Phê bình: Cuộc Toàn kỳ Hội nghị của nhân dân Trung Kỳ họp ngày 20 Septembre 1936

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phê bình: Cuộc Toàn kỳ Hội nghị của nhân dân Trung Kỳ họp ngày 20 Septembre 1936  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 10 (2 Octobre 1936), trang 7.

Toàn kỳ Hội nghị!

Cái tên, nghe nó kêu làm sao! Cái ngày, hôm nay nghĩ lại, nó vinh dự làm sao! Hy hữu làm sao! Ta nên lặp lại một lần nữa kẻo hoài:

Toàn kỳ Hội nghị!

Cái ngày ấy, phải chi chúng ta biết khu xử nó, biết lợi dụng nó thì chẳng những được việc cho ta mà chớ, lại còn sẽ mở cho sau này bao nhiêu ngày khác cũng vinh dự như thế nữa. Tiếc thay chúng ta đã vô tình mà giết nó. Ngày ấy chết. Chúng ta thất bại trong một cái cơ cuộc đáng lẽ là thành công!

Tôi đem cái ngày ấy ra phê bình, chẳng có ý đổ lỗi cho ai, cho một đảng phái nào; chỉ có ý nêu việc nầy lên như một cái gương sáng, hầu cho rày về sau, ai đứng ra làm việc công, có muốn nên việc thì coi lấy lần thất bại nầy mà hành động.

Không có tiên kiến, không có can đảm, không có quả quyết, không có trí ứng biến lúc lâm thời, những người ấy không nên đứng ra đương lấy một việc lớn, nhất là không nên đứng ra điều khiển một đám đông. Mà còn những người có ý liều lĩnh, chia rẽ, tham lam, toan sự khoái ý trong một lúc mà không kể chi việc thành hay bại, thì cũng chẳng nên dự vào việc của công chúng nữa, vì những cái ý ấy sẽ làm hỏng việc.

Không phải tôi trọng thị cái ngày hội nghị ấy đến nỗi tưởng nó tạo được hạnh phúc cho chúng ta đâu. Cho nó là vinh dự, là hy hữu, chẳng qua vì tôi thấy nó là một ngày mà lâu nay chưa hề có. Giữa đất Huế nầy, hơn năm trăm người nhóm lại bàn những việc lớn mà không hề xảy ra một sự gì đáng trách, điều đó há chẳng đủ tỏ ra một dấu tiến bộ của dân Việt Nam? Nếu biết dè dặt một chút, hoạt động có chừng trong cái nề nếp ấy, há chẳng đủ cấp cho chánh phủ một cái tang chứng rằng chúng ta ngày nay đã tự mình làm việc cho mình được rồi?

Chỉ trong một khoảnh khắc bỏ chân, bỏ qua bên nầy thì thành, bỏ qua bên kia thì bại. Thành, vẫn biết rằng chẳng lấy gì làm vinh cho lắm; nhưng, bại, hẳn là nhục!

Nhục là nhục cho hết thảy năm trăm người có mặt ở đó, và cũng có thể nói nhục cho hết thảy dân Trung Kỳ, chứ chẳng nhục gì một mình ai. Nhưng, đối với người nào biết nghĩ thì cái nhục cho đông người mới là khó chịu hơn cái nhục cho một người.

Biết nhục rồi, chúng tôi hôm nay mới căn cứ vào pháp luật, vào hoàn cảnh, vào tình thế mà viết bài nầy để kể lể với anh em chứ chẳng phải để mắng vốn anh em.

*

* *

Cho được bày tỏ dân nguyện trước mặt Ủy ban Điều tra bên Pháp sẽ phái qua, đồng bào ở Nam Kỳ xướng lập ra Đông Dương đại hội nghị. Đã lâu mà ở Trung Kỳ chẳng có ai hưởng ứng hết. Ba ông Dân biểu trong ban Thường trực ở Huế, chắc cũng nghĩ đến cái bổn phận mình thay mặt cho dân, nếu làm thinh thì còn ai coi ra gì nữa, bèn đứng ra hiệu triệu các giới trong cõi Trung Kỳ.

Ba ông ấy làm như thế nầy: Trước hết, ở Huế đây, họ đặt giấy mời đi mời các giới như báo giới, học giới, y giới, v.v... Mỗi giới bao nhiêu người đến tại Viện Dân biểu mở cuộc hội nghị riêng. Tức như cuộc hội nghị của báo giới ngày 7 Septembre, kết quả có đăng ở báo Sông Hương và nhiều báo khác. Lại còn gởi giấy cho những người tai mắt khắp 13 tỉnh, hỏi từng người về ý kiến trong việc thỉnh nguyện.

Làm như thế, tưởng còn chưa đủ, ba người đó mời mấy người ở Huế lập thành một tiểu ban gồm bảy người. Cái tiểu ban này có đặt ra thường vụ sở, có đăng báo tuyên bố sự hành động của mình: hằng ngày tiếp những người đến tỏ bày ý kiến và thu nhận những ý kiến thơ ở các nơi gởi về.

Tiểu ban có hai nhân vật trọng yếu: ông Phạm Văn Quảng làm chủ tịch, đứng đầu xin phép Chánh phủ mở Toàn kỳ Hội nghị ngày 20; ông Nguyễn Quý Hương làm báo cáo viên, nhặt ở bao nhiêu ý kiến đưa đến, thảo tờ báo cáo kể cái kết quả làm việc của tiểu ban.

Ta nên chú ý nhất ở sự xin phép. Cái phép ấy xin để làm gì và Chánh phủ đã cho phép thế nào?

Một đằng xin và một đằng cho đều chỉ có một việc: ngày 20 tháng chín Tây, nhóm người các giới của các tỉnh Trung Kỳ tại Viện Dân biểu thảo luận và giải quyết một lần cuối cùng về các vấn đề kinh tế, chánh trị, xã hội hầu thành tập thỉnh nguyện của nhân dân.

Trên kia tôi có dùng chữ "pháp luật" là dùng nghĩa rộng. Ý tôi muốn nói: pháp luật có tính chất nhất định; sự xin phép nhóm họp như thế là sự ở trong phạm vi pháp luật, nó cũng phải nhất định: xin thế nào thì làm thế ấy.

Huống chi hoàn cảnh và tình thế ở Trung Kỳ có khác Nam Kỳ. Ở đây mà muốn làm cái việc Nam Kỳ toan làm, thì việc ấy không bao giờ thành được.

Thế mà đến ngày 20, sau khi ước hơn năm trăm người đến đông đủ rồi, sau khi tuyên bố khai hội rồi, cục diện của Hội nghị bỗng xoay qua hướng khác.

Công chúng bầu ông Nguyễn Trác lên làm chủ tịch cuộc Hội nghị. Ông Trác liền tuyên bố cuộc Hội nghị nầy vẫn còn là tạm thời, đợi xin phép khác, mở hội nghị lần thứ hai, bấy giờ mới là chính thức.

Theo người ta nói thì công chúng có mặt hôm ấy không công nhận cái tiểu ban làm việc mấy ngày trước, cho rằng đó chỉ là một nhóm phú hào, không có tư cách đại biểu cho bình dân là đại đa số người Trung Kỳ; cho nên họ muốn xoá bỏ hết mà bắt đầu từ ngày hôm nay làm ra như một việc mới.

Tôi không cãi chỗ đó. Tôi cho cái điều họ nghĩ dù phải đi nữa là cái câu tuyên bố của ông chủ tịch Trác cũng ngang phè. Ngang vì nó mất sự căn cứ ở pháp luật, xoay sự nhất định ra thành bất nhất định.

Thực ra thì tiểu ban hôm ấy, trước khi nó giải tán, nó có cái quyền vô thượng giữa hội nghị mà nó không biết sử dụng cái quyền ấy. Vì tiểu ban đã đứng xin phép, đã đứng triệu tập người các giới, người các giới đã vui lòng đến với nó thì phải làm theo công việc nó đã chỉ định. Ai không làm theo nó, nó có quyền mời họ ra đi.

Vậy mà trong lúc ông chủ tịch Trác xoay hướng cuộc Hội nghị, năm trăm người phụ họa theo, rồi cả tiểu ban cũng nghe thim thíp. Trong đó có một người ‒ là tôi ‒ đứng ra tỏ ý phản đối, bị năm trăm người xuỵt cho, người ấy nhân đó bỏ ra về, đoán rằng việc phải hỏng thì quả nhiên là hỏng.[1]

Việc này không phải hỏng về sau mà hỏng ngay từ lúc ấy: hỏng từ lúc ông chủ tịch cùng cử tọa đồng lòng xoay hướng cuộc Hội nghị.

Cơ chi họ cứ làm việc trong vòng pháp luật, chú ý ở hoàn cảnh và tình thế, lấy năm trăm người giải quyết các vấn đề và thảo tập thỉnh nguyện ngay trong buổi nhóm ấy thì việc đã thành rồi.

Cái việc như thế mà có thành đi nữa cũng chẳng phải vinh diệu chi; nhưng được cái khỏi thất bại một cách nhục nhã.

Không làm như thế, để năm trăm người cử ra một ủy ban 26 người, làm việc được hai ngày rồi ủy ban ấy bỗng tự hành giải tán. Hỏi tại sao mà giải tán? Không có thể tiến hành được nữa thì phải giải tán chứ hà tất phải có tại sao!

Tiến hành nữa làm sao được mà mình đã toan làm một việc ngoài pháp luật, nghịch với hoàn cảnh, với tình thế?

Thất bại! Nhục nhã! Ấy là chưa kể đến những trò trẻ con diễn ra giữa ủy ban 26 người trong hai hôm sau.

Hôm trước, tiểu ban có cử một đoàn đại biểu đến xin ông Huỳnh Thúc Kháng gia nhập, nói thiếu đều rớt răng mà ông không chịu gia nhập. Hôm nay năm trăm người chịu khó ở từ tỉnh nhà đi đến Huế, gây ra một cơ hội để tặng cho ông những chữ: "Lão thành trì trọng, hữu tiên kiến chi minh !"

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tôi nói hai lần, mỗi lần chỉ vài câu. Lần trước tôi đứng lên xin hội nghị để ý đến cuộc hội nghị thứ hai, liệu có thể xin phép được không. Ông Nguyễn Trác trả lời: "Xin chắc được, vì chánh phủ bao giờ cũng rộng lượng". Thế rồi công chúng vỗ tay rùm lên, biểu thị tán thành ông Trác để chế tôi. Lần sau tôi nói: "Hội nghị làm thế này là trái với tiểu ban định hôm trước, tôi không đồng ý. Tôi đã trái với 500 người ở đây thì tôi xin ra". Nói xong, tôi đi. Liền có mấy người nào đó bảo tôi cử chỉ như thế là vô phép và hết thảy xúm nhau xuỵt tôi.
    Lần khác, có người cử tôi vào một chân trong ủy ban. Có người khác cản lại, nói: "Nên để ông Phan Khôi ra ngoài, vì hôm trước giữa hội nghị báo giới, ông được bầu làm chủ tịch mà ông có nói: Tôi làm việc này không sốt sắng bằng làm báo Sông Hương của tôi". Tôi đáp rằng: "Thật quả có thế, tôi không thiết".
    Báo Tràng An có thuật lại việc này mà thuật sai hết cả, đến nỗi nói có người bảo tôi: "nên đi về". Lời ấy vô lý quá. Có ai lại lỗ mãng đến đuổi một người giữa cuộc hội nghị bao giờ. Nhân tiện, có làm sao tôi thuật lại làm vậy ở đây cho đúng sự thực. ‒ P. K. (nguyên chú của Phan Khôi).