Pháp lệnh Quy định cấm nấu rượu trái phép nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Pháp lệnh Quy định cấm nấu rượu trái phép nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  (1966) 
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam

Pháp lệnh số 92-LCT được thông qua ngày 13 tháng 10 năm 1966, ban hành và có hiệu lực ngày 27 tháng 10 năm 1966, hết hiệu lực ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà;

Để tiết kiệm lương thực, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân và tăng cường quản lý lao động trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước;

Để đẩy mạnh việc giáo dục nếp sống mới và xoá bỏ tệ nấu rượu trái phép,

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI QUY ĐỊNH.

Điều 1[sửa]

Nghiêm cấm nấu trái phép các loại rượu bằng gạo, ngô, khoai, sắn, đường và mật đường, sản xuất trái phép các loại men để nấu rượu và tàng trữ, chuyên chở hoặc mua bán các loại rượu và men đó.

Điều 2[sửa]

Ai vi phạm Điều 1 trên đây sẽ bị xử lý như sau:

1- Bị xử phạt hành chính từ 20đ đến 100đ,

2- Bị truy tố trước Toà án và có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm và phạt tiền từ 100đ đến 500đ hoặc một trong hai hình phạt đó, nếu phạm vào một trong những trường hợp dưới đây:

- Đã được giáo dục nhiều lần hoặc đã bị xử lý hành chính mà vẫn phạm pháp;

- Khối lượng rượu hoặc men phạm pháp khá lớn;

- Phạm pháp có tổ chức.

Trong trường hợp phạm pháp có nhiều tình tiết nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 1.000 đ hoặc một trong hai hình phạt đó.

Trong mọi trường hợp, tang vật đều bị tịch thu.

Điều 3[sửa]

Việc thống nhất quản lý kinh doanh rượu của cơ quan Nhà nước, việc nấu rượu bằng các nguyên liệu khác ngoài các nguyên liệu nói ở điều 1, cũng như việc sản xuất các loại men do Chính phủ quy định.

Điều 4[sửa]

Hội đồng nhân dân các khu tự trị và Hội đồng nhân dân các tỉnh trực thuộc trung ương có đồng bào miền núi căn cứ vào pháp lệnh này mà quy định cho thích hợp với miền núi.

Những quy định ấy phải được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Điều 5[sửa]

Những quy định trái với pháp lệnh này đều bị bãi bỏ.


Pháp lệnh này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 10 năm 1966.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".