Bước tới nội dung

Phát biểu khai mạc của Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius tại Tọa đàm về Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phát biểu khai mạc của Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius tại Toạ đàm về Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam  (2016) 
của Ted Osius, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Phát biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trong buổi tọa đàm về quan hệ hai nước vào ngày 5 tháng 4 năm 2016 tại Hà Nội, do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) tổ chức trong bối cảnh trước thềm chuyến thăm hữu nghị của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam.


Do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) tổ chức
Ngày 5 tháng 4 năm 2016
(Soạn để đọc)


Chào tất cả quý vị!
Tôi xin cảm ơn Đại sứ Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường và CSSD đã mời tôi tới đây hôm nay để cùng tham gia thảo luận với quý vị. Tôi luôn đánh giá cao những ý kiến rất sâu sắc của Đại sứ Trường. Trong căn phòng này, tôi rất vui được gặp lại nhiều người bạn đã thân quen và gặp thêm những người bạn mới.

Hôm nay là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng trao đổi ý kiến với tư cách bạn bè về những tiềm năng của mối quan hệ giữa hai nước; cũng như có thể cùng đưa ra những ý tưởng cho chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào tháng Năm tới. Tôi sẽ phát biểu ngắn gọn, bởi vì tôi muốn được nghe những ý kiến và những đề xuất của quý vị về phương hướng phát triển quan hệ song phương của chúng ta trong thời gian tới. Tôi xin được chia sẻ ý kiến về 3 nội dung và nêu một vài câu hỏi để chúng ta bắt đầu thảo luận.

Thứ nhất, quan hệ giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2013 khi chúng ta khởi động mối quan hệ Đối tác Toàn diện. Trong khuôn khổ quan hệ đối tác đó, chúng ta đã đạt được tiến bộ trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu, sức khoẻ toàn cầu, đến hợp tác về an ninh và cả trong những lĩnh vực đầy thách thức như lĩnh vực nhân quyền mà chúng ta đã và đang thảo luận thẳng thắn và thực chất với sự tôn trọng lẫn nhau.

Trong bối cảnh đó, năm ngoái chúng ta đã chứng kiến hai sự kiện lịch sử - mà đều là kết quả trực tiếp của mối quan hệ Đối tác Toàn diện. Sự kiện thứ nhất là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng, cho thấy rằng các nước có hệ thống chính trị khác nhau có thể tôn trọng lẫn nhau và cùng làm việc về những vấn đề chiến lược. Sự kiện thứ hai là hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương. Hiệp định này thể hiện cam kết của cả hai chính phủ về mở rộng các cơ hội thương mại và đầu tư, ghi nhận thực tế rằng quan hệ kinh tế ngày càng phát triển của chúng ta đã mang lại những lợi ích to lớn cho cả nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.

Vấn đề thứ hai mà tôi muốn thảo luận, tất nhiên, là chuyến thăm sắp tới của ngài Tổng thống. Khi Tổng thống Obama tới Việt Nam, ông sẽ mang theo một thông điệp về quan hệ đối tác và sự tôn trọng lẫn nhau. Và, như bất cứ Tổng thống Hoa Kỳ nào khác, ông sẽ thể hiện lời nói bằng những hành động cụ thể. Hiện nay chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam và các bên hữu quan để xác định những việc chúng ta có thể làm. Người ta hay gọi đó là “deliverables - những kết quả có thể đạt được”, nhưng chúng tôi gọi là “joint endeavors - những nỗ lực chung”, bởi vì hàng ngày Hoa Kỳ và Việt Nam cùng làm việc với tinh thần đối tác thực sự để xây dựng những mối liên kết chặt chẽ hơn. Tôi tin rằng điều quan trọng là những nỗ lực chung của chúng ta thể hiện thành công của mối quan hệ Đối tác Toàn diện – nghĩa là cho thấy tiến triển trong các lĩnh vực hợp tác về y tế, giáo dục, kinh tế, thương mại, nhân quyền, thực thi pháp luật và quan hệ quân sự.

Nội dung thứ ba mà tôi muốn đề cập là về tiềm năng thực sự của quan hệ song phương. Khi hai nước chúng ta cùng nhau hợp tác chặt chẽ về những vấn đề như vấn đề sức khoẻ toàn cầu, chống phổ biến hạt nhân hay hoạt động gìn giữ hoà bình, thì chúng ta không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Chúng ta thể hiện rằng chúng ta chia sẻ một tầm nhìn chiến lược chung đối với cộng đồng quốc tế, và một cam kết cùng làm việc để thúc đẩy hoà bình, ổn định và luật pháp quốc tế. Tôi thừa nhận rằng đây là một mục tiêu đầy tham vọng – nhưng tôi lại tự hỏi “Sao lại không nhỉ?” Sao quân đội hai nước chúng ta không cùng nhau hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc? Sao quân đội và chính phủ hai nước chúng ta không cùng nhau hợp tác để đảm bảo hoà bình, ổn định và luật pháp quốc tế được bảo vệ tại Biển Đông? Sao chính phủ hai nước chúng ta không cùng nhau hợp tác để bảo vệ các quyền của tất cả công dân? – giống như chúng ta đã làm năm ngoái tại Hội đồng Nhân quyền để bảo vệ những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) khỏi bị phân biệt đối xử và bạo hành. Sao các lãnh đạo ngành y tế của hai nước không cùng nhau hợp tác để bảo vệ nhân dân chúng ta chống lại các nguy cơ dịch bệnh mới nổi? Và sao các nhà khoa học của chúng ta không cùng nhau hợp tác để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu? Trong tất cả những lĩnh vực đó, quan hệ hợp tác của chúng ta đã thể hiện rằng chúng ta có thể là những đối tác thực sự. Tôi muốn được biết những việc tiếp theo chúng ta có thể làm. Khi mối quan hệ của chúng ta thúc đẩy hoà bình, ổn định và luật pháp quốc tế, thì đó là lúc quan hệ song phương của chúng ta sẽ đạt được đầy đủ tiềm năng.

Tôi xin dừng lời tại đây để lắng nghe ý kiến của quý vị. Một lần nữa, tôi cảm ơn Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường về cơ hội được tham gia cùng quý vị hôm nay để chia sẻ một số suy nghĩ của tôi. Tôi mong đợi được thảo luận thẳng thắng và gợi mở cùng quý vị.

Xin cảm ơn!

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: