Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Để góp phần bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và pháp luật, tăng cường quản lý Nhà nước; khuyến khích cán bộ, nhân viên nêu cao đức tính liêm khiết; động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ tập thể, tích cực đấu tranh chống tệ hối lộ;
Căn cứ vào Nghị quyết ngày 18 tháng 12 năm 1980 của Quốc hội quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định việc trừng trị tội hối lộ.
Điều 1
[sửa]Tội hối lộ bao gồm: Nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Điều 2
[sửa]Nhận hối lộ.
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào rồi mới làm một việc thuộc trách nhiệm của mình hoặc để không làm một việc phải làm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm; nếu lạm dụng chức vụ, quyền hạn để làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm.
Người đòi hối lộ mặc dù chưa nhận của hối lộ cũng bị xử phạt theo hình phạt nói trên.
Điều 3
[sửa]Đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
Người nào đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Điều 4
[sửa]Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức, có quyền để phạm tội.
Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm những việc nói ở Điều 2 thì bị xử phạt theo Điều 2.
Điều 5
[sửa]Những trường hợp cần xử nặng.
Người nhận hối lộ, đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù đến 15 năm:
a) Phạm tội hối lộ có tổ chức,
b) Phạm tội hối lộ nhiều lần,
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để thực hành hối lộ,
d) Của hối lộ có giá trị lớn,
đ) Lợi dụng chức vụ cao để nhận hối lộ,
e) Phạm tội hối lộ gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 6
[sửa]Những trường hợp phạm tội hối lộ đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm tội hối lộ mà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Phạm tội hối lộ nhằm mục đích phản cách mạng thì người phạm tội còn bị trừng trị theo pháp luật hiện hành đối với tội phản cách mạng.
Điều 7
[sửa]Phạt tiền và tịch thu tài sản.
Người phạm tội hối lộ nói ở Điều 2 và Điều 3 của Pháp lệnh này còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần giá trị của hối lộ.
Người phạm tội hối lộ nói ở Điều 5 và Điều 6 có thể bị phạt tiền đến 5 lần giá trị của hối lộ hoặc bị tịch thu một phần hay là toàn bộ tài sản của mình.
Điều 8
[sửa]Những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt.
1- Người phạm tội hối lộ, trước khi bị phát giác, chủ động khai rõ sự việc, giao nộp đầy đủ của hối lộ, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự; nếu là phạm tội nghiêm trọng thì có thể được giảm nhẹ hình phạt.
2- Người phạm tội hối lộ, sau khi bị phát giác, tỏ ra thành thực hối cải, khai rõ sự việc, giao nộp đầy đủ của hối lộ, thì có thể được giảm nhẹ hình phạt.
3- Người phạm tội hối lộ lần đầu và không nghiêm trọng, sau khi bị phát giác, tỏ ra thành thực hối cải, khai rõ sự việc, giao nộp đầy đủ của hối lộ, thì có thể được miễn hình phạt.
Điều 9
[sửa]Trường hợp được coi là không có tội.
Người bị ép buộc đưa hội lộ, nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội.
Điều 10
[sửa]Xử lý hành vi trả thù người tố giác.
1- Người nào có hành vi trả thù người tố giác thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 6 năm.
2- Nếu hành vi trả thù là một tội phạm mà pháp luật khác quy định hình phạt nặng hơn, thì người phạm tội bị xử phạt theo pháp luật đó.
Điều 11
[sửa]Xử lý của hối lộ.
1- Của hối lộ và tài sản do hối lộ mà có đều bị Nhà nước tịch thu; nếu đã tiêu dùng rồi, thì người phạm tội hối lộ phải nộp lại Nhà nước bằng tiền.
2- Trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự nói ở điểm 1 Điều 8 của Pháp lệnh này, người đưa hội lộ được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ; nếu người nhận hối lộ đã tiêu dùng rồi, thì phải trả lại bằng tiền cho người đưa hối lộ.
3- Người bị ép buộc đưa hối lộ nói ở Điều 9 của Pháp lệnh này được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Điều 12
[sửa]Khen thưởng
1- Những người không nhận hối lộ và tố giác cơ quan có trách nhiệm người đưa hối lộ hoặc người môi giới hối lộ thì được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
2- Những người tố giác và giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm trừng trị tội hối lộ thì được khen và được thưởng tiền bằng 10% giá trị của hội lộ đã bị tịch thu, mức thưởng cao nhất không quá 10.000 đồng.
Điều 13
[sửa]Hiệu lực của Pháp lệnh.
1- Đối với những tội hối lộ đã được phát hiện trước ngày công bố Pháp lệnh này mà chưa bị xét xử, thì xét xử theo Pháp lệnh này.
2- Pháp lệnh này thay thế các văn bản pháp luật về tội hối lộ đã được ban hành trước đây.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".