Nho giáo/Quyển IV/Thiên IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN IV

NHO-GIÁO Ở VIỆT-NAM

Các thiên ở trên chỉ nói Nho-giáo ở nước Tàu, bởi lẽ rằng nước Tàu là nơi phát tích của Nho-giáo và lại là trung-tâm điểm của văn-hóa nho-học. Các nước lân-cận ở phía đông-bắc thì có Cao-ly và Nhật-bản, ở phía đông-nam thì có Việt-Nam, đều là nước đồng văn với nước Tàu và cũng theo cái văn-hóa của Nho-giáo. Ấy là nói học-thuật và tư-tưởng của những nước ấy trong khoảng thời gian kể từ năm-mươi năm trở lên, trước khí có cái làn sóng ở phương tây tràn sang Á-đông, làm lay động cái nền học cũ của ta. Vậy thì nói Nho-giáo ở nước Tàu, tức là nói chung cả cái toàn-thể, vì rằng Nho-giáo ở nước Tàu biến-thiên ra làm sao, thì các nước kia cũng đều chịu cái ảnh-hưởng như thế cả, chứ không thấy đâu có phát-minh ra được cái học-thuyết nào khác nữa.

Trong những nước đã chịu cái văn-hóa của Nho-giáo, có nước Việt-Nam ta đối với nước Tàu có cái mối liên-lạc mật-thiết hơn cả, là bởi từ đời vua Hán Vũ đế đến đời Ngũ-quí, hơn một nghìn hăm, nước ta kể từ Nghệ Tĩnh trở ra, thuộc vào bản-đồ nước Tàu. Người mình không những là bị cảm-hóa đã lâu đời, mà lại phần nhiều là dòng-dõi người Tàu sang sinh cơ lập nghiệp ở bên này, rồi dần dần thành ra người bản-xứ. Bởi vậy Nho-học ở nước ta, vào quãng cuối đời Đông-Hán đã có phần thịnh. Thuở ấy đã có người như Lý Tiến 李 進, Lý Cầm 李 琴 và Trương Trọng 張 重, đỗ hiếu-liêm hoặc mậu-tài, được bổ đi làm quan ở bên Tàu. Qua sang đời Tam-quốc, ở quận Giao-chỉ có quan thái-thú là Sĩ-Nhiếp hết lòng mở-mang việc học, làm cho Nho-học lại thịnh-hành hơn trước nữa. Về sau trải qua Lưỡng Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường, người mình đều học-tập theo Nho, theo Lão và theo Phật như bên Tàu.

Đến đời Ngũ-quí, vào quãng thế-kỷ thứ X, nước Tàu chia rẽ, thế-lực suy hèn, người mình mới nhân cơ-hội ấy mà biệt lập ra thành một nước. Lúc đầu, nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Tiền-Lê còn phải lo việc đánh dẹp cho nên không lưu tâm đến việc học. Kế đến nhà Lý, cơ-sở đã vững-bền, dần dần nhà vua mới mở-mang Nho-học, đặt khoa thì lấy nhân tài. Nho-học ở nước ta từ đó mỗi ngày một thịnh, rồi qua đời Trần đời Lê thì thật là thịnh vậy.

Sự mở-mang Nho-học. — Trong khoảng Ngô, Đinh, Tiền-Lê và sơ-diệp nhà Lý, sự học ở nước Việt-Nam ta theo lối học của nhà Đường. Nho-học, Lão-học và Phật-học đều thịnh cả, mà nhất là Phật-học lại thịnh-hành ở chỗ dân-gian lắm. Thuở ấy những người có văn-học thường là bọn tăng-lữ, nhân tụng kinh và học đạo mà giỏi nghề làm văn. Cũng vì thế cho nên lúc Lý-sơ hễ có sự giao-thiệp với nước Tàu, thì nhà vua hay dùng những người tu-hành để viết các thư-từ. Đến đời vua Lý Thánh-tôn (1034-1072) mới làm văn-miếu thờ Chu-công, Khổng-tử và thất-thập nhị-hiền. Vua Lý Nhân-tôn (1073-1127) mở khoa thi tam trường để lấy người văn-học vào làm quan. Lúc ấy có Lê Văn-Thịnh 黎 文 盛 đỗ đầu. Vua Nhân-tôn lại mở nhà Quốc-tử-giám để đào tạo nhân-tài, và đặt Hàn-lâm-viện có nho-giả là Mạc Hiển-Tích 莫 顯 績 làm chức Hàn-lâm-viện học-sĩ.

Đời nhà Trần, vua Thái-tôn (1225-1258) mở khoa thi tam giáo, nghĩa là thi những người học Nho, học Lão và học Phật. Ai theo cái học nào mà tinh thâm đạo lý, thì được cử ra để nhà vua dùng, chứ không chuyên nhất lấy người nho-học. Vua Trần Thái-tôn lại mở khoa thi thái-học-sinh có lấy tam khôi, là trạng nguyên, bảng-nhãn và thám-hoa, và đặt Quốc-học-viện để giảng dạy tứ Thư và ngũ Kinh. Đến cuối đời nhà Trần, vua Duệ-tôn (1374-1377) mở đình-thí lấy tiến-sĩ xuất thân. Vua Thuận-tôn (1388-1398) thi cử-nhân, lệ cứ năm trước thi hương, năm sau thi hội rồi vào thi đình, để chọn lấy tam khôi. Phép khoa-cử đến đời nhà Trần đã rất đủ và đại-khái theo phép thi của nhà Nguyên bên Tàu, dùng văn-chương mà lấy kẻ sĩ, vậy nên văn-học ở nước ta từ đó về sau rất thịnh.

Sau khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần rồi, nhà Minh sang chiếm cứ nước ta, đặt học-quan ở các phủ, châu, huyện và đem cái học của Tống-nho dạy người mình và lấy những sách tứ Thư ngũ Kinh của họ Trình họ Chu đã chú-thích, cùng sách Tính-lý truyền bá ra khắp mọi nơi. Cái học của Trình Chu từ đó càng ngày càng thịnh vậy.

Vua Thái-tổ nhà Lê đánh nhà Minh, khôi phục lại được nước nhà, rồi ngài hết lòng lo mở-mang việc học, lập nhà Quốc-tử-giám ở Kinh-đô để cho con các quan và những người thứ dân tuấn-tú vào học-tập, và đặt học quan ở các phủ, các lộ để trông coi việc giáo-hóa. Vua lại bắt các quan từ tứ phẩm trở xuống phải đi thi minh-kinh, nghĩa là quan văn thì phải thi các kinh sử, quan võ thì phải thi võ kinh. Đến đời vua Lê Thánh-tôn (1460-1497) thì sự văn-học ở nước ta cực thịnh. Nhà vua định lệ ba năm một lần thi: mùa thu năm trước thi hương, mùa xuân năm sau thi hội và thi đình. Những người đỗ tiến-sĩ được khắc tên vào bia đá để ở Văn-miếu.

Từ đời nhà Lê về sau, trải qua nhà Mạc, nhà Hậu-Lê trung-hưng và nhà Nguyễn sự nho-học ở Việt-Nam tuy thật là thịnh, nhưng học-giả trong nước thường có cái sở đoản rất lớn, là phần nhiều chỉ học lối khoa-cử, vụ lấy văn-chương để cầu sự đỗ đạt, chứ không có mấy người học đến chỗ uyên-thâm của Nho-giáo, để tìm thấy cái đạo-lý cao-xa, hoặc là để xướng lên cái học-thuyết nào thật có giá trị như các nho-giả bên Tàu. Đó thật là chỗ kém của học-giả nước ta.

Cái học khoa-cử ở nước Việt-Nam truyền mãi đến năm Tây-lịch 1915 ở Bắc-kỳ và 1918 ở Trung-kỳ mới bỏ hẳn. Từ đó, phần thì vì cái hoàn-cảnh bắt buộc, phần thì vì sự sinh-hoạt bức bách, những thiếu-niên trong nước chỉ chăm lo theo Tây-học không ai đoái hoài đến Nho-học nữa. Thậm chí những nhà cựu-học cũng mập-mờ không rõ cái hay cái dở của tân-học và cựu-học là thế nào, đều theo gió mà lả về một mặt. Thành thử sự nho-học càng ngày càng suy, mà cái cơ sinh-tồn của Nho-giáo ở Việt-Nam hiện nay cũng chỉ còn mỏng-mảnh như sợi tơ sợi tóc vậy.

Nhân vật nho-học ở Việt-Nam. — Nước Việt-Nam ta từ đời nhà Lý trở đi, nhờ có nho-học đã sản xuất được bao nhiêu người trung nghĩa hiền lương, và người có tài cán, có tiết tháo, đủ làm vẻ-vang cho nước nhà. Nay ta hãy kể lược qua những người có danh tiếng lớn trong các đời, để chứng rõ cái hiệu-quả sự nho-học ở nước Nam ta.

Trong đời nhà Lý sự học tuy chưa được mở-mang cho lắm, nhưng bởi có nho-học mà có những người như: Lý Đạo-Thành 李 道 成, tôn-thất nhà Lý, chịu cố-mạnh của vua Thánh-tôn, giúp ấu-chúa là Nhân-tôn, sửa-sang việc chính-trị, dự bị binh lương, làm cho nước ta thuở ấy có đủ thế-lực, bắc chống với Tàu, nam đánh được Chiêm-Thành. — Trương Bá-Ngọc 張 伯 玉 là một người nho-học, cầm quyền đi đánh giặc Nùng, giữ cho bờ cõi được yên-trị. Sau ông lại giúp ấu-chúa là Thần-tôn, làm một bậc danh thần trong nước. — Tô Hiến-Thành 蘇 憲 誠, là một nhà chính-trị văn võ kiêm toàn, thường đi đánh dẹp lập được nhiều công. Ông chịu cố-mạnh của vua Thần-tôn gìn giữ tự-quân một cách rất trung thành, khiến kẻ tà nịnh không dám làm bậy. Ngoài những sự nghiệp đã làm về việc chính-trị và võ-bị, ông lại hết lòng lo việc mở-mang văn học, thật là một bậc danh-thần có phong-thể chẳng kém người đời xưa bên Tàu. — Những người ấy tuy không phải là người học-giả chuyên nghề luận đạo và làm văn, nhưng chính là người đã đem cái tinh-hoa nho-học mà thi-thố ra ở công việc làm, cho nên ta có thể gọi là danh nho được vậy.

Đến đời nhà Trần, nho-học thịnh hơn đời nhà Lý và có nhiều nho-giả chân-chính, như: Mạc Đĩnh-Chi 莫 挺 之, tự là Tiết-phu 節 夫, đỗ trạng-nguyên đời vua Trần Anh-tôn (1293-1314). Ông người thấp nhỏ xấu-xí, nhưng thông minh lạ thường, và làm quan rất thanh-khiết. Khi ông sang sứ bên nhà Nguyên, thường lấy văn-chương làm cho người Tàu phải phục. — Nguyễn Trung-Ngạn 阮 忠 彥, tự là Giới-hiên 介 軒, đỗ hoàng-giáp đời vua Trần Anh-Tôn, có tài chính-trị và lại giỏi biện luận. Có bộ sách Giới-hiên toàn-tập 介 軒 全 集 truyền ở đời. — Trương Hán-Siêu 張 漢 超, tự Thăng-am 升 庵, làm quan đời vua Trần Anh-tôn và Trần Minh-tôn. Tính ông rất cương nghị và giỏi cả văn-chương và chính-trị. — Lê Lạp 黎 拉, tự là Bá-đạt 伯 達, làm quan đời vua Minh-tôn và Dụ-tôn, lấy sự làm sáng cái đạo của thánh-nhân làm chức-phận của mình. — Phạm Sư-Mạnh 范 師 孟, tự là Úy-trai 畏 齋, làm quan đời vua Minh-tôn và Dụ-tôn, có tài khí hùng-mại và giỏi nghề văn-chương. Có sách Hiệp-thạch tập 峽 石 集 truyền ở đời. — Chu Văn-An 朱 文 安, người huyện Thanh-trì, tỉnh Hà-đông bây giờ. Ông là một nhà học-đạo có tiếng ở nước Nam ta. Trước ông ở nhà đọc sách và dạy học, Những người đã làm quan trong triều như bọn Lê Lạp và Phạm Sư-Mạnh đều đến xin làm đệ-tử. Vua Minh-tôn nhà Trần nghe tiếng, vời ông vào làm chức tư-nghiệp ở Quốc-tử-giám. Đến khi vua Dụ-tôn lên trị vì, trễ việc triều chính, ông can ngăn không được, bèn dâng sớ xin chém bảy người nịnh thần, gọi là « thất trảm sớ ». Vua không nghe, ông liền thôi quan về làm nhà ở đất Chí-linh, tự hiệu là Tiều-ẩn 樵 隱. Ông học rất rộng và bao giờ cũng giữ sư đạo rất nghiêm. Khi ông mất rồi vua Dụ-tôn cho tên thụy là Văn-trinh 文 貞, và đem vào tòng tự ở Văn-miếu. Sách của ông làm, có bộ Tứ-thư thuyết ước 四 書 說 約 và bộ Tiều-ẩn thi 樵 隱 詩 truyền ở đời.

Trong đời nhà Hồ có Lý Tử-Cấu 李 子 構 là một nhà ẩn-dật cao-sĩ; — Võ Mộng-Nguyên 武 夢 原, sau ra làm quan với nhà Lê, nổi tiếng là người văn-học đương thời.

Đời nhà Lê có Nguyễn Trãi 阮 廌, hiệu là Ức-trai 抑 齋, người làng Nhị-khê, huyện Thượng-phúc, tỉnh Hà-đông bây giờ, đỗ thái-học-sinh đời nhà Hồ. Ông học suốt kinh, sử, bách gia và thao lược binh-thư. Khi nhà Minh sang chiếm cứ nước ta, ông theo giúp vua Lê Thái-tổ làm bậc đệ-nhất công-thần nhà Lê. — Lê Văn-Linh 黎 文 靈 là người nho-học có trí-thức cùng với Nguyễn Trãi giúp vua Lê Thái-tổ lập được nhiều công. — Về sau những người nổi tiếng là danh nho như: Bùi Cầm-Hổ 裴 擒 虎; — Nguyễn Thiên-Tích 阮 天 錫; — Nguyễn Trực 阮 直, đỗ trạng-nguyên đời vua Thái-tôn; — Nguyễn Như-Đổ 阮 如 堵, đỗ bảng-nhãn đời vua Thái-tôn; — Lương Thế-Vinh 梁 世 榮, đỗ trạng-nguyên đời vua Thánh-tôn; — Đỗ Nhuận 杜 閏, và Thân Nhân-Trung 申 仁 忠 đều đỗ đồng tiến-sĩ đời vua Thánh-tôn. Hai người này cùng làm bộ Thiên-nam-dư-hạ-tập 天 南 餘 暇 集, 100 quyển nói về điển tích các đời. Sách ấy về sau mất-mát đi, chỉ còn có mấy quyển truyền ở đời; — Lương Đắc-Bằng 梁 得 朋, đỗ bảng-nhãn đời vua Hiến-tôn, sang sứ bên nhà Minh được bộ sách Thái-ất thần-kinh 太 乙 神 經 truyền cho Nguyễn Bỉnh-Khiêm đời nhà Mạc.

Đời nhà Mạc có Nguyễn Bỉnh-Khiêm 阮 秉 謙, tự là Hanh-phủ 亨 甫, người huyện Vĩnh-lại, đỗ trạng-nguyên đời Mạc Đăng-Doanh. Ông làm quan được tám năm đến chức Lại-bộ tả-thị-lang thì xin về, làm nhà gọi là Bạch-vân-am, tự hiệu là cư-sĩ. Sau vua nhà Mạc phong cho chức Lại-bộ thượng-thư, Trình quốc-công. Ông học rất rộng và rất tinh Dịch-lý, điều gì cũng biết trước. Ông không làm sách bàn về việc học, nhưng hay làm văn thơ bằng quốc âm, ngụ những ý nghĩa sâu xa. Văn của ông rất giản-dị tự-nhiên mà có lắm ý-vị. Học-trò của ông có nhiều người thành đạt như Phùng Khắc-Khoan, Lương Hữu-Khánh đều là bậc văn-sĩ tài giỏi, giúp nhà Hậu-Lê trung-hưng. — Nguyễn Dư 阮 璵, học-trò Nguyễn Bỉnh-Khiêm và là một người dật sĩ, làm bộ sách Truyền-kỳ mạn-lục 傳 奇 漫 錄. — Giáp Hải 甲 海, hiệu là Tiết-trai 節 齋, đỗ trạng-nguyên đời nhà Mạc, là một người giỏi văn-chương và có tài chính-trị.

Đời Hậu-Lê trung-hưng những người văn-học trứ danh và có công-nghiệp hiển-hách rất nhiều. Song đây kể qua mấy người có danh vọng lớn. Trong khoảng Hậu-Lê sơ-diệp có: Nguyễn Mậu-Nghi 阮 茂 宜, là một bậc danh-thần trong lúc trung-hưng. — Phùng Khắc-Khoan 馮 克 寛, tự là Hoằng-phu 弘 夫, hiệu là Nghị-trai 毅 齋. Ông theo học Nguyễn Bỉnh-Khiêm, giỏi thuật số, nhưng không ra ứng thí ở triều nhà Mạc, rồi bỏ vào giúp nhà Lê ở Thanh-hóa. Năm ông 53 tuổi xin đi hội-thí đỗ hoàng-giáp. Sau ông sang sứ bên nhà Minh nổi tiếng có tài văn-học, người trong nước thấy ông tài giỏi, thường gọi là trạng. — Lương Hữu-Khánh 梁 有 慶, con Lương Đắc-Bằng, có tài văn-học, nhưng không ra ứng thí ở triều nhà Mạc, sau vào giúp nhà Lê ở Thanh-hóa lập được nhiều công.

Trong khoảng Hậu-Lê trung-diệp, khi đã dứt được nhà Mạc, quyền bính trong nước thuộc về nhà Trịnh, những người nho-học ra làm quan có tiếng lớn, là: Phạm Công-Trứ 范 公 著, đỗ đồng tiến-sĩ đời vua Lê Thần-tôn (1619-1643) làm đến chức Lại-bộ thượng-thư giúp chúa Trịnh, sửa đổi việc chính-trị, nổi tiếng là người có tài kinh-tế. — Nguyễn Công-Hãng 阮 公 沆, đỗ đồng tiến-sĩ đời vua Lê Hi-tôn (1676-1705) làm chức Tham-tụng, giúp chúa Trịnh, có tiếng là người giỏi chính-trị. — Lê Anh-Tuấn 黎 英 俊, đỗ đồng tiến-sĩ đời vva Lê Hi-tôn, cùng với Nguyễn Công Hãng giúp chúa Trịnh có trọng danh về văn-chương và chính-trị.

Đến Hậu-Lê mạt-diệp có: Phạm Đình-Trọng 范 廷 重, đỗ đồng tiến-sĩ đời vua Lê Ý-tôn (1735-1740). Ông là người nho-học, tài kiêm văn võ, đánh giặc rất giỏi. — Lê Quí-Đôn 黎 貴 敦, đỗ bảng-nhỡn năm Cảnh-hưng đời vua Lê Hiển-tôn (1740 1786). Ông thông minh hơn người và trước-thuật rất nhiều. Những sách của ông làm, có bộ Lê-triều thông-sử 黎 朝 通 史, 30 quyển; Quốc-triều tục-biên 國 朝 續 編, 8 quyển; Danh thần lục 名 臣 錄, 2 quyển; Dịch kinh phu thuyết 易 經 膚 說, 6 quyển; Thư-kinh diễn-nghĩa 書 經 演 義, 3 quyển; Quần-thư khảo-biện 羣 書 考 辨, 4 quyển; Liên-châu thi tập 聯 珠 詩 集, 4 quyển; Quế-đường thi-tập 桂 堂 詩 集, 4 quyển; Toàn Việt thi-tập 全 越 詩 集, 20 quyển; Hoàng-Việt văn-hải 皇 越 文 海, mấy quyển; — Âm chất văn-chú 陰 隲 文 註, 2 quyển; Vân-đài loại-ngữ 芸 臺 類 語, 4 quyển; Kiến-văn tiểu-lục 見 聞 小 錄, 3 quyển.

Đời nhà Nguyễn vào khoảng sơ-diệp có di nho nhà Lê như Phạm Quí-Thích 范 貴 適, Nguyễn Du 阮 攸 đều là người có học thức rộng và có tài văn-chương. Ở đời Minh-mạnh có Lý Văn-Phức 李 文 馥 là người học giỏi và có tài làm văn; — Nguyễn Công-Trứ 阮 公 著, có tài lỗi lạc hơn cả các quan triều Nguyễn. Ông là một người quan văn mà đánh đông dẹp bắc lập được nhiều võ công. Ông đã giỏi nghề làm văn và lại có tài chính-trị, ở đâu thì hết lòng mở-mang việc nông-phố, làm cho dân được nhờ rất nhiều. Ở đời Tự-đức có Nguyễn Văn-Siêu 阮 文 超 và Cao Bá-Quát 高 伯 适 nổi tiếng là người học-thức rộng và có tài làm văn thơ. Về sau lại có Nguyễn Khuyến 阮 勸 ở làng Yên-đổ, tỉnh Hà-nam, cũng nổi tiếng là người giỏi thơ.

Những người nho-học nổi tiếng về sử-học ở các đời, thì ở đời nhà Trần có: Lê Văn-Hưu 黎 文 休 làm bộ Đại-Việt sử-ký 大 越 史 記 30 quyển; — Hồ Tôn-Thốc 胡 宗 鷟 làm bộ Việt-sử cương mục 越 史 綱 目, mấy quyển. Ở đời nhà Lê có Phan Phu-Tiên 潘 孚 先 làm bộ Sử-ký tục biên 史 記 續 編, 10 quyển; — Ngô Sĩ-Liên 吳 士 連 làm bộ Sử-ký toàn thư 史 記 全 書, 15 quyển; — Võ Quỳnh 武 瓊 làm bộ Việt-giám thông khảo 越 鑑 通 考, 26 quyển; — Lê Hi 黎 僖 làm bộ Sử-ký tục biên 史 記 續 編, mấy quyển; — Nguyễn Nghiệm 阮 儼 làm bộ Việt-sử bị lãm 越 史 備 覽, 7 quyển; — Ngô Thời-Sĩ 吳 時 仕 làm bộ Việt-sử tiêu án 越 史 標 按, 10 quyển. Ở đời nhà Nguyễn có Phan Huy-Chú 潘 輝 註 làm bộ Lịch triều hiến chương 歷 朝 憲 章 49, quyển. Những nhà sử-học ấy đều là đại thủ bút ở nước Việt-Nam ta vậy.

Ấy là nói đại khái những bậc danh thần hiền tướng có sự nghiệp lớn và có danh vọng to trong nho lưu. Ngoại giả còn những người nho-học uyên thâm, khí tiết cao thượng, ẩn dật ở chốn lâm tuyền, không chịu ra ứng dụng ở đời.

Những bậc ấy cũng khá nhiều, song hãy kể mấy người như Ngô Thế-Lân, Đặng Thái-Phương, Nguyễn Hiệp, để làm chứng cho sự nho-học của ta không đến nỗi thiển bạc lắm.

Ngô Thế-Lân 吳 世 璘, tự là Hoàn-than 完 璞 hiệu là Ái-trúc-trai 愛 竹 齋 là một dật-sĩ ở đất Thuận-hóa vào khoảng Hậu-Lê mạt-diệp. Ông là một người học rộng giỏi văn, có làm bộ sách Phong-trúc-tập 風 竹 集, 2 quyển. Ở đầu bộ sách ấy ông làm bài đề nói rằng: « Gió là vật không có chất mà có khí, trúc là vật có chất mà không có tâm, cho nên trúc nhân gió mà thành tiếng, gió nhân trúc mà có hình tích. Bởi thế gió đến mà trúc kêu, gió đi thì trúc thôi; gió lớn thì kêu to, gió nhỏ thì kêu nhỏ; đó là tại gió chứ không phải tại trúc. Trúc vốn là tự như: cao như tiếng hạc, lanh-lảnh như tiếng rồng, ồ-ồ như tiếng sóng, từ từ như tiếng trúc bội (?), tiếng u có thể sửa được lòng tục, tiếng thanh có thể rửa được nỗi phiền, càng kêu càng lạ, mà không bao giờ hết được, cũng là tại vô tâm, mà sự diệu-ứng là ở gió vậy. Tuy thế mặc dầu, cái mà làm cho thiêu cơ sướng phát, chân vận du-dương, là cũng bởi cái thú tự đắc của thính-giả. Nhã hay tục, thuần hay tì, có dự gì đến trúc. Trúc ôi! trúc ôi! cái hữu thủ của ta là ở trúc vậy.» Xem ý bài đề ấy, thì biết Ngô Thế-Lân có cái tư-tưởng uyên bác, và cái chí khí cao kỳ. Ông đem gió và trúc mà hình-dung được sự lưu-hành và sự cảm-ứng của hình và khí, khiến độc-giả nhân đó mà đạt tới cái lẽ huyền-bí của trời đất.

Thuở ấy có người bạn của ông là Nguyễn Mỹ-Cô 阮 美 沽 làm bài tựa quyển sách ấy, nói rằng cái tiếng của muôn vật nhiều vậy. Có thứ bởi phồn-thành mà ra, có thứ bởi nguyên-thanh mà ra. Nguyên-thanh là tiếng trời, phồn-thanh là tiếng người. Tiếng người có tà chính khác nhau, tiếng trời thì không có tà chính khác nhau. Tìm cái chính của thiên-thanh trong nhân-thanh, thì hấp thuần hiệu dịch 翕 純 皦 繹 như tiếng cung 宮, tiếng thương 商, tiết tấu mà sự điều-lý rõ-ràng không loạn. Vui cười giận mắng, cảm xúc với cảnh vật mà thành thơ, tính tình đều được cái chính, ấy là thiên-thanh của người vậy. Còn cái tiếng khóc mà đến đau-đớn, vui sướng mà đến dâm-đãng, như những khúc Bộc-thượng tang-gian, ấy là nhân-thanh của người vậy. Thiên-thanh thác ngụ ở muôn vật, mà muôn vật vốn là tự-nhiên, như tiếng suối, tiếng tùng, tiếng chim mùa xuân, tiếng trùng mùa thu, tiếng hạt mưa ở cây chuối, tiếng gió. tiếng trúc, có cái phẩm vịu dật, âm điệu thanh nhã, khiến cho người ta nghe, sinh ra cái lòng cao xa như hạc ở ngoài đồng, và cái hứng nhàn tản như đám cô vân, đem so với tiếng phồn-thanh là tiếng đàn, tiếng sáo, có khác gì trời đất xa nhau không? Bạn ta là Ngô-quân Hoàn-than ở Tấn-giang, trước tập thời văn, rất giỏi về nghề thơ, rồi sau chán cái phồn-thanh của thế tục, khảng-khái tìm cái nguyên-thanh ở trong thiên-hạ, ra vào đạo Phật, đạo Nho, thám vi sách ẩn 探 微 索 隱 trong hơn mười năm, mà không sở đắc được cái gì, rồi trở lại tìm trong sáu Kinh, chợt khoát-nhiên giác ngộ. Đạo Kiền là bởi sự dị mà biết, đạo Khôn là bởi sự giản mà hay, khuếch-nhiên thái công, thuận ứng với vật rất thần-diệu, suy ra việc làm, đạt ra ngôn từ, mở rộng ra mãi như thi, ca, từ, vịnh, cảm xúc từng loài mà phẩm-đề bằng văn, phong vận thiên-nhiên, không cần đến phủ tạc, há lại không phải là có được ở cái ý chí của nguyên-thanh đó hay sao? »

Đặng Thái-Phương 鄧 芳, người huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh bây giờ, thi đỗ ra làm quan được ít lâu, rồi bỏ về ở chỗ thôn-dã, chăm-chỉ đọc sách, nổi tiếng là người có học-thuật uyên-bác. Ông thích xem sách Chu Dịch và đem những lời thuộc về tượng thoán, hànquái dịch ra quốc-âm theo lối văn vần, gọi là Chu Dịch quốc-âm quyết 周 易 國 音 訣. Đời Cảnh-hưng bấy giờ có quan Tham-tụng Nguyễn Hiệu 阮 浩 và quan Bồi-tụng Võ Thuận-trai 武 順 齋 làm tựa khen sách ấy. Đến đời Gia-long triều Nguyễn, Phạm Quí-Thích cũng làm tựa nhắc lại sách ấy. Xem thế, thì các nho-giả đời trước đã muốn lấy quốc-âm mà học tập.

Nguyễn Hiệp 阮 浹, tự là Khải-chuyên 啓 顓, hiệu là Nguyệt-úc 月 澳, biệt hiệu là Hạnh-am 幸 庵. Bởi vì ông làm nhà ở Lục-niên-thành, thuộc huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh ngày nay, cho nên người đời thường gọi là Lục-niên tiên-sinh 六 年 先 生, hay là La-sơn phu-tử 羅 山 夫 子. Hiện nay có bộ La-sơn tiên-sinh thi tập 羅 山 先 生 詩 集 truyền ở đời.

Ông theo cái học của Trình Chu và rất chăm đọc sách Tính-lý, tứ Thư, ngũ Kinh đại-toàn. Ông làm bài Hạnh-am-ký, có đoạn nói rằng: « Cái đạo học của thánh môn thì đã có sách của Liêm-khê, Minh-đạo, Y-xuyên, Hoành-cừ, Khang-tiết và Chu Văn-công, bác văn ước lễ, không thiếu điều gì nữa. Người sinh ra sau những bậc ấy, chỉ lo cái đạo không thi-hành ra, chứ không lo cái đạo không sáng. Kẻ có chí nên nhớ ngầm mà thể-nhận cái thực là đủ, cần gì phải nói nhiều. » Ông đọc sách Tính-lý đại-toàn rồi làm mấy bài thơ, có những câu:

Kinh tàn thánh viễn học mông mông,
經 殘 聖 遠 學 蒙 蒙
Thiên cổ Trình Chu đắc chính tông.
千 古 程 朱 得 正 宗

Hay là:

Thử lý tòng lai cụ thử thân,
此 理 從 來 具 此 身
Ngô nho ưu học bất ưu bần,
吾 儒 憂 學 不 憂 貧
Nghĩa tồn đỉnh hoạch như vô vật,
義 存 鼎 鑊 如 無 物
Đạo khuất lâm tuyền giã khả nhân.
道 屈 林 泉 也 可 人

Xem ý những câu thơ ấy, thì biết cái học của ông sở đắc ở cái học Trình Chu và đã có cái công hàm dưỡng rất sâu ở trong Nho-giáo vậy.

Đến cuối đời Cảnh-hưng nhà Hậu-Lê, tướng Tây-sơn là Nguyễn Huệ, lúc ra đánh Bắc-hà, nghe tiếng ông, sai người đem lễ vật đến mời ông ra giúp, ông nhất định không lấy lễ và không ra. Nguyễn Huệ rất lấy làm tôn trọng và thường cứ cho người đem thư từ đi lại cố mời ông ra giúp việc nước. Ông lấy lẽ già yếu mà từ chối. Mỗi khi Nguyễn Huệ đem vàng lụa cho ông, ông trả lại hết cả, không nhận chút gì. Đến khi Nguyễn Huệ lên làm vua, niên-hiệu là Quang-trung, lại sai quan đến đón ông mấy lần, ông cũng từ chối. Sau ông có làm bài biểu bàn ba điều. Một là bàn quân đức 君 德, khuyên vua học sách thánh hiền để biết rõ cái đạo trị nước. Hai là bàn dân tâm 民 心, khuyên vua nên dùng nhân chính để yên lòng người. Ba là bàn học pháp 學 法, khuyên vua nên mở nhà học nhà hiệu, lấy tam cương ngũ thường mà giữ thế đạo và nhân tâm cho bền vững. Năm sau vua Quang-trung định dời đô về Nghệ-an và lập nhà Sùng-chính thư-viện 崇 正 書 院 để mời ông ra làm viện-trưởng, chỉnh-đốn việc học theo học-qui của Chu-tử. Việc ấy chưa kịp thi-hành thì vua Quang-trung mất.

Vua Quang-trung đãi ông một cách rất đặc-biệt, lúc nào cũng tôn trọng như thầy. Nhưng ông không vì phú quí mà bỏ danh nghĩa của mình, cứ một niềm từ chối cả của-cải và tước vị. Trong những thư từ ông viết cho vua Quang-trung, ông chỉ nói cái tình khổ của dân và xin vua giảm bớt sưu dịch cho dân nhờ.

Có một điều khá lấy làm lạ, là tại làm sao trong những người nho-học ở đất Bắc-hà thủa ấy, vua Quang-trung chỉ tôn trọng có một mình ông, và mỗi lúc đón mời ông, ông không đi, cho gì ông không lấy, thế mà vua không tức giận mà vẫn cứ kính trọng, Hoặc giả là tại lúc ấy những người nho-học có tiếng đều trốn tránh đi hết cả, chỉ có ông cứ nghiễm-nhiên ở nhà dạy học, thấy uy quyền mà không sợ, thấy lợi lộc mà không tham, cho nên vua muốn dùng ông để thu phục kẻ sĩ trong nước chăng. Dẫu thế nào mặc lòng, ở trong một thời loạn như thủa ấy, mà ông giữ được cái danh tiết trong sạch, ấy thật là một người chính-nhân quân-tử, không xấu cái tiếng danh-giáo của nước Việt-Nam ta vậy.

Nước Việt-Nam ta là một nước nhỏ ở bên cạnh nước Tàu, đất hẹp người ít, thế mà từ khi lập nước đến giờ, nhờ có Nho-giáo, đời đời nhân tài bối xuất, người làm tướng văn tướng võ, người đạo-đức văn-chương, người có khí-tiết cao thượng, khá lấy làm vẻ-vang, không phụ cái tiếng là một nước văn-hiến. Song về đường học-thuật và tư-tưởng thì xưa nay ta chỉ theo có mấy lối học của Tàu truyền sang: Trong đời nhà Lý và nhà Trần, thì sự học của ta theo lối huấn-hỗ của Hán-nho và Đường-nho, rồi từ đời nhà Lê về sau, thì theo lối học của Tống-nho, lấy Trình Chu làm tiêu-chuẩn. Ta chỉ quanh quẩn ở trong cái phạm-vi hai lối học ấy; chứ không thoát-ly được, mà sáng lập ra cái học-thuyết nào khác. Sự học của ta có chỗ kém ấy, là bởi khi xưa sự giao-thông không được tiện lợi, sách vở không có đủ mà kê-cứu. Hãy xem như ở bên Tàu, trong đời nhà Minh và nhà Thanh có bao nhiêu học-phái ta cũng không biết. Một cái học như Dương-minh-học dầy khắp cả nước Tàu và tràn sang đến Nhật-bản, mà ở bên ta không thấy ai nói đến. Hoặc giả có người nào biết mà nói ra, thì cũng không có ảnh-hưởng gì đến sự học-thuật.

Phần nhiều người trong nước lại có cái tư-tưởng rằng những điều thánh hiền nói ở trong các Kinh Truyện đã đủ hết cả rồi, không ai biết được hơn nữa, cho nên kẻ học giả chỉ chăm-chăm theo cho đúng những điều ấy mà tiễn-lý thực-hành, chứ không ai để ý mà tìm cho đến cái chân-lý nó thường lưu-hành biến-hóa, không có lức nào nhất-định. Tựu trung cũng có người đạt tới chỗ uyên-thâm của Nho-giáo, song những người ấy lại cho cái học sâu xa là tự mình phải lý hội lấy, chứ không thể lấy văn từ mà tuyên bố ra được. Bởi vậy các tiên-nho ở nước ta chỉ làm văn-thơ để tả cái tính tình của mình mà thôi, không hay làm sách vở bàn đạo-lý để phát-minh cái tư-tưởng. Kết-quả thành ra cái học của Nho-giáo ở nước ta thì rộng khắp cả nước, mà cái học-thuyết thì không thấy có gì là phát-minh thêm ra vậy.

Đến nay người mình thấy Tây-học rực-rỡ mà cái học của ta khi xưa thì mập-mờ không rõ, sách vở không có mấy, liền cho là cái học của ta không có gì. Đó là một điều các học-giả trong nước nên chú-ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình-thức bề ngoài làm hại mất cái tinh-thần cốt-yếu bề trong. Nho-giáo tuy không gây thành được cái văn-minh vật-chất như Tây-học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân-cách, có phẩm giá tôn-quí. Hãy kể có một phương-diện ấy, thiết tưởng cũng đủ làm cho người mình không nên bỏ Nho-giáo vậy.