Pháp lệnh sửa đổi Điều 15 của Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của các Tòa án nhân dân địa phương ngày 23-3-1961 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trang này hiển thị văn bản gốc của văn bản sửa đổi, bổ sung như nó đã được ban hành ban đầu. Văn bản sửa đổi, bổ sung sẽ được hợp nhất vào văn bản được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Căn cứ vào điều 5 của Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 14 tháng 7 năm 1960;
Xét thấy cần phải điều chỉnh số thẩm phán và uỷ viên Uỷ ban thẩm phán của một số Toà án nhân dân địa phương để bảo đảm cho các Toà án đó đáp ứng được yêu cầu công tác;
Theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao,
QUYẾT ĐỊNH
Nay thay Điều 15 của pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương ngày 23 tháng 3 năm 1961, bằng Điều 15 (mới) sau đây:
Điều 15 (mới).- Chánh án, Phó chánh án và các thẩm phán của các TOà án nhân dân địa phương các cấp do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.
Các uỷ viên Uỷ ban thẩm phán của các Toà án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.
Chánh án, Phó chánh án, các thẩm phán và uỷ viên Uỷ ban thẩm phán có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Số thẩm phán của các Toà án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, kể cả Chánh án và Phó chánh án, có từ bốn đến mười một người. Số uỷ viên Uỷ ban thẩm phán của các Toà án nhân dân đó có từ ba đến bảy người.
Số thẩm phán của các Toà án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương, kể cả Chánh án và Phó chánh án, không quá năm người.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao căn cứ vào yêu cầu công tác của mỗi Toà án nhân dân địa phương mà hướng dẫn cụ thể về số thẩm phán và uỷ viên Uỷ ban thẩm phán cần bầu trong phạm vi quy định nói trên.
Pháp lệnh này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua tại Hà nội ngày 15 tháng 1 năm 1970.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".