và phái Tuân-tử. Hai phái ấy đều xưng là theo cái học của Khổng-tử, song mỗi phái chủ-trương một cái tôn-chỉ khác nhau. Từ cuối đời Chiến-quốc đến hết đời Tần sang đầu đời Hán, Nho-giáo bị một thời-đại trung suy, rồi từ đời vua Hán Vũ-đế trở đi là càng ngày càng thịnh. Song cái học-thuật trong thời-đại từ Hán đến Đường chỉ chú-trọng ở sự tìm nghĩa-lý trong các Kinh Truyện, thành ra một lối học gọi là huấn-hỗ-học. Kế đến đời Tống, các nho-giả bỏ lối học huấn-hỗ mà tìm lấy những vi-ngôn đại-nghĩa của thánh hiền, lập ra phái lý-học, đem cái tư-tưởng lên tới cõi siêu-vật và gây thành cái triết-học rất cao minh.

Phái lý-học của Tống-nho có ba học-thuyết: Một là tượng-số-học, hai là đạo-học, ba là tâm-học. Tượng-số-học do Thiệu Khang-tiết lập ra, nhưng về sau không thịnh-hành; đạo học và tâm-học, thì từ đời Nam-Tống đến đời Minh đều cùng nhau đối lập. Đạo-học lấy Trình Chu làm tiêu-biểu, mà tâm-học thì lấy Lục Vương làm tiêu-biểu.

Nho-giáo đến đời Thanh lại chia ra làm mấy phái, như Hán-học-phái, Tống-học-phái và sau cùng có Tân-học-phái. Hán-học-phái lấy sự khảo-cứu các Kinh Truyện làm tôn-chỉ, Tống-học-phái lấy cái học-thuyết của Tống-nho làm tôn-chỉ. Tân-học-phái lấy việc chính-trị theo nghĩa trong sáu Kinh làm tôn-chỉ. Các học-phái ấy đều muốn sửa đổi cái lưu-tệ để khiến sự học được thích-hợp với sự ứng-dụng ở đời.

2• Ngoài những học-phái chuyên-trị về đường nghĩa-lý, còn có cái học từ-chương chỉ chú-trọng ở mặt khoa-cử, để đem học-giả vào con đường danh lợi. Cái học khoa-cử khởi từ đời Hán rồi đến đời Đường mới cực thịnh. Nho-giáo nhờ cái học ấy mà lan ra khắp thiên-hạ, nhưng cũng vì cái học ấy mà thành ra cái học hư-văn, làm mất cái chân-tướng sự học của thánh hiền. Hoàng Lê-châu đời Thanh-sơ, nói rằng: « Cử nghiệp thịnh nhi thánh học vong », thật là nói đúng cái bệnh của sự học khoa-cử vậy.

Nay ta có thể làm cái biểu tổng kê sự đại biến-thiên của Nho-học trải qua từ đời Chiến-quốc đến đời Thanh-mạt như sau này:

NHO-HỌC CHI-PHÁI BIẾN-THIÊN BIỂU

I. NGHĨA-LÝ-HỌC Chiến-quốc Mạnh-tử Tính thiện. — Cầu phóng tâm. — Trọng nhân chính
Tuân-tử Tính ác. — Kiểu tính. — Thượng lễ. — Trọng hình pháp.
Hán-Đường Huấn hỗ học Kinh-học kim-văn.
Kinh-học cổ-văn.
Tống-Minh : Lý-học Tượng-số-học.
Tống-học.
Tâm-học.
Thanh Hán-học,
Đạo-học,
Tân-học.
II. TỪ-CHƯƠNG-HỌC Từ Hán-sơ đến Thanh-mạt Khoa-cử-học Kinh-nghĩa. — Thi phú. — Tứ lục. — Văn sách.

Nho-giáo sở dĩ có cái mãnh lực mà biến-thiên và phát đạt như thế, là bởi có cái học phí nhi ẩn 費 而 隱, rộng mà sâu, thiết-thực mà huyền-bí, và bao giờ cũng theo đạo trung-dung, nghĩa là cái tư-tưởng thì lên đến chỗ cực cao xa, mà sự hành-vi thì vẫn giữ có chừng mực, không thiên lệch về một bên nào, khiến sự nhân-sinh của các hạng người đều được chỗ an vui. Ta nên nhớ lại rằng: cái nghĩa chữ trung-dung của Nho-giáo là cốt giữ cái chừng-mực vừa phải, mà vẫn có cái nghị-lực rất mạnh, chứ không phải trung-dung là ủy-mỹ giả-trá như cách hành-động của bọn hương-nguyện. Vậy muốn biết cho rõ cái học-thuật của Nho-giáo thì phải xét cả phương-diện triết-lý và phương-diện kinh-thế.

Về phương-diện triết-lý, thì Nho-giáo với Lão-giáo và Phật-giáo có cái tư-tưởng đại đồng tiểu dị. Căn-do bởi các học-thuyết ấy đều theo một cái lý đơn-nhất và theo một chủ-nghĩa thiên-địa-vạn-vật-nhất-thể. Vạn-vật đều bởi cái lý đơn-nhất tuyệt-đối mà ra. Lý đơn-nhất ấy gọi là Thái-cực, là Đạo, là Trời, là Tâm, muốn đặt ra tên gì mà gọi cũng được, nhưng chung qui vẫn là một. Lý ấy phát ra bằng hai cái khí tương đối, gọi là âm dương. Âm dương điều-hòa với nhau mà sinh hóa ra vạn vật. Vạn vật bẩm thụ cái lý ấy, cái khí ấy, cho nên mới có cái chiêu-minh linh-giác mà biết có người, có ta. có vũ-trụ.

Cái chiêu-minh linh-giác ấy với cái chiêu-minh linh-giác bản-nhiên của Thái-cực là đồng một thể, cho nên Nho-giáo nói « nhất-dĩ quán chi 一 以 貫 之 » nói « đạo nhất nhi dĩ hỹ 道 一 而 已 矣 » đều là một nghĩa ấy cả. Lão-học cũng nói thế, Thiền-học cũng nói thế. Bởi vậy ta dám nói quyết rằng: Nho, Lão và Phật cũng đồng một gốc cả. Xem như Khổng-tử gặp Lão-tử chỉ khen là « kỳ do long gia », chứ chưa hề có lời chê-bai phỉ-báng, là bởi Khổng và Lão cùng hiểu một lý như nhau, cùng theo một cái học hình-nhi-thượng,

Cái học hình-nhi-thượng của Nho-giáo, chỉ có Tống-nho mới thật hiểu tới, cho nên nói rằng: Tống-nho nối được cái đạo-thống của Khổng Mạnh không phải lời nói quá đáng vậy. Về sau Thanh-nho có người cho Tống học là một thứ học « Nho biểu Phật lý 儒 表 佛 裏 » thật là không hiểu cái phần hình-nhi-thượng-học của Nho-giáo.

Nho, Lão, Phật tương đồng với nhau ở chỗ hình-nhi-thượng-học mà tương dị với nhau ở chỗ hình-nhi-hạ-học. Phật-học tuy phát tích ra ở xứ Ấn-độ, nhưng cái tư-tưởng của phái Đại-thặng không khác gì Lão-học là mấy. Còn như Nho với Lão đều cùng đồng thời phát-minh ra ở nước Tàu. Song Lão thì cứ đứng ở trong cái phạm vi hình-nhi-thượng mà quan-sát thế sự, cho vạn tượng là ảo ảnh, không cần phải lao tâm khổ tứ, chỉ vụ lấy sự thanh-tĩnh vô-vi để cùng vui thú với cuộc biến-đổi tự-nhiên của tạo-hóa, mà ngao-du cho thỏa cái tâm ý của mình, chứ không thiết đến việc đời. Bởi vậy mới thành ra cái chủ-nghĩa yếm-thế và cái thuật tu-luyện của bọn đạo-sĩ. Nho thì cho vạn vật đã sinh ra, là phải theo cái đạo tự-nhiên mà hành-động, ai cũng phải đem cái sở tri, sở năng của mình mà làm sự ích lợi cho nhân chúng, lấy việc thiên-hạ quốc-gia làm cái nghĩa-vụ của mình. Bởi vậy cho nên Nho-giáo rất chú-trọng ở phần hình-nhi-hạ, mà thành ra cái học rất quan-thiết đến việc giáo-dục và việc chính-trị, gọi chung cả là việc kinh-thế.

Về phương-diện giáo-dục, thì Nho-giáo theo cái quan-niệm cho cái tính bản-nhiên của Trời phú cho người ta là chí thiện. Bởi có cái tính ấy cho nên ai sinh ra cũng có sẵn tứ đoan là trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi tức là cái mối đầu của nhân nghĩa lễ trí. Người ta sở-dĩ có điều ác là tại để cái tư-tâm tư-dục che lấp mất tứ đoan ấy. Vậy sự giáo-dục là cốt gây nuôi lấy các thiện-đoan và tài-chế các ác-đoan. Người nào thực-tiễn được những điều nhân nghĩa lễ trí, là người quân-tử có cái phẩm-giá rất tôn-quí,

Quân-tử là bậc người công chính, biết rõ cái đạo của trời đất mà hành-động rất hợp với đạo làm người. Bởi vậy Nho-giáo lấy quân-tử là bậc người lý-tưởng hoàn-toàn làm tiêu-biểu. Muốn gây nên hạng người ấy, thì trước hết phải dựng cái nền đức-dục cho vững-vàng để khải-phát tâm tính của người ta, rồi sau lấy lục nghệ mà luyện-tập cái trí-dục để ứng-dụng ở đời. Việc ứng-dụng ở đời hệ-trọng hơn cả là việc thiên-hạ quốc-gia, tức là việc chính-trị vậy.

Đã có xã-hội tất phải có thể-thống kỷ-cương, có lễ-nghĩa trật-tự, có luân-thường đạo-đức, để giữ cái nền dựng nước cho chắc-chắn, và có vua quan để thống trị nhân chúng. Trong một nước mà vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em, vợ chồng ra vợ chồng, thì nước trị; trái lại thì nước loạn. Vậy nên Nho-giáo nói chính-trị là phải nói cả giáo-dục. Phàm người làm dân đã có giáo-dục, thì biết có nghĩa-vụ và quyền-lợi, biết trọng lễ-nghĩa và trật-tự. Người làm vua làm quan có giáo-dục thì biết rõ cái chức-trách của mình, không làm những điều tàn ngược.

Nho-giáo sở dĩ chú trọng ở người làm vua làm quan là bởi vận mạnh của một nước thịnh hay suy quan-hệ ở những người ấy, Những người ấy mà không có giáo-dục, không biết nhân nghĩa lễ trí, thì thành ra một bọn đạo-tặc dùng cái cơ thuật gian trá để làm hại thiên-hạ. Thiên-hạ là của chung của thiên-hạ, chứ không phải riêng gì của ai, kẻ đạo-tặc chiếm giữ lấy làm của riêng mình, mà không nghĩ đến sự lợi hại của thiên-hạ, thì thiên-hạ có cái quyền được trừ bỏ đi, như một đứa độc-phu. Vậy, cái uy quyền chính-đáng của những bậc nhân-quân là do ở sự chịu mạnh trời mà giữ cái hạnh-phúc cho muôn dân. Khi nào kẻ nhân-quân không làm được cái chức-vụ ấy nữa, là cái mạnh trời hết rồi, dù có lấy thế-lực mà áp-chế, thì cũng chỉ là cái thế-lực của lũ đạo-tặc mà thôi, cho nên Nho-giáo vẫn cho kẻ nhân-giả được điếu dân phạt tội. Bởi thế, Mạnh-tử nói rằng: « Dân vi quí, xã-tắc thứ chi, quân vi khinh ». Cũng vì thế mà Khổng-tử « tổ thuật Nghiêu Thuấn, biểu chương Văn Vũ » là có ý tôn quí những đấng thánh quân hiền chúa đã biết lấy đạo chí công mà trị thiên-hạ, chứ không lấy thiên-hạ làm riêng của mình.

Người làm quan giúp vua để trị thiên-hạ cũng phải theo cái ý-nghĩa ấy mà đem vua vào con đường đạo-lý, và để làm cái phương-châm cho sự hành-vi của mình. Ai không có giáo-dục không thể đứng vững được ở cái chỗ dễ nghiêng lệch ấy. Xem vậy thì việc giáo-dục và việc chính-trị của Nho-giáo quan-hệ với nhau mật-thiết lắm.

Việc giáo-dục của Nho-giáo lại lấy đức-dục làm gốc, và lấy trí-dục làm ngọn. Cái gốc có bền chặt, thì cái ngọn mới tươi tốt. Có đức-dục thì nghĩa-lý thấm thía vào lòng người ta, làm cho tự mình bỏ được cái bụng gian tà. Người có học hạnh thường phải bó mình ở trong cái phạm-vi danh-giáo, thành thử cái tà tâm mà có sinh ra, thì cũng không trưởng thành lên được. Ấy thật là cái công của Nho-giáo, dẫu người ta không hoàn-toàn thực-hành được cái đạo của thánh hiền, nhưng cũng gây được cái phong-khí rất hay ở trong xã-hội vậy.

Có người nói rằng: Cái quan-niệm ấy thích-hợp với cái trình-độ đời xưa, vì cuộc nhân-sinh đời xưa giản-dị và chất-phác. Đến nay thời cục đã biến đổi đi, nhân trí đã mở-mang ra. việc chính-trị và việc giáo-dục đã thay đổi hết cả, thì cái học của Nho-giáo còn có bổ ích gì cho thế sự nữa? — Nói như thế là người xét việc chưa biết hết các ý nghĩa. Chính-thể ở trong thiên-hạ thời nay tuy đổi, nhưng chỉ đổi được cái danh hiệu của quân-quyền mà thôi, chứ cái tinh-thần của quân-quyền vẫn không sao đổi được. Nếu ở trong một xã-hội dân-chủ, mà những người giữ cái quân-quyền vô hình ấy đều là người có đức hạnh cả, lại không hơn những người giảo quyệt, khôn khéo, mà gian tham và vô liêm-sỉ hay sao? Đã hay rằng thời bây giờ khoa-học mở-mang ra, sự sinh-hoạt không giản-dị đơn-sơ như trước nữa, sự giáo-dục ngày nay tất không thể không chú trọng ở trí-dục, nhưng thử xét xem ta có thể bỏ được đức-dục đi không? Người có tài có trí mà không có tâm địa, không có khí tiết, thì dù ở đời nào mặc lòng, cũng chỉ là một bọn gian ác, làm những việc ích kỷ hại nhân mà thôi. Vậy thì lấy gì làm nhân-cách tôn-quí? Nho-giáo tuy từ xưa đến nay không chú-trọng ở cái văn-minh vật-chất, là vì xã-hội của Á-đông ta xưa kia chưa có sự cần-dùng ấy, nhưng sự giáo-dục của Nho-giáo đã đào-tạo ra được biết bao nhiêu người trung nghĩa, bao nhiêu người có khí tiết, có nhân phẩm cao thượng, biết quên mình về việc thiên-hạ quốc-gia, chẳng hơn những hạng người xảo-quyệt đời nay, giả nhân giả nghĩa, để làm những điều tự tư tự lợi hay sao? Sự giáo-dục mà chỉ chú-trọng ở một trí-dục mà thôi, thì không đủ khiến người ta biết rõ cái đạo làm người được. Bởi vì người ở trong xã-hội mà khôn ngoan đủ điều, nhưng không có cái đức-dục để ràng-buộc nhân tâm, thì khác nào loài thú dữ ở trong rừng hoang, chỉ chực làm hại lẫn nhau để cầu cái lợi riêng của mình. Người ở với nhau như thế, thì còn có gì là nhân đạo nữa?

Cái nền đức-dục của ta, là Nho-giáo đã xây đắp lên hằng mấy nghìn năm nay rồi, mà đã có cái hiệu-quả mỹ-mãn, thì ta cứ giữ lấy cái nền lưu-truyền ấy để làm cái sản-nghiệp riêng của ta. Ta lại thu-thái lấy những điều trí-dục mà ta còn khiếm-khuyết, để bồi bổ thêm vào cái sản-nghiệp ấy, làm cho tâm với trí điều-hòa với nhau mà tiến-hóa. Như thế thì cái học của ta có cái căn-bản, và có thay đổi điều gì ắt cũng có ít sự lầm lỗi vậy.

Ta đem Nho-giáo mà phu-diễn ra đây, không phải là để phô-trương cái học thấp hèn của ta, chẳng bõ làm rườm tai rác mắt những kẻ có học-thức. Nhưng bản tâm là muốn những học-giả trong nước hồi tỉnh lại đem những cái cố-hữu của ta mà xét cho kỹ, xem nó hay dở thế nào, để định thủ xả cho chính đáng, đừng có đinh-ninh một niềm là cái mới thì hay cả, mà cái cũ thì dở cả. Đến những nhà học-thức bên Âu-châu bây giờ cũng công-nhận cái học lưu-truyền từ đời thượng-cổ vẫn là uyên thâm và đúng với chân-lý hơn cái học thiển bạc ngày nay. Thế mà ta có cái học lưu-truyền chắc-chắn vững bền như Nho-giáo sao nỡ để hẩm nát không nhìn đến, chẳng hóa ra ta khờ dại lắm ru! Một việc như thế mà còn khờ dại, thì còn nói theo việc khác bằng người ta sao được.

Ta nói giữ lấy cái học lưu-truyền của Nho-giáo, không phải là nói giữ lấy cái học hủ bại của bọn tục nho. là một bọn tội-nhân của Nho-giáo. Bọn ấy mờ tối. mắt không biết trông, tai không biết nghe, lúc vô sự thì lấy câu thơ câu văn, rung đùi tự đắc, tự cho mình là thần-thánh, đi đâu dương hai chữ « nhà nho » ra để lòe những kẻ ngu phu ngu phụ, ngoài ra chẳng biết việc đời là chi cả. Đến lúc lâm nguy, thấy cuộc biến-đổi, đem ngay cái tượng vừa hôm trước còn đang sùng bái, ném xuống hồ, xuống ao, rồi khua môi múa mép, a-dua với đời, chê Nho-giáo thế này, Nho-giáo thế nọ. Kỳ tình bọn ấy học Nho-giáo mà không biết rõ cái tinh-thần của Nho-giáo, bình-nhật chỉ bo-bo học lối từ-chương để đi vào con đường danh lợi, trừ ra chẳng biết thế nào là danh-tiết, thế nào là liêm-sỉ. Bọn tục nho ấy đã không cam chịu cái tội của mình mà tự hối lại, để sửa đổi những điều đã lầm lỗi, lại còn tìm cách mà buông lời phỉ báng; không biết rằng học Nho-giáo thì phải hiểu cái tinh-thần và cái nghĩa-lý của Nho-giáo, phải theo thời mà biến đổi cho hợp thời,

Đã gọi là lưu-hành bất tức, thì phải biến-đổi luôn, song biến-đổi phải lấy cái gì làm gốc, để cho sự biến-đổi của mình có căn-bản mà nghĩa-lý vẫn không mất. Vậy ta nói theo Nho-giáo là theo cái tinh-thần cường-kiện đem cái tư-tưởng của ta vượt lên đến cái lý nguyên-thủy, rồi cùng với vũ-trụ mà lưu-hành, mà tạo tác ra một cuộc nhân-sinh có đủ nghị-lực để đồng sinh đồng hóa với vạn vật, biết tùy thời mà ứng biến, nhưng không quên cái gốc cũ, để thành một hạng người có nhân-cách tôn quí, có lòng nhân-từ bác-ái, có cái sức mạnh-mẽ để cùng với thiên-hạ mà sinh tồn, mà ganh đua, mà xây đắp thêm một vài viên gạch viên đá vào cái nền chung của nhân loại.

Nói rút lại, ta muốn rằng người mình bây giờ phải theo thời mà học-tập: thực-nghiệp, kinh-tế, binh-gia, toán-pháp, vật-lý, hóa-học bao nhiêu những khoa trí-dục đều phải học như người ta, nhưng phải lấy Nho-giáo làm cái nền đức-dục, nghĩa là lấy cái nghĩa-lý lưu-truyền từ nghìn xưa mà gây lấy cái tinh-thần, dù ở vào cảnh-ngộ nào cũng có cái nhân-cách đặc-biệt, có cái phẩm-giá tôn-quí, không phụ cái tiếng nhân linh ư vạn vật. Nếu ta biết theo cái phương-châm ấy mà học tập, mà hành-động, thì cái nền giáo-dục của ta sau này chắc có nhiều hi-vọng lắm vậy.