Bước tới nội dung

Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  (1970) 
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam

Pháp lệnh số 150-LCT được thông qua ngày 21 tháng 10 năm 1970, ban hành và có hiệu lực ngày 23 tháng 10 năm 1970, hết hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 1986.

Căn cứ vào Điều 18 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

Để bảo hộ tài sản riêng của công dân, giữ gìn trật tự, trị an, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước;

Để đề cao đạo đức xã hội chủ nghĩa, chống những hành động xâm phạm tài sản riêng của công dân;

Pháp lệnh này quy định việc trừng trị những tội xâm phạm tài sản riêng của công dân,

Chương I. Nguyên tắc chung

[sửa]

Điều 1

[sửa]

Tài sản riêng của công dân được Nhà nước bảo hộ gồm có của cải do sức lao động của công dân làm ra, của cải thu nhập một cách hợp pháp hoặc để dành được, như tiền bạc, lương thực, quần áo, nhà ở, gia súc, xe cộ, tư trang, văn hóa phẩm và đồ dùng riêng khác.

Mọi hành động xâm phạm tài sản riêng của công dân phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Điều 2

[sửa]

Nguyên tắc trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân là nghiêm trị bọn lưu manh chuyên nghiệp, bọn tái phạm, bọn phạm tội có tổ chức, bọn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, bọn gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại; xử nhẹ hoặc miễn hình phạt cho những kẻ tự thú, thật thà hối cải, tố giác đồng bọn hoặc tự nguyện bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Chương II. Tội phạm và hình phạt

[sửa]

Điều 3. Tội cướp tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào dùng bạo lực để chiếm đoạt tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm;

b) Có tổ chức;

c) Dùng vũ khí hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm khác;

d) Gây thương tích nặng hoặc làm chết người;

đ) Cướp một số lớn tài sản hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc bị xử tử hình.

Điều 4. Tội cướp giật tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào cướp giật tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm;

b) Có tổ chức;

c) Hành hung để tẩu thoát;

thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 5. Tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Đốt cháy hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm khác;

b) Có lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

d) Để che giấu tội phạm khác;

thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Điều 6. Tội trộm cắp tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào trộm cắp tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

3. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 7. Tội cưỡng đoạt tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào đe dọa dùng bạo lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người công dân nhằm chiếm đoạt tài sản riêng của người đó thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm;

b) Chiếm đoạt một số lớn tài sản hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 8. Tội lạm dụng chức quyền, để chiếm đoạt tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

Điều 9. Tội lừa đảo để chiếm đoạt tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản riêng của công dân thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm;

b) Có tổ chức;

c) Giả danh hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, xí nghiệp nhà nước, đơn vị bộ đội, đoàn thể nhân dân, hợp tác xã hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm khác;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 10. Tội gian lận để chiếm đoạt tài sản riêng của khách hàng

[sửa]

1. Kẻ nào trong việc mua bán mà cân, đong, đo, đếm hoặc tính gian, không chấp hành chính sách giá cả đã quy định, đánh tráo loại hàng, làm giảm phẩm chất hàng hóa hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác chiếm đoạt tài sản riêng của khách hàng, thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Tái phạm nguy hiểm;

b) Có tổ chức;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 11. Tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào nhận tài sản riêng của công dân để giữ, vận chuyển, gia công, sửa chữa hoặc để làm một việc gì khác mà lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, bớt xén hoặc đánh tráo tài sản đó thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, xí nghiệp nhà nước, đơn vị bộ đội, đoàn thể nhân dân, hợp tác xã hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm khác;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của người bị thiệt hại hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác;

thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.

Điều 12. Tội chiếm giữ trái phép tài sản riêng của công dân

[sửa]

Kẻ nào cố tình chiếm giữ tài sản riêng của công dân bị giao lầm hoặc do mình tìm được, bắt được, đào được mà không nộp cho cơ quan có trách nhiệm hoặc không trả lại cho người có của thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 13. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt

[sửa]

1. Kẻ nào biết rõ là tài sản riêng của công dân đã bị chiếm đoạt mà chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây:

a) Có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm;

b) Có tổ chức;

c) Chứa chấp hoặc tiêu thụ một số lớn tài sản;

thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.

Điều 14. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản riêng của công dân

[sửa]

1. Kẻ nào dùng lửa, điện, chất cháy, chất nổ, chất độc mà vô ý làm cho tài sản riêng của công dân bị hủy hoại hoặc hư hỏng, gây thiệt hại nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Điều 15. Tội bao che cho kẻ xâm phạm tài sản riêng của công dân

[sửa]

Kẻ nào tuy biết là có xảy ra tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố tình cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý kẻ phạm tội, hoặc có hành động đàn áp, trả thù những người phát hiện tội phạm và kẻ phạm tội thì bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Chương III. Điều khoản chung

[sửa]

Điều 16. Hình phạt phụ

[sửa]

Kẻ nào phạm những tội quy định ở Chương II, thì ngoài những hình phạt chính đã ghi ở mỗi điều, còn có thể bị phạt thêm như sau:

1. Phạm một trong những tội quy định ở các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 13, 15 thì có thể bị cấm đảm nhiệm những chức vụ có liên quan trực tiếp đến tài sản xã hội chủ nghĩa từ hai năm đến năm năm.

2. Phạm một trong những tội quy định ở các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 9, 13 trong trường hợp có tính chất chuyên nghiệp, thì có thể bị phạt quản chế, cư trú bắt buộc hoặc cấm cư trú ở một số địa phương từ một năm đến năm năm.

3. Phạm một trong những tội quy định ở các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 13 thì tùy theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm hoặc nguồn thu lợi bất chính mà có thể bị phạt tiền từ 50 đồng đến 3.000 đồng hoặc bị tịch thu một phần hay là toàn bộ tài sản.

Điều 17. Trả lại và bồi thường tài sản riêng của công dân bị xâm phạm

[sửa]

Kẻ phạm tội xâm phạm tài sản riêng của công dân phải trả lại cho người có tài sản đó. Nếu tài sản bị xâm phạm không còn nữa hoặc bị hư hỏng thì kẻ phạm tội phải bồi thường.

Điều 18. Những trường hợp cần xử nặng

[sửa]

Kẻ nào phạm những tội quy định ở Chương II mà tội phạm thuộc vào một hoặc nhiều trường hợp sau đây thì bị xử nặng:

1. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, nơi có chiến sự, có thiên tai hoặc có những khó khăn khác để phạm tội.

2. Cầm đầu việc phạm tội hoặc tích cực thực hiện tội phạm.

3. Tái phạm hoặc kẻ phạm tội là phần tử xấu.

4. Phạm tội gây thiệt hại nặng.

Điều 19. Những trường hợp xử nhẹ hoặc miễn hình phạt

[sửa]

Kẻ nào phạm những tội quy định ở Chương II mà tội phạm thuộc vào một hoặc nhiều trường hợp sau đây thì được xử nhẹ hoặc miễn hình phạt:

1. Tội phạm chưa bị phát giác mà kẻ phạm tội thành thật thú tội với cơ quan chuyên trách, khai rõ hành động của mình và của đồng bọn.

2. Kẻ phạm tội đã có những hành động ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

3. Trước khi bị xét xử, kẻ phạm tội tự nguyện bồi thường hoặc sửa chữa thiệt hại đã gây ra.

4. Phạm tội gây thiệt hại không lớn.

Điều 20. Áp dụng nguyên tắc tương tự

[sửa]

1. Đối với những tội xâm phạm tài sản riêng của công dân chưa quy định trong Pháp lệnh này thì áp dụng những điều về tội phạm tương tự trong Pháp lệnh này mà xét xử.

2. Đối với những tội xâm phạm tem phiếu của công dân dùng để nhận phân phối hàng hóa của Nhà nước thì áp dụng những hình phạt quy định trong Pháp lệnh này.

3. Đối với những tội xâm phạm tài sản của các tổ chức không phải là tổ chức xã hội chủ nghĩa thì áp dụng những điều khoản trong Pháp lệnh này mà xét xử.

4. Đối với những tội xâm phạm tài sản riêng của người nước ngoài thì áp dụng những điều khoản trong Pháp lệnh này mà xét xử.

Điều 21. Hiệu lực của Pháp lệnh

[sửa]

1. Những tội xâm phạm tài sản riêng của công dân đã phạm trước ngày công bố Pháp lệnh này, nhưng chưa bị xét xử, thì xét xử theo Pháp lệnh này.

2. Những điều quy định trước đây trái với Pháp lệnh này thì nay bãi bỏ.


Pháp lệnh này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 1970.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".