Nho giáo/Quyển IV/Thiên III-2
II. — CÁC HỌC-PHÁI Ở ĐỜI NHÀ THANH
Trong khoảng sơ-diệp nhà Thanh, các vua đều hết lòng tưởng-lệ Nho-giáo, nhưng vẫn công-nhiên chủ-trương cái học của Tống-nho. Qui-củ sự học và phép thi-cử nhất nhất theo lối nhà Minh. Song đó chỉ là cái hình-thức riêng về mặt chính-trị mà thôi, còn cái thực học thì ở những nhà tư-thục, không quan-hệ đến sự hạn-chế của chính-phủ. Thuở ấy có những người nho-học không chịu ra làm quan với nhà Thanh, ở nhà tiềm tâm học tập. Lại nhân cái học-phong về cuối đời nhà Minh đã tiều-tụy lắm, cho nên các học-giả mới phấn chấn lên, tìm cái phương-pháp mà sửa đổi lại. Bởi vậy các học-phái mới xuất hiện ra như là phái Hán-học, phái Kinh-học, phái Tống-học. Về sau đến mạt-diệp nhà Thanh sự học ấy suy đồi đi, và lại vì thời thế bức bách, các học-giả mới xướng lên phái Tân-học, tức là phái đang thịnh hành ở đời nay.
Sau này ta xét những cái học-thuyết của mấy người danh-nho trong những phái ấy, Còn ai muốn biết rõ sự nho-học trong đời nhà Thanh, thì nên xem sách Thanh-đại-học-thuật khái-luận 清 代 學 術 槪 論 của Lương Khải-Siêu là sách có giá trị về đường khảo-cứu vậy.